Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Sự thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tàu bè của cải ở ngoài biển xa do bão số 1 gây nên, hầu như làm lu mờ chuyện Việt Nam sắp ký kết chính thức với Hoa Kỳ về việc gia nhập WTO. Hôm nay chúng tôi dành trọn thời gian để tường trình những thông tin liên quan đến trận bão biển, mà nhiều người cho là dự báo chậm và không chính xác gây hậu quả nghiêm trọng.

Hàng chục người mất mạng vì tin vào cơ quan dự báo bão
Bão số 1, quốc tế đặt tên là Chanchu tiếng Hoa nghĩa là Trân Châu hoặc đơn giản là ngọc trai. Cái tên mỹ miều dường ấy lại gây tại hoạ chưa từng có cho ngư dân trong nước, và thảm hoạ lại xảy ra cách đất liền Việt Nam tới 1 ngàn cây số.
Những ngày qua, báo chí Việt Nam đưa lên mạng một lượng thông tin khổng lồ để phục vụ bạn đọc, tường trình về nỗi đau khôn nguôi của ngư dân các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Trận bão di chuyển vào khu vực biển đông trong những ngày 12 và 13/5, các báo điện tử của Việt Nam hầu hết đều đưa tin là, công tác dự báo khí tượng sai và chậm đã đem sự bất hạnh tới cho các tàu cá và ngư dân.
Báo Hà Nội Mới điện tử cho rằng, các tàu đánh cá của ngư dân miền Trung đã tập trung tránh bão ở vùng biển Trung Quốc - Đài Loan, theo dự báo khí tượng của nhà nứơc, và oan nghiệt thay vùng tránh bão lại là tâm bão nhấn chìm 18 con tàu cùng trăm ngư dân kém may mắn. Theo các báo, vào lúc bão ác nghiệt nhất, ở vùng tâm bão có tới 43 tàu đánh cá và hơn 750 ngư dân các tỉnh miền trung.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin tính đến cuối ngày 25/5 đã có 570 ngư dân và 25 tàu cá trở về cảng Sông Hàn Đà Nẵng. Tàu chìm xác định là 13 5 tàu mất tích và khả năng đã bị chìm là rất cao. Tất cả các báo ử đều đề cao công tác cứu hộ cứu trợ của Trung Quốc, nhờ vào các nỗ lực đó mà hơn 500 ngư dân và 22 tàu cá được cứu thoát.
Số nạn nhân chết đã vớt được xác là 27 ngừơi, số người chết và mất tích được uỷ Ban Cứu Hộ Quốc Gia loan báo là 103, tuy nhiên con số này có thể cao hơn rất nhiều, nếu lấy tổng số ngư dân miền trung ra khơi đánh bắt xa bờ trong thời gian có bão là 750 trừ đi số người sống sót trở về.
Khác biệt giữa Việt Nam và quốc tế
Trên báo Tuổi Trẻ ngày 22/5, Nhân Dân ngày 23/5, Pháp Luật TPHCM ngày 24/5, tiến sĩ Ngô Đức Thành ở đại học Tokyo đã đặt vấn đề về việc dự báo đường đi của bão Trân Châu của Trung Tâm Dự báo Khí Tượng Thuỷ Văn Trung Ương. Đó là câu hỏi về sự khác biệt trong dự báo của của Trung Tâm so với các đài khu vực khác như Philippines, Hawaii, Hong kong và hải quân Mỹ.
Tờ báo Tuổi Trẻ đã đưa lên mạng một số bản đồ dự báo trận bão Trân Châu của phía Việt Nam, và của Đài khí Tượng Hongkong để so sánh. Theo đó ngay từ tối 12/5, khi tâm bão còn ở Philippines, Đài khí tượng Hongkong đã dự báo đường đi của bão Trân Châu là không đổ bộ vào Việt Nam. Tối 13/5 đài Hong Kong xác định bão đi thẳng lên phiá bắc vào vùng biển giữa đảo Hải nam và Đài Loan
Trong khi đó, vào 3g30 sáng 15/5 mặc dù dự báo muộn hơn nhưng Trung Tâm của Việt Nam lại cho rằng, tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Phú yên 690 km về phía đông, dự báo trong 24 giờ tới bão sẽ di chuyển theo hứơng giữa tây tây bắc và tây bắc.
Đến 9g30 cùng ngày 15/5, Trung Tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương của Việt Nam loan báo bão đột ngột chuyển hứơng. Tờ Tuổi Trẻ cho rằng, không có chuyện đột ngột chuyển hứơng mà thật ra sự chuyển hứơng đó đã được dự báo rõ ràng từ sớm của các đài khí tượng khu vực.
Ngày 25/5 Vietnamnet đưa lên mạng bài viết của bạn Phan Hữu Duy Quốc, thuộc hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật bản. Bài viết trích kết luận của tiến sĩ Ngô Đức Thành, nghiên cứu sinh tại Viện Khoa Học Công nghiệp Đại Học Tokyo mà chúng tôi vừa trình bày. Theo đó hứơng đi của bão số 1 lẽ ra đã được dự đoán đúng, và nếu như vậy thì sinh mạng của hàng chục con người, sự mất mát tài sản và nỗi đau của người dân miền trung lẽ ra đã nhẹ hơn rất nhiều.
Thiếu khả năng, lẩn tránh trách nhiệm
Nhận định của tiến sĩ Thành dựa vào kết quả tính toán bằng mô hình máy tính, cho phép dự báo trứơc 3 ngày thậm chí 10 ngày. Bài báo có đoạn, đây là một kết luận muộn màng và chẳng góp phần vào việc giảm thiểu rủi ro, nhưng cũng cho thấy là một hy vọng đã bị bỏ qua, có thể là sự hạn chế về khoa học dự đoán.
Việc tại sao các chuyên gia trong nứơc chỉ dự báo trứơc 12 tới 24 giờ vẫn còn là một câu hỏi lớn, chỉ biết đó là khoảng thời gian vô cùng ngắn cho các con thuyền nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông.
Trong một bài viết trên Vietnamnet, ông Đinh Văn Ưu giáo sư khoa khí tượng thuỷ văn và hải dương học trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Hà Nội nhận định rằng tính khoa học của phương pháp và qui trình dự báo ở Việt Nam đang có vấn đề.
Giáo sư Ưu cho rằng kiểu dự báo như thế khiến ngư dân trên biển xa cũng như gần bờ không biết tìm hứơng nào an toàn và khi nào thì nên tránh. Trả lời Gia Minh Ban Việt Ngữ đài ACTD, giáo sư Đinh Văn Ưu phát biểu rằng: (xin theo dõi trong phần âm thanh phía trên)
Vai trò của chính phủ?
Những thông tin của báo chí mà chúng tôi vừa trích lược, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ nhân vật đang phải chịu búa rìu dư luận. Cùng ngày 25/5 trên VNExpress, ông Lê Công Thành giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương phủ nhận chuyện cơ quan này dự báo sai về cơn bão số 1.
Ông Thành còn nhấn mạnh rằng, ông hoàn toàn thanh thản với linh hồn người đã chết và nếu Nhà nứơc thấy ông sai thì hãy lập tức cách chức ông. Ông Thành giải thích về chuyên môn và cho rằng, từ bản đồ dự báo của đài Hongkong và so sánh với bản đồ dự báo của VN, rồi kết luận dự báo của VN quá sai, thì ông cho rằng mọi người chưa hiểu vấn đề.
Ông Thành vẫn cho là mình dự báo tương đối chính xác, vì luôn nói rõ là bão di chuyển theo hứơng tây tây bắc, và dự báo của VN chỉ trứơc 24 giờ. Đây là khả năng công nghệ hiện tại của VN, chỉ có thể dự báo chính xác trong 24 giờ, ông Thành cho rằng dự báo trứơc 48 giờ, sai số lớn thì thiệt hại lớn, hậu quả khôn lường.
Tuy vậy ông Thành nhìn nhận rằng, đã không biết được là vào mùa này, ngư dân đánh cá nhiều ở ngư trường rất xa hải phận VN. Bản thân ông và các đồng nghiệp làm dự báo thời tiết là để bà con tránh được tai nạn. Nếu họ gặp nạn thì bản thân ông phải xem xét lại mình trứơc tiên.
Ông Thành thêm rằng không ai nói bao biện để cho rằng mình đúng, trong lúc ngừơi dân bị thiệt mạng. Tuy nhiên ông cho rằng phải xem xét cả quá trình dự báo một cách khoa học và khách quan.
Thưa quí thính giả không thể nói cái khó bó cái khôn, VN ngày nay trên đà phát triển, những tưởng có đủ lực để đầu tư cho đội ngũ chuyên viên ngành khí tượng thuỷ văn và trang bị phương tiện hiện đại. Điều quan trọng là tầm nhìn mang tính chiến lược của những người có trách nhiệm.