Hậu quả nặng nề sau cơn bão Xangsane

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Đời sống người dân miền Trung với các hậu quả nặng nề sau bão và lũ… Báo chí thành công trong vụ phanh phui nhà công biến thành nhà tư của một số cán bộ cao cấp. Chúng tôi tổng hợp các bài báo liên quan hầu quí thính giả.

0:00 / 0:00
XangsaneVictimCried200.jpg
Cụ bà Trần Thị Em, 77 tuổi, than khóc trước cảnh căn nhà bị huỷ hoại bởi cơn bão Xangsane quét ngang qua Đà Nẵng hôm 2-10-2006. AFP PHOTO

Nếu trong trận bão 1/10 thiệt hại nhân mạng ở miền trung được hạn chế, thì đợt lũ ngay sau bão lại có nhiều nạn nhân hơn. Tính đến hết ngày 5/10 bão số 6 và lũ sau bão đã làm gần 80 người thiệt mạng và mất tích, hàng ngàn người bị thương, 300 ngàn căn nhà hư hại, thiệt hại chung 10 ngàn tỷ đồng.

Bão số 6 gây hại trực tiếp cho Đà Nẵng Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, thì sau bão, lũ lại hoành hành ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, và Tây Nguyên. Bắc trung bộ lũ ngập trắng đồng đưa đến cái đói cận kề, số nạn nhân chết đuối vì nước lũ dâng nhanh tính đến ngày 5/10 cũng đã hơn 40 người.

Thành phố Đà Nẵng nơi tâm bão đi qua bị tàn phá nặng nề nhưng nay thì người dân lại đang đối mặt cơn bão vật giá. Phát biểu của một cư dân Đà Nẵng mô tả tình hình này: "Không thể nói hết trận bão này khủng khiếp lắm, hiện nay điện nước trong thành phố mới có một vài nơi. Sinh hoạt chợ búa ăn uống mắc mỏ lắm mà cũng không có gì để ăn…"

Không thể kiểm soát thị trường vật liệu xây dựng

Báo Tuổi Trẻ Online ngày 5/10 có bài ghi nhận thực tế cho thấy thị trường vật liệu xây dựng ở Đà Nẵng đang ở trong tình trạng không thể kiểm soát. Tôn lợp mái dù lên giá nhưng đến ngày 4/10 cũng không còn hàng để bán, trong khi đinh mũ dùng đóng tôn bình thường giá 18 ngàn/kg nhưng nay lên giá tới 68 ngàn đồng/kg. Giá dây thép cũng từ 8 ngàn lên 20 ngàn/Kg.

Không thể nói hết trận bão này khủng khiếp lắm, hiện nay điện nước trong thành phố mới có một vài nơi. Sinh hoạt chợ búa ăn uống mắc mỏ lắm mà cũng không có gì để ăn.

Tuy vậy vấn đề mà báo Tuổi Trẻ đặt ra là tại sao các nhà sản xuất tôn và doanh nghiệp phía Nam lại cứ chần chừ không chở hàng ra Đà Nẵng. Theo tờ báo, chỉ có một số ít công ty như Tôn Hoa Sen, Phương Nam và Blue Scope Buildings xác nhận là đang vận chuyển tôn ra các đại lý ở Đà Nẵng, còn hầu hết các doanh nghiệp đều án binh bất động.

Tờ báo cho rằng, kinh doanh thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu, quyền quyết định thuộc về doanh nghiệp. Họ có quyền chở hoặc không chở hàng ra miền Trung, nếu bài toán kinh doanh của họ không được bảo toàn.

Theo tờ báo, nhiều doanh nghiệp lý giải là thị trường miền Trung có mặt bằng giá tương đối thấp, doanh nghiệp lại khó bán với giá cao, nhất là sau khi bão mới đi qua, ảnh hưởng uy tín thương hiệu, nên họ chọn giải pháp an toàn là án binh bất động. Tuổi Trẻ Online cho rằng, doanh nghiệp tính toán không sai, nhưng trong kinh doanh ngoài mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận, doanh nghiệp còn có trách nhiệm cộng đồng.

Tờ báo tán dương công ty Blue Scope Buildings 100% vốn của Úc, đã giảm giá 15% và xuất kho 50 ngàn mét vuông tôn cuộn mạ màu để chở ra Đà Nẵng.

Sẽ mất một thời gian dài

Theo Vn Express ngày 5/10, thành phố Đà Nẵng thiệt hại khoảng 5.300 tỷ đồng và Quảng Nam khoảng 1.600 tỷ đồng. Người dân địa phương sẽ phải mất một thời gian rất lâu, mới có thể xây dựng lại cơ ngơi và trở lại cuộc sống bình thường. Ông Nguyễn Sự bí thư thị uỷ Hội An nhận định:

“Sẽ mất một thời gian dài thì người dân mới trở lại được cuộc sống sinh hoạt bình thường như trước bão. Nhiều gia đình gầy dựng tích luỹ trong 30 năm nay trận bão làm họ trắng tay. Vì thế nhanh nhất thì cũng mấy vài ba năm để khôi phục, thậm chí có gia đình phải 5 năm.”

Ngay trong lúc này Đà Nẵng còn quá nhiều nỗi lo sau bão, ngày 5/10 chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Đà Nẵng và Quảng Nam đã chỉ đạo tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, ổn định đời sống nhân dân, lo chỗ tạm trú, gạo ăn, chăn màn quần áo, khôi phục hệ thống bệnh viện trường học, để học sinh được đi học trở lại trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Minh Hùng chánh văn phòng Sở GDĐT thành phố Đà Nẵng cho biết:

“Tuần sau ( 9/10/2006) tất cả các trường có thể đi học lại. Chúng tôi đang tu sửa lại từng bước, cũng thu xếp lịch học chứ việc khắc phục thì phải lâu dài, mất nhiều tháng hoặc cả năm, cũng còn tùy thuộc nguồn lực nữa…”

XangsaneVictimBoy200.jpg
Hôm 3-10-2006, bé Le Ngoc Dong, 13 tháng tuổi, và mẹ, Chị Phan Thi Cuc, đang nghỉ dưỡng tại bệnh viện ở Thanh Khê, thành phố Ðà Nẵng. Bé Dong đã sống sót sau khi bị cơn bão hất tung ra khỏi chiếc nôi hôm 1-10-2006. AFP PHOTO

Báo SGGP Online còn ghi nhận là, hầu hết các khu công nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng đều bị thiệt hại, hàng trăm nhà máy nhà xưởng bị hư hỏng nặng và phải mất ít nhất là một tháng để khôi phục sản xuất. Ngoài ra hàng ngàn công nhân làm việc cho các khu công nghiệp vừa nói cũng lâm vào hoàn cảnh không nơi trú ngụ, do các nhà trọ nghèo nàn của họ bị bão số 6 huỷ hoại.

Nhà công vụ biến thành tư gia

Song hành với bão lũ, báo chí Việt Nam còn dậy lên một trận bão khác tố giác các cán bộ cao cấp phù phép để nhà công vụ biến thành tư gia. Ít nhất là có ba trường hợp gây nhiều tai tiếng, và có thể trong những ngày sắp tới báo chí còn tìm ra những trường hợp khác nữa. Những vụ bê bối liên quán tới nhà công vụ, được thứ trưởng tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ xem là có dấu hiệu tham nhũng. Và như một hậu quả chẳng đặng đừng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải vào cuộc. Trong ba vụ bê bối về việc phù phép để mua nhà công thì vụ nổi bật hơn cả liên quan tới thống đốc ngân hàng nhà nước Lê Đức Thuý, vốn là cán bộ cao cấp hàm bộ trưởng, ông Thuý đã có nhà tư và một căn nhà khác được thuê của nhà nước.

Tuy vậy ông thống đốc và các thuộc cấp đã phù phép để biến căn nhà công vụ 4 tầng lầu số 6 Lý Thái Tổ Hà Nội trở thành nhà tư, họ đã báo cáo sai sự thực và được nguyên thủ tướng Phan Văn Khải phê thuận cho phép ông Lê Đức Thuý được mua căn nhà này với giá rẻ. Theo tin tức ghi nhận, để tránh những hậu quả có thể nghiêm trọng, thống đốc Lê Đức Thuý đã đề nghị xin trả lại căn nhà số 6 Lý Thái Tổ cho Nhà nước. Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý việc này vào hôm 5/10.

Ngoài vụ ông thống đốc, đầu tiên báo chí nổ ra vụ ông Hoàng Văn Nghiên cựu chủ tịch UBND TP.Hà Nội nạp đơn xin mua biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa mà ông được thuê lúc còn tại chức. Tiếp đến là trường hợp ông Phan Văn Vượng nguyên phó chủ tịch TP. Hà Nội với căn nhà số 52 Tuệ Tĩnh. Theo luật nhà đất và theo qui định hiện hành, các cán bộ được thuê nhà công vụ phải trả lại ngôi nhà sau khi không còn chức vụ nữa.

Tuy nhiên không những không nói tới chuyện trả nhà mà ông cựu chủ tịch còn nạp đơn xin mua ngôi biệt thự đắt giá. Biệt thư 12 Nguyễn Chế Nghĩa có lúc cho ngoại kiều thuê với giá 5 ngàn đô la một tháng. Câu chuyện mua bán sai pháp luật dĩ nhiên là không thành, vì báo chí phanh phui. Cuối cùng ngày 5/10 chính quyền Hà Nội đã quyết định là thu hồi hai căn nhà này, và sẽ bố trí chỗ ở khác cho hai vị cựu lãnh đạo của thành phố.

Tờ Lao Động tiếp tục điều tra sai phạm về nhà công đất công cho biết, ở Hà Nội và Saigon có đến gần 3 triệu mét vuông nhà và đất công bị sử dụng sai mục đích, gây thiệt hại lớn cho công qũi.