Thủ tướng Khải thăm Hoa Kỳ

Nguyễn Xuân Nghĩa

Tuần qua, Phủ Tổng thống Hoa Kỳ thông báo là Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải sẽ thăm Hoa Kỳ vào tháng Sáu và chuyến thăm viếng đánh dấu 10 năm bình thường hóa ngoại giao giữa hai nước. Việt Long phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về sự kiện này trong Mục Diễn đàn Kinh tế tuần này.

0:00 / 0:00
PhanVanKhai200.jpg
Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải. AFP PHOTO

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, trong chương trình chuyên đề tuần này, chúng ta sẽ cùng trao đổi về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của ông Khải, chú trọng về khía cạnh kinh tế. Trước hết, xin ông cho biết nhân định tổng quát của ông về sự kiện này.

Được loan báo như thế nào?

Đáp: Ở trong lãnh vực truyền thông, chúng ta chú ý trước tiên đến việc chuyến viếng thăm của ông Khải được loan báo ra ngoài như thế nào, sau đó ta mới lần lượt đi vào nội dung và kết quả.

Đầu tiên là các tin tức về chuyến thăm viếng đều xuất phát từ Hoa Kỳ, sớm nhất vào trung tuần tháng Tư do những nguồn tin được gọi là từ giới chức ngoại giao Mỹ. Sau đó, đương kim Đại sứ Mỹ tại Hà Nội là ông Michael Marine nhiều lần đề cập tới việc ấy, như khi trả lời phỏng vấn của đài Á châu Tự do hôm 25 hay tại cuộc tiếp xúc với một số nhân sĩ và truyền thông Việt Nam ở miền Đông Hoa Kỳ hôm 27 vừa qua.

Trong khi ấy, Hà Nội lại rất kín tiếng, mãi đến hôm 28 mới loan tải, tôi xin trích nguyên văn "Mỹ hoan nghênh chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải". Đó là bản tin ngắn do tờ Nhân Dân loan tin của Thông tấn xã Việt Nam, trích dẫn nguồn tin của Agence France Press, một thông tấn xã Pháp!

Xuyên qua sự việc ấy, tôi có nhận xét là phía Hoa Kỳ coi việc này là bình thường và giới hữu trách công khai thảo luận vậy mà phía Hà Nội lại giữ kẽ. Nhật báo của đảng loan tin của một thông tấn xã trích dẫn một thông tấn xã Pháp, với ấn tượng là Mỹ hoan nghênh chuyến thăm viếng của Thủ tướng Việt Nam.

Về việc này, ta có hai giả thuyết. Một là lãnh đạo Việt Nam vẫn còn mặc cảm, nhẹ thì ta nói là "tình trong như đã mặt ngoài còn e", hoặc "Mỹ cần ta chứ ta không cần Mỹ," đó là lề lối ngoại giao nhược tiểu và thiếu tự tin.

Hai là chính Thủ tướng Phan Văn Khải cũng không muốn thổi phồng việc này, phải ra vẻ dửng dưng vì sợ rách việc.

Vì sao phải giữ kẽ?

Hỏi: Nhưng ông có thể giải thích tại sao lại có hiện tượng giữ kẽ? và Thủ Tướng Việt Nam sợ rách việc là vì sao? Đáp: Tôi nhớ lại một thí dụ bản thân đã chứng kiến. Tháng Chín năm 1999, tôi là đặc phái viên của đài Á châu Tự do tháp tùng phái đoàn báo chí của Tổng thống Bill Clinton tham dự thượng đỉnh của Diễn đàn APEC tại New Zealand.

Năm đó ta sở dĩ chú ý đến hội nghị ấy vì chờ đợi là nhân cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Khải và Tổng thống Clinton, đôi bên sẽ giám sát lễ ký kết Hiệp định Thương mại Mỹ-Việt.

Tôi nhớ là khi VIETNAM bày tỏ sự hoài nghi về việc ký kết, các giới chức Mỹ như Cố vấn An ninh Samuel Berger, Cố vấn Kinh tế Gene Sperling và Phát ngôn viên John Lockhart của Tổng thống Clinton tỏ vẻ ngạc nhiên, thậm chí khó chịu.

Hôm đó là Thứ Sáu mùng 10, qua Thứ Hai 13, họ tỏ vẻ lúng túng vì Hà Nội không chịu ký, do lãnh đạo ở nhà chưa đạt nhất trí về một điều đã muốn và theo đuổi từ 10 năm. Tôi đoán là ông Khải khi đó còn lúng túng hơn nữa. Vì vậy bây giờ mới có chuẩn bị một phản ứng rất dè dặt.

Bạn nghĩ gì về nhận định này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Thành quả bang giao Việt-Mỹ

Hỏi: Thì mãi về sau bản Hiệp định mới được ký kết và đem lại lợi ích cho Việt Nam hơn là cho Hoa Kỳ. Nhân đây, xin ông tổng kết sơ lược về thành quả bang giao giữa đôi bên.

Đáp: Sau 10 năm sau bình thường hóa bang giao, Hoa Kỳ coi Việt Nam là một nước bình thường, đôi bên có đạt nhiều lợi ích chung mà cũng có loại vấn đề cần thảo luận. Phía Việt Nam thì chưa, vì lãnh đạo Hà Nội có lối suy nghĩ khác, và khác với lối suy nghĩ của người dân.

Người dân đều thấy là bang giao với Mỹ có lợi. Ba tháng đầu năm nay xuất siêu được một tỷ ba, là bán một tỷ rưỡi, mua có hơn hai trăm triệu. Cả năm ngoái xuất siêu được hơn bốn tỷ, năm kia hơn ba tỷ, năm 2002 gần hai tỷ, năm 2001 gần 600 triệu.

Suốt thời gian ấy, Việt Nam còn được Mỹ viện trợ rất nhiều về giáo dục, kỹ thuật, y tế xã hội. Chính đảng viên cán bộ cũng thấy ra mối lợi cụ thể cho họ khi Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may qua Mỹ. Ngược lại - và đây là mặt trái của vấn đề và vẫn là một điều bất lợi cho Việt Nam - đầu tư của Mỹ vào Việt Nam vẫn còn quá thấp vì nhiều trở ngại trong môi trường đầu tư ở Việt Nam, là điều ta đã có nói.

Hỏi: Nhưng trong 3 tháng đầu năm nay thì đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhiều so với cùng thời kỳ năm ngoái?

Đáp: Đúng như vậy, nhưng đó lại là đầu tư từ các quốc gia Á châu, những nước không phải là những quốc gia tự do dân chủ như ở phương tây...

Dự đoán kết quả chuyến đi

Hỏi: Ta có thể sẽ trở lại đề tài này trong một lần khác. Bây giờ, mời ông trở lại chuyến thăm viếng của Thủ Tướng Phan Văn Khải. Ông dự đoán kết quả sẽ ra sao?

Đáp: Tôi không chờ đợi nhiều về kết quả thực tế dù chuyến thăm viếng sẽ rất ngoạn mục về hình thức. Phái đoàn đông đảo của ông Khải sẽ thăm viếng nhiều nơi, ký kết nhiều thỏa ước ở nhà gọi là "đầy ấn tượng", nhưng phái đoàn vẫn chập chờn ẩn hiện chứ khó công khai minh bạch như phái đoàn của một quốc gia khác.

Lý do là dù Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ mà lãnh đạo Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ với chính người Việt Nam, ở trong nước lẫn bên ngoài. Lý do là họ chưa có cơ chế và tư duy bình thường.

Cơ chế và tư duy bình thường

Hỏi: Ông vui lòng giải thích rõ hơn. Ông cho rằng thế nào là cơ chế và tư duy bình thường?

Đáp: Tôi xin đơn cử một thí dụ mà ở ngoài hầu như ai cũng biết. Việt Nam không thiếu gì phái đoàn kinh doanh bung ra tìm đầu mối xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Sau khi đem mẫu mã đi chào hàng họ đều được tiếp đón nồng hậu, nhiều hợp đồng đã được ký kết nhưng sau đó lại bị hủy bỏ. Lý do là khi trở về tổ chức bộ máy sản xuất rồi đưa hàng qua Mỹ thì ta bị từ chối vì hàng hóa này hoàn toàn khác hẳn mẫu mã đã trưng bày và thỏa thuận mà lại còn trễ hạn nữa.

Chỉ vì ta chưa có cơ chế bình thường để tôn trọng những cam kết về chất lượng hay thời hạn với thiên hạ. Cụ thể là tham nhũng, quan liệu, mánh khóe vặt đã làm nhiều người sạt nghiệp sau khi đầu tư công sức vào việc mở rộng thị trường hay mở rộng quan hệ với Mỹ. Nếu một công ty Mỹ qua Việt Nam, cũng với nguyên vật liệu và thiết bị kỹ thuật ấy, họ hoàn tất được việc sản xuất và tái xuất khẩu ra ngoài.

Nếu họ thấy xứ khác có lợi hơn thì đầu tư qua nơi ấy, ta lại mất luôn một đầu mối kinh tế có lợi. Nào có phải là dân mình kém, nhưng vì cơ chế kỳ cục của ta xuất phát từ lối tư duy chưa bình thường do chưa biết đánh giá lợi ích cho thiết thực.

Phái đoàn của Thủ tướng Khải có thể cũng tái diễn việc ấy, tức là thuyết phục được thiên hạ ở ngoài với mẫu mã và hứa hẹn đầy ấn tượng mà về nhà lại không thuyết phục nổi cái cơ chế đầy ách tắc và lối tư duy đầy nghi kỵ hạn hẹp của bộ máy lãnh đạo.

Nếu suy rộng từ địa hạt kinh doanh sang kinh tế lên tới chính trị hay quan hệ chiến lược, ta thấy ách tắc này còn lớn chừng nào. Vì vậy mà tôi không chờ đợi nhiều kết quả cụ thể từ chuyến thăm viếng này.

Chưa bình thường hóa

Hỏi: Ông có nói là lãnh đạo Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ với chính người Việt, ở trong và ngoài nước. Ông có thể giải thích thêm điều ấy chăng?

Đáp: Tôi xin lấy một thí dụ đầy hoang tưởng mà lại bình thường ở các nước bình thường khác. Nếu lãnh đạo một quốc gia có gần hai triệu dân mình cư ngụ tại Mỹ mà qua thăm Hoa Kỳ, điều gì sẽ xảy ra? Ông ta hay bà ta sẽ được đón tiếp nồng nhiệt ở mọi nơi, sẽ thăm viếng các địa phương có nhiều kiều bào cư ngụ nhất.

Trước đó, sứ quán của họ được chính kiều bào giúp đỡ và chuẩn bị cho chuyến thăm viếng, kể cả giới thiệu và hướng dẫn việc vận động trung tâm này hay nhân vật nọ hầu đạt thành quả tối đa cho đồng bào ở nhà.

Hãy nghĩ tới cộng đồng Ấn Độ và đầu mối về công nghệ thông tin của họ để đẩy mạnh thêm việc phát triển sản phẩm hay dịch vụ điện toán cao cấp cho người Ấn ở nhà, hoặc việc vận động cho quyền lợi của Ấn Độ trong vụ Kashmir, cho hoà bình ở Nam Á. Vào dịp khác ta sẽ trở lại chuyện công nghệ ấy.

Đáng tiếc là cho đến nay thí dụ đó vẫn là hoang tưởng mà có lẽ chỉ có trên mặt báo Việt Nam khi họ được chỉ thị loan tải tin tức đầy ấn tượng về chuyến đi của ông Khải trong khi ở tại chỗ, tại Hoa Kỳ này, thực tế lại xảy ra hoàn toàn khác.

Lãnh đạo Hà Nội lạm dụng ngôn từ mà gọi người Việt ở ngoài là "Việt kiều", hoan nghênh việc họ gửi tiền về nhà nhưng không hoan nghênh những đề nghị của họ về cải cách cơ chế chính trị vì thực ra vẫn coi người Việt ở nhà như con tin để khai thác nguồn lợi từ nước ngoài.

Do đó mà mối quan hệ giữa chính quyền và người dân vẫn chưa được bình thường, từ kinh tế đến chính trị, chẳng vì lý do cơ chế lãnh đạo thiếu nhất trí mà vì tư duy của họ chưa rõ ràng về quyền lợi lâu dài của dân tộc.