Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 30-3-2006)


2006.03.30

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Vừa rồi, Đảng Cộng sản Việt Nam kêu gọi góp ý vào dự thảo Báo cáo Chính trị cho Đại hội 10 nhưng theo một số người thì đó chỉ là hình thức chứ làm gì có thay đổi, như nhận xét sau đây của sinh viên trong nước, mà chúng tôi xin gọi tắt là N.B.:

VnPartyLeaders200.jpg
Những nhân vật hàng đầu trong đảng cộng sản Việt Nam. AFP PHOTO

“Tôi rất quan tâm đến những vấn đề của đất nước. Tôi nhận thấy trong mấy năm nay, nội bộ Đảng đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn ở dạng hình thức. Trong tình hình hiện nay thì một số người cũ vẫn đang chi phối nhiều đến trong Đảng và Nhà nước dù rằng đã nghỉ hưu …”

Thính giả Trần Trung thì: “Không phủ nhận là Việt Nam đã có đổi mới về nhiều mặt … nhưng có điều mà tôi thấy vẫn còn lạc hậu vô cùng, đó là lối suy nghĩ của các nhà lãnh đạo …”

“Nên duy trì hay nên dẹp bỏ chủ nghĩa Mác-Lê tại Việt Nam?”

Trong số những góp ý cho dự thảo Báo cáo Chính trị, một số người nêu vấn đề “Nên duy trì hay nên dẹp bỏ chủ nghĩa Mác-Lê tại Việt Nam?” Ý kiến thính giả RFA về vấn đề này, chúng tôi trích đọc dần trong các kỳ vừa rồi. Kỳ này, cụ Lê Chí Việt đưa ý kiến mới lạ:

“Hưởng ứng Quyết nghị 1481 của Hội đồng Âu châu lên án các chế độ Cộng sản, chúng tôi đề nghị thành lập ngay Hội đồng Á châu nhằm liên kết với Hội đồng Âu châu để có thể giải thể chủ nghĩa Cộng sản một ngày không xa …”

Tôi rất quan tâm đến những vấn đề của đất nước. Tôi nhận thấy trong mấy năm nay, nội bộ Đảng đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn ở dạng hình thức. Trong tình hình hiện nay thì một số người cũ vẫn đang chi phối nhiều đến trong Đảng và Nhà nước dù rằng đã nghỉ hưu …

Và ý của thính giả Tiến Lê: “Nếu như đưa ra một mệnh đề toán học thì chỉ trong một tiếng đồng hồ, sẽ biết mệnh đề ấy đúng hay sai. Nếu đưa ra một chủ nghĩa thì phải trải qua hàng trăm năm mới biết đúng sai. Đúng thì đất nước được phát triển tốt, sai thì đẩy xứ sở lùi lại.

Con người chứ đâu phải động vật mà đem ra thí nghiệm như vậy! Nếu tôi là người có quyền quyết định trên hành tinh này thì điều đầu tiên tôi làm, là mở phiên toà xét xử tội trạng ông Lênin kìm hãm sự phát triển của nhân loại bằng cách áp đặt tư tưởng của ông ta.”

Theo dõi sát thời sự, thính giả RFA viết đến đài như sau: “Sự xuất hiện của các nhân vật Hồ Cẩm Đào và Giả Khánh Lâm với mục đích can thiệp vào nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai hội nghị trung ương vừa qua, khiến dân Việt có thể kết luận là nước Việt Nam không có được độc lập … “

“Làm thế nào thu hút chất xám hải ngoại”

Về vấn đề “Làm thế nào thu hút chất xám hải ngoại” bạn Việt Nhân viết tiếp: “Đảng Cộng sản Việt Nam phải thân thiện, đến gần hơn với các nước tư bản hầu lôi cuốn đầu tư, đó là móc xích kéo theo thành phần trí thức hải ngoại chúng tôi. Và nên nhớ rằng chúng tôi nồng nàn yêu nước Việt nhưng chúng tôi không thân cộng.”

Cũng vì sau khi nghe những trường hợp trở lại Việt Nam để giúp đỡ nhưng gặp phải nhiều phiền toái, giới trí thức hải ngoại đâm ra e ngại. Về kinh doanh cũng vậy, như ông Nguyễn Hoàng Phúc viết đến đài liên tiếp mấy lá thư để trình bày trường hợp công ty của ông.

“Sẽ còn bao nhiêu người Việt hải ngoại bước vào con đường này, ai sẽ bảo vệ quyền lợi của họ tại Việt Nam? đó là vấn đề đặt ra, mong rằng những ai quan tâm cho quyền lợi của giới đầu tư nước ngoài, sớm có biện pháp giải quyết thỏa đáng, đừng để bị ngụy tạo tranh chấp và bị tước đi chủ quyền tài sản của mình …

Những vị quan lạm dụng chức vụ để tham ô, rút rỉa ngân sách vay mượn nước ngoài để bỏ túi hoặc cá độ, thì còn ai từ hải ngoại muốn bỏ công sức, tiền của vào tiếp tay?”

Hộp thư thoại RFA

Sự xuất hiện của các nhân vật Hồ Cẩm Đào và Giả Khánh Lâm với mục đích can thiệp vào nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai hội nghị trung ương vừa qua, khiến dân Việt có thể kết luận là nước Việt Nam không có được độc lập …

Trong số những lời nhắn để lại trong Hộp thư thoại RFA Việt ngữ tuần qua, một nữ thính giả cho biết về tình trạng đình công ở Việt Nam: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Chúng tôi xin cám ơn Cô Quý rất nhiều về lời trình bày hữu ích cho giới công nhân trong nước.

Chúng tôi sẽ liên lạc với bà về chuyện này theo số điện thoại bà cho, và xin cám ơn bà về thiện ý tham gia chương trình.

Môi trường Việt Nam ngày nay

Còn về môi trường thì tình hình ở Việt Nam ra sao? thính giả Nguyễn Dung Hạnh thuật lại sau chuyến về thăm quê:

“Gia đình tôi có mảnh đất khá rộng ở tỉnh Bình Dương. Trên mảnh đất ấy, tôi đã trải qua tuổi thơ ấu êm đềm của mình. Tôi còn nhớ mặt trước mảnh đất, là con suối nhỏ, bề ngang khoảng 2 thước, nước trong vắt, nhìn thấy cả cát trắng dưới đáy, nước cao hơn đầu gối người lớn.

Lợi dụng dòng nước trong lành đó, cha tôi đã đào ao nuôi cá. Chính nguồn lợi về cá đã giúp gia đình chúng tôi vượt qua nạn đói vào những năm cực kỳ khó khăn sau 1975.

Lần về thăm mới đây, hỡi ôi! con suối tuổi thơ của tôi không còn nữa. Thay vào đó, là dòng nước đen ngòm hôi thối chảy ra sông lớn! Hỏi ra thì được biết, dòng nước sâu hỏm, hôi thối đó là nước thải từ những nhà máy, những khu chiết xuất của Singapore, Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản từ trên xa lộ Bình Dương - Saigon đổ xuống …

Con suối êm đềm thuở trước, mà nhìn lại nay trở thành đen ngòm, tôi nghe tim mình quặn thắt niềm đau tới nỗi tôi không thở nổi, và nước mắt tuôn chảy …

Đảng Cộng sản Việt Nam phải thân thiện, đến gần hơn với các nước tư bản hầu lôi cuốn đầu tư, đó là móc xích kéo theo thành phần trí thức hải ngoại chúng tôi. Và nên nhớ rằng chúng tôi nồng nàn yêu nước Việt nhưng chúng tôi không thân cộng.

Là thính giả của RFA từ nhiều năm nay nhưng đây là lần đẩu tiên, tôi gửi thư đến đài để bày tỏ những suy nghĩ của mình sau lần về thăm Việt Nam vừa rồi. Qua đài, nếu có thể, cho tôi góp tiếng kêu thán của quê tôi đến đồng bào trong nước và hải ngoại, để chúng ta có cách nào đó cứu lấy một vùng quê hiền hòa …”

Thư gửi từ Na Uy bằng đường bưu điện, chúng tôi thì lại muốn liên lạc cách nhanh hơn. Vậy, chị Hạnh hãy email cho chúng tôi theo địa chỉ của đài là vietweb@rfa.org hoặc vui lòng cho biết số điện thoại của chị, hay nhắn lại ở số điện thoại bên Mỹ 202 530 7775, chúng tôi muốn nói chuyện thêm với chị về vấn đề môi trường.

Về vụ khiếu kiện của Dòng thánh Giu-se tại Nha Trang

Về vụ Dòng thánh Giu-se tại Nha Trang đòi lại cơ sở, đất đai bị chính quyền địa phương mượn từ mấy chục năm nay, thính giả T.P. và nữ thính giả họ Nguyễn cho biết thêm:

“Giới chức địa phương đến từng gia đình có con em học trường Võ thị Sáu (trong địa phận nhà thờ Giuse) bắt buộc chúng tôi, là phụ huynh học sinh, phải ký vào giấy đề nghị Trung ương không trả lại đất cho nhà thờ mà để đất đó xây trường cho con em chúng tôi học. Nếu phụ huynh nào không ký thì con em mình sẽ bị đuổi học. Thật là điều trớ trêu!”

Những vi phạm nhân quyền diễn ra thường xuyên tại Việt Nam, phần lớn có lẽ là vì dân chúng chưa hiểu biết về các quyền căn bản của mình. Theo thính giả Phạm Tú thì cuộc sống khó khăn chạy ăn hằng bữa khiến người dân trong nước không còn biết gì hơn, làm sao có khái niệm về Nhân quyền?

Giới trẻ là thành phần sẽ đưa nước nhà đến với các khái niệm ấy. Một sinh viên đang du học, mà chúng tôi xin gọi tắt là M.T. viết đến đài:

“Tôi vẫn thường theo dõi tin tức trên RFA và muốn được nhận bản tin hàng ngày từ quý đài như một cái gì đó gần gũi, thân quen với mình. Tôi đã không được cơ hội nghe RFA khi ở Việt Nam, vậy nên tôi muốn tận dụng cơ hội mình đang ở nước ngoài để có được nhiều nguồn thông tin hơn.

Tôi đang học về Communication và có ý định làm việc trong ngành báo sau khi tốt nghiệp. Thông tin từ nhiều nguồn sẽ giúp tôi rất nhiều cho nghề nghiệp tương lai. Hơn nữa, tôi cũng mong sẽ có dịp cộng tác bài vở với quý đài.

Mời các bạn tham gia mục Trao đổi thư tín với thính giả. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Chúc RFA ngày càng phát triển. Chúc cho RFA đến với thính giả trong nước được dễ dàng hơn.”

Trong khi ấy, có tin là Chủ tịch Microsoft sắp sửa đến thăm Việt Nam. Thính giả Lê Minh Tâm ở Pháp mong rằng qua cuộc viếng thăm của ông Bill Gates, Việt Nam sẽ không còn chặn tường lửa đối với người dân muốn truy cập mạng thông tin toàn cầu.

Những thư từ khác của các thính giả

* Từ trong nước thì thính giả H.T. ở thủ đô, viết: “Tôi rất quan tâm đến các tin tức mà Quý đài cung cấp, tôi hy vọng sẽ thường xuyên nhận được thông tin trung thực và mới nhất về tình hình trong nước cũng như ngoài nước.

Đứng trên góc độ là một đài phát thanh ở nước ngoài, thông tin mà Đài phản ánh tình hình thực tế sẽ đem đến cho tôi thêm một luồng thông tin để nhận biết được những gì là đúng, là sai để mình có cách nhìn nhận khác nhau …”

Và lá email dễ thương của bạn Sang Nguyễn: “RFA thân thương, Em rất thích nghe tin tức của đài, mỗi ngày em vào trang web RFA một lần để nghe tin. Đài RFA loan tin rất trung thực về mọi mặt ở Việt Nam. Có những sự thật làm đau lòng em tuy vậy những sự thật đó, tất cả giới trẻ người Việt ở khắp nơi nên biết.”

Xin cám ơn tất cả quý vị thính giả và các bạn về cảm tình ưu ái dành cho chúng tôi.

Đến đây thư đã dài, Thy Nga xin ngừng, hẹn tái ngộ cùng quý thính giả trong mục này kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.