Thảm hoạ bão Trân Châu và thỏa thuận Việt-Mỹ về WTO
2006.06.03
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Chính phủ Việt Nam xác định lỗi dẫn đến thảm họa Biển Đông là của cả hệ thống. Những thông tin chính thức về số ngư dân vùi thây đáy biển, đã lấn át cả sự rộn ràng của lễ ký thoả thuận song phương với Mỹ về việc Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Đây là các đề tài chúng tôi tổng hợp từ các báo điện tử của Việt Nam.
Cả hệ thống có lỗi
Lần đầu tiên, chính phủ Việt Nam mau chóng nhìn nhận là cả hệ thống có lỗi trước thảm hoạ bão Trân Châu còn gọi là bão số 1. Trận bão xảy ra hồi trung tuần tháng 5, làm 246 ngư dân thiệt mạng mà phần lớn là không tìm được xác. Ngoài ra có 18 tàu đánh cá bị đắm hoặc mất tích.
Theo bài tường thuật của VN Express, phiên họp thường kỳ của chính phủ diễn ra trong ngày 31/5 tại Hà Nội. Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các bộ trưởng, đã dành một nửa thời gian phiên họp để phân tích ba bản báo cáo của Uỷ Ban Quốc Gia Tìm Kiếm Cứu Nạn, Uỷ Ban Quốc Gia Phòng Chống Lụt Bão Trung Ương và Bộ Tài Nguyên Môi Trường.
Ông Phan Văn Khải sau đó nhận định rằng, hậu quả nặng nề của của Bão số 1 là từ lỗi của cả hệ thống. Theo đó ngành dự báo giữ quan niệm lạc hậu là chỉ chú trọng đảm bảo an toàn đất liền và ven biển, chưa quan tâm đánh bắt xa bờ. Ngành thuỷ sản tổ chức đánh bắt xa bờ, nhưng lại không chú ý tới phòng chống thiên tai cho ngư dân. Còn chính quyền địa phương thì không biết ngư dân đánh cá ở đâu, khi xảy ra thiên tai không liên lạc được.
Vn Express dẫn lời ông Nguyễn Kinh Quốc, người phát ngôn của thủ tướng nói rằng, Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương đã làm đúng theo qui định khi dự báo bão trước 24 giờ. Nhưng trong cơn bão số 1 và điều kiện đánh bắt xa bờ, dự báo bão đã không đáp ứng yêu cầu.
Ông Quốc thêm rằng, nếu chỉ đổ lỗi cho anh em dự báo khí tượng thì chưa đầy đủ và có phần oan uổng. Tuy nhiên trước mất mát quá lớn do bão gây ra, ông Lê Công Thành giám đốc trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương đã xin từ chức. Theo lời người phát ngôn của thủ tướng thì chính phủ đánh giá cao hành động này.
Cần phải cải tổ sâu rộng
Nhận định về qui định dự báo đã lỗi thời của Việt Nam, giáo sư Đinh Văn Ưu giáo sư khoa khí tượng thuỷ văn và hải dương học trường Đại Học Khoa Học tự Nhiên Hà Nội phát biểu:
“Cần thay đổi qui trình dự báo bao trùm cả vùng biển thay vì chỉ phục vụ đất liền. Qui trình thì do chính phủ qui định, nhưng cũng là do mình tự làm ra, nay nên thay đổi qui trình dự báo tiến hành dự báo sớm hơn….”
Trong phiên họp ngày 31/5, Bộ trưởng tài nguyên môi trường Mai Ái Trực đề nghị chính phủ cải tổ sâu rộng ngành khí tượng thuỷ văn, từ qui trình cho tới công tác cán bộ chuyên môn. Trong tương lai Việt Nam sẽ dự báo bão trước 48 giờ.
Khi xem bài báo của VN Express, người đọc báo ghi nhận rằng văn hoá từ chức bắt đầu được phổ biến hơn trong đời sống chính trị Việt Nam. Tuy là lỗi của toàn hệ thống, nghĩa là lỗi của chính phủ từ cấp địa phương tới cấp Bộ, nhưng ông Lê Công Thành giám đốc trung tâm khí tượng thuỷ văn trung ương đã quyết định từ chức.
Thỏa thuận Việt-Mỹ về WTO
Nếu như không có thảm hoạ Biển Đông mang tới cái tang chung cho cả nước, thì lễ ký chính thức thoả thuận với Mỹ chuẩn bị mở cửa cho Việt Nam vào WTO sẽ là một thắng lợi vẻ vang cho nhiệm kỳ của thủ tướng Phan Văn Khải. Tuy vậy các báo trong nước cũng có nhiều bài đánh dấu sự kiện trọng đại vừa nói, kèm theo là những hệ luỵ của giai đoạn tương lai khi Việt Nam là thành viên chính thức tổ chức thương mại thế giới.
Theo VN Express, tại Hội Trường Thống Nhất Saigon, dự lễ ký chính thức thoả thuận kết thúc đàm phán song phương với Mỹ, bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển thẳng thắn đưa ra một nhận định mang tính nhậy cảm, khi ông cho rằng nông dân Việt Nam thua thiệt nhiều nhất trong quá trình hội nhập, nông dân được hưởng lợi quá ít từ những thành quả đổi mới. Ông Tuyển kêu gọi cải tổ nông nghiệp, khuyến nông đào tạo nghề.
Cùng về vấn đề này, tiến sĩ Đặng Kim Sơn một chuyên gia ở Hà Nội về các vấn đề chính sách và chiến lược nông nghiệp nông thôn cho biết:
“So với tốc độ tăng của sản xuất nông nghiệp hay xuất khẩu thì mức độ tăng đời sống của nông dân là không tương xứng. Nói cho rõ thì mức tăng đời sống ở nông thôn thì không nhanh bằng mức tăng ở đô thị, hay là trong các lãnh vực khác. Đây là thách thức rất lớn hiện nay…”
Tất cả các báo điện tử như Vietnam Net, Thời Báo kinh Tế Việt Nam, Tuổi Trẻ, Người Lao Động đều có bài đề cập tới những cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam cả về sản phẩm công nghiệp nông nghiệp và nhiều lãnh vực dịch vụ trọng yếu. Trong đó có tài chánh ngân hàng chứng khoán, dịch vụ kinh doanh.
Không phải là chiếc đũa thần
Riêng về dịch vụ phân phối Việt nam tự do hoá lĩnh vực bán buôn bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Mức thuế đánh vào hàng hoá Mỹ sẽ giảm nhiều theo một lộ trình từ 5 tới 10 năm tuỳ loại sản phẩm. Thí dụ mức thuế thấp nhất là sản phẩm đậu nành giảm từ 15% xúông 5% trong vòng ba năm. Các sản phẩm bông vải, da thuộc và da thô được hưởng mức thuế suất 0% ngay lập tức.
Trên Báo SGGP, phó thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh rằng gia nhập WTO là đón nhận và tranh thủ các cơ hội. Khi vào WTO, Việt Nam đương nhiên được hưởng thuế suất thấp của các nước thành viên, đổi lại các thành viên cũng yêu cầu Việt Nam phải giảm thuế xuất nhập khẩu.
Riêng với Hoa Kỳ Việt Nam đã phải đàm phán thoả thuận hàng ngàn dòng thuế, vì thế phải qua thời gian lâu hai bên mới đạt thoả thuận. Ông Vũ Khoan đưa ra khuyến cáo là đừng quá lạc quan mà cũng đừng bi quan quá. Đây là thái độ thực tế cần có, WTO sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội, nếu Việt Nam biết tận dụng nó sẽ là cơ hội tốt. Tuy nhiên cơ hội không thể tự nhiên trở thành hiện thực mà phải tuỳ thuộc vào nỗ lực chủ quan của mình.
Trên tờ Người Lao Động, giáo sư tiến sĩ Hồ Đức Hùng viện trưởng viện nghiên cứu kinh tế phát triển ở TP.HCM đưa ra cảnh báo là vào WTO không phải là chiếc đũa thần mà tuỳ thuộc tay nghề của người sử dụng. Giáo sư Hồ Đức Hùng giải thích:
“Bất cứ lúc nào đi vào cạnh tranh, luôn luôn có người tồn tại, người phát triển và những kẻ bị phá sản. Đi vào sân chơi WTO này mức độ cạnh tranh càng gay gắt hơn, nên thành công và phá sản sẽ đi liền với nhau.
Điều này chứng tỏ doanh nghiệp nào có đủ sức mạnh, đủ khả năng thích nghi tốt với môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt như thế thì sẽ có điều kiện để phát triển. Chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp khai tử và không ít doanh nghiệp vươn lên phát triển.”
Sau thoả thuận với Mỹ, các giới chức Việt Nam lạc quan tin tưởng Việt Nam có thể được WTO kết nạp vào giữa tháng 10 sắp tới. Theo Vietnam Net, Dự hội nghị bộ trưởng APEC ở Saigon, ngày 1/6 Tổng Giám Đốc WTO Pascal Lamy tuyên bố với báo chí rằng, việc còn lại của Việt Nam để gia nhập WTO chỉ mang tính kỹ thuật và Việt Nam chỉ còn một đoạn đường ngắn nữa để đi tới thoả thuận cuối cùng.
Tuy vậy Việt Nam vẫn còn một khúc mắc phải vượt qua, đó là được quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua qui chế thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR, vì phải có qui chế này thì thoả thuận Việt Mỹ ký kết ngày 31/5 mới có hiệu lực.
Những bài liên quan
- Doanh nghiệp nhà nước trước ngưỡng cửa hội nhập WTO
- 246 ngư phủ bị thiệt mạng trong bão Chanchu
- Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về những thách thức khi Việt Nam hội nhập WTO
- Ngành dệt may Việt Nam được lợi từ thoả thuận Việt-Mỹ về WTO
- Việt Nam thay Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương
- Đề nghị thành lập ủy ban điều tra nguyên nhân gây thảm họa bão Chanchu
- Liệu có thể kiện Trung Tâm Dự báo khí tượng thủy văn về những thiệt hại của bão Chanchu?
- Ước vọng của một nữ doanh nhân trước việc Việt Nam gia nhập tổ chức WTO
- Dư luận tức giận vì dự báo bão sai gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân
- Phỏng vấn anh Ngô Ðức Thành về tình hình dự báo khí tượng thủy văn tại Việt Nam
- Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục giúp tìm kiếm ngư dân VN mất tích vì bão Chanchu
- Ngành xuât bản và phát hành sách Việt Nam trước thềm gia nhập WTO
- Thiệt hại nặng do bão số một gây ra: ai là người chịu trách nhiệm?
- Ngư dân miền Trung, nạn nhân của công tác dự báo thời tiết kém cỏi
- Những chuẩn bị của công ty văn hoá Phương Nam tương lai hội nhập WTO
- Việt Nam tiếp tục tìm kiếm nạn nhân cơn bão số 1
- Nhiều ngư phủ lâm nạn trong cơn bão số 1 đã về đến Đà Nẵng
- Phó trưởng đại diện thương mại Hoa Kỳ sẽ viếng thăm Việt Nam trong 3 ngày
- Những thông tin mới nhất và bài học từ cơn bão Chanchu
- Số người chết và mất tích do cơn bão số 1 gây ra ngày càng tăng cao
- Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cứu vớt các nạn nhân của cơn bão số 1
- Các tàu cứu hộ Trung Quốc vớt được 18 thi thể, cứu sống 330 ngư dân Việt Nam
- Ðàm phán Việt-Mỹ về WTO, bên nào nhượng nhiều hơn
- Ngành nông nghiệp Việt Nam trước thềm hội nhập WTO
- Trao đổi thư tín với thính giả (Ngày 18-5-2006)