Nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo


2006.03.07

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Hiện nay, cùng với thời mở cửa, nhà nước Việt Nam đã tạo khá nhiều thuận lợi cho các cơ quan từ thiện bác ái ở nước ngoài đến để giúp cho những người bất hạnh. Nhờ vậy, cuộc sống của những em mồ côi, những bệnh nhân phong cùi, hay bệnh AIDS, cũng được khá hơn… Mặt khác, những người khiếm thị, tàn tật hay già nua, neo đơn, cũng được hưởng thêm đôi chút…

HandicapedTantat150.jpg
Nhiều người tàn tật bán vé số để kiếm sống qua ngày. AFP PHOTO

Vào khi nhà nước Việt Nam chưa có qui định cụ thể để giúp đỡ cho những người tàn tật nhưng còn khả năng lao động, thì có một nhóm tự nguyện, mang tên “Xướng Nghĩa Nhân Đạo” ra đời, với mục đích giúp cho những thanh niên trong độ tuổi từ 25 đến 30, không may bị tàn tật, có công ăn việc làm để tự nuôi sống bản thân mình.

Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần hôm nay, Phương Anh xin kể cho quí vị nghe về nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo này.

Giúp đỡ những thanh niên tàn tật

Thưa quí vị và các bạn, cách đây 13 năm, ở phường 15, quận Gò Vấp, Sàigòn, trong một buổi hàn huyên tâm sự của hai bạn già rất thân, từng là đồng đội với nhau trong thời gian chiến tranh Việt Nam, từng chia xẻ ngọt bùi trong quân ngũ…Một người nay đã là chủ của cơ sở sản xuất giò chả và có con đang sinh sống ở nước ngoài… Một người là chủ cơ sở may túi xách…

Một trong hai nảy ra ý định dùng thời gian rảnh rỗi để làm việc thiện và rủ bạn già mình cùng tham gia. Trước sự chân tình của người bạn, người kia đồng ý bắt tay vào việc. Thế là nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo ra đời. Mời quí vị nghe ông Đỗ Trung Nghĩa thuật lại: “Đầu tiên, trong lúc hai anh em rỗi rảnh, thì ông Xướng bảo tôi là người ta có thì giờ đi chơi, còn chúng ta nên nghĩ xem có chuyện gì bác ái để làm được không? Tôi mới nghĩ ra là mình nên giúp đỡ các em bị què, còn các em khiếm thị thì có quá nhiều cơ quan giúp đỡ rồi…Lúc đầu làm, không xin được giấy tờ gì hết, mãi mới xin được giấy tờ, và chúng tôi lấy danh hiệu là Xướng Nghĩa Nhân Đạo.”

Theo lời ông cho biết, nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo tập trung chủ yếu giúp cho những thanh niên trong độ tuổi lao động mà không may bị tàn tật, ông nói:

Đầu tiên, trong lúc hai anh em rỗi rảnh, thì ông Xướng bảo tôi là người ta có thì giờ đi chơi, còn chúng ta nên nghĩ xem có chuyện gì bác ái để làm được không? Tôi mới nghĩ ra là mình nên giúp đỡ các em bị què, còn các em khiếm thị thì có quá nhiều cơ quan giúp đỡ rồi…Lúc đầu làm, không xin được giấy tờ gì hết, mãi mới xin được giấy tờ, và chúng tôi lấy danh hiệu là Xướng Nghĩa Nhân Đạo.

“Có rất nhiều thành phần đó họ đi kiếm việc, vào cơ quan nào làm chung với những người khoẻ mạnh thì các em đó có mặc cảm, hơn nữa, luật của nhà nước đưa vào chưa có…trình độ các em lại không có, do dó, chúng tôi có ước mộng là giúp những thành phần đó.”

Lúc ban đầu, hai ông Xướng – Nghĩa đến Đài Phát Thanh nhờ thông báo, sẽ nhận giúp cho những thanh niên bị tàn tật có công ăn việc làm. Cả hai qui tụ được khoảng 10 anh em và giúp cho họ một số vốn để đi bán vé số hay làm bàn chải, hoặc bất kỳ công việc gì…để họ có thể tự nuôi lấy bản thân sau này. Về sau, số lượng càng ngày càng đông, khả năng đi mướn nhà cho các em ăn ở và sinh hoạt càng ngày càng khó khăn. Ông Nghĩa kể tiếp:

”Tìm ra chỗ mướn cho các em có đầy đủ phương tiện rất khó, vấn đề vệ sinh, nước…rất phức tạp… Những chỗ đầy đủ thì họ lại đòi quá đắt…nên không có phương tiện đầy đủ. Nhiều khi họ đòi lại nhà, nên lại phải tha nhau đi chỗ khác, khổ lắm.”

Nhận thấy việc làm hữu ích của hai ông Xướng – Nghiã, một chủ nhân cơ sở điêu khắc gỗ của Nhật, có danh hiệu Việt Nương, nhận lời dậy nghề và sẵn sàng nhận các em làm việc sau khi có tay nghề. Thế là từ đó, càng ngày càng có thêm nhiều thanh niên tàn tật đến xin giúp đỡ.

Kinh phí hoạt động

Nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo hoạt động đang trôi chảy thì vào năm 2003, ông Xướng đột ngột qua đời. Tưởng chừng như nhóm này phải đóng cửa vĩnh viễn, nhưng không, bà Nguyễn thị Nhãn, vợ của ông Xướng, quyết tâm thay chồng tiếp tục công việc. Năm nay 72 tuổi, sức khoẻ yếu, mắt đã mờ, nhưng bà một lòng bền chí thực hiện ước nguyện của chồng. Bà tâm sự: “Nuôi cho các em đi bán xổ số, hay làm bàn chải, hay làm bất kỳ cái gì để kiếm sống được, thì tiền đó của các em, còn ăn thì tôi nuôi cho các em. Khi lên số lượng quá đông, nhà thì không có, tôi chỉ mướn được một căn nhà thôi…Khi nhà tôi qua đời rồi thì một bước tôi cũng không lùi, tôi cũng vẫn làm, nhưng cũng buồn là chỉ có giới hạn, vì không làm rộng như ông nhà tôi được vì sức khoẻ của tôi cũng giới hạn thôi.”

Còn riêng cô con gái Phạm thị Kim Oanh, năm nay 42 tuổi thì nói: “Công việc này của bố mẹ em làm từ lâu lắm rồi…Em chỉ kế tiếp, và làm những việc mà trong khả năng của em, mình tạo điều kiện cho các em có công ăn việc làm, để tạo cho các em tự kiếm sống lấy.

Hàng ngày, về vấn đề ăn uống, có ít thì giúp ít, có nhiều thì giúp nhiều…Em đặt cơm cho các em ăn, còn những em nào tay khoẻ mạnh thì tự nấu lấy…Các em đa số từ 20 tuổi trở xuống, nhỏ nhất là 18 tuổi.”

Nuôi cho các em đi bán xổ số, hay làm bàn chải, hay làm bất kỳ cái gì để kiếm sống được, thì tiền đó của các em, còn ăn thì tôi nuôi cho các em. Khi lên số lượng quá đông, nhà thì không có, tôi chỉ mướn được một căn nhà thôi…Khi nhà tôi qua đời rồi thì một bước tôi cũng không lùi, tôi cũng vẫn làm, nhưng cũng buồn là chỉ có giới hạn, vì không làm rộng như ông nhà tôi được vì sức khoẻ của tôi cũng giới hạn thôi.

Khi hỏi cô có ước mơ gì cho nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo mà cha cô đã lập ra, cô cho hay: “Làm sao cho các em thiếu may mắn cả tinh thần lẫn vật chất, có những người có tấm lòng bác ái, người ta biết tới để giúp thêm, chứ còn bây giờ với khả năng của em không thể làm gì thêm được…

Riêng với mẹ em, bây giờ mắt kém rồi, sức khoẻ lại yếu, nên hàng tháng không thể phát gạo cho các em được thì đành phải nhờ một người nữa…Công việc này là do tiền riêng, tiền túi của gia đình, chứ không có một tổ chức, ban ngành hay của ai cho cả.”

Cũng theo lời của ông Nghĩa, hiện nay, ông đang coi sóc 54 người từ 25 đến 30 tuổi. Họ từ các tỉnh xa đến nhờ nghe được thông báo trên Đài Phát Thanh. Ông cho hay: “Chúng tôi xem những em nào có khả năng, thì cho các em ở luôn, miễn là khoẻ tay và mắt tinh để làm được gỗ, riêng những em nào tay yếu thì lại phải cho đi bán vé số...”

Những khó khăn

Khi hỏi về khoản kinh phí trong suốt 13 năm hoạt động, ông nói: “Chưa có ai cho bao giờ, chỉ có một ít người cho ít gạo…Thế thôi, tiền bạc thì hoàn toàn chưa có ai cho cả. Gia đình ông Xướng buôn bán chả giò, người ta lấy lợi nhuận đó để làm bác ái.

Hồi ông Xướng còn sống, ông ấy cũng đi buôn bán nhà thêm, được bao nhiêu thì lại lấy lợi nhuận để bù đắp vào cho các em…Ngoài ra, không có một cơ quan nào họ giúp cả. Chúng tôi cũng đi xin cho các em khiếm thị được đi làm đấm bóp, nhưng chính quyền họ không ký duyệt.

Người Nhật thì họ nói: Nếu có giấy tờ hợp pháp thì họ mới giúp, đưa làm cho nhà hàng Nhật, có hợp pháp thì họ mới nhận…Phía nhà nước thì lại bảo là làm như thế thì chúng tôi làm “ăng ten”…nên họ không ký, nên rồi đành phải cho họ đi bán số.”

Trước những việc làm đầy ý nghĩa và cao đẹp của nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo, rất nhiều người hồ nghi và mỉa mai, vì ai có thể tin rằng ở thời buổi thực dụng tại Việt Nam hiện nay, làm sao lại có thể xảy ra chuyện “lạ lùng” như thế. Ông tâm sự:

“Người ta nói là chẳng ai ăn không ngồi rồi mà đi làm chuyện đó. Ngay cả những người ở gần mà họ cũng nói như thế…Họ nói rằng không có ai không có ăn mà đi làm chuyện này cả, không ai mà bỏ tiền nhà ra để làm chuyện này cả…

Hàng xóm láng giềng ở gần nhà, họ thấy chúng tôi làm, mà họ cứ hồ nghi là có ai yểm trợ thì mới làm, còn không ai yểm trợ thì không ai mà đi làm chuyện này cả. Họ bảo chúng tôi lợi dụng để “ăn” vào đó…Nhưng họ nói mặc kệ họ, việc mình làm mình cứ làm.

Hàng xóm láng giềng ở gần nhà, họ thấy chúng tôi làm, mà họ cứ hồ nghi là có ai yểm trợ thì mới làm, còn không ai yểm trợ thì không ai mà đi làm chuyện này cả. Họ bảo chúng tôi lợi dụng để “ăn” vào đó…Nhưng họ nói mặc kệ họ, việc mình làm mình cứ làm.

Bây giờ ông Xướng mất rồi, nên tôi chỉ có nguyện vọng là làm thế nào để mình giúp cho các em mù què…Chúng tôi chỉ mong sao cơ sở của chúng tôi phát triển mạnh lên, sau khi ông Xướng mất, tôi chỉ mong sao có một cái nhà vĩnh viễn…Còn bây giờ vẫn phải đi mướn.”

Nguồn an ủi

Thưa quí vị, khi Phương Anh liên lạc để hỏi thăm những anh em đang được nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo giúp, thì được biết các anh em trong xưởng điêu khắc gỗ hiện rất bận rộn, riêng các anh em sống bằng nghề bán vé số thì đang tập trung để lãnh gạo hàng tháng. Nhờ đó, Phương Anh mới tiếp xúc được với anh Đoàn Xuân Đông, năm nay 42 tuổi, quê ở Nam Định, anh cho hay: “Hồi còn nhỏ, tôi bị sốt, mẹ tôi kêu người chích, mà không biết nên tôi bị teo cơ hai chân… Từ khi tôi gặp chú Xướng và chú Nghĩa, tôi cảm thấy an tâm. Đó là nguồn an ủi của tôi, giúp cho tôi rất nhiều về vật chất, trước hết là về nghề nghiệp, sau nữa là về tinh thần, cứ hàng tháng cho tôi chục ký gạo…”

Riêng anh Nguyễn Văn Hiển, đã có gia đình, vợ anh đã bị mổ tim hai lần, và một con, còn rất nhỏ, thì nói:

“Tôi biết nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo hơn 10 năm nay, lúc đó tôi 30 tuổi. Tôi là người khiếm thị, ông bà Xướng giúp cho tôi một số vốn để đi bán vé số, khoảng 200 ngàn…Hơn 10 năm nay, hàng tháng cấp cho tôi 10 ký gạo.

Người ta thường thấy người giàu thì chơi với người giàu, nhưng ông bà Xướng thì toàn chơi với người nghèo và người mù. Họ rất quan tâm, anh em ai đau ốm bệnh tật, lo thuốc thang, bệnh viện, rất là thương mến anh em…Ngày nay, em đứng vững được cũng là nhờ ở Xướng Nghĩa Nhân Đạo, chứ nếu không…”

Mời bạn tham gia mục Câu chuyện Hàng Tuần do Phương Anh phụ trách. Xin gửi email về Vietweb@rfa.org

Thưa quí vị và các bạn, vừa rồi là câu chuyện về nhóm “Xướng Nghĩa Nhân Đạo” do hai người lính trong quân lực miền Nam Cộng Hoà trước kia thành lập. Với mục đích đóng góp nhỏ bé của mình cho xã hội, phần nào giúp đỡ cho những thanh niên trong độ tuổi lao động không may bị tật nguyền, nhóm Xướng Nghĩa Nhân Đạo đã và đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn, vượt lên những lời dèm pha, dị nghị, để tiếp tục thực hiện lý tưởng của mình.

Mong sao ở Việt Nam, ngày càng có thêm nhiều “tấm lòng vàng” như thế; và dĩ nhiên, ước mong các cơ quan có trách nhiệm chú ý và nâng đỡ họ hơn, để phần nào, đời sống của những người tàn tật được cải thiện. Phương Anh xin dừng nơi đây. Thân ái kính chào tạm biệt và hẹn gặp quí vị cùng các bạn trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.