Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Việt Nam sản xuất và xuất khẩu cà phê đứng thứ nhì thế giới với sản lượng hàng năm 900 ngàn tấn. Sự phát triển quá nhanh diện tích cà phê ở Việt Nam gây ra cuộc khủng-hoảng-thừa, ảnh hưởng toàn thế giới.

Nhân 30 năm ngày đất nước Việt Nam qui về một mối, Nam Nguyên nhìn lại chặng đường dài của hạt cà phê Việt Nam từ phát triển đưa tới khủng hoảng và giải pháp cho lối thoát hiện nay.
Nguồn gốc phát triển
Năm 1870 là thời điểm cây cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam, tuy vậy mãi tới những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp mới gieo trồng phát triển giống cây có trái chín đỏ này, mà nhân của nó có thể chế biến thành thức uống đặc biệt.
Từ đó mới có những đồn điền cà phê thu dụng nhiều công nhân nghèo ở vùng cao nguyên trung phần. Theo ghi nhận từ các tài liệu chính thức, năm 1930 ở Việt Nam có khoảng 6 ngàn hécta cà phê.
Sau khi đất nước chia cắt năm 1954, miền Bắc thất bại trong việc canh tác cây cà phê, vào năm 1966 các nông trường phải chặt bỏ toàn bộ. Từ đó đến năm 1975 ở miền Bắc không có cây cà phê trong qui hoạch nông nghiệp.
Xây dựng vùng kinh tế mới
Chúng tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới, lúc đó đầu tiên là tập đoàn tập thể, sau này chúng tôi tự túc…tuỳ theo khả năng khai phá được bao nhiêu, sau này chính phủ cấp cho cái sổ đỏ…
Đất nước thống nhất sau tháng Tư 1975, nhà cầm quyền quốc hữu hoá khoảng 20 ngàn hécta cà phê ở Lâm Đồng, Ban Mê Thuột sau này gọi là Buôn Ma Thuột. Thời gian sau đó Hà Nội nhờ vốn từ các hiệp định hợp tác với các nước trong khối cộng sản, nên đã phát triển thành 180 ngàn hécta cà phê tại các nông trường quốc doanh.
Di dân kinh tế mới từ miền Bắc vào được chia đất đai trước kia thuộc về các sắc tộc thiểu số, một phần vì nguyên nhân này mà đã xảy ra những biến động ở Tây Nguyên trong mấy năm vừa qua.
" Chúng tôi đi xây dựng vùng kinh tế mới, lúc đó đầu tiên là tập đoàn tập thể, sau này chúng tôi tự túc…tuỳ theo khả năng khai phá được bao nhiêu, sau này chính phủ cấp cho cái sổ đỏ…" Tuy vậy trong nhiều năm liền đầu thập niên 1990, giá cà phê thế giới lên cao có lúc hơn 3 ngàn đô la một tấn, khiến nông dân Việt Nam phát triển ồ ạt, tổng diện tích cà phê lên tới mức 560 ngàn hécta. Nhà nước không có cách gì kiểm soát vì chính quyền chỉ quản lý trong tay khoảng 15% diện tích thuộc các nông trường quốc doanh.
Quản lý kém hiệu quả
Tiến sĩ Đoàn Triệu Nhạn nhân vật gắn bó với cây cà phê từ gần 30 năm nay cả về mặt quản lý nhà nước lẫn Hiệp Hội Doanh nghiệp phát biểu:
“Sau những năm giá cà phê lên cao 1995,96,97 …cuối cùng là năm 98, mỗi năm người ta trồng 100 ngàn hécta cà phê… ở tất cả các tỉnh ở Tây Nguyên đất đai khai thác rất triệt để, thực ra mà nói thì nhà nước cũng không có cách nào để mà ngăn cản được.
Đó là đường lối đổi mới của nhà nước, đã giao cho dân quyền được sử dụng ruộng đất, họ có quyền trồng những cây mà họ muốn. Hướng dẫn thì chúng tôi có hướng dẫn, chúng tôi có qui hoạch. Nhưng họ làm ngoài qui hoạch, đó là điều rất đáng tiếc.”
Từ không đầy 20 ngàn hécta cà phê ở miền nam Việt Nam, thế mà đến năm 2.000 cả nước có hơn nưả triệu héc ta cà phê. Tức là tăng diện tích lên 26 lần, sản lượng năm đó là 900 ngàn tấn. Do qui hoạch mà không thể kiểm soát, Việt Nam đã xuất khẩu quá nhiều cà phê làm cán cân cung cầu trên thị trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khủng hoảng cà phê
Nguồn cung nhiều mà nhu cầu không tăng, năm 2001 giá cà phê thế giới đặc biệt là loại Robusta tức cà phê vối xuống tới mức thấp nhất trong vòng 30 năm, từ 3.600 đô la một tấn rớt xuống 330 đô la một tấn trong năm đó.
Tôi thấy ngành cà phê Việt Nam nói chung không có hoạch định, nên người nông dân thấy cà phê có giá thì đua nhau trồng, lúc có trái giá xuống bán không được lại chặt bỏ…vì thế người nông dân nghèo vẫn cứ nghèo mãi
Việt Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng thật sự khi hàng chục ngàn nhà vườn chặt bỏ cây cà phê để trồng hoa màu khác lấy cái ăn, một nữ thương gia chuyên doanh cà phê đưa ra nhận xét:
“Năm 2002 người nông dân chặt cây cà phê của mình để mà trồng những loại hoa màu khác…rất là thường…thí dụ như có người chặt cà phê để trồng khoai mì…thấy rất là đau lòng, bởi vì trồng một cây cà phê phải ba năm nó mới bói…còn rộ quả thì phải năm năm.
Trong thời gian đó nào là phân nào là nước, thời gian chờ đợi đó…tôi nghĩ đó là những cái đầu tư rất lớn…tới lúc phải bỏ đi để trồng cây hoa màu khác, thì cái vốn của mình như đổ xuống sông xuống biển…rất là uổng phí…
Tôi thấy ngành cà phê Việt Nam nói chung không có hoạch định, nên người nông dân thấy cà phê có giá thì đua nhau trồng, lúc có trái giá xuống bán không được lại chặt bỏ…vì thế người nông dân nghèo vẫn cứ nghèo mãi”
Hoặc giả như tiếng thở than não nề của người nông dân trồng cà phê, mong giá cả ổn định, được nhà nước giúp đỡ đừng để lãi mẹ đẻ lãi con:
“ Suốt từ bao nhiêu năm nay, không có một cái giá nào nhất định hết, nó tuỳ thuộc theo mùa và tuỳ thuộc theo người mua, thành ra bồng bềnh lắm… đại đa số dân trồng cà phê chúng tôi bị vướng nợ ngân hàng…khổ tâm lắm không biết cách nào mà trả được cái tiền lãi, như thế đã vất vả rồi…nghĩ mãi không biết bao giờ mới trả được gốc.”
Thời kỳ vàng son
Ông Đoàn Triệu Nhạn, phó chủ tịch Hiệp Hội Cà Phê Việt Nam VICOFA trình bày quan điểm của mình chung quanh cuộc khủng hoảng thừa của hạt cà phê Việt Nam. Tuy nhiên ông cho rằng, cây cà phê đã có phần giúp xoá đói giảm nghèo:
Suốt từ bao nhiêu năm nay, không có một cái giá nào nhất định hết, nó tuỳ thuộc theo mùa và tuỳ thuộc theo người mua, thành ra bồng bềnh lắm… đại đa số dân trồng cà phê chúng tôi bị vướng nợ ngân hàng…khổ tâm lắm không biết cách nào mà trả được cái tiền lãi, như thế đã vất vả rồi…nghĩ mãi không biết bao giờ mới trả được gốc
“ Với con số sáu bảy trăm ngàn gia đình nông dân trồng cà phê, trong đó ít nhất chúng tôi thấy rằng có thể 70% số hộ có cuộc sống khá hơn vì cà phê. Đó là điều chắc chắn, tại vì những năm thấp, khủng hoảng họ có khó khăn, nhưng năm giá được thì họ có thể mua sắm cái này cái khác.
Nhiều vùng cà phê, sau những năm giá cao như 1994, 1995, 1996,1997, nhiều vùng đã chuyển hết nhà tranh nhà gỗ sang nhà xây bê tông cả rồi. Đó là điều rất tốt, cái thứ hai là với chương trình điện khí hoá nông thôn rất nhiều gia đình đã có những tiện nghi sinh hoạt tốt như vô tuyến truyền hình, máy quay dĩa quay băng, đời sống được nâng cao lên rất nhiều.”
Thực trạng ngành cà phê hiện nay
Trở lại thực trạng ngành cà phê Việt Nam, sau thời gian khủng hoảng năm 2001, giá cà phê thế giới có nhích lên nhưng chưa bao giờ trở về thời kỳ vàng son. Theo thống kê chính thức trọn năm 2004 Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 890 ngàn tấn cà phê nhân sống, trị giá khoảng 580 triệu đô la mỹ.
90% lượng cà phê Việt Nam là loại Robusta tiếng trong nghề gọi là cà phê vối. Giá trung bình một tấn cà phê Robusta Việt Nam xuất trong năm 2004 khoảng 650 đô la một tấn.
Chính phủ Việt Nam hứa hẹn với quốc tế là cắt giảm diện tích và sản lượng cà phê để phục hồi giá cả. Nhưng trên thực tế diện tích cà phê cắt đi 40 ngàn hécta ở Đắc Lắc thì lại mọc ra các vườn cây mới ở các tỉnh khác. Nguyên do là vì nhà nước chỉ kiểm soát được khoảng 15% tổng diện tích, thuộc về các nông trường và công ty quốc doanh.
Lối đi nào phát triển bền vững?
Vậy thì Việt Nam tìm lối đi nào để phát triển bền vững cho hạt cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Tiến sĩ Đoàn Triệu Nhạn, giới chức của Hiệp Hội VICOFA phát biểu với chúng tôi vào thời điểm Việt Nam kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước:
“ Nói chung chúng tôi giảm diện tích cà phê robusta cà phê vối và tăng một phần nào diện tích cà phê arabica lên…để cho cơ cấu của nó khoảng độ 400 ngàn hécta cà phê robusta, phần còn lại là cà phê arabica…”
Ngoài vấn đề cơ cấu cây trồng, phẩm chất hạt cà phê với các chuẩn mức nhất định cũng là một yếu tố quan trọng, để hạt cà phê có giá cao, đời sống ngừơi nông dân được bảo đảm. Ông Đoàn Triệu Nhạn đưa ra hướng giải quyết mà VICOFA đang theo đuổi:
“ Chúng tôi đang quan tâm nhiều đến chế biến, tại vì biết rằng chúng tôi phải đưa ra thị trường cái mà khách hàng cần. Và thứ hai là phải bảo đảm yêu cầu rất là cao hiện nay là vệ sinh an toàn thực phẩm…như thế chúng tôi phải lo khâu thứ nhất là chất lượng sản phẩm…trong quá trình đó là cần hái quả chín, dùng các công nghệ tiên tiến như chế biến ướt, đánh sạch nhớt, chống ẩm, làm khô sản phẩm. Đặc biệt là giữ cho sản phẩm xuất khẩu được sạch chống được ô nhiễm chống nhiễm khuẩn.”
... để có lợi lâu dài
Thương mại theo thị trường tự do tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị ảnh hưởng tình trạng đầu cơ ép giá của thương nhân nước ngoài. Vì thế các công ty cà phê Việt Nam đang chập chững bước vào thị trường kỳ hạn ở London và New York, họ khởi sự các giao dịch mua bán trên mạng với các công cụ bảo hiểm hạn chế bớt rủi ro.
Nhìn lại chặng đường dài con đường phát triển cây cà phê Việt Nam, thực tế cho thấy hạt cà phê làm ra vẫn tạo ra lợi nhuận trên ý nghĩa nào đó. Gần một triệu lao động liên quan tới hoạt động sản xuất cà phê, tổng diện tích canh tác vẫn được duy trì trên dưới 500 ngàn hécta.
Điều quan trọng là nhà nước cần có chính sách rõ ràng, qui hoạch đúng, thông tin nhanh chóng đầy đủ. Nếu như nông dân trồng cà phê có đủ lòng tin nơi Hiệp Hội và chính quyền, thì họ mới đi theo hướng phát triển bền vững có lợi lâu dài.