Việt Nam mở hội nghị tổng kết công tác tôn giáo 2005


2006.01.14

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Việt Nam mở hội nghị tổng kết công tác tôn giáo 2005 với sự nhìn nhận là phải linh hoạt trong xử lý. Việt Nam muốn tiến tới chính quyền đô thị đúng nghĩa ở các thành phố. Đó là hai đề tài chúng tôi chọn đọc báo trên mạng hôm nay. Báo điện tử Vietnam Net trích lời phát biểu của phó thủ tướng Vũ Khoan Phải Linh Hoạt Trong Xử Lý Các Vấn Đề Tôn Giáo để làm tựa bài.

VuKhoanVatican200.jpg
Phó thủ tướng Vũ Khoan (giữa) đón tiếp Ðức Hồng Y Crescenzio Sepe tại Hà Nội hôm 28-11-2005. AFP PHOTO

Phải Linh Hoạt Trong Xử Lý Các Vấn Đề Tôn Giáo

Ông Vũ Khoan lý giải rằng, nguyên tắc là giữ vững chủ quyền, tuân thủ đúng pháp luật. Còn linh họat là phải biết tuỳ từng đối tượng từng thời điểm, từng giáo phái một để vận dụng những chính sách, nguyên tắc về tôn giáo cho phù hợp.

Trước hội nghị tổng kết công tác tôn giáo 2005 được tổ chức hôm 11 tháng 1 tại Hà Nội, phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định rằng, nếu nói kinh tế toàn cầu hoá thì tôn giáo đã toàn cầu hoá từ lâu. Ông Khoan nhấn mạnh là chính cái tính chất quốc tế ấy đã làm cho nhiều hoạt động tôn giáo bị biến dạng. Vì vậy theo phó thủ tướng, khi xử lý các vấn đề tôn giáo phải đặt trong quan hệ đối ngoại, trong cách xử lý chung của nhà nước.

Ông Vũ Khoan rút tỉa kinh nghiệm với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Theo đó ở địa phương nào, ngành nào có nhận thức, hành động đúng về vấn đề tôn giáo thì ở đó có sự ổn định. Ngược lại, chỗ nào địa phương nào còn lẫn lộn những yêu cầu chính đáng của bà con về tôn giáo với âm mưu lôi kéo, phá hoại của các thế lực thù địch là y như rằng chỗ đó mất ổn định.

Sự lúng túng của ban chỉ đạo

Đề cập tới sự lúng túng của ban chỉ đạo trong khâu xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tôn giáo, ông Vũ Khoan yêu cầu công tác tư tưởng về tôn giáo trong thời gian tới cần phải làm sâu hơn, và phải luôn làm lại công tác tư tưởng cho lãnh đạo các địa phương, nhất là sau khi có sự thay đổi về nhân sự sau đại hội đảng cơ sở.

Ông Vũ Khoan cho rằng, không thể cùng lúc giải quyết hàng loạt khúc mắc về tôn giáo mà phải tìm ra những vấn đề bức xúc nhất để giải quyết sớm, như vấn đề đất đai, cơ sở thờ tự, đăng ký đạo Tin Lành. Ông Khoan cho biết qua tiếp xúc với các giáo phái, ông ghi nhận ta thán về thủ tục rườm rà, rườm rà gấp đôi cả thủ tục của chính phủ.

SaigonTraffic200.jpg
Ðường phố Sài Gòn vào đêm. AFP PHOTO

Theo Vietnam Net, phó thủ tướng Vũ Khoan gợi ý rằng, những người làm công tác quản lý tôn giáo nên phát huy tối đa vai trò, tính chủ động của các chức sắc tôn giáo. Chính quyền chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ. Ngoài ra, theo ông Vũ Khoan, cũng phải suy nghĩ đến một lúc nào đó, khoảng năm năm nữa chẳng hạn, nâng pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo thành luật để đủ tầm giải quyết các vấn đề về tôn giáo.

Hội nghị công tác tôn giáo báo cáo mặt nổi, trong năm 2005, chính quyền chấp thuận 800 trường hợp chức sắc được phong chức bổ nhiệm, thuyên chuyển. 242 cơ sở thờ tự được xây mới và 320 cơ sở thờ tự được nâng cấp.

Chúng tôi xin trích phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt giáo phận Hà Nội liên quan tới hoạt động truyền giáo, trong một dịp ngài trả lời Ban Việt Ngữ Đài ACTD: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Xây dựng chính quyền đô thị

Đề tài kế tiếp trong mục đọc báo trên mạng hôm nay là một vấn đề không mới với các nước nhưng lại ít được đề cập ở Việt Nam. Đó là chuyện xây dựng chính quyền đô thị. Báo điện tử Việt Nam Net dẫn nhập, TP.HCM đã được giao xây dựng thí điểm Chính Quyền Đô Thị và được xem là có khả năng thực hiện được. Tuy nhiên khó khăn trước mắt vẫn là thiếu con người đô thị theo đúng nghĩa.

Vấn đề mà Vietnam Net đặt ra là ở Việt Nam, công tác quản lý chưa có sự phân định thế nào là quản lý đô thị một cách khoa học, thế nào là quản lý một vùng nông thôn. Nhận định về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, chủ nhiệm uỷ ban về các vấn đề xã hội của quốc hội cho rằng đây là lỗi của cấp lãnh đạo, vì cho đến nay Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp luật để phân định rõ ràng xây dựng chính quyền đô thị là làm gì, xây dựng chính quyền nông thôn như thế nào.

Theo bà Hoài Thu việc xây dựng chính quyền chung thì có luật rồi, như luật tổ chức chính phủ, luật tổ chức hội đồng nhân dân, uỷ ban nhan dân…luật cũng qui định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, hoặc sở ngành cho địa phương. Tuy nhiên theo bà Hoài Thu luật cần phải đi sát hơn vào cuộc sống.

Đáp câu hỏi muốn xây dựng chính quyền đô thị thì TP.HCM phải có cơ chế như thế nào để quản lý xã hội, trong điều kiện TP.HCM đông dân và rất đa dạng về dân tộc và xuất xứ. Bà Hoài Thu cho rằng đây là vấn đề khó khắc phục trong tương lai gần, bởi vì nhiều cán bộ lãnh đạo xuất thân từ nông thôn, suy nghĩ tầm nhìn bị bó hẹp. Tuy nhiên bà Hoài Thu cho rằng trong nhiệm kỳ vừa rồi TP.HCM có nhiều khởi sắc trong quản lý đô thị, cải cách hành chánh, thực hiện việc xây dựng chính phủ điện tử.

Nhà báo đặt câu hỏi phải chăng mấu chốt là con người mà cao hơn nữa là lãnh đạo. Nữ chủ nhiệm uỷ ban các vấn đề xã hội quốc hội Việt Nam xác nhận điều vừa nói, nhưng cho rằng hiện nay Việt Nam tìm đâu ra con người đô thị, tất cả đều xuất thân từ nông thôn. Bà Hoài Thu thêm rằng hiện tại vẫn phải sử dụng những con người đó, và tiếp thu những gì các nước đã làm.

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Ðổi mới đội ngũ quản lý

Phó giáo sư tiến sĩ sử học Võ Văn Sen, hội đồng nhân dân TP.HCM đưa ra các khái niệm căn bản về một chính quyền đô thị. Theo đó một chính quyền đô thị phải hết sức tập trung chứ không thể có tình trạng phân cấp một cách tràn lan. Ông Sen cho rằng cần xây dựng mạnh hệ thống chính quyền cấp thành phố, không cần hệ thống cấp phường, giảm quản lý hành chánh cấp quận.

Phó giáo sư Sen nêu sự kiện, nhiều thành phố lớn của Mỹ, New Zealand người dân không cần đi tới phường, xã để xác nhận bất cứ loại giấy tờ nào. Theo ông Sen, muốn được vậy phải hết sức hiện đại hoá chính quyền đô thị cấp thành phố. Cấp cơ sở chỉ quản lý hành chánh dân cư, đặc biệt không tham gia quản lý kinh doanh quá nhiều như hiện nay.

Phó giáo sư Võ Văn Sen sau cùng kết luận rằng, vấn đề quan trọng hàng đầu của đề án chính quyền đô thị là đổi mới đội ngũ quản lý. Và điều này phải bắt đầu từ đảng cộng sản Việt Nam. Theo ông Sen hãy nhìn về tương lai chứ đừng nhìn vào quá khứ.

Phó giáo sư Sen trích lời cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, theo đó bí quyết thành công của nhân vật này là, giao chức bộ trưởng cho người giỏi nhất kể cả về quản lý và chuyên môn trong ngành đó.

Vẫn theo lời phó giao sư Sen, ở Nhật Bản người ta chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng đối với những chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Và theo ông, Việt Nam tất yếu trước sau gì cũng phải làm như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.