Hình thức kỷ luật trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (phần 8)


2006.09.18

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Báo Nhân Văn bị đóng cửa vào giữa tháng 12 năm 1956. Hơn hai năm sau đó, những người liên quan đến Nhân Văn hay bị ảnh hưởng của Nhân Văn, mà nói theo ngôn ngữ thời đó, là bị “nọc độc của Nhân Văn” mới bị kỷ luật. Kỳ này, chúng tôi điểm qua hình thức kỷ luật dành cho những người chủ chốt.

HoangCam150.jpg
Nhà thơ Hoàng Cầm. Hình của VietNam Net.

Trong cuốn sách dày 370 trang mang tựa đề “Bọn Nhân Văn giai phẩm trứơc toà án dư luận” do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành vào tháng sáu năm 1959 tại Hà nội, 83 văn nghệ sĩ đã có những bài viết về Nhân Văn Giai Phẩm và những người chủ trương.

Nội dung chung của tất cả các bài viết ấy là những lời nhẹ thì phê bình, lên án, nặng hơn thì thóa mạ, hạ nhục không tiêc lời những nhà văn, nhà thơ Nhân Văn Giai Phẩm, từng có thời là bạn đồng hội đồng thuyền với các tác giả.

Văn phong của họ khác nhau, và theo nhận xét của nhà nghiên cứu Thụy Khuê, thì qua những “văn bản tố, các tác giả đã để lại nhân cách trí thức của mình trong ký ức dân tộc.” Bà cũng ngậm ngùi nhận định rằng quyển sách đã “ghi lại một thời kỳ mà nhân cách con người đạt tới đáy sâu của sự tha hóa”.

Cuốn sách ghi rõ tên của những người đựơc gọi là “bọn đầu sỏ nhóm Nhân Văn Giai Phẩm”, đứng đầu là nữ sĩ Thụy An, nhưng chính nhà văn nữ này thực ra lại không họat động gì hết cho Nhân Văn như những kỳ trước chúng tôi đã trình bày.

Chúng tôi mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Những người bị kết án tù là Nguyễn Hữu Đang, Trần Duy, Phùng Cung, Trần Thiếu Bảo chủ nhà xuất bản Minh Đức còn các văn nghệ sĩ đều bị đưa đi lao động cải tạo, bị cô lập và không có một tác phẩm nào được xuất hiện trước công chúng trong ít nhất 30 năm.

Trong cuộc chuyện trò vào năm 1999 với nhà nghiên cứu Thụy Khuê của chương trình Văn học đài RFI, nhà thơ Lê Đạt nhớ lại: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Ông cũng nói về sự đối xử của xã hội lúc bấy giờ với ông: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Một thành phần quan trọng của môi trường sống, nhất là đối với văn nghệ sĩ là bè bạn. nhà thơ Lê Đạt kể lại về mối quan hệ lúc đó giữa ông với người bạn thân Văn Cao, đồng nghiệp Xuân Diệu và bạn thân Nguyễn Đình Thi như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhà thơ Hoàng Cầm thì kể lại với nhà nghiên cứu Thụy Khuê rằng không ngờ cái kỷ luật ấy kéo quá dài, chứ không phải chỉ ba năm lao động như đã tưởng lúc ban đầu. Ông nói là “thời gian cứ thể kéo đi, nó kéo thế nào mà cho đến năm 1988. Tức là kỷ luật suốt 30 năm. Năm người Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, và Hoàng Cầm, Đặng đình Hưng không đựơc in một cái gì cả trong suốt 30 năm.

Trong thời gian đó, nhà thơ phải lao động đủ mọi cách để sống còn, kể cả rủ Trần Dần đi làm nghề kéo xe bò. Một kết quả của những năm tháng đọa đầy đó là nhà thơ bị bệnh tâm thần, cụ thể là hỏang lọan và trầm uất mãi cho đến cuối năm 1988 mới tự phục hồi. Bệnh bắt đầu từ sau khi nhà thơ bị bắt giam 18 tháng sau vụ bản thảo “Về Kinh Bắc”. Lúc ấy, Lê Đạt đến thăm và ông mô tả lại rằng Hoàng Cầm đúng là “một cái rẻ rách”.

Sau này, khi đã đựơc phục hồi về cả sức khỏe lẫn vị trí trong nền văn học, Nhà thơ vẫn không dấu đựơc ngậm ngùi khi nhìn lại quãng đời đã qua của mình, như ông tâm sự với đài RFA: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Tình hình này cũng đựơc nhạc sĩ Tô Vũ nói lên trong cuộc phỏng vấn với một phái viên RFA như sau: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Nhà văn Phan Khôi và các giáo sư đại học như Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh đều bị cách chức, bao vây kinh tế và quản thúc cho đến khi qua đời. Nhưng đó không phải là hết.

Còn không biết bao nhiêu người khác bị hệ lụy chỉ vì có liên quan nào đó với Nhân Văn Giai Phẩm mà sự liên quan đơn giản nhất có khi chỉ là đọc một tờ báo Nhân Văn thôi, như lời nhà thơ Lê Đạt nói với nhà nghiên cứu Thụy Khuê: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Người bị đánh nhẹ nhất có lẽ là nhạc sĩ Văn Cao, bởi ông là tác giả của bản quốc ca. Ông chưa hề bị khai trừ khỏi đảng, chỉ phải đi lao động công nông trên Tây Bắc, nhưng một thời gian thì đựơc về vì xuất huyết bao tử. Trường hợp của ông có những nét đặc biệt nên chúng tôi xin để dành cho một kỳ tới. Mong quý thính giả đón nghe.

Theo dòng câu chuyện:

- Vai trò của nhạc sĩ Văn Cao trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm (phần 9)

- Những nhân vật trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm (phần 7)

- Sắc lệnh Báo chí bóp chết các tờ Trăm Hoa, Giai Phẩm, và Đất Mới không kèn không trống (phần 6)

- Giai Phẩm Mùa Thu ra đời với những bài vở nặng về chính trị hơn (phần 5)

- Ông Nguyễn Minh Cần kể tiếp về diễn tiến của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm (phần 4)

- Phỏng vấn ông Nguyễn Minh Cần về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 3)

- Phỏng vấn ông Trần Gia Phụng về vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 2)

- Mở lại bộ hồ sơ vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (phần 1)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.