Việt Nam, sau gần 20 năm đổi mới


2005.12.17

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Kể từ năm 1986 đến nay, nhà nước cộng sản Việt Nam đã trải qua gần 20 năm đổi mới. Nhưng từ năm 1975 đến 1986 Việt nam đã có giai đoạn 11 năm kinh tế bế tắc, dân tình đói kém, nhà nước cai trị trong sự khủng hoảng của chủ nghĩa giáo điều. Trong hai tuần đầu tháng 12, báo Tuổi Trẻ trụ sở ở TP.HCM đã làm nhiều độc giả trong ngoài nước ngạc nhiên, khi toà soạn đưa lên mạng 12 bài phóng sự được cho là nói thẳng vào sự thật lịch sử.

RiceTrader200.jpg
Chợ bán gạo ở Ðông Hà, Quảng Trị. hôm 23-10-1997. AFP PHOTO

Loạt bài mang tựa đề Đêm Trước Đổi Mới, mô tả nhiều tình tiết và giai thoại của cảnh đêm dài 11 năm, trước khi đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 6 quyết định đổi mới, làm nền tảng cho thời kỳ mở cửa sau này. Đây chính là đề tài cho mục đọc báo trong nước trên mạng hôm nay.

Loạt bài nhiều người viết Đêm Trước Đổi Mới của báo Tuổi trẻ Online, gây được sự chú ý mạnh mẽ trong dư luận. Các phóng viên và cộng tác viên của tờ báo đã đi tìm những nhân chứng thời cuộc để mô tả lại một giai đoạn u tối nhất của lịch sử, mà họ gọi là Đêm Trước Đổi Mới.

Ký Ức Thời Sổ Gạo

Bài thứ nhất Đêm Trước Đổi Mới: Ký Ức Thời Sổ Gạo. Người đọc chỉ cần xem phần dẫn nhập của toà soạn Tuổi trẻ, thì đã có thể hình dung lại những gì xảy ra sau năm 1975. Những hàng chữ in đậm viết rằng, Hoà bình rồi, tiếng reo vui chưa được bao lâu thì người dân hai miền Nam-Bắc phải đối mặt với biết bao gian nan. Cả nước chạy gạo ăn từng bữa. Nhiều người vẫn còn giữ những tờ tem phiếu, sổ gạo ngả màu ố vàng thời gian, gợi cho họ cả một quãng đời mà người ta quen gọi là thời bao cấp.

Sau khi đọc loạt bài Đêm Trước Đổi Mới, một phụ nữ ở Saigon sống qua hai chế độ nói về những ngày tháng sau năm 1975:

>“ Nghĩ lại chuyện thời đó cứ như cổ tích, hồi đó quá khổ sở mà người ta tự nhiên có thể quên đi hết…đang từ quá khổ sở mà lên sướng một chút nên người ta quên phắt đi hết. Mấy bà già chúng tôi ngồi lại với nhau nhắc lại cái thời xếp hàng mua bán, đi mua mà như van lậy.

“ Nghĩ lại chuyện thời đó cứ như cổ tích, hồi đó quá khổ sở mà người ta tự nhiên có thể quên đi hết…đang từ quá khổ sở mà lên sướng một chút nên người ta quên phắt đi hết. Mấy bà già chúng tôi ngồi lại với nhau nhắc lại cái thời xếp hàng mua bán, đi mua mà như van lậy.”

Bài ký ức thời sổ gạo, các phóng viên báo Tuổi Trẻ mượn câu chuyện của một giáo viên nghèo sống tại Saigon trong những năm 80, một thời kỳ đói kém khó lòng diễn tả. Gia đình người giáo viên sống bằng tiêu chuẩn gạo mỗi đầu người 13kg tháng, nhưng thường chỉ được lãnh 3kg gạo, còn lại qui đổi lúc thì bo bo, lúc bột mì, lúc mì sợi vụn, lúc khoai lang.

Bài báo Ký Ức Thời Sổ Gạo, cũng bàn sơ về cuộc cải tạo công thương liên quan tới ngành vận tải hành khách. Theo Tuổi Trẻ, trước năm 1975 bến xe miền tây rất phát triển, ở đó có nhiều hãng xe tư nhân nổi tiếng với phương tiện đắt tiền như Hiệp Thành, Phi Long, Á Đông. Với chính sách cải tạo công thương nghiệp tư sản tư doanh, tất cả xe cộ lớn nhỏ ở bến xe miền Tây cũng như mọi nơi khác đều phải vào công tư hợp doanh. Thực tế là chủ xe phải bán lại cho nhà nước với giá chỉ bằng 1% giá thật. Một chiếc xe đò bán cho nhà nước, chủ xe được một khoản tiền đủ mua chiếc xe xích lô.

Cũng trong Đêm Trước Đổi Mới, bài Ký Ức Thời Sổ Gạo, Tuổi trẻ Online còn đề cập tới tình hình ở ngoài bắc vào lúc ấy. Bài báo có đoạn, Hà Nội Sau Niềm Hân Hoan là những thực tế phũ phàng, dựa theo câu chuyện của một nữ công nhân lớn tuổi của nhà máy dệt 8 tháng 3. Cán bộ công nhân viên sống bằng nhu yếu phẩm phân phối nhưng cơ quan có cái gì thì cung cấp thứ đó.

Chẳng hạn ba tháng liền lĩnh vải mà không có xà phòng. Hoặc công ty sản xuất sứ tích điện, thì trả lương công nhân bằng sứ tích điện, công ty cao su trả lương bằng cao su, công nhân lãnh về cũng không biết đem vbề đâu để làm gì.

Kết bài Ký Ức Thời Sổ Gạo, Tuổi Trẻ Online trích lời chuyên gia kinh tế Lê Văn Viện nói rằng, đó là bối cảnh chung của đời sống ngừơi dân nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trước năm 1986. Hầu như những mặt hàng thiết yếu đều đến tay người tiêu dùng qua kênh phân phối bằng hiện vật, tem phiếu và định lượng bằng chỉ tiêu.

Vòng Kim Cô

Đêm Trước Đổi Mới, bài thứ hai mang tựa Vòng Kim Cô. Đoạn dẫn nhập trình bày rằng, Những câu chuyện bi hài của thời kỳ trước đổi mới thật khó tưởng tượng được, nếu không phải là chứng nhân thời kỳ đó. Tất cả đều chạy theo và chạy đua với chỉ tiêu được ấn từ trên xuống bất chấp qui luật thị trường.

Bài báo có đoạn trích lời ông Trần Văn Khang, nguyên giám đốc công ty công tư hợp doanh điều hành bến xe miền Tây, ông Khang kể lại rằng, sau giải phóng vài năm thì xăng không đủ cấp cho xe chạy. Vẫn theo lời ông Khang, những xe chạy xăng là loại hiện đại vào thời đó, máy móc tốt nhưng chẳng lẽ để đắp chiếu.

Một đề tài khoa học được tán dương vào thời đó đã được áp dụng, người ta đã đi lùi lại hàng trăm năm với việc cải tạo xe chạy xăng thành xe chạy than. Những chiếc xe chạy êm nhẹ với tốc độ nhanh, theo ông Khang, đã trở thành con quái vật, xe chạy đến đâu lửa xỉ than rơi vãi ra đường đến đó và lửa từng làm cháy rừng khi xe đi ngang qua rừng núi.

tranport200.jpg
AFP PHOTO

Khi Chợ Trời Bị Đánh Sập

Đêm Trước Đổi Mới bài thứ ba mang tựa đề Khi Chợ Trời Bị Đánh Sập. Toà soạn Tuổi trẻ dẫn nhập, chuyện mua bán thời bao cấp với cảnh ngăn sống cấm chợ, giá dưới đất giá trên trời, mua không được bán không xong…là kết quả của quá trình siết chặt nóng vội mạnh tay. Ông Hà Đăng, nguyên tổng biên tập báo Nhân Dân gọi đó là một đêm đánh sập chợ trời. Bài báo mô tả tình hình sản xuất và phân phối theo kênh mậu dịch quốc doanh, nhà nước định giá mua sản phẩm như ăn cướp và bán phân phối với giá như cho.

Thí dụ nông dân phải giấu gạo giấu lúa, vì nhà nước thu mua lượng lúa gạo vượt định mức ấn định với giá thấp hơn giá sản xuất rất nhiều. Các nhà máy quốc doanh sản xuất ra hàng hoá cũng bị buộc xuất bán cho ngành nội thương dưới mức giá thành. Dệt Thành Công lúc đó làm ra 1 mét vuông vải oxford chi phí hết 10 đồng nhưng phải bán cho nhà nước với giá 9 đồng.

Tuổi trẻ trích lời ông Trần Đức Nguyên, cựu trưởng ban nghiên cứu của Thủ Tướng cho rằng, từ thu mua nghĩa là vừa thu vừa mua được hình thành từ thực tế vừa nói. Còn dân gian gọi đó là mua như cướp. Và chuyện thu mua tồn tại dưới nhiều hình thức, như mua theo giá nghĩa vụ, mua theo giá khuyến khích, bán theo cơ chế có thưởng.

Theo ông Trần Đức Nguyên, mục đích của nhà nước vào thời đó là loại bỏ thị trường tự do nhưng về thực tế nhà nước không có đủ hàng hoá. Còn về lý thuyết nhà nước vẫn phải căn cứ theo giá chợ để hình thành giá quốc doanh. Ông Nguyên kết luận, mục đích là xoá bỏ thị trường tự do, nhưng thị trường chính thống rõ ràng lại phụ thuộc vào thị trường tự do.

Không thể hình dung nổi

Một thanh niên ở TP.HCM nói với chúng tôi rằng nhờ loạt bài Đêm Trước Đổi Mới mà anh biết được những điều không thể hình dung:

“ Trong thời gian 11 năm kinh khủng đó tôi còn nhỏ lắm nên chưa biết gì. Nay nhờ đọc loạt bài Đêm trước Đổi Mới mà biết được nhiều sự kiện không thể hình dung nổi, không ngờ đất nước lại có thời kỳ như vậy.”

Trong thời gian 11 năm kinh khủng đó tôi còn nhỏ lắm nên chưa biết gì. Nay nhờ đọc loạt bài Đêm trước Đổi Mới mà biết được nhiều sự kiện không thể hình dung nổi, không ngờ đất nước lại có thời kỳ như vậy.

Bài thứ ba trong loạt bài Đêm Trước Đổi Mới, báo tuổi trẻ kết bài rằng, các chuyên gia kinh tế thời kỳ bao cấp nghĩ rằng, Nhà nước bán rẻ dưới giá thành cho dân những mặt hàng thiết yếu thì Nhà nước cũng phải mua sản phẩm của dân với giá rẻ dưới giá thành. Phần chênh lệch sẽ được tính tương đương nhau, không bên nào bị thiệt mà vẫn ổn định được nhu cầu của mình.

Nhưng theo nhà báo Tuổi Trẻ, cả xã hội lúc ấy trở thành một thị trường mua không được bán cũng không xong. Và khi không đủ hàng hoá để cung cấp, sự thất thoát giữa các khâu phân phối trung gian quá lớn thì thương mại quốc doanh trở thành một thứ ân sủng đối với người tiêu dùng.

Thời kỳ 11 năm trước đổi mới, nhà nước đã không thể xoá bỏ thị trường tự do một cách triệt để mà chỉ không ngừng bóp chẹt thị trường này. Báo Tuổi Trẻ cho rằng hậu quả là đẻ ra môi trường mầu mỡ cho những thủ đoạn tiêu cực như móc ngoặc, chà đạp, tham ô, đầu cơ. Hàng hoá đã khan hiếm lại bị đủ thứ trò mánh mung, thiệt thòi nhất vẫn là kẻ mua, ngừơi tiêu thụ mà báo Tuổi trẻ ví von là mặt mày thường cứ như người bị mất sổ gạo.

Trong mục đọc báo trong nước hôm nay, chúng tôi đã tóm lược 3 bài đầu trong loạt phóng sự Đêm Trước Đổi Mới của báo Tuổi Trẻ Điện Tử. Trong một kỳ khác, chúng tôi sẽ tiếp tục với loạt bài đặc biệt này. Nam Nguyên thân chào quí thính giả và các bạn nghe đài.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.