Quan điểm của giới trẻ về các cuộc biểu tình ở Việt Nam (phần 6)


2007.10.03

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trên Diễn đàn này những tuần qua, chúng ta đã nghe ý kiến và cảm nhận của thanh niên trong nước đối với hoạt động biểu tình. Nếu có cơ hội đại diện giới trẻ đề đạt nguyện vọng với những người lãnh đạo, các bạn trẻ của chúng ta sẽ nói điều gì?

ProtestBieutinh200.jpg
Người dân biểu tình ở Sài Gòn. >> Xem hình lớn hơn

Đó cũng là nội dung chính của phần cuối loạt hội luận về đề tài này, với sự góp mặt của bạn Thanh ở Bình Thuận, sinh viên mới tốt nghiệp khoa lịch sử, cùng với Tuấn và Huy, hai thanh niên trong độ tuổi 30 hiện đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.

Sẵn sàng đứng ra bảo vệ người dân

Thanh: Nếu như hành động biểu tình đó là một hoạt dộng thực sự có ý nghĩa xây dựng thì em nghĩ hành động biểu tình là cần thiết bởi vì người ta biểu tình là để đòi hỏi các quyền lợi của người ta, chằng hạn đối với các vấn đề bức xúc như anh nói là giá thuốc tăng v.v. đều có ảnh hưởng tới tất cả mọi người.

Em nghĩ tại sao ở Việt Nam không có những cái hội, giống nhưầnh Tuấn vừa nói là hiệp hội lâm thời đó, đứng ra bảo vệ cho người dân. Nếu như được quyền đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân thì em thực sự đứng lên và dám làm những việc như thế. Tức là đứng lên không chỉ đòi quyền lợi cho mình mà còn cho mọi người nữa.

Huy: Như vậy anh và anh Tuấn lập hiệp hội rồi anh với em cùng ký tên (cả 3 người cùng cười) .

Thanh: Thành lập hiệp hội rồi cùng biểu tình nghe anh.

Theo em, biểu tình có thể là do một nhóm người hoặc số đông tổ chức, nhằm đòi hỏi một quyền lợi thống nhất. Bạn Trường nói là “có tổ chức” thì em thấy nhiều khi chưa chắc gì họ có tổ chức, nhiều khi chỉ là biểu tình mang tính tự phát chứ không phải do một người hay một tổ chức nào đứng ra lãnh đạo.

Huy: Tốt lắm. Chẳng hạn ba cái vụ như nước mắm ure, nước tương có chất gây ung thư... vậy đó.

Thanh: Dạ.

Trà Mi: Cái đó là mong mỏi của người trẻ nhưng việc có thể biến các mong mỏi đó thành hiện thực hay không thì các bạn thấy chặng đường này có xa không?

Tuấn: Còn xa lắm.

Huy: Tôi nghĩ là còn xa.

Thanh: Bởi vì em cảm thấy những cái gì thuộc về mặt chính trị, xã hội thực sự thay đổi rất là chậm, và sự thay đổi nhanh hay chậm còn thuộc tư duy của người lãnh đạo có thay đổi nhanh hay không nữa. Và em cảm thấy thực sự nó thay đổi chậm.

Huy: Cho anh hỏi một câu. Theo em thì tỷ lệ lòng tin (của người dân) đối với người lãnh đạo hiện giờ khoảng bao nhiêu phần trăm?

Thanh: Ý anh nói là lãnh đạo của cả đất nước hay là lãnh đạo của một chuyện nào đó?

Huy: Chúng ta hãy theo một khái niệm chung chung đi. Theo em thì sự cảm phục của em đối với một cấp lãnh đạo gần nhất của em thôi, một cấp chính quyền gần nhất của em, thì tỷ lệ lòng tin của em bao nhiêu phần trăm?

Danoanvinhphuc200.jpg
Dân Oan Tỉnh Vĩnh Phúc. Hình của Uỷ Ban Yễm Trợ Người Khiếu Kiện >> Xem hình lớn hơn

Thanh: Câu hỏi của anh đối với em là hơi rộng bởi vì thực sự em tiếp xúc với xã hội chưa nhiều, nhưng lấy lấy thí dụ về Đại hội X thì thực sự giới lãnh đạo người ta cũng rất cố gắng cải cách rồi đó. Lòng tin của mình cũng được củng cố một chút so với các thời kỳ khác. Từ Đại hội X em cảm thấy thực sự là em có am hiểu hơn về chính trị, em cảm thấy giới lãnh đạo người ta có cái gì đó đổi mới, có gì đó mạnh mẽ hơn hồi trước.

Phát triển kinh tế, đổi mới chính trị?

Trà Mi: Có điều gì thể mà bạn có thể đưa ra một ví dụ được không? Những cái đổi mới cụ thể nhất mà bạn thấy là tích cực đối với cuộc sống của người dân.

Thanh: Ví dụ như em thấy rõ nhất là về kinh tế. Em cảm thấy kinh tế rất là phát triển, thực sự phát triển hơn những thời kỳ trước. Như là những sự kiện vừa rồi đấy, Việt Nam gia nhập WTO hay là tổ chức thành công hội nghị APEC.

Em cảm thấy các vị lãnh đạo đã cố gắng hoà mình vào thế giới rồi đấy, không phải bị ràng buộc bởi thế nào là con đường xã hội chủ nghĩa. Xã hội chủ nghĩa thì không thể phát triển kinh tế tư nhân, thí dụ như thế đi. Hình như đã bỏ bót sự lùng bùng rồi đó. Em cảm thấy như thế.

Còn về sự chuyển biến chính trị thì như em nói lúc nãy, nó phát triển rất là chậm. Nhưng đọc báo và xem đài thì em vẫn thấy người ta vẫn kêu gọi phát triển, đổi mới hệ thống chính trị, xã hội, đổi mới hệ thống hành chính. Ở các cấp trung ương và địa phương người ta đã nhấn mạnh thật nhiều rồi đấy. Nhưng thực sự khó có chuyển biến mạnh trong đời sống và em thấy chưa có kết quả nhiều lắm.

Huy: Em đánh giá thế nào là một nền kinh tế phát triển? Tức là tỷ lệ GDP đầu người tăng, đúng không?

Thanh: Thứ hai nữa là đời sống thực tế được cải thiện.

Huy: Thực tế mình thấy đời sống mình thoải mái hơn, đúng không?

Theo ý của tôi, trước tiên biểu tình là một tập họp của đại khối quần chúng để cùng thể hiện một ý chí và mong ước là phản đối một chính sách của nhà nước. Việc biểu tình ở các nước khác thì mình không bàn tới, nhưng riêng ở Việt Nam, trong hiến pháp có quy định cho người dân biểu tình, nhưng trong luật không có.

Thanh: Dạ.

Huy: Em có biết được tỷ lệ lạm phát từ đầu năm 2007 cho tới thời điểm này là bao nhiêu phần trăm không? Tỷ lệ lạm phát đồng nghĩa với nền kinh tế đang đi xuống.

Thanh: Em không nắm rõ là bao nhiêu, nhưng vừa rồi em xem tivi nói là lạm phát tăng phải không anh?

Huy: Đúng. Anh đơn cử một ví dụ nhé. Nếu em là một bà nội trợ ở thời điểm này, với đồng lương em đi làm cố định, em đi chợ rất là khó khăn. Vì làm việc bên kinh doanh nên anh biết rõ điều đó.

Thanh: Dạ đúng.

Huy: Tỷ lệ GDP đầu người tăng ở những năm trước, anh cho là đúng, tức 7% - 8% . Nhưng từ đầu năm 2007 tới giờ này, tỷ lệ GDP đầu người Việt Nam hiện giờ đang dậm chân tại chỗ và đang tụt xuống, tức là tỷ lệ lạm phát tăng, có nghĩa là nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Thanh: Dạ.

Huy: Anh nói ra không phải để bài xích một cái gì hết, nhưng mình muốn nhìn một nền kinh tế phát triển thì mình có cái nhìn tổng thể. Không phải là những hợp đồng mình ký mười mấy tỷ hay hai mươi mấy tỷ có nghĩa là nền kinh tế tăng, mà là cuộc sống của người dân, cuộc sống của người công nhân có được tăng tiến hay không.

Mức lương căn bản của Việt Nam hiện giờ thuộc dạng thấp cực độ. Nếu em là một người lao động chân tay trong các công ty thì em sẽ thấy đồng lương đó như thế nào. Anh bảo đảm là em không thể sống với đồng lương đó.

Tuấn: Thật ra chuyển biến phát triển kinh tế Việt Nam nó như thế này nè Thanh với Huy, là với cái đà này nó đưa đến phồn vinh giả tạo. Điều này có nghĩa là sẽ có một bộ phận sống cực kỳ giàu có, chiếm thiểu số quần chúng, và một bộ phận người dân sống cực kỳ nghèo khổ và lại chiếm đa số quần chúng. Mà trên bình diện kinh tế phát triển thì mình không thể lấy cái cục bộ để nói cái đại cuộc được, mà mình phải nói chung.

Em học trường Xã hội-Nhân Văn và ngay bên cạnh trường em thường thấy có một số nhóm người đi khiếu kiện, khiếu nại, chứ em chưa nói đến khái niệm biểu tình, họ đăng lên rất nhiều biểu ngữ, trước tiên là ‘Chủ tịch HCM muôn năm, nước CHXHCN Việt Nam muôn năm’, kế đó người ta nói lên những ý nguyện của mình.

Thành ra ví dụ có một nhóm người thu nhập siêu giàu và nhóm người thu nhập siêu thấp mà nếu cộng lại rồi chia đều ra thì có thể đạt một con số trung bình nghe rất thú vị, nhưng trên đại thể thì rõ ràng là nó không ổn.

Thanh, em có biết thu nhập trung bình của người nông dân Việt Nam hiện giờ chỉ có một trăm ngàn một tháng không? Trong khi đó thì nông dân chiếm tới 70% dân số. Như vậy 70% dân có thu nhập 100.000 đồng/tháng, còn 30% còn lại có thu nhập thí dụ 100.000 đô đi, thì không thể lấy hai con số đó cộng lại để ra kết quả là GDP 600 đô một năm để chúng ta vỗ tay vui mừng với nhau được.

Thí dụ trong gia đình Thanh có 50 người, từ ông bà nội cho tới cháu nội, có 5 người thu nhập rất cao và 45 người còn lại thu nhập cực kỳ nghèo khổ, người ta nhìn vào nói GDP gia đình Thanh 600 đô, Thanh có vui không? Thanh không vui tại vì sao? Vì 45 người kia trong cùng gia đình sẽ chỉa rẽ vói 5 người còn lại, không ai hạnh phúc với điều đó cả. Nhưng người ở ngoài người ta không biết, người ta nói vậy là hay rồi, nhưng chính Thanh là người trong cuộc Thanh mới thấy cái đó là không ổn.

Có đúng vậy không? Đó, thành ra cách phát triển của Việt Nam là như thế đó và nếu không có sự thay đổi nào khác thì nó sẽ đi đến hướng đó và đó là điều đáng buồn chung cho cả dân tộc. Mình chỉ nói như thế thôi.

Thanh: Em đã nhận thức sai rồi.

Vai trò của giới trẻ

Trà Mi: Ý kiến của anh Tuấn và anh Huy vừa đưa ra làm Trà Mi cũng chợt nghĩ đến một điều là muốn phát triển xã hội toàn diện về mọi mặt, cho dù là về chính trị, kinh tế, hay là về đời sống người dân, thì phần lớn cũng nhờ công sức của người trẻ, bởi vì dân số Việt Nam hiện giờ 2/3 là dân số trẻ, thì chính các bạn, chính những người trẻ, thế hệ trẻ của ngày hôm nay là những người có thể làm thay đổi những gì mà các bạn cảm thấy bức xúc. Các bạn có nghĩ đến cái trách nhiệm, cái vai trò của mình hay không?

Tuấn: Theo mình, mình luôn luôn có suy nghĩ như thế này mà mình muốn truyền đạt tới mọi người là dân tộc Việt Nam có đầy đủ những điều kiện cần để vươn lên thành một dân tộc hàng đầu trên thế giới. Trong tương lai khi internet, truyền thông cũng như các quan hệ song phương và đa phương phát triển thì vấn đề dân tộc rất quan trọng.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trước dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ: vietweb@rfa.org

Dân tộc Việt Nam có đầy đủ các điều kiện, thứ nhất là tính cần cù và thông minh, thứ hai là độ lan toả của người Việt. Người Việt hiện giờ có mặt gần như là khắp thế giới, cộng với sự cần cù và thông minh của mình và như các bạn thấy đấy người Việt chúng ta thành công rất là nhiều trong cuộc sống.

Những người Việt thành công về kinh tế, về khoa học, và về những mặt khác trong xã hội thì đều cao hơn các dân tộc khác. Người ta tính theo tỷ lệ phần trăm, thí dụ 100 người Trung Quốc qua sống ở Hoa Kỳ thì chỉ có 10 người thành công, mà người Việt Nam thì gấp đôi. Tôi đưa thí dụ như vậy có thể con số không chính xác, nhưng tỷ lệ đó là cao.

Như vậy rõ ràng là trong tương lai với những cái mà mình nói thì dân Việt Nam có thể vươn lên hàng đầu thế giới. Hiện giờ dân mình có những điều kiện cần đó nhưng đất nước đầy những cái bất hợp lý, vậy muốn dân tọc phát triển thì thanh niên chúng ta phải làm gì?

Đây là điều mà mình muốn gửi đến Thanh với Huy cũng như Trà Mi để biết cái suy nghĩ của mình. Có nghĩa là chúng ta phải biết cái tồn tại nằm ở đâu. Cái đó mình không nói ra mà các bạn phải tự tìm hiểu lấy câu trả lời. Và thực ra mình muốn nói rằng đối với những nhà lãnh đạo Việt Nam có thể có người chưa tìm thấy được cái này nhưng mà nên nhìn nhận một thực tế là dân tộc chúng ta có thể cất cánh được, quan trọng là thái độ đối xử của những người có trách nhiệm hiện giờ nó như thế nào và sự đối xử của những người trong tương lai nhận trách nhiệm đó là giới thanh niên phải như thế nào.

Mình mong muốn một ngày nào đó chúng ta là người Việt mà đi đến đâu đều được người ta kính trọng, xưng tụng “Ồ, ông đó là người Việt Nam!” như thế là chúng ta cảm thấy mãn nguyện rồi.

Trà Mi: Thanh và anh Huy có ý kiến gì chia sẻ thêm trước khi mình kết thúc chương trình.

Huy: Tôi có ý kiến như vầy. Ngay bản thân tôi và tôi cũng tin rằng tất cả người dân Việt Nam họ đều yêu nước, nhưng họ không có điều kiện để bày tỏ lòng yêu nước của họ. Thứ hai nữa là tôi phải công nhận một điều với anh Tuấn là dân tộc Việt Nam rất là thông minh. Có một tài liệu tôi đọc lâu rồi nói ràng trí thông minh của người Việt Nam mình cũng được xếp vào hàng “top”, hình như đứng sau Do Thái hoặc mấy nước thôi, mấy dân tộc khác thôi.

Trà Mi: Xin phép hỏi anh Huy ở đây. Như anh Huy vừa nói rằng người Việt Nam mình rất là yêu nước nhưng không dám bày tỏ. Vì sao không dám bày tỏ, thưa anh?

Huy: Tôi xin nói thẳng một điều và điều này có liên quan đến chính trị một tí. Có nhiều cách yêu nước khác nhau, cũng như lời của ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, ổng đã từng nói rồi. Yêu nước có cả trăm đường yêu nước chứ không phải chỉ đứng trong hàng ngũ một đảng lãnh đạo mới là yêu nước. Tôi không có vinh hạnh đứng trong hàng ngũ đó vì lý luận của tôi hay vì cái gì đó của tôi.

Ở Việt Nam yêu nước phải có định hướng. Có những người yêu nước nhưng họ không có cơ hội để cống hiến khả năng của họ. Tôi không nói bản thân tôi vì bản thân tôi chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong xã hội Việt Nam thôi. Tôi không đòi hỏi là phải thay đổi thể chế gì hết vì đó là nguyện vọng quá xa vời, nhưng nếu muốn Việt Nam phát triển thì tôi mong mỏi giới lãnh đạo hãy để cho tất cả mọi người dân có được tự do, sự tự do cống hiến cho đất nước, không phân biệt giai cấp, không phân biệt bất cứ cái gì hết, không phân biệt quá khứ, hiện tai và tương lai. Anh làm gì cho đất nước, nếu anh làm sai, anh làm hại cho đất nước thì tôi bắt anh. Tôi nói là làm tốt cho đất nước chứ không làm tốt cho đảng phái nào hết.

Những người lớn tuổi hơn tôi hay những người trẻ hơn tôi hãy hiểu rằng Việt Nam có 4 ngàn năm văn hiến thì hãy sống làm sao cho xứng đáng với những bậc tiền nhân đã đổ xương máu để xây dựng đất nước này cho tới ngày hôm nay. Hãy sống cho xứng đáng.

Trà Mi: Xin nghe ý kiến của Thanh trước khi mình chia tay nhau.

Thanh: Dạ, em đồng tình với ý kiến của anh Huy và anh Tuấn. Bây giờ là thời kỳ hoà bình, yêu nước ở đây có nghĩa là phục vụ cho đất nước chứ không phải cho giai cấp nào. Vì thế em ước mong là bộ máy lãnh đạo của mình mỗi ngày một thoáng hơn, gần gũi nguời dân hơn để phục vụ xây dựng đất nước. Em chỉ có ý kiến như vậy thôi.

Trà Mi: Cảm ơn Thanh rất nhiều. Và một lần nữa chúng tôi xin chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian và những đóng góp rất chân tình của mình với chương trình nói riêng và đối với các bạn trẻ nghe đài nói chung. Và chúng tôi xin hẹn gặp lại các bạn trong một chủ đề khác trong một ngày rất gần.

Chương trình rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để Diễn đàn ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một đề tài mới, sáng thứ tư tuần sau.

Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.