Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO
2005.07.31
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Nói theo chuyên gia nghiên cứu Hoàng Thanh Phong một cộng tác viên của đài chúng tôi, thì rõ ràng nhà nước đang đặt cược vào việc Việt Nam sớm được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới.
Thế nhưng, hầu hết doanh nghiệp trong nước còn mù mờ trước ngưỡng cửa WTO. Đây cũng là nội dung hai bài báo trên Tuổi Trẻ Online và Vietnam Net ngày 28-7-2005.
Dẫn nhập bài viết của báo Tuổi Trẻ khá rõ nét với chủ đề. Tờ báo viết rằng, Việt Nam đang bước những bước cuối trên con đường gia nhập Tổ Chức Thương Mại thế Giới WTO. Thế nhưng có tới 97% doanh nghiệp biết ít hoặc rất ít về các thông tin cần thiết cho bản thân liên quan tới việc Việt Nam gia nhập WTO.
Còn thiếu hiểu biết về WTO
Số liệu vừa nói theo tờ báo trích từ Cục Thống Kê TP.HCM và được đưa ra tại cuộc toạ đàm chủ đề ‘Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO’. Với sự tham gia của các hiệp hội và khỏang 200 doanh nghiệp, toạ đàm vừa nói do báo Saigon Tiếp Thị tổ chức vào hôm 27-7 tại Hà Nội.
Theo Vietnam Net, diễn giả chính trong cuộc toạ đàm là bà Phạm Chi Lan, thành viên Ban Nghiên Cứu của Thủ Tướng Phan Văn Khải. Bà Lan lý giải tình trạng đa số doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về WTO, theo đó đặc điểm chung của doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, mới thành lập nên ít kinh nghiệm kinh doanh, năng suất lao động thấp, chi phí kinh doanh cao, năng lực cạnh tranh hạn chế.
Vẫn theo bà Phạm Chi lan các doanh nghiệp Việt Nam thiếu trầm trọng các nguồn lực cần thiết như vốn, tài nguyên, hoạt động trong môi trường khó khăn, nhiều rào cản, ít được hỗ trợ. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng sự phân biệt đối xử trong môi trường kinh doanh là còn nặng nề.
Do vậy các doanh nghiệp sử dụng hầu hết thời gian cho việc thích ứng với hoàn cảnh trước mắt và khắc phục những khó khăn vừa nói nhiều hơn là đầu tư thời gian vào nghiên cứu về những sự kiện còn chưa tới như là WTO.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không đủ sức để chuẩn bị, vì thế khi Việt Nam gia nhập WTO những doanh nghiệp như thế sẽ chịu những thua thiệt nhất định…
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư Ký Hiệp Hội Bảo Hiểm trụ sở ở Hà Nội, trong một dịp trả lời chúng tôi đưa ra nhận xét:
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không đủ sức để chuẩn bị, vì thế khi Việt Nam gia nhập WTO những doanh nghiệp như thế sẽ chịu những thua thiệt nhất định…Thí dụ như trong ngành cơ khí các gương mặt điển hình tiên tiến nổi đình đám trước kia như Cơ Khí Trần Hưng Đạo, Điện Cơ Hungary sẽ phải làm lại từ đầu để tìm kiếm thị trường.”
Giáo dục về WTO
Tờ Tuổi Trẻ Online đóng khung ngay trong bài tường thuật của mình các nhận xét của ông Trần Văn Luật Đại Sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ông Luật nói rằng, nếu hỏi các doanh nghiệp Việt Nam xem họ hiểu biết luật chơi của WTO thế nào, phải làm gì để đừng bị chết đuối trong sân chơi WTO, theo ông Luật hầu hết các doanh nghiệp khó có câu trả lời.
Đại sứ Trần Văn Luật tâm sự với Tuổi Trẻ rằng, ông rất sốt ruột khi chứng kiến mỗi năm có quá nhiều đoàn từ Việt Nam sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm gia nhập WTO, nhưng lại không đúc kết được gì và không phối hợp với doanh nghiệp để triển khai.
Đại sứ Luật còn cho biết, năm năm trước trước khi gia nhập WTO, Trung Quốc phát hiện rằng hầu hết doanh nghiệp, cơ quan cũng như người dân không hề quan tâm và có hiểu biết gì về WTO. Chính phủ Trung Quốc đã phải mở ngay chiến dịch ‘giáo dục về WTO’ cho mọi người. Theo Đại Sứ Luật đây là kinh nghiệm lớn của Trung Quốc nhưng ở Việt Nam không thấy áp dụng.
Thách thức lớn
Theo Vietnam Net, diễn giả Phạm Chi Lan phát biểu tại buổi toạ đàm ở Hà Nội rằng, nhiều doanh nghiệp đang lo ngại tham gia cơ chế thương mại toàn cầu WTO sẽ đặt họ trước những thách thức vô cùng to lớn.
Bạn nghĩ gì về khả năng gia nhập WTO của Việt Nam? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Đó là sức ép cạnh tranh để giành giật thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ ngày càng lớn trên qui mô toàn cầu, cũng như ngay chính trên thị trường nội địa. Bà Chi Lan cho rằng phải thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất ra các sản phẩm theo nhu cầu thị trường quốc tế.
Thưa quí thính giả, các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài có vẻ như đã chuẩn bị sẵn sàng trên sân chơi WTO, không giống như các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Ông Lê Hoàng Hồ, tổng giám đốc liên doanh Oasis-Việt Thổ ở TP.HCM nhận định:
“Tôi nghĩ nếu một công ty chuyên xuất khẩu gần như 100% sản phẩm của mình như chúng tôi, thì khi gia nhập WTO, so sánh với các công ty khác chúng tôi có thế mạnh hơn. Là tại vì chúng tôi đã có những khách hàng truyền thống ở nước ngoài rồi, vì thế chúng tôi không mất thời gian để đi tìm khách hàng nữa…một khi mở cửa rồi đương nhiên chúng tôi thẳng thắn mà đi trên con đường mình đã vạch sẵn từ trước tới giờ. Ký kết với khác hàng và làm cho người ta”.
Sức ép cạnh tranh
Trở lại cuộc toạ đàm ‘doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO’, Tuổi Trẻ online trích lời diễn giả Phạm Chi Lan, rằng chưa nói tới sân chơi WTO, nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn mù mờ ngay cả về cam kết trong khuôn khổ AFTA, tức thỏa thuận khu vực mậu dịch tự do Asean, mà Việt Nam sắp phải thực hiện hầu hết từ đầu năm 2006.
Bà Chi Lan cho rằng các doanh nghiệp tư nhân sẽ phải đối mặt tức thời với sức ép cạnh tranh quốc tế ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Theo bà Chi Lan, phần lớn các lãnh vực Việt Nam mở cửa sớm hoặc các mặt hàng thực hiện ngay việc cắt giảm thuế là địa bàn hoạt động chủ yếu của khu vực tư nhân.
Trong khi một số lãnh vực do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ, thì có lộ trình mở cửa dần dần. Cùng về vấn đề này chúng tôi xin trích ý kiến của kinh tế gia Lê Đăng Doanh tại Hà Nội trong dịp ông trả lời chúng tôi:
Dẫu có mở ra thì cũng là tiến triển từ từ từng bước. Ngay cả đối với hàng hóa nước ngoài có tràn vào thì cũng không phải là một cách ồ ạt và mau lẹ đến như vậy.
“Dẫu có mở ra thì cũng là tiến triển từ từ từng bước. Ngay cả đối với hàng hóa nước ngoài có tràn vào thì cũng không phải là một cách ồ ạt và mau lẹ đến như vậy. Bởi vì ở Việt Nam ngoài các thị trường ở thành phố còn có thị trường ở nông thôn rất là rộng lớn, thị trường nông thôn cần phải có thời gian mới có thể thâm nhập được”.
Triển khai chậm chạp
Trở lại cuộc toạ đàm ‘Doanh nhân và các vấn đề mới khi gia nhập WTO’ được tổ chức hôm 27-7 tại Hà Nội.
Theo Tuổi trẻ Online, đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc ông Trần Văn Luật phát biểu rằng, từ rất lâu trước khi vào WTO, Trung Quốc đã xác định tám vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp, trong đó đặt ưu tiên vấn đề mô hình hóa từng ngành hàng, thay đổi công nghệ và đào tạo cán bộ quản lý.
Đề cập tới vấn đề vừa nói, diễn giả Phạm Chi Lan nhận định rằng, Việt Nam cũng có xây dựng chiến lược từng ngành hàng, nhưng thực hiện sơ sài và triển khai chậm chạp.
Bài từơng thuật của Tuổi trẻ Online và Vietnam Net gióng lên những hồi chuông báo động cho các doanh nghiệp Việt Nam ở cả hai khu vực công tư.
Chúng tôi còn nhớ lời phát biểu của ông Vũ Khoan phó thủ tướng Việt Nam cách nay ít lâu về vấn đề hội nhập của doanh nghiệp, ông Khoan nói rằng cứ nhảy xuống ao sẽ tự biết bơi.
Chưa hiểu đến khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO, thì trên sân chơi toàn cầu này, bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam sẽ biết bơi và bao nhiêu sẽ chết chìm.
Những bài liên quan
- Luật đầu tư mới của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 23-7-2005)
- Tiến sĩ lê Đăng Doanh: “Chúng Ta Nhất Trí Với Nhau Dễ Dàng Quá”
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 9-7-2005)
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 2-7-205)
- Các doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị đối phó với các vụ kiện quốc tế
- Phỏng vấn Tiến Sĩ Lê Đăng Doanh về tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam
- Tường trình diễn đàn dành cho doanh nghiệp Việt Nam ở toà nhà Ronald Reagan
- Việt Nam giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ
- Những suy nghĩ của người dân trong nước về chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Khải
- Những dấu hiện trái ngược về việc Mỹ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO
- Thứ trưởng Lương Văn Tự sang Mỹ đàm phán về việc VN gia nhập WTO
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 11-6-2005)
- Công nghệ Thông tin Việt Nam
- Điểm báo trong nước trên mạng Internet (ngày 4-6-2005)