Thực tế Dân chủ tại Việt Nam theo nhận định của giới trẻ


2007.03.21

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trong câu chuyện tuần trước, chúng ta đã nghe các thanh niên yêu chuộng dân chủ ở quốc nội thảo luận xung quanh đề tài thế nào là một xã hội dân chủ, tầm quan trọng và những ích lợi của dân chủ đối với cuộc sống người dân và sự phát triển của đất nước.

Party10Youth200.jpg
AFP PHOTO

Trong ánh mắt của những bạn trẻ ấy, xã hội Việt Nam hiện nay chưa thể gọi là dân chủ theo đúng nghĩa của nó. Thế thì làm sao để có thể phát triển một nền dân chủ tiến bộ thực thụ? Dân chủ cần đựơc xây dựng như thế nào cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh đất nước hiện nay? Và giới trẻ có trách nhiệm ra sao, họ cần phải làm gì để góp phần vào công cuộc ấy?

Đó cũng là nội dung chính trong phần thảo luận tiếp theo giữa ba người trẻ góp mặt trong chương trình giao lưu hôm nay: Hùng ở Sài Gòn, Tiến và Nguyễn từ Hà Nội:

Nguyễn: Thật sự con đừơng dân chủ ở Việt Nam mình quá khó khăn. Chúng ta bây giờ gặp phải thực trạng là giới trẻ quá thờ ơ hoặc là sản phẩm của một quá trình giáo dục nhồi sọ, nên có cái nhìn phiến diện về thời cuộc. Chúng ta được chính quyền tuyên truyền mọi cái đều tốt đẹp, nhưng thực tế thì khác. Có những ngừơi nhận thức được thực tế đó nhưng lại cam chịu, chấp nhận để được yên thân. Việc đào tạo và giáo dục chính trị cho giới trẻ rất ít, và chúng ta gặp nhiều rào cản khác từ chính quyền như lực lượng an ninh, v.v…

Chúng tôi thực sự rất khó khăn khi tiến hành những hoạt động mang tính chất cải cách dân chủ. Muốn thực hiện thì trước mắt chúng ta phải kết hợp các biện pháp mềm dẻo, cân nhắc. Mà trước hết, giới trẻ cần phải tự tìm hiểu về đời sống chính trị trong nứơc và chúng ta cần có những diễn đàn để giới trẻ biểu hiện được mình, dần kết tụ lại thành những nhóm nhỏ rồi tiến tới xây dựng những tổ chức. Thế nhưng vừa qua xuất hiện một số diễn đàn, tuy nhiên, lại bị chính quyền đàn áp ngay. Tất nhiên thời điểm này chưa thể làm vội vàng mà cần có thời gian.

Trà Mi: Ý kiến của anh Hùng ở Sài Gòn thì sao?

Hùng: Một xã hội tốt cần phải có dân chủ, mà trong xã hội dân chủ không thể tồn tại chế độ độc đảng độc tài. Cần có tối thiểu là 2 đảng hoạt động song song với nhau để kìm chế tính độc đoán của đảng kia, và thúc đẩy quá trình dân chủ. Điều đáng sợ trong xã hội hiện nay là phần đông thanh niên không quan tâm đến chính trị của đất nước, họ không biết đi về đâu, phải làm thế nào. Chính điều đó đã làm cho xã hội kém phát triển đi.

Thế nào là Dân chủ?

Trà Mi: Thế thì câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để phát triển dân chủ trong hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, dân chủ áp dụng với tình hình thực tế trong nứơc nên đựơc phát triển như thế nào cho phù hợp?

Hùng: Việc này đòi hỏi sự nỗ lực của các tầng lớp thanh niên, phải đựơc tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình.

Trà Mi: Nhà nứơc Việt Nam luôn nói rằng mỗi quốc gia có một điều kiện riêng về kinh tế, chính trị, nên không thể đem dân chủ nứơc này so sánh với nứơc kia. Đó là lý do vì sao Trà Mi đặt ra câu hỏi là cần phải dân chủ như thế nào cho thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh ở Việt Nam ? Ý của anh Tiến ở Hà Nội như thế nào?

Tiến: Đấy là luận điểm nguỵ biện của chính quyền Việt Nam. Họ nói là từng nứơc khác nhau thì có những chế độ dân chủ khác nhau, thế nhưng nhân quyền của con ngừơi đựơc quy định trong Công ứơc quốc tế đều giống như nhau.

Cho nên bây giờ chúng ta phải đấu tranh dành cho đựơc những quyền căn bản nhất của con ngừơi như tự do ngôn luận, tự do đi lại. Từ đó, chúng ta mới có thể xây dựng một xã hội dân chủ từ sự tôn trọng nhân quyền của từng cá nhân trong xã hội.

Thế chể dân chủ tất yếu sẽ dẫn đến đa đảng. Con đường duy nhất hiện nay là đấu tranh tạo sức ép lên chế độ cầm quyền hiện nay, buộc họ phải tôn trọng những quyền cơ bản của nhân dân.

Dân chủ ở Việt Nam

Trà Mi: Nhưng thưa anh, phải nói là phần đông giới trẻ ngày nay không nhận ra là những cái quyền đó của mình bị giới hạn?

Tiến: Tôi hiểu ý của chị. Đấy là do họ chưa có đựơc tự do ngôn luận chị ạ. Họ bị tuyên truyền một chiều nên họ như thế, còn nếu cho họ tranh luận thoải mái thì tôi tin rằng có thể thuyết phục họ nhận ra mình đang sống trong một thể chế dân chủ hay mất dân chủ. Đây cũng là một dẫn chứng cho thấy quyền tự do ngôn luận của người dân gần như bị triệt tiêu hoàn toàn.

Trà Mi: Thế anh có ví dụ nào điển hình chứng minh cho luận điểm của anh đưa ra rằng quyền tự do đi lại của công dân tại Việt Nam cũng chưa đựơc tôn trọng?

Tiến: Chúng ta theo dõi thì thấy rằng những người đấu tranh dân chủ muốn đi ra nứơc ngoài hoặc tự do đi lại trong nứơc cũng không đựơc. Không nói đến những nhà dân chủ, ngay cả những dân oan đi khiếu kiện họ cũng không đựơc quyền đi lại một cách tự do mà.

Trà Mi: Nghĩa là đựơc tự do, nhưng không đựơc tự do đối lập lại với nhà nứơc, phải không ạ?

Tiến: Đúng rồi, đấy là “tự do trong khuôn khổ”. Một cái câu rất là buồn cười như thế.

Trà Mi: Xin mời ý kiến bổ sung của hai anh Nguyễn và Hùng.

Nguyễn: Chúng ta kêu gọi đấu tranh nhưng chúng ta chỉ kêu gọi chung chung, cần phải cụ thể đấu tranh như thế nào, đã vạch ra được đường lối nào chưa, đã có sự gắn kết giữa giới trẻ với nhau chưa? Tôi sẽ làm tốt hay chăng nếu như quyền lợi, cuộc sống của tôi bị ảnh hửơng? Chắc chắn tôi sẽ không làm. Nếu chúng ta chỉ kêu gọi suông thì chắc chắn sẽ không ai trả lời chúng ta. Chúng ta nhận thức đựơc thực tế của giới trẻ thế nào không?

Tại sao cần phải có Dân chủ?

Nhiều người trẻ cho rằng chuyện chính trị không phải là chuyện của mình, thậm chí rất nhiều bạn thanh niên tuổi chúng ta không phân biệt đựơc chủ tịch nứơc và thủ tứơng là ai. Tôi phải nhấn mạnh lần nữa chúng ta là sản phẩm của lối giáo dục mị dân. Ngày hôm nay chúng ta bàn luận về khái niệm dân chủ, chúng ta cũng nói không đầy đủ.

Tôi cũng cảm thấy mình chưa hiểu rõ lắm. Đấy là sự thật của chúng ta, hụt hẫng về kiến thức, ngay những trí thức mà cũng hiểu rất sơ sài. Giới trẻ chúng ta không thể kêu gọi chính quyền tạo điều kiện cho mình đựơc mà phải đấu tranh đòi hỏi. Cần có những nhóm, tổ chức để liên kết nhau, tạo ra môi trừơng đấu tranh.

Trà Mi: Anh nói ngừơi trẻ hiện nay không mấy ai hiểu rõ được ý nghĩa và giá trị đích thực của dân chủ, thì theo các anh, cần phải làm thế nào để giúp cho ngừơi trẻ quan tâm hơn, hiểu rõ hơn về ích lợi của dân chủ đối với đời sống?

Nguyễn: Một trong những giải pháp là tạo ra những diễn đàn cho giới trẻ trao đổi các kiến thức cơ bản về chính trị, giúp họ nhận thức đựơc thực tế cuộc sống, chứ không phải cái gì cũng đảng lãnh đạo toàn bộ. Chúng ta cũng đừng bỏ qua thế hệ 9X, thế hệ đó mới là thế hệ mà chúng ta có thể mong chờ một cái gì đó nổi bật.

Trà Mi: Lập các diễn đàn cho thanh niên có điều kiện trao đổi, học hỏi lẫn nhau, giải pháp này có khả thi, có thể thực hiện đựơc dễ dàng trứơc tình hình hiện tại trong nứơc chăng?

Nguyễn: Thực hiện những diễn đàn này nên dứơi nhiều hình thức khác nhau, ví dụ như diễn đàn thể thao, âm nhạc của sinh viên trong đó lồng ghép các kiến thức dân chủ vào một cách nhẹ nhàng, chứ không nhất thiết phải ngồi lại bàn bạc xung quanh vấn đề dân chủ, nhân quyền.

Trà Mi: Một khi đụng đến các vấn đề về dân chủ, nhân quyền, các anh có e rằng sẽ gặp những điều bất lợi?

Nguyễn: Chắc chắn rồi, ngay cả chúng tôi từ thời đi học cấp 3, trong khi Hiến pháp quy định dân chúng đựơc quyền biểu tình thế nhưng khi chúng tôi chỉ đi xin chữ ký để phản đối chiến tranh Kosovo lúc bấy giờ, đã ngay lập tức bị chính quyền ngăn cản, đe doạ đuổi học. Thật sự đó là những quyền cơ bản của con ngừơi mà họ lại không cho thực hiện.

Hùng: Để phát động kiến thức dân chủ trong tầng lớp thanh niên chắc chắn sẽ có nhiều người ủng hộ mình, nhưng ngừơi ta lại không dám vì họ sợ bị trù dập, đàn áp, bắt bớ, khủng bố về tinh thần.

Tiến: Chúng ta thống nhất với nhau là phải đấu tranh đòi hỏi dân chủ chứ không phải xin thì ngừơi ta cho. Đấu tranh có nhiều cách khác nhau chứ không phải cứ trực diện mới là đấu tranh. Ví dụ như ta có thể in một bài báo nào đó nói về dân chủ, mang vào nơi làm việc hay lớp học cùng bạn bè tranh luận xem những điều viết lên đấy đúng hay sai, sai chỗ nào, đúng ra sao. Giới trẻ thừơng thích những điều mới lạ, trái ngược với những gì họ đựơc rao giảng trong nhà trường…

(xin theo dõi toàn bộ cuộc hội luận trong phần âm thanh bên trên)

Trà Mi: Những cá nhân đấu tranh, bênh vực, ủng hộ dân chủ có phải là phản động, chống đối lại chính quyền hay không?

Tiến: Đấu tranh dân chủ là phản lại cái xấu, xây dựng cái tốt là đúng chứ, tại sao gọi là “phản động”? Nói phản động tức là phản lại những sự tiến bộ tốt đẹp của quốc gia, xã hội, nhưng mà ai là ngừơi phản lại sự tiến bộ đó?

Diễn đàn bạn trẻ sẽ trở lại cùng quý vị và các bạn với phần trao đổi tiếp theo trên làn sóng này, sáng thứ tư tuần sau.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm với chương trình, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.

Mong đựơc đón tiếp quý trên làn sóng này trong chương trình kỳ tới. Trà Mi kính chào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.