Giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về cuộc bầu cử Quốc hội khoá 12?


2007.04.18

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tuần trước, chúng ta đã nghe nhận xét của các bạn trẻ về vai trò và hiệu quả của cơ quan lập pháp tại Việt Nam. Tiếp nối loạt chương trình “Giới trẻ và bầu cử Quốc hội” nhân cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 sắp diễn ra vào ngày 20-5 tới đây, “Diễn đàn bạn trẻ” kỳ này tiếp tục ghi nhận cảm nghĩ của thanh niên liên quan đến thể thức bầu cử lâu nay ở Việt Nam mà đặc biệt là cuộc bầu cử Quốc hội lần này.

LawAssembly200.jpg
Một phiên họp của Quốc hội Việt Nam. AFP PHOTO.

Trong ánh mắt các cử tri trẻ tuổi, lá phiếu của người dân có ảnh hưởng thế nào đối với tiến trình bầu chọn những tiếng nói đại diện cho nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân? Mời quý vị cùng tìm hiểu qua phần trao đổi giữa 3 người bạn trẻ từ Sài Gòn, Hà Nội, và Vĩnh Phúc, là Tài, Tuấn, và Vỹ.

Vỹ: Vấn đề không phải ở tỷ lệ đại biểu trong quốc hội bao nhiêu người ngoài đảng và bao nhiêu ngừơi trong đảng. Rõ ràng khi quốc hội Việt Nam đặt ra những chỉ tiêu về tỷ lệ thành phần trước kỳ bầu cử, tôi đã thấy đó là một điều rất là ngạc nhiên.

Chuẩn mực nào để người ta tuyên bố chỉ có 10% cho những ngừơi ngoài đảng. Phải có những chuẩn mực cụ thể nào đó. Khi hiệp thương lần thứ nhất đã đựơc thông qua thì ngay trên các phương tiện truyền thông của nhà nứơc như Vietnamnet, đã có nhiều chuyên gia ở Việt Nam đã nêu ý kíên rằng tại sao tỷ lệ ngừơi ngoài đảng không phải là con số lớn hơn 40% mà cứ nhất thiết là phải dưới đó?

Tuấn: Tôi không đồng ý lắm với ý kiến của anh Vỹ. Theo tôi, cứ cho là 100% là đảng viên, nếu thật sự quốc hội đó mà đại diện cho dân, làm việc vì dân, vì nứơc, thì mọi ngừơi cũng không thắc mắc về thành phần trong đảng hay ngoài đảng.

Thế nhưng, những chuẩn mực làm việc vì dân, vì nước, vì những cái chung thì không đạt được. Cho nên, nếu sau này trong quốc hội có 40% đảng viên, và 60% nhân dân, mà hoạt động không hiệu quả, không vì dân, vì nứơc thì nó cũng thế thôi.

Vỹ: Tôi nghĩ nói quốc hội có làm việc vì dân, vì nứơc hay không là một khái niệm rất khó để xác định đựơc. Có thể thay khái niệm đó thành là có bao nhiêu phần trăm dân số Việt Nam hài lòng về chất lựơng, hiệu quả của quốc hội.

Con số này ở Việt Nam càng mù mờ hơn, vì không có, hay chính xác hơn là tại Việt Nam không có những cuộc điều tra độc lập để thấy đựơc mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan công quyền.

Trà Mi: Các cuộc điều tra trong dân chúng như vậy có tầm quan trọng cũng như cần thiết như thế nào?

Vỹ: Chúng ta cần những chuyện như vậy. Đó là những việc rất bình thừơng, đương nhiên phải có ở Việt Nam. Nếu chưa có thì tương lai chúng ta phải làm sao cho có, vì đó là thứơc đo rất quan trọng đánh giá mức độ hài lòng của xã hội. Qua đó, có thể thấy đựơc bộ máy đó làm việc tốt hay không.

Cần có những con số tham khảo. Qua thống kê, nhiều người sẽ nhận định, lựa chọn, và quýêt định của mình đối với những ngừơi đang nắm quyền. Điều này rất là bình thừơng ở các quốc gia khác, nhưng ở Việt Nam ngay cả việc đề cập đến nó đã là nhạy cảm với nhà cầm quyền.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Vỹ. Hồi nãy anh Tài định góp ý gì thêm, phải không ạ?

Tài: Tôi định góp ý về vấn đề tỷ lệ đảng viên. Đúng là bao nhiêu phần trăm là đảng viên, bao nhiêu là ngừơi ngoài đảng thực sự cũng không quan trọng. Vấn đề ở chỗ rất khó đánh giá được một người vì nứơc, vì dân. Nếu một đại biểu đồng thời là đảng viên, lại còn kiêm nhiệm thêm những chức vụ bên hành pháp, tư pháp, thì rất có khả năng sẽ dùng vị trí của mình để đưa ra những điều luật có lợi cho cơ quan họ.

Thành ra, tôi nghĩ, để giải quyết đựơc vấn đề này thì chỉ có một cách là Việt Nam phải có chương trình cho các ứng cử viên tranh cử, với những chương trình hành động cụ thể. Kết thúc nhiệm kỳ người dân sẽ đánh giá những việc ứng viên đó đã làm đựơc. Chứ còn hiện nay ở Việt Nam nói đến “tranh cử” cũng là một vấn đề nhạy cảm.

Trà Mi: Thật ra là “bầu cử” chứ ở Việt Nam ít nghe tới từ “tranh cử” vì thật sự không ai tranh với ai cả, mà đó là sự bầu chọn. Tiếp nối với ý các anh đưa ra về thể thức “đảng cử dân bầu”, nếu các anh thấy việc này chưa mấy đựơc dân chủ, khách quan, thì xin phép đựơc phân tích rõ hơn. Trong câu “đảng cử dân bầu” chẳng phải là dân cũng có phân nửa quyền quýêt định trong việc đó hay sao? Như vậy lá phíêu của các anh, lá phiếu của người dân nói chung, có ảnh hưởng như thế nào đến việc hình thành cơ quan quỳên lực cao nhất đại diện cho nhân dân?

Vỹ: Đáng buồn là trọng lượng lá phiếu của cử tri ở Việt Nam chỉ quýết định cùng lắm là 20% trong quá trình thế thôi, vì lá phiếu là việc người ta hợp thức hoá số đại biểu sẽ ngồi ở quốc hội, chấm hết.

Trà Mi: Dựa trên cơ sở nào mà anh dự đoán chỉ quyết định 20% trong kết quả chung?

Vỹ: Tôi là người có phiếu bầu thì việc đầu tiên tôi quan tâm là số lựơng người ra tranh cử ra sao. Nhìn lại vấn đề, ở Việt Nam quy định về ứng viên ra sao? Họ đã lựa chọn những ứng viên cho ngừơi dân bầu như thế nào? Đó là quá trình mà ngừơi dân không thể tác động vào được, điều này đã rút đi mức độ ảnh hưởng của lá phiếu ngừơi dân rồi.

Thứ hai, tỷ lệ giữa số ứng viên với số bầu lại quá thấp, nhiều nơi số dư chỉ 1 hay 2 người. Thế thì sự lựa chọn của người dân lại giảm xuống nữa. Đảng cử dân bầu, qua hiệp thương, qua đề cử người ta đã xác định khung cứng về tỷ lệ đương nhiên sẽ phải trúng. Như vậy, khả năng ảnh hưởng của lá phiếu chúng ta là một tỷ lệ rất nhỏ để có thể tác động vào việc ai là ngừơi trúng, ai là ngừơi không trúng.

Trà Mi: Xin cảm ơn ý kiến của anh Vỹ và xin mời anh Tuấn và anh Tài tiếp lời.

Tài: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Vỹ. Nói là “đảng cử dân bầu” nhưng thật sự lá phiếu của người dân chỉ có tác dụng hợp thức hoá danh sách đại biểu do đảng cử ra thôi, chứ không có vai trò gì đáng kể.

Tuấn: Không biết các bạn có để ý không, tức là sau khi chúng ta bỏ phiếu, trên báo đài công bố kết quả toàn dân đi bỏ phiếu với 99,999% gì đó. Tôi thắc mắc không hiểu người ta kiểm phiếu như thế nào? Cơ quan độc lập trong việc kiểm phiếu và công bố kết quả đó là ở đâu? Cho nên, tôi nghĩ là chúng ta đi bầu hay không thì con số cũng tương tự như thế thôi. Người công bố chẳng biết có kiểm phiếu thật hay không.

Tài: Điểm này tôi đồng ý với anh Tuấn. Ở Việt Nam, tình trạng vi phạm luật bầu cử rất phổ biến. Một người đi bầu cho cả gia đình, cho bạn bè, rồi vào phòng phiếu gạch bỏ hết tên ứng viên không phải là hiếm mà kết quả bầu cử lúc nào cũng “thành công tốt đẹp”? Việt Nam thiếu một cơ quan kiểm phiếu độc lập, tôi cũng chẳng hiểu quá trình kiểm phiếu có được diễn ra đàng hoàng, chân thật hay không?

Vỹ: Mấu chốt vấn đề vẫn là ở điểm khởi đầu của bầu cử. Khi bắt đầu con đường đã không chính xác thì kết thúc con đường chắc chắn cũng không chính xác đựơc. Cái điểm khởi đầu của con đường ấy là luật bầu cử đã không thể hiện được sự minh bạch, chính xác, không thể hiện đựơc đó là luật chơi để tất cả những ai có tâm, có tài nhận trách nhiệm đại diện cho nhân dân trong việc quýêt định các vấn đề quan trọng nhất của đất nứơc, thì rõ ràng những vấn đề chúng ta bàn thảo phía sau như lá phiếu người dân, tỷ lệ bao nhiêu người ngoài đảng trong quốc hội…v..v.. đều trở nên vô nghĩa.

Tài: Tôi nghĩ vấn đề nền tảng không phải nằm ở luật bầu cử quốc hội, mà nền tảng nhất nằm ở hiến pháp Việt Nam. Hiến pháp đã quy định đảng cộng sản là đảng chính trị duy nhất, đương nhiên có vai trò lãnh đạo, thì tất cả những luật sẽ phải theo tinh thần của hiến pháp đó. Nếu như muốn sửa vấn đề tận gốc thì, theo tôi, phải sửa đến hiến pháp chứ không phải chỉ ở luật bầu cử.

Tuấn: Tôi chia sẻ ý của anh Tài. Điều 4 hiến pháp nằm chình ình ra đấy rồi thì những điều sau đó có như thế nào chăng nữa thì vẫn bị điều này cản trở, quyết định.

Trà Mi: Trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội khoá 12, báo chí trong nước liên tục đưa tin về một số cải tổ mang tính dân chủ hơn trong tiến trình bầu cử. Phản hồi của giới trẻ ra sao?

Tuấn: Trong vụ ông Đặng Hùng Võ ra tự ứng cử, Đảng bảo “No”, thế là ông ta rút lại luôn, chứng tỏ những ngừơi mà đảng không OK thì chắc chắn là không đựơc vào.

Tài: Tôi nhận thấy tốc độ cải cách chính trị của Việt Nam quá chậm, trong khi việc Việt Nam đang ngày càng tụt hậu với thế giới đang đòi hỏi một tốc độ cải cách về mặt chính trị nhanh hơn thì chúng ta mới bắt kịp đựơc với các nứơc khác.

Trà Mi: Vì thời gian co hạn, “Diễn đàn bạn trẻ” sẽ tái ngộ cùng quý vị với phần hội luận tiếp theo, vào giờ này, sáng thứ tư tuần sau.

Diễn đàn rất mong nhận được ý kiến tham luận của bạn nghe đài khắp nơi để chương trình ngày càng phong phú và bổ ích hơn.

Quý vị muốn chia sẻ quan điểm với chương trình, xin để lại lời nhắn cho chúng tôi qua hộp thư thoại (202) 530 -7775, kèm theo số phone, chúng tôi sẽ liên lạc lại. Từ Việt Nam và các nước khác, xin bấm số 001 trứơc dãy số (202) 530-7775. Quý thính giả cũng có thể email cho Ban Việt Ngữ qua địa chỉ : vietweb@rfa.org.

Trà Mi kính chào.

(xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc hội luận trong phần âm thanh bên trên)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.