Tình hình hạn hán hiện nay ở Việt Nam

Nguyễn Minh Quang

Trong thời gian gần đây, báo chí trong nước thường xuyên loan tải nhiều tin tức liên quan đến tình hình hạn hán đang diễn ra một cách khốc liệt trên khắp mọi miền của đất nước.

0:00 / 0:00
DroughtHoaBinh150.jpg
Hồ Hoà Bình gần như bị cạn kiệt trong những ngày khô hạn. AFP PHOTO>> View larger image

Rất nhiều sông rạch và ao hồ, kể cả các hồ nhân tạo, ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng duyên hảI, cao nguyên miền Trung, cũng như đồng bằng sông Cửu Long đã cạn khô hoặc hạ xuống thấp đến mức kỷ lục.

Tình hình hạn hán nầy đã, đang, và có thể sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt thường ngày của người dân và hoạt động sản xuất nông nghiệp và kỹ nghệ.

Ðể tìm hiểu thêm về tình hình hạn hán hiện nay ở Việt Nam, chúng tôi có trao đổi với Kỹ sư (KS) Nguyễn Minh Quang, một chuyên viên thuộc Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trước năm 1975, kỹ sư Quang là một chuyên viên phục vụ tại Ủy ban Quốc gia Thủy lợi trực thuộc Bộ Công Chánh và Giao thông ở Sài Gòn và phụ trách công tác nghiên cứu và soạn thảo các kế hoạch phát triển thủy lợi ở miền Nam Việt Nam.

Trước hết, kỹ sư Quang trình bày nguyên nhân của tình hình hạn hán hiện nay ở Việt Nam?

Tình hình hạn hán hiện nay

Nguyễn Minh Quang: Dạ thưa, hạn hán là một hiện tượng thời tiết tự nhiên của trái đất, tương tự như lũ lụt, xảy ra ở những vùng không có hoặc có ít mưa trong một thời gian dài. Tình hình hạn hán sẽ khắc nghiệt hơn nếu nhiệt độ không khí cũng lên cao cùng lúc.

Ðó chính là tình trạng thời tiết ở Việt Nam hiện nay. Trong thời gian gần đây, chuyên viên khí tượng trên thế giới đã tìm ra nguyên nhân của nạn hạn hán trong vùng ven bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, mà họ gọi là hiện tượng El Nino.

Bạn nghĩ gì về nhận xét này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Hiện tượng El Nino xảy ra khi gió mậu dịch Thái Bình Dương yếu đi hoặc xoay chiều thổi từ tây sang đông. Hậu quả là nước biển được nung ấm ở vùng xích đạo bị đẩy về phía bờ biển Nam Mỹ Châu.

Mây và mưa cũng di chuyển theo luồng nước ấm về phía đông khiến cho bờ phía tây bị hạn hán trong khi bờ phía đông thì bị lũ lụt vì có quá nhiều mưa, nhất là ở vùng Nam Mỹ. Ngư phủ ở Peru, Nam Mỹ là những người đầu tiên khám phá ra hiện tượng và đặt tên là El Nino, có nghĩa Con Chúa trong tiếng Tây Ban Nha, vì nó xảy ra vào dịp Giáng Sinh và làm cho họ bị mất mùa cá.

Ngày càng nghiêm trọng

Hỏi: Trong thời gian gần đây, tin tức báo chí trong nước cho biết ảnh hưởng của nạn hạn hán càng ngày càng nghiêm trọng và đang gây rất nhiều khó khăn cho người dân, mà nghiêm trọng nhất là việc thiếu điện và nước uống. Tại sao ảnh hưởng của nạn hạn hán năm nay lại khốc liệt hơn những lần hạn hán trước?

Đáp: Theo dữ kiện mà tôi có được thì có hai nguyên nhân khiến cho tình hình hạn hán hiện nay ở Việt Nam nghiêm trọng hơn và có ảnh hưởng nặng nề hơn tình hình hạn hán trước đây.

Nguyên nhân chánh là do thời tiết, vì hiện tượng El Nino năm nay rất mạnh. Có thể nói hiện tượng El Nino năm nay mạnh nhứt nhì từ trước cho đến nay; do đó, lượng mưa năm nay ít hơn mọi năm và mùa khô năm nay lại kéo dài hơn mọi năm.

Còn ảnh hưởng nặng nề của tình hình hạn hán hiện nay ở Việt Nam thì có liên quan mật thiết đến tác động của con người, mà quan trọng nhất là việc phát triển thiếu thực tế, việc xây dựng và điều hành các dự án thủy lợi thiếu kế hoạch và tùy tiện, và nhất là không có sẳn một kế hoạch khẩn cấp để đối phó với tình hình hạn hán ngay từ lúc ban đầu.

Kế hoạch phát triển nông ngư nghiệp

Hỏi: Tại sao tình hình hạn hán hiện nay ở Việt Nam có liên quan đến việc phát triển, thưa kỹ sư?

Đáp: Nền kinh tế của Việt Nam và các quốc gia đang phát triển khác trong vùng nhiệt đới, nhất là việc sản xuất lương thực, là một nền kinh tế nông nghiệp phụ thuộc phần lớn vào điều kiện thời tiết.

Do đó, việc phát triển kinh tế cần phải được hướng theo một kế hoạch thực tiễn được nghiên cứu cẩn thận để tối ưu hóa việc phân bố hoa màu, cây ăn trái, và cây công nghiệp cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, và thổ nhưởng của từng địa phương. Nếu cần, phải có những biện pháp thích hợp nhưng vẫn có lợi để bảo đảm việc sản xuất.

Một kế hoạch phát triển như vậy dường như chưa có ở Việt Nam, nhất là kế hoạch phát triển nông ngư nghiệp; do đó, thiệt hại về nông ngư nghiệp rất là nặng nề.

Thí dụ như theo ước tính của đoàn công tác thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, có 239.700 trong số 1.560.000 ha ruộng lúa ở 9 tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước hoặc bị nước mặn xâm nhập với con số thiệt hại lên đến 722,4 tỉ đồng (tương đương với khoảng 48 triệu Mỹ Kim).

Riêng ở tỉnh Dak Lak, đã có 99.799 trong tổng số 163.690 ha đồn điền cà phê bị hạn với con số thiệt hại lên đến 1.106 tỉ đồng (tương đương với khoảng 74 triệu Mỹ Kim). Nếu Việt Nam có kế hoạch phát triển khả chấp, thường được gọi là phát triển bền vững, thì những thiệt hại nầy có thể tránh được hoặc giảm thiểu.

Ảnh hưởng đến các dự án thuỷ lợi

Hỏi: Còn ảnh hưởng của tình hình hạn hán đối với việc xây dựng và điều hành các dự án thủy lợi thì như thế nào?

Đáp: Dựa theo tin tức báo chí ở trong nước thì ảnh hưởng của tình hình hạn hán hiện nay đối với các dự án thủy lợi ở Việt Nam rất nặng nề.

Theo sự suy luận của tôi, sở dĩ có tình trạng nầy là vì hầu hết các dự án thủy lợi tại Việt Nam, nhất là các dự án thủy điện, có lẽ đã được xây dựng một cách “vội vàng, phô trương, và tham lam” cho nên việc nghiên cứu và quy hoạch đã không được thực hiện một cách thích hợp, phải dựa vào dữ kiện thủy học (lượng mưa và lưu lượng) được ước tính chứ không phải đo đạc, và công suất (capacity) của dự án đã được ấn định quá cao so với tình trạng thủy học cho phép.

Một thí dụ điển hình là đập thủy điện Hòa Bình, một đập nước được gọi là đập Aswan của Á Châu và nhà máy thủy điện Hòa Bình, một nhà máy thủy điện có công suất cao nhất Ðông Nam Á. Nhà máy thủy điện Hòa Bình được thiết kế với công suất 1,920 MW dựa vào lượng nước trung bình chảy vào hồ được ước tính là 57,3 tỉ m3/năm.

Trên thực tế, lưu lượng sông Ðà và dung tích hồ không đủ để vận hành 8 turbines của nhà máy, mặc dù chúng chỉ cần 37,8 tỉ m3 để chạy hết công suất quanh năm. Việc điều hành thì không theo nguyên tắc của một nhà máy thủy điện mà chỉ nhắm vào việc sản xuất càng nhiều điện càng tốt; vì vậy, sản lượng tùy thuộc hoàn toàn vào thời tiết và không thể tránh những ảnh hưởng tai hại nếu hạn hán xảy ra.

Kế hoạch đối phó khẩn cấp

Hỏi: Kỹ sư có đề cập đến kế hoạch khẩn cấp để đối phó với tình hình hạn hán? Kế hoạch nầy có lợi ích như thế nào?

Đáp: Hạn hán là một thiên tai như bão lụt; do đó, không có cách để "phòng chống." Chỉ có cách để tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, và đây chính là mục đích của kế hoạch khẩn cấp, thưa anh.

Nói một cách đơn giản, kế hoạch khẩn cấp là một kế hoạch được soạn trước và cập nhật thường xuyên, đề ra những biện pháp cần thiết để thực hiện trong trường hợp bất trắc. Thí dụ như nếu nguồn cung cấp điện bị cắt thì phải có nguồn điện dự phòng sẳn sàng để thay thế.

Những biện pháp khắc phục được Tổng công ty Ðiện lực Việt Nam đề xuất trong hội nghị ngày 25 tháng 5 vừa qua, nếu đã được thực hiện qua kế hoạch khẩn cấp, có thể đã tránh cho miền Bắc cảnh thiếu điện như hiện nay khi sản lượng của nhà máy thủy điện Hòa Bình chỉ còn 7% công suất.

Và nếu có một kế hoạch khẩn cấp thích hợp được soạn thảo và sẳn sàng áp dụng, người dân Hà Nội có thể đã tránh được cảnh thiếu nước vì các nhà máy nước ở Hà Nội bắt buộc phải có máy phát điện dự phòng để hoạt động khi nguồn điện bị cắt.

Làm mưa nhân tạo ở Việt Nam

Hỏi: Trong buổi hội thảo khoa học có đề tài "Các công nghệ mới phục vụ làm mưa nhân tạo, kinh nghiệm trên thế giới và khả năng thực hiện ở Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 5 vừa qua, Phó giáo sư-Tiến sĩ (PGS-TS) Vũ Thanh Ca, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ mới của Viện Khí tượng Thủy Văn Việt Nam, khẳng định rằng có thể cứu thủy điện Hòa Bình bằng mưa nhân tạo. kỹ sư có nhận xét gì về giải pháp nầy?

Đáp: Việc nghiên cứu làm mưa nhân tạo ở Việt Nam được nhà cầm quyền miền Bắc bắt đầu theo đuổi nhằm mục đích quân sự từ thập niên 1950 nhưng không có kết quả. Ðến năm 1998, một nghiên cứu với mục đích khoa học được thực hiện với sự hợp tác của Nga mà mục tiêu là một trận mưa thử nghiệm ở Cao nguyên miền Trung vào tháng 3 năm 2002.

Trận mưa thử nghiệm nầy đã thất bại. Trở lại với giải pháp của PGS-TS Vũ Thanh Ca, tôi thấy cơ hội thành công rất thấp vì mưa nhân tạo tùy thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết và nếu thành công thì cũng không đáng kể, vì theo lời TS Ca, mưa nhân tạo chỉ có thể cứu hồ Hòa Bình thoát khỏi mực nước chết mà thôi.

Những biện pháp để giảm thiểu

Hỏi: Với kinh nghiệm của một chuyên viên thủy lợi, những biện pháp nào có thể áp dụng để tránh hoặc giảm thiểu ảnh hưởng của tình hình hạn hán ở Việt Nam trong tương lai, thưa kỹ sư?

Đáp: Trước nhất và quan trọng nhất là phải điều chỉnh kế hoạch phát triển quốc gia cho phù hợp với điều kiện thời tiết, môi trường, và tránh việc phung phí tài nguyên nước.

Kinh nghiệm xây dựng và điều hành hồ và nhà máy thủy điện Hòa Bình cần phải được cứu xét nghiêm chỉnh để điều hành các nhà máy thủy điện hiện có và để áp dụng trong việc xây dựng và điều hành các dự án thủy lợi trong tương lai.

Ngoài kế hoạch khẩn cấp để đối phó với trường hợp bất trắc, dự báo về việc thay đổi thời tiết liên quan đến hiện tượng El Nino cần phải được cứu xét trong việc soạn thảo kế hoạch khai thác thủy điện, nông nghiệp, ngư nghiệp, và cấp thủy hàng năm.

Kể từ năm 1983, vào tháng 11 hàng năm, Cơ quan Quản trị Khí quyển và Ðại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA) công bố dự báo thời tiết cho năm tới dựa trên chiều gió và nhiệt độ ở vùng xích đạo Thái Bình Dương và kết quả của mô hình toán.

Dự báo được chia làm bốn trường hợp: (1) bình thường, (2) hiện tượng El Nino yếu với lượng mưa nhiều hơn bình thường chút ít, (3) hiện tượng El Nino mạnh có khả năng gây lũ lụt, và (4) nước biển ven bờ lạnh hơn bình thường với xác suất bị hạn cao hơn, thường được gọi là hiện tượng La Nina.

Peru đã thành công trong việc áp dụng biện pháp nầy để giảm thiểu thiệt hại do hậu quả của hiện tượng El Nino và La Nina đối với nền nông nghiệp trồng lúa và bông vải và ngành đánh cá biển của xứ nầy.