Cảm nhận của giới trẻ về các cuộc biểu tình ở Việt Nam (phần 3)

0:00 / 0:00

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Diễn đàn tuần này sẽ tiếp tục với cuộc hội luận của các thanh niên trong nước về đề tài “Cảm nhận của giới trẻ về hoạt động biểu tình”, nhưng rất tiếc là không còn sự tham gia của bạn Trường. Trong buổi thảo luận sôi nổi tuần trước, bạn Trường đã chia tay giữa chừng sau khi Tuấn và Huy phản biện ý kiến của bạn bằng những bằng chứng mắt thấy tai nghe liên quan đến việc chính quyền cưỡng chế giải tán cuộc biểu tình của dân oan trứơc văn phòng quốc hội 2 ở Sài Gòn vào tối ngày 18/7. Như vậy, trên diễn đàn chúng ta còn lại 3 thành viên là Tuấn và Huy, hai thanh niên thuộc thế hệ 7X hiện đang công tác ở miền Nam, cùng với người bạn đồng khoá của Trừơng là Thanh, sinh viên khoa Lịch sử đảng vừa mới tốt nghiệp.

DanoanTuyenquang200.jpg
Dân Oan Tỉnh Tuyên Quang. Hình của Uỷ Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện >> Xem hình lớn hơn

Biểu tình, tích cực hay tiêu cực?

Trà Mi: Đối với các bạn thì hoạt động biểu tình mang ý nghĩa như thế nào trong đời sống xã hội?

Tuấn: Theo tôi, hoạt động biểu tình mang một ý nghĩa là xây dựng. Nếu cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hoà thì nó mang ý nghĩa xây dựng: xây dừng để phát triển đất nước. Vì sao? Khi có một cuộc biểu tình nổ ra tức là người dân đã không chịu được cái điều đó diễn ra trong xã hội, họ phải lên tiếng, họ phải phản kháng. Và nếu nhà nước tiếp nhận điều đó thì phải sửa đổi vấn đề đó một cách nhanh chóng nhất.

Như vậy cái mâu thuẫn giữa người dân và nhà nước đã được giải quyết, và lúc đó xã hội ngày càng mạnh lên. Đương nhiên có những viêc không phải lúc nào người dân biểu tình cũng là đúng.

Tôi cũng tự nhận tôi là người yêu nước. Một người đảng viên cộng sản cũng tự nhận họ yêu nước. Tôi có quyền yêu nước theo cách của tôi và họ có quyền yêu nước theo cách của họ. Mặc dù tôi không thích họ nhưng mà tôi vẫn yêu nước chứ tôi không có yêu cái đảng của họ.

Trà Mi: Thế thì Thanh, theo bạn, ý nghĩa của biểu tình đó, nó có mang ý nghĩa xây dựng hay phản kháng? Ý của bạn như thế nào?

Thanh: Dạ, theo ý kiến của em thì thực ra em thấy ý kiến của anh vừa rồi nhiều khi nếu áp dụng ra ngoài xã hội thì nhiều khi em cảm nhận được rằng nó mang tính lý thuyết, vì thực ra bây giờ khó có một cuộc biểu tình nào.

Thực ra nếu mà tranh cãi với nhau là nhà nước có cho phép hay không cho phép thì em nghĩ nếu giả sử nhà nước cho phép đi, người dân hở một tí người ta không đồng ý là tụ tập nhau đi biểu tình à? Cái đó là không được. Chắc chắn là không nhà nước nào muốn điều đó xảy ra cả. Và trong xã hội thực sự biểu tình có vai trò tiêu cực hay tích cực?

Điều đó em thấy thực phức tạp. Nhưng đúng là Hiến Pháp Việt Nam có ghi nhận là công dân có quyền được biểu tình nhưng theo quy định của pháp luật. Thế nhưng có cái văn bản luật nào quy định cụ thể về việc này để người dân đi theo hay không? Có ai hiểu được những cái quy định của pháp luật là như thế nào đối với việc biểu tình hay không?

Huy: Từ nhỏ tới lớn giờ tôi chưa thấy cái văn bản nào hướng dẫn người dân biểu tình.

Thanh: Thực sự là em không biết, em không thấy văn bản nào cả.

Tuấn: Ý kiến của tôi như thế này. Thực ra trong xã hội Việt Nam bây giờ, việc biểu tình là cần thiết với điều kiện là người dân nên biểu tình trong ôn hoà và bất bạo động, tại vì các ý kiến của người dân trước tiên - trước khi diễn ra cuộc biểu tình – thì sự bày tỏ quan điểm của họ về các chính sách của nhà nước thì các cơ quan truyền thông trong nước họ rất là hạn chế đưa tin về vấn đề này. Mà cơ quan truyền thông họ hạn chế thì người dân phải tìm phương cách khác để người ta bày tỏ, và các hành động biểu tình là một trong các hành động mà qua đó người dân có thể bày tỏ được chính kiến của họ. Đó là một.

Cái thứ hai là trong hiến pháp của Việt Nam có quy định là người dân được quyền biểu tình, nhưng mà lại không có luật quy định. Và vừa rồi, theo như tôi biết, ông đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cũng có phát biểu một ý kiến là đã đến lúc chúng ta xây dựng một khung pháp lý cho người dân có thể biểu tình trong cái khung pháp lý đó.

Như vậy tôi nghĩ rằng vấn đề người dân biểu tình đã bắt đầu được một số dư luận xã hội đồng tình và ủng hộ rồi đó. Và nếu như trong tương lai nhà nước xây dựng được một cái gọi là văn bản dưới hiến pháp, một văn bản luật hoặc là nghị định, thông tư gì đó, theo cách gọi ban hành văn bản của nhà nước Việt Nam, thì sự biểu tình cũng là việc tốt thôi. Nó tốt trên vấn đề là người dân biết họ phải biểu tình như thế nào và khi biểu tình thì họ được làm gì. Như vậy vừa có lợi cho nhà nước vừa có lợi cho người dân.

Và các bạn nên nhớ trong một thiết chế dân chủ, tự do và văn minh, trong cái chuẩn mực chung của loài người cũng như là quôc tế, thì ngưòi ta đều thừa nhận việc người dân biểu tình ôn hoà bất bạo động là điều hết sức cần thiết. Tại vì nếu như ngăn cấm người ta cái đó (biểu tình) thì có thể nảy sinh những tiêu cực và nó gây hậu quả cho xã hội nhiều hơn. Thành ra chẳng thà cái gì không ngăn cấm được thì nên cho người dân làm, như vậy rất tốt cho người dân và cũng rất tôt cho nhà cầm quyền.

Danoanvinhphuc200.jpg
Dân Oan Tỉnh Vĩnh Phúc. Hình của Uỷ Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện >> Xem hình lớn hơn

Còn về mặt chính trị của biểu tình thì tôi không nói bởi vì chúng ta không bàn đến vấn đề chính trị của cuộc biểu tình ở đây. Nhưng mà cái khôn khéo của nhà nước và cái nhu cầu của người dân, cả hai đều muốn vấn đề được giải quyết một cách ổn thoả. Như vậy có lẽ nên chăng nhà nước và người dân cũng nên ngồi lại với nhau và người dân được phép biểu tình theo một cái chuẩn mực, chừng mực nào đó nhất định mà nhà nước có thể chấp nhận được.

Như vậy nó dung hoà về mặt đời sống và chính trị, vì về mặt đời sống thì người dân cần biểu tình, còn về mặt chính trị thì nhà nước không khuyến khích biểu tình. Và nếu cả hai cứ giữ quan điểm như thế này thì cuối cùng nó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn khác và những mâu thuẫn này có thể còn tiêu cực hơn nữa. Cho nên tôi nghĩ rằng cần có một giải pháp dung hoà trong tình thế Việt Nam hiện nay là tốt nhất.

Biểu tình tại Việt Nam

Trà Mi: Như vậy các bạn cho rằng giữa hiến pháp và sự thực thi trên thực tế có sự mâu thuẫn là bởi vì hiến pháp cho phép công dân được biểu tình nhưng trên thực tế thì hễ công dân biểu tình thì nhà nước lại sợ là gây mất trật tự an ninh xã hội và dẹp ngay. Có sự mâu thuẫn đó cho nên từ hồi nào cho tới bây giờ vẫn chưa ai hiểu được là hoạt động biểu tình ở Việt Nam hợp pháp hay không hợp pháp.

Tuấn: Tôi nghĩ rằng hành động biểu tình ở Việt Nam không hợp pháp nhưng hợp lý, tại vì giữa cái hợp lý và hợp pháp nhiều khi nó phải tránh vấn đề này khác như các anh chị biết. Nhưng riêng tôi thì tôi thấy hợp lý, còn hợp pháp hay không thì có thể lúc này nó không hợp pháp nhưng sau này nó sẽ hợp pháp.

Trà Mi: Các bạn có đặt ra câu hỏi là vì sao các hoạt động biểu tình đối với các nước dân chủ văn minh thì không bị coi là những hoạt động chống đối nhà nước, là hoạt động nguy hiểm đối với chính quyền, trong khi đó tại những nước kém phát triển thì ngược lại.

Tuấn: Theo tôi nghĩ thì hành động biểu tình tại các nước văn minh phát triển là quyền của công dân, quyền được nói. Tôi không thích ông lãnh đạo này tôi có quyền chỉ trích ông ta. Còn ở Việt Nam thì không có. Chỉ tóm gọn là như vậy thôi.

Trà Mi: Còn ý kiến của Thanh thì sao?

Thanh: Về vấn đề này thì em không có ý kiến.

Trà Mi: Em có đồng ý với ý kiến mà anh Tuấn vừa đưa ra không?

Thanh: Mỗi lần coi thời sự em thấy là người dân biểu tình khi kéo tới trụ sở này khi kéo tới trụ sở kia nhưng thực sự em cũng không hiểu hoạt động biểu tình là hợp pháp hay không hợp pháp.

Khác biệt giữa VN và các nước Dân chủ

Trà Mi: Hãy lấy thí dụ đơn giản như anh Huy vừa đặt ra là ở nước ngoài, ở các xã hội văn minh thì người dân có quyền chỉ trích hay phê phán thẳng thắn người lãnh đạo cao cấp nhất, còn bạn có thấy ở Việt Nam hay không?

Thanh: Dạ đúng. Ở Việt Nam việc người dân lên tiếng nói về vị lãnh đạo này lãnh đạo kia thì thực sự em không thấy.

Trà Mi: Bạn không thấy vậy bạn có tìm hiểu lý do vì sao không? Hay là họ thoả mãn vừa lòng với tất cả lãnh đạo ở Việt Nam, hay là vì một lý do nào khác khiến họ không dám lên tiếng?

Thanh: Cái này thực sự em cũng không biết.

Trà Mi: Xin hỏi các bạn là bây giờ chúng ta đang bàn về biểu tình nhưng mà chính các bạn có ai đã từng bao giờ đích thân tham gia một cuộc biểu tình nào tại Việt Nam chưa?

Tuấn: Tôi thì có rồi, chị Trà Mi.

Trà Mi: Dạ. Và anh có thể cho biết là trong cuộc biểu tình đó anh được đối xử ra sao và cuối cùng như thế nào?

Tuấn: Trước đây tôi đã tham gia một lần, cách đây 5 năm. Sau này tôi chứng kiến những cuộc biểu tình thì nói chung có một thực tế - tại vì chúng ta nói chuyện phải dựa vào thực tế, như thế này.

Vào thời điểm 5-6 năm trứơc khi bản thân tôi và những người tham gia biểu tình bị đối xử một cách hơi thô bạo, nhưng sau này do quan hệ quốc tế của Việt Nam với các quốc gia phát triển khác thành ra họ (nhà nước) cũng phải chứng tỏ cho quốc tế thấy là họ có dân chủ và nhân quyền một chút, cho nên họ đàn áp nhưng mà họ không đàn áp công khai như hồi trước.

Xin đưa ra một thí dụ để các bạn thấy, cho Thanh và anh Huy thấy, là không có bất kỳ một thông tin nào về các cuộc biểu tình của người dân được đưa lên báo và bản thân người dân khác tới nơi biểu tình để chụp hình thì người ta bị tịch thu máy quay phim. Như vậy qua đó chúng ta thấy cái gì? Tại sao họ không cho chụp hình? Chỉ cần các bạn tự suy nghĩ, tự nhận định đằng sau việc đó là cái gì. Mình không nói ra nhiều nhưng mình chỉ nói một chuyện là tại sao họ cố bưng bít những thông tin như vậy?

Thông thường người ta nói cái gì anh bưng bít thì cái đó có tiêu cực. Trong cách đối xử của nhà nước với người dân có nhiều cái tiêu cực thành ra họ bưng bít. Tôi chỉ nói như thế thôi. Nếu không có gì tiêu cực thì họ phải công khai cho thiên hạ thấy chứ cần gì phải bưng bít? Thành thử đi chụp hình một cuộc biểu tình thì Thanh sẽ thấy công an họ đối xử với em như thế nào thì lúc đó em sẽ cảm nhận được những gì mà anh nói.

Thanh: Dạ, em nhĩ như thế này. Thực ra em cũng nghe nói. Như là em học tại đài truyền hình thì lần vừa rồi có biểu tình gì đó thì em nghe một bạn ở khoa triết nói rằng chụp hình là bị thu máy hình hay bị đập máy hình gì đó. Nói tóm lại là không được ghi hình. Em nghĩ đúng là có thể họ bưng bít gì đó có thể là tiêu cực hay có thể là do những nguyên nhân khác.

Em nghĩ một sự việc không phải do một nguyên nhân duy nhất. Em nghĩ giả sử một cuộc biểu tình được đăng lên báo hay được đăng lên cả báo ở nước ngoài, cả trong Việt Nam báo chí truyền hình đều loan tin và ai cũng có những hình ảnh và những sự kiện đó thì em nghĩ rằng hình ảnh Việt Nam về mặt chính trị sẽ không còn ổn định nữa.

Tuấn: Và xấu mặt nữa đúng không?

Thanh: Đúng là xấu mặt.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ: vietweb@rfa.org

Huy: Anh nghĩ như vày nè. Em đi làm đi, em đi làm kinh doanh đi. Những người hợp tác với em đều muốn em công khai tất cả. Họ không muốn em giấu. Vì em công khai với họ thì họ mới dám làm việc với em, cũng như bản thân họ thì họ cũng công khai với em như vậy em mới hợp tác được với họ. Hợp tác như vậy mới là thoải mái, đúng không?

Thanh: Dạ.

Huy: Và anh hỏi em, em đã từng thấy một cuộc biểu tình nào chưa?

Trà Mi: Nhưng mà khoan đã. Trà Mi xin phép được ngắt lời anh Huy ở đây. Anh Huy đòi phải công khai nhưng mà người Việt Nam mình thường quan niệm "tốt khoe xấu che" thì làm sao đem khoe cái xấu của mình được?

Huy: Cái đó thì nhà nước mình áp dụng câu đó rất là tốt.

Thanh: Ai lại đi khoe cái xấu của mình phải không anh?

Trà Mi: Tớí đây thời gian dành cho chương trình cũng đã hết. Diễn Đàn Bạn Trẻ sẽ trở lại với phần hội luận tiếp theo cũng vào giờ này sáng Thứ Tư tuần sau. Mời quý vị và các bạn đón theo dõi.

(xin mời theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên) Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org. Trà Mi kính chào.