Việt Nam, 1 trong 10 quốc gia đàn áp Thiên Chúa Giáo nhất thế giới


2007.02.12

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Open Doors International, một tổ chức quốc tế bảo vệ Thiên Chúa Giáo, vừa công bố bản báo cáo về tình hình đàn áp tôn giáo trên thế giới trong năm qua. Trên danh sách xếp hạng 50 quốc gia đàn áp Thiên Chúa Giáo tồi tệ nhất toàn cầu, Việt Nam có mặt trong số 10 nước dẫn đầu. Thực trạng như thế nào? Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu.

ChurchReligious150.jpg
AFP PHOTO

Theo báo cáo của Open Doors International, tình trạng đàn áp đối với các tín đồ Thiên chúa giáo trên thế giới trong năm qua không có dấu hiệu suy giảm.

Bắc Hàn vẫn là quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng gồm 50 nước ngược đãi khắc nghiệt những người theo Thiên Chúa giáo. Như vậy là Bình Nhưỡng đã ở vị trí này liên tiếp trong năm năm gần đây. Và top 5 nước sách nhiễu Thiên Chúa Giáo tồi tệ nhất trong năm cũng không có gì thay đổi so với kết quả khảo sát của năm trước, với thứ tự tuần tự Bắc Hàn, Ả Rập Saudi, Iran, Somali, và Maldives.

Việt Nam xếp thứ 8 trong số 10 quốc gia có tình trạng tệ nhất, tức là có chút cải thiện so với vị trí thứ 7 của năm trước.

Không cải thiện bao nhiêu

Trong phần trình bày về Việt Nam, tổ chức Open Doors International cho rằng mặc dù hiến pháp cho phép tự do tín ngưỡng thế nhưng chính phủ Hà Nội vẫn siết chặt kiểm soát tôn giáo bằng hệ thống các luật lệ quy định đăng ký sinh hoạt hành đạo. Thỉnh thoảng lại xuất hiện những chiến dịch càn quét và đóng cửa nhà thờ, đặc biệt ở khu vực cao nguyên trung phần.

Tình trạng tại các địa phương của người dân tộc thiểu số không thấy được cải thiện. Tín đồ Thiên Chúa giáo bị bắt bớ tuỳ tiện, sách nhiễu, và chịu các biện pháp phạt hành chính là những chuyện thường xuyên xảy ra.

Bạn nghĩ gì về việc này? Xin email về Vietweb@rfa.org , hoặc vào trang RFA Unplugged Vietnamese để ghi lại nhận xét.

Thực tế ra sao? Chúng tôi hỏi thăm một giáo dân ở Buôn Mê Thuột. Anh cho biết: “Họ cũng cho mình làm lễ, sinh hoạt đạo nhưng chỉ ở ngoài thành phố thôi, chứ còn trong các làng bản của người Thựơng thì không cho. Mấy người bà con ở Daklak, chỗ người dân tộc sinh sống thì khó khăn lắm.

Nhà thờ thì không cho xây sửa hoặc xây thêm. Mấy thầy ở thành phố hoặc ở đâu xuống giảng đạo cũng không được, mình xin phép nhưng họ cũng không cho. Họ viện đủ lý do hết, như mất an ninh này nọ, không cho mấy thầy tập hợp sinh hoạt đạo, không cho tụ tập đông người.

Giống như bên Trung Quốc, ở Việt Nam có hai thành phần “Công giáo yêu nước” và “Công giáo thầm lặng” nghĩa là một bên đựơc nhà nước công nhận và một bên không đựơc nhà nước công nhận. Không được dân chủ như bên Mỹ người ta có quyền tự do ngôn luận, tự do trong mọi sự. Còn ở đây tất cả cái gì cũng phải thông qua nhà nước hết.

Ở Việt Nam cái gì không đăng ký là không được, họ không cho phép là mình không đựơc quyền làm. Mọi việc rành rành, dân biết mà không làm gì được, thôi để ngoài tai cho rồi, nói với nhau biết vậy thôi. Ngay cả chuyện của nội bộ công giáo chuyển linh mục với nhau cũng phải xin phép chính quyền mà. Họ bắt buộc mà, mình chỉ theo thôi.”

Sách Trắng về tôn giáo

Mới hôm đầu tháng, Ban tôn giáo chính phủ cho công bố Sách Trắng về tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam dài 86 trang gồm 3 chương. Trong đó nêu rõ Đảng và nhà nước Việt Nam cam kết thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng hay tôn giáo.

Hà Nội cũng nhấn mạnh hai văn bản Pháp lệnh tôn giáo thực thi từ cuối năm 2004 và Nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này là bằng chứng khẳng định chính sách dân chủ, luôn đảm bảo và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân.

Đáp lại những luận điểm này, phúc trình của Open Doors International về tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam đưa ra nhận xét rằng chính quyền Việt Nam rất khéo léo trong việc đánh bóng hình ảnh và trưng bày những viễn cảnh tích cực về nhân quyền hay tự do tôn giáo.

Đồng thời tổ chức này cũng thẳng thắn cảnh báo các nước phương Tây đừng vội tin vào những màn trình diễn bên ngoài. Bởi lẽ thực tế nhân quyền tại Việt Nam còn khác biệt rất xa cũng như tình trạng đàn áp tôn giáo vẫn diễn ra hàng ngày ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh.

Việt Nam đâu có dùng luật, chỉ dùng “luật rừng” à, nói thôi chứ thực tế đừng có trông chờ. Đó là cái hay của nhà nước Việt Nam mà quốc tế không thể hiểu nổi, rất là lầm. Họ uy hiếp tín đồ bằng cách này cách khác. Có nhiều hình thức làm cho người ta sợ hãi không thể thờ phượng được.

Dẫn chứng cụ thể được đưa ra là kết quả khảo sát do Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế công bố hồi tháng rồi khẳng định tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm qua không được cải thiện.

Nói về việc thực thi tự do tín ngưỡng trong nước, một mục sư Tin lành ở phía Bắc, một trong những nạn nhân bị chính quyền gây khó khăn trong sinh hoạt đạo, chia sẻ thêm:

“Tôi tin đức Chúa trời, trở thành mục sư thờ phượng Chúa nhưng liên tục bị bắt bớ trong nhiều năm vì vấn đề tôi truyền giáo. Tôi mở các lớp học tình thương, ban hội Thánh tin lành, từng nhóm một. Vì vậy mà họ bắt bớ hoài, họ cho tôi nào là phản động, tổ chức nhóm họp trái phép. Tôi đã đăng ký nhiều lần, ra cả trung ương ngoài Hà Nội mà họ chẳng giải quyết gì cho tôi cả, bị đàn áp dữ lắm.

Việt Nam đâu có dùng luật, chỉ dùng “luật rừng” à, nói thôi chứ thực tế đừng có trông chờ. Đó là cái hay của nhà nước Việt Nam mà quốc tế không thể hiểu nổi, rất là lầm. Họ uy hiếp tín đồ bằng cách này cách khác. Có nhiều hình thức làm cho người ta sợ hãi không thể thờ phượng được.

Thực tế khi họ bắt, họ không dám nói thẳng là bắt bớ tôn giáo mà họ cố tình ghép cho một cái tội nào đó mang tính hình sự để bắt. Đó là cái mà chính tôi là người bị lâm nạn đây, mà bây giờ tôi kêu oan cũng chẳng ai giải quyết gì cho tôi cả. Bản chất của chủ nghĩa cộng sản thật khó nói lắm. Thực sự tôi hiện giờ bức xúc lắm, và cũng chán ở Việt Nam quá rồi.”

Theo thống kê của chính phủ, hiện trong nước có 6 tôn giáo được công nhận bao gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, đạo Hồi, đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà hảo. Trong số chừng 20 triệu tín đồ, có 6 triệu người theo Công giáo. Đạo Tin Lành du nhập vào Việt Nam muộn nhất, từ cuối thế kỷ 19, hiện có trên 6 ngàn tín hữu.

Để hiểu rõ thêm về quan điểm của Open Doors International về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm qua, chúng tôi có cuộc trao đổi với mục sư Paul Estabrooks, đại diện toàn quyền của tổ chức này. Mời quý vị đón theo dõi trong buổi phát thanh tiếp theo.

Theo dòng câu chuyện:

Open Doors International: Việt Nam chỉ cải thiện hình ảnh bên ngoài, nhưng thực tế lại khác

Thông tin trên mạng:

- Open Doors International: World Watch List 2007

- Sách trắng về nhân quyền ở Việt Nam

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.