Người Việt hải ngoại vận động dựng lại các tấm bia tưởng niệm thuyền nhân


2005.07.17

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Sau khi tấm bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam chết tại biển Đông ở Indonesia bị chính quyền địa phương ra lịnh đục bỏ, một số người Việt hải ngoại đã trở qua đảo Galang để vận động xây lại.

galang150.jpg
Tấm bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở đảo Galang đã bị đục bỏ. Photo coutersy of bidonggalang.com

Họ cũng qua Malaysia để tìm cách bảo vệ tấm bia thứ hai trên đảo Bidong có thể bị phá hủy bất cứ lúc nào.

Ông Trần Đông, người chủ xướng việc dựng bia tưởng niệm thuyền nhân hồi tháng Ba, kể lại với Đài Á Châu Tự Do về chuyến đi vừa kết thúc.

Mục đích của chuyến đi

Hồi trung tuần tháng Ba năm 2005 vừa qua, để kịp tưởng niệm 30 năm vượt thóat khỏi nứơc khi người cộng sản miền Bắc tiếp quản Saigon tháng Tư năm 1975, một phái đòan hơn trăm người Việt hải ngoại tổ chức cuộc hành hương qua đảo Galang ở Indonesia và Bidong ở Malaysia.

Đây là hai hòn đảo được coi như bến bờ tự do đầu tiên mà những chiếc thuyền vượt biên mong manh tấp vào trong hai thập niên 1975- 1985. Đây cũng là nơi chôn vùi thân xác những người chết đói, chết khát hoặc chết đuối ngay trứơc khi tàu của họ cập được vào đảo.

Vì thế mục đích của chuyến đi khi đó được người chủ xướng, ông Trần Đông, cựu thuyền nhân ở Australia, giải thích là để cầu nguyện cho hương hồn những người bỏ mình trên đường vượt biên bằng những nghi lễ tôn giáo trang trọng có thể làm được.

Mục đích thứ hai là viếng những nấm mộ vô chủ trên hai đảo hoang vu này, dựng lên trên mỗi đảo một đài tưởng niệm những thuyền nhân không may.

Bị đục bỏ theo yêu cầu của Việt Nam

Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Nhưng đến cuối tháng Năm thì tấm bia tưởng niệm trên đảo Galang của Indonesia bị đục bỏ theo lệnh chính quyền địa phương. Điều này phát xuất từ lời yêu cầu chính thức của phía Việt Nam, nhân danh quốc gia đang có bang giao chính thức với Indonesia.

Tấm bia tưởng niệm thuyền nhân trên đảo Bidong của Malaysia cũng không thóat khỏi số phận mong manh vì bộ ngoại giao Hà Nội cũng chuyển lời đề nghị tương tự với bộ ngoại giao bản xứ.

Tin này không chỉ làm người Việt hải ngoại phẫn nộ mà người Việt trong nứơc cũng thấy bất nhẫn. Cảm giác đó có thể tóm gọn trong lời phát biểu sau đây của Lê Phương, một bạn trẻ ở Hà Nội: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bây giờ thì tấm bia tưởng niệm thuyền nhân trên đải Galang có một lổ hổng lớn vì bị đục phá. Tấm còn lại trên đảo Bidong có thể bị đập bỏ nay mai.

Biểu tượng thiêng liêng

Hôm 22 tháng Sáu, nữ dân biểu Loretta Sanchez, đại diện lập pháp của số đông người Mỹ gốc Việt tại tiểu bang California, gởi văn thư cho ngoại trưởng Malaysia, yêu cầu tái xét quyết định đục bỏ tấm bia thuyền nhân trên đảo Bidong: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bà Sanchez nói tấm bia tưởng niệm thuyền nhân là biểu tượng thiêng liêng của tự do, ghi dấu lịch sử vượt biên của người Việt trên đường đi tìm tự do, và cũng là biểu tượng lòng tri ân từ những người vượt biển sống sót đối với chính phủ Malaysia đã cưu mang họ trứơc kia.

Hôm 7 tây tháng này, ông Trần Đông cùng một số Việt kiều khác trở qua Bidong, một mặt vận động chính quyền địa phương ở Batam của Indonesia cho phép xây lại bia tưởng niệm trên đảo Galang, một mặt tìm cách bảo về tấm bia thứ hai trên đảo Bidong: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Theo lời trình bày của ông Trần Đông, chuyến đi vừa rồi dẫn tới hai quyết định: một là thành lập Ủy Ban Bảo Vệ Di Tích Người Tị Nạn, hai là tổ chức một chuyến thăm viếng khác đến Galang và Bidong vào tháng tới.

Ông nói mọi người sẽ cầu nguyện cho đồng bào tử nạn trên biển nhân mùa Vu Lan, đồng thời trình thỉnh nguyện thư yêu cầu duy trì bia ghi ân và tưởng niệm thuyền nhân mà người Việt nứơc ngoài dựng lên ở Galang và Bidong.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.