Hàn Mặc Tử, chàng thi sĩ đa tình nhưng bạc mệnh


2005.11.06

Thy Nga, phóng viên đài RFA

Thứ Sáu tới đây, ngày 11 tháng 11, là giỗ thứ 65 của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Thy Nga xin dành chương trình kỳ này để nói về người thi sĩ đa tình nhưng cuộc đời lại ngắn ngủi và quá đau thương.

HanMacTu200.jpg
Chân dung Hàn Mặc Tử & tranh "Hàn Mặc Tử và trăng". Photo courtesy of nguoivienxu.vietnamnet.vn

“Đây thôn Vỹ Dạ” Võ Tá Hân phổ ý thơ Hàn Mặc Tử, quý vị đang nghe Vân Khánh ca ...

Bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ” Hàn Mặc Tử viết để tặng Hoàng Cúc, một trong các bóng dáng kiều nữ ẩn hiện trên những dòng thơ tình của chàng. Câu chuyện như sau:

Năm 1933, trong thời gian làm việc ở Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử có dịp quen với Hoàng Cúc, qua người em thúc bá của nàng. Chàng thi sĩ đa tình đem lòng yêu ngay cô thiếu nữ có tâm hồn văn chương ấy. Tuy nhiên cả năm sau, Hàn Mặc Tử mới bày tỏ qua bài thơ “Hồn cúc” với chỉ bốn câu nhưng nói lên rõ tình cảm dành cho nàng:

“Bấy lâu sát ngõ, chẳng ngăn tường Không dám sờ tay, sợ lấm hương Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá Muốn ôm hồn cúc ở trong sương.”

Chuyện kể là sau đó, chàng nhờ người đến dạm nhưng thân sinh Cúc chê là không xứng vì vậy, hai người không thành duyên nợ.

Năm 1936, Hoàng Cúc theo gia đình về Huế, rồi nàng bắt đầu thiền và ăn chay trường, sống rất lặng lẽ.

Mời các bạn tham gia mục Âm Nhạc Cuối Tuần. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Cũng trong năm này, Hàn Mặc Tử in tập “Gái quê”, tập thơ mới đầu tiên kể từ khi chàng ngừng làm thơ Đường luật.

Hàn Mặc Tử mang tập thơ ấy ra Huế nhưng không dám tặng. Chàng tìm đến nhà Hoàng Cúc bên bờ sông Hương, nơi thôn Vỹ Dạ tuy nhiên, chỉ đứng ngoài cổng một lúc rồi đi.

Vài năm sau, nghe tin Hàn Mặc Tử bị bệnh phong, Hoàng Cúc liền gửi thư thăm. Nhận được thư tin của người mơ, Mặc Tử xúc động quá, viết bài “Đây thôn Vỹ Dạ” tặng lại nàng.

“… Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá, nhìn không ra …

Tâm trạng ấy của chàng thi sĩ mắc bệnh phong, Anh Hồ có viết một bài rất hay, tựa đề là “Hàn Mặc Tử - con đường tình một chiều” trong đó có đoạn mà Thy Nga xin trích như sau:

“Than ôi! Người mơ xưa, nay hóa thành “khách đường xa”! Vâng, chỉ là “khách đường xa”, xa tít tắp vô bờ, không với tới được nữa. Càng xa, áo em càng trắng. Trắng quá, xa xôi quá thành … xa lạ chăng?

… Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà?”

“Ở đây” tức là ở trong hồn thơ, vẫn thấp thoáng ẩn hiện sắc sắc không không, mờ mờ sương khói … Lòng ai đi mải miết, “ai biết” lòng kia có còn đậm đà luyến nhớ mối duyên xanh?

Giữa hai đại từ “ai” chỉ còn lại nẻo đường tình một chiều, thôi thúc nhà thơ về phương trời xa vô định …

Đường qua thôn Vỹ ra sao nhỉ? đó là màu sắc mướt xanh khát vọng, chuyển sang nhạt vàng hoài vọng, rồi trắng nhòa ảo vọng trong Hàn Mặc Tử? Thôn Vỹ là con đường yêu thương dẫn tới vườn thơ xanh, qua sông trăng vàng nhớ, tới loãng tan màu áo sương khói mịt mùng … Hàn Mặc Tử đã đi trên con đường tình một chiều mà không thể quay lại tìm duyên “cau”, “lá trúc” được nữa.”

“Hàn Mặc Tử” nhạc bản của Trần Thiện Thanh, Thanh Tuyền ca …

Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh năm 1912 tại Lệ Mỹ, Đồng Hới. Theo trung học ở Huế, vào năm 16 tuổi, bắt đầu làm thơ với thể Đường luật và các bút hiệu Minh Duệ Thị, Phong Trần.

Được cụ Phan Bội Châu họa thơ nên nổi tiếng từ đó. Năm 1935, đổi bút hiệu thành Lệ Thanh. Vẫn theo bài của Anh Hồ thì đến năm 1936, thi sĩ mới ký là “Hàn Mạc Tử” mà ta có thể dịch nghĩa là

“Chàng bức rèm lạnh” hay “Chàng đơn lạnh”. Tên ấy ứng với dự cảm về 4 năm cuối trên đỉnh thơ cô đơn lẻ lạnh của riêng ông.

Để cho … đỡ “lạnh” - giai thoại kể lại - một người bạn đã đặt vầng trăng lên để “Mạc” thành “Mặc”. Từ đó, Trăng vào bút danh Hàn Mặc Tử?”

Cũng trong năm 1936, từ Saigon nơi ông làm báo khoảng một năm, Hàn Mặc Tử trở lại Quy Nhơn. Gặp Chế Lan Viên và sau khi đọc những câu thơ kỳ lạ của chàng thi sĩ này, Hàn Mặc Tử tìm ra hướng sáng tác mới, đó là viết các bài thơ điên loạn.

Ông liền bỏ làm thơ Đường, và công bố thành lập “Trường thơ loạn”. Nhiều bài thơ của Hàn Mặc Tử chứa chất những hình ảnh kinh dị mà căn nguyên có thể là vì hồi 17 tuổi, sau khi thoát chết đuối, Mặc Tử bị suy nhược tâm thần, rồi thần kinh trở thành rối loạn.

Nói đến Hàn Mặc Tử, người ta thường đề cập ngay tới Mộng Cầm. Chuyện tình mà đã trở thành huyền thoại, diễn ra thế nào? Thưa quý thính giả, hai người quen nhau là do Mộng Cầm tập làm thơ, gửi đến trang văn chương tờ “Trong khuê phòng” do Hàn Mặc Tử phụ trách.

Theo bạn bè của Mặc Tử thì đôi trai tài gái sắc yêu nhau, thường đưa nhau đi dạo bãi biển, viếng các thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng. Nhưng rồi, Mộng Cầm viện lẽ tôn giáo khác nhau, phải nghe lời mẹ mà đi lấy chồng.

Nỗi u tình này khiến Hàn Mặc Tử viết nên bài “Phan Thiết, Phan Thiết” nhớ lại những kỷ niệm bên nhau; và chàng đau khổ kêu tên nàng trong bài “Muôn năm sầu thảm”. Vốn đa cảm, Hàn Mặc Tử rất dễ đem lòng mến yêu. Từ Mộng Cầm, Hoàng Cúc, là các mối tình thực sự có gặp nhau; đến Ngọc Sương, Thương Thương, Thanh Huy, Mỹ Thiện, là các “Nàng Thơ” chưa hề gặp mặt; tới Mai Đình, một cô gái lạ lùng.

Chuyện rằng: Chứng bệnh phong cùi phát ra năm 1937, Hàn Mặc Tử lẩn tránh mọi người, ẩn mình trong cái chòi tranh, cách Quy Nhơn 15 cây số. Thế nhưng, Mai Đình tìm đến trong tinh thần “bạn văn chương” cô không e ngại chứng bệnh, cũng như dư luận người đời mà ở lại trong cái chòi để chăm sóc Mặc Tử.

Lo cơm nước, thuốc thang xong thì ngâm thơ cùng chàng. Mai Đình cũng khuyên Mặc Tử vào bệnh viện phong Quy Hòa để trị bệnh, cô sẽ vào theo để săn sóc nhưng chàng không chịu đi.

Một thời gian dài như vậy, tới khi hết số tiền mang theo, thì Mai Đình lại cất bước giang hồ, và lâu lâu, gửi thư thăm chàng. Nếu thực sự như thế, thì quả là câu chuyện độc đáo, quý vị nhỉ. Hàn Mặc Tử dù bị phụ rẫy, dù mang bệnh nan y, nhưng với nỗi khát sống, chàng thi sĩ vẫn cứ mãi yêu người.

“Đây thôn Vỹ Dạ” …

Chương trình tưởng niệm thi sĩ Hàn Mặc Tử xin kết thúc với đoạn cuối bài “Đây thôn Vỹ Dạ”. Bản này do Phạm Duy phổ nhạc, và qua tiếng hát Dalena, Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.