Quan điểm truyền thông quốc tế (ngày 5-5-2005)

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Chuyến viếng thăm Bắc Kinh của người lãnh đạo Quốc Dân Ðảng Trung Hoa, tân Chính Phủ Iraq tuyên thệ nhậm chức và 30 năm sau ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc là những đề tài được báo chí thế giới nói đến trong 7 ngày qua.

0:00 / 0:00
LienChien_HoCamDao200.jpg
Lãnh đạo Liên Chiến của Quốc Dân Ðảng gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Ðào tại Bắc Kinh hôm 29-4-2005. AFP PHOTO

Chúng tôi xin được mở đầu với chuyến viếng thăm Hoa Lục mới hoàn tất của ông Liên Chiến, lãnh tụ của Quốc Dân Ðảng Trung Hoa và của ông Tống Sở Lẫm, lãnh tụ đảng Dân Tiên, vừa đến Bắc Kinh ngày hôm qua.

Trái banh hiện nằm trên sân của ông Trần Thủy Biển

Tờ The South China Morning Post ở Hồng Kông viết rằng sau chuyến đi lịch sử của người lãnh đạo Quốc Dân Ðảng, trái banh hiện nằm trên sân của ông Trần Thủy Biển, là người đang điều khiển chính trường Ðài Bắc.

“Cuộc gặp gỡ lịch sử diễn ra hồi tuần trước giữa lãnh tụ Liên Chiến của Quốc Dân Ðảng và Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào đã tạo sinh khí mới, thay thế cho những lời chỉ trích qua lại trong mối quan hệ giữa Ðài Bắc và Bắc Kinh mà chúng ta thường thấy trước đây. Vấn đề còn lại là vì quyền lợi của cá nhân và của Ðài Loan, ông Trần Thủy Biển phải quyết định xem có tham dự vào hay không.”

Tờ The Strait Times ở Singapore không chỉ đưa ra nhận định tương tự mà còn đi xa hơn nữa, cho rằng sự có mặt của ông Liên Chiến và ông Tống Sở Lẫm ở Bắc Kinh khiến người ta liên tưởng đến hình ảnh của những người con đã đi xa bây giờ trở về lại quê cũ.

Cuộc gặp gỡ lịch sử diễn ra hồi tuần trước giữa lãnh tụ Liên Chiến của Quốc Dân Ðảng và Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào đã tạo sinh khí mới, thay thế cho những lời chỉ trích qua lại trong mối quan hệ giữa Ðài Bắc và Bắc Kinh mà chúng ta thường thấy trước đây.

“Lịch sử đã thật sự chuyển mình. Hôm qua, ông Tống Sở Lẫm, một chính khách đối lập khác của Ðài Loan đã bắt lấy cơ hội để sang thăm Bắc Kinh, tạo thêm thuận lợi cho mối quan hệ giữa Ðài Bắc và Hoa Lục.

Rải rác đâu đó là hình ảnh của ông Trần Thủy Biển viếng thăm một vài nước ở những vùng đảo san hô Nam Thái Bình Dương để cám ơn họ duy trì quan hệ ngoại giao với Ðài Bắc. Thành quả mà ông Liên Chiến đạt được khi gặp gỡ chủ tịch Hồ Cẩm Ðào là tạo dựng những điều kiện vững vàng cho sự hợp tác giữa Hoa Lục và Ðài Loan.

Lời hứa hẹn thành lập một thị trường như kiểu thị trường chung mà Bắc Kinh đưa ra là một bước tiến chiến thuật đáng ngợi khen, vì sẽ giúp cho Ðài Loan hoàn tất tiến trình hòa hợp với thị trường của Ðại Lục.”

Vai trò lịch sử

Tờ Thống Nhất Nhật Báo ở Ðài Loan tin rằng ông Liên Chiến sẽ thật sự đóng một vai trò lịch sử, nếu ông thúc đẩy được hai bên ngồi xuống thảo luận với nhau. Cũng ở Ðài Bắc, tờ Trung Quốc Thời Báo kêu gọi Chính Quyền đừng cản trở những nỗ lực mà tờ báo gọi là giúp giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Tờ báo viết:

Bên này của eo biển Ðài Loan không thể nào tuyên bố độc lập được, bên kia eo biển cũng chẳng bao giờ có thể sử dụng giải pháp quân sự để thống nhất đất nước, vì thế, cả hai phía nên lợi dụng lúc tình hình đang ổn định như bây giờ để tìm đường hướng tốt đẹp nhất và cải thiện quan hệ.

“Bên này của eo biển Ðài Loan không thể nào tuyên bố độc lập được, bên kia eo biển cũng chẳng bao giờ có thể sử dụng giải pháp quân sự để thống nhất đất nước, vì thế, cả hai phía nên lợi dụng lúc tình hình đang ổn định như bây giờ để tìm đường hướng tốt đẹp nhất và cải thiện quan hệ.”

Cũng trong bài bình luận, tờ Thống Nhất Nhật Báo còn cho rằng Chính Quyền của Tổng Thống Trần Thủy Biển đừng vội vã đưa ra những lời chỉ trích việc làm của phe đối lập, mà phải biết sử dụng những điểm lợi để hoạch định chính sách cho đúng đắn hơn, trước khi đi đến kết luận:

“Có nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng Thống Trần Thủy Biển biết con đường tiến đến tuyên bố độc lập cho Ðài Loan là con đường tự lừa dối chính mình và không thể thực hiện được. Ba năm cuối của nhiệm kỳ thứ hai sẽ trôi qua rất nhanh, nhưng cũng đủ để ông Trần Thủy Biển hành động, nếu ông ta biết nắm lấy những thuận lợi của các chuyến đi của hai ông Liên Chiến và ông Tống Sở Lẫm.”

Tân chính phủ Iraq tuyên thệ nhậm chức

Thứ ba tuần này, tân Chính Phủ Iraq đã tuyên thệ nhậm chức. Mặc dù mất 3 tháng trời để dàn xếp, nhưng tân Chính Phủ Baghdad vẫn chưa thật sự thành hình vì vẫn còn 2 ghế Phó Thủ Tướng và 5 ghế Bộ Trưởng chưa có người nắm giữ.

Dù vậy, hầu hết báo chí khắp nơi vẫn coi buổi lễ nhậm chức và những lời cam kết mà tân Thủ Tướng al-Jaafari đưa ra là một dấu hiệu chứng tỏ Iraq đang trên đường tiến đến mục tiêu đã đề ra là xây dựng tự do và dân chủ bằng một Chính Quyền do dân và vì dân:

Mặc dù đã có những tiến bộ, nhưng ổn định vẫn là điều rất xa vời. Thứ nhất, tiến trình đi đến dân chủ quá chông gai. Các chính trị mất tới 3 tháng trời để tranh cãi về chuyện chia ghế trong nội các. Dưới áp lực của Washington, Thủ Tướng al-Jaafari cuối cùng cũng đã lập được Chính Phủ nhưng không đầy đủ, hai ghế bộ trưởng quốc phòng và dầu hỏa vẫn còn bỏ trống.

“Tôi đảm bảo là những hy sinh của người dân Iraq sẽ không bao giờ bị quên lãng. Tôi đảm bảo với nhân dân là Chính Phủ sẽ xây dựng một hệ thống công quyền minh bạch, một hệ thống tư pháp phân minh, và sẽ xây dựng được lổn định, an ninh và hòa bình cho quốc gia. Tôi muốn nói với những người dân Iraq nghèo khổ là tài nguyên quốc gia sẽ thuộc về họ.”

Nhưng bên cạnh những hứa hẹn của tân Thủ Tướng al-Jaafari được người phiên dịch dẫn giải bằng tiếng Anh mà chúng tôi vừa gửi đến quý vị, điều không thể chối cãi được là vẫn có rất nhiều lo âu. Chúng tôi xin trích dẫn một bài bình luận đăng tải trên báo chí Pháp.

“Mặc dù đã có những tiến bộ, nhưng ổn định vẫn là điều rất xa vời. Thứ nhất, tiến trình đi đến dân chủ quá chông gai. Các chính trị mất tới 3 tháng trời để tranh cãi về chuyện chia ghế trong nội các. Dưới áp lực của Washington, Thủ Tướng al-Jaafari cuối cùng cũng đã lập được Chính Phủ nhưng không đầy đủ, hai ghế bộ trưởng quốc phòng và dầu hỏa vẫn còn bỏ trống.

Thứ nhì và trên tất cả là Iraq vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh. Hàng ngày, Iraq dồn dập bị tấn công bởi những vụ đánh phá, ám sát, và trong nỗi kinh hoàng vì những vụ bắt cóc liên tục xảy ra.”

Hướng đi cho thời đại mới Châu Á

Báo chí thế giới cũng chú ý đến việc cả Ấn Ðộ lẫn Nhật Bản đều đang nỗ lực mở rộng quan hệ, theo đúng hướng đi cho một thời đại mới ở Châu Á mà hai vị Thủ Tướng Manmohan Singh của Ấn và Koizumi của Nhật Bản đều nói đến. Trên tờ The International Herald Tribune, nhà bình luận Sunanda Datta-Ray cho rằng cả hai cường quốc Châu Á này đang có cùng một mục đích.

“Cả 2 nước đều nhắm vào ghế thành viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Kinh tế Ấn Ðộ đang phát triển tốt, Nhật Bản lại cần có bạn để cản bớt sự bực tức của Trung Quốc và với thời chiến tranh lạnh đã dần dần lùi vào quá khứ, ngay cả Hoa Kỳ cũng phải đánh giá cao sự hợp tác của Ấn.

Cả 2 nước đều nhắm vào ghế thành viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Kinh tế Ấn Ðộ đang phát triển tốt, Nhật Bản lại cần có bạn để cản bớt sự bực tức của Trung Quốc và với thời chiến tranh lạnh đã dần dần lùi vào quá khứ, ngay cả Hoa Kỳ cũng phải đánh giá cao sự hợp tác của Ấn.

Nhưng dù Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush không phản đối chuyện Hội Ðồng Bảo An có thêm bao nhiêu thành viên thường trực đi chăng nữa thì Pakistan cũng chẳng muốn Ấn Ðộ được chọn và quan trong hơn nữa là Trung Quốc chẳng muốn thấy Nhật Bản ngồi chung bàn họp.

Vì những lý do đó, Nhật Bản đưa ra hai chiến lược. Với thế giới, việc mở rộng Hội Ðồng Bảo An để đón nhận Nhật Bản, Ấn Ðộ, Ðức và Brazil sẽ xóa bỏ tầm quan trọng mà 5 nước thành viên hiện giờ đang nắm trong tay. Với khu vực, hợp tác giữa các nước Ðông Á với Ấn Ðộ, Australia và Hoa Kỳ sẽ làm giảm bớt thế lực của Trung Quốc, là nước vững mạnh nhất ở Châu Á hiện giờ. Và cũng vì thế mà Nhật Bản đang tìm cách kéo Ấn Ðộ về phía mình.”

Cuộc chiến Việt Nam

Ðã 30 năm trôi qua, tính từ ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Tạp Chí Truyền Thông Quốc Tế tuần này xin được kết thúc với bài nhận định của tờ The Sunday Morning Post xuất bản ở Hồng Kông.

“Chiến tranh để lại những vết sẹo thật đậm và những kỷ niệm kinh hoàng cho Việt Nam, cho nước Mỹ và cho tất cả những nước can dự vào cuộc chiến và đến tận bây giờ, ảnh hưởng vẫn còn.

Nhưng Chính Phủ Việt Nam đã làm đúng khi dùng ngày kỷ niệm cuộc chiến kết thúc đề nhìn về hòa bình và thịnh vượng ở phia trước. Chuyện cũ không nên quên, nhưng cũng không cần phải nói đến khi muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.”