Cuộc sống lo âu và đau khổ của phụ nữ Thỗ Nhĩ Kỳ

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Trên bình diện chung, phụ nữ trong xã hội tiến bộ ngày nay đã được bình đẳng bình quyền hơn; nữ quyền cũng được tôn trọng hơn xưa rất nhiều. Tuy nhiên, không phải ở quốc gia nào, trong xã hội nào phụ nữ cũng được tôn trọng và có vị trí ngang bằng với nam giới.

0:00 / 0:00
MuslimWomen150.jpg
Phụ nữ các nước Hồi Giáo vẫn tiếp tục bị kỳ thị và bị hạn chế nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. AFP PHOTO

Tiêu biểu nhất có lẽ là phụ nữ các nước Hồi Giáo, xứ sở của những quy tắc tôn giáo và luật lệ văn hoá khắt khe, cực đoan, chuyên chế. Họ vẫn tiếp tục bị kỳ thị và bị hạn chế nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

Chuyên mục Phụ Nữ kỳ này, Trà Mi xin được cống hiến đến quý vị những mẫu chuyện thương tâm về cuộc sống của phụ nữ Thỗ Nhĩ Kỳ, đạo Hồi, định cư tại Đức.

Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm nay, có 6 phụ nữ Hồi Giáo sinh sống tại thủ đô Berlin của Đức bị thảm sát vì chính những người thân ruột thịt trong gia đình của họ. Quả là 1 thảm trạng đau lòng.

Nguyên nhân vì sao? Chỉ vì họ đã tìm cách thoát ra những luật lệ truyền thống, đi tìm 1 lối sống tự do cho bản thân, 1 cuộc sống theo kiểu Tây phương. Họ chỉ muốn có những quyền tự do cá nhân như những người bạn cùng lứa Tây phương, muốn được đi xem phim, mặc quần jeans, hay ăn kem nơi công cộng, hoặc trò chuyện với bạn khác phái, và dĩ nhiên là họ muốn được tự quyền chọn lựa người bạn đời cho mình.

Nhưng nền văn hoá mà họ xuất xứ, những gia đình Hồi Giáo Thỗ Nhĩ Kỳ, không chấp nhận như thế, với quan niệm đàn ông mới là người có quyền quyết định số phận của phụ nữ.

Câu chuyện thương tâm của cô Hatin Surucu

Hồi tháng 2, một bà mẹ trẻ người Thỗ Nhĩ Kỳ, 23 tuổi, tên Hatin Surucu, bị bắn chết ngay tại trạm xe buýt khi đang chờ người thân. Trước đó không lâu, cô nhận được 1 cú điện thoại từ người họ hàng, hẹn gặp tại đây. Nghĩ mình đi không lâu, nên đợi cho đứa con trai 5 tuổi của mình ngủ say, cô mới khoá cửa chạy vội ra điểm hẹn.

Nhưng có ngờ đâu chính cú phone ấy là một lời báo tử, và cuộc hẹn bất ngờ cũng chính là cuộc du hành vĩnh viễn của người phụ nữ xấu số. Như đa số phụ nữ Thỗ Nhĩ Kỳ tại Đức, cuộc sống của cô Hatin Surucu là những chuỗi ngày sợ hãi, lo âu, và đau khổ. Cô chết không phải bị kẻ gian sát hại, mà do chính bàn tay những người máu mủ trong gia đình, vì cái gọi là "danh dự gia đình".

Tội lỗi của người phụ nữ đáng thương này chính là khát khao được sống 1 cuộc sống bình thường, tự do trên mãnh đất mà gia đình cô đã chọn để định cư. Cô đã ly dị với người chồng Thỗ, vốn là người bà con mà cô bị ép gả khi vừa tròn 16 tuổi.

Cô cũng cởi bỏ khăn trùm đầu truyền thống để ghi danh theo học 1 trường kỹ thuật, ngành điện. Rồi từ đó, cô bắt đầu hò hẹn với 1 người đàn ông bản xứ. Đối với gia đình cô, tất cả những gì cô đã làm là 1 điều nhục nhã, phỉ báng dòng họ vì đã hội nhập lối sống tha hoá Tây phương. Vài ngày sau cái chết của cô, 3 người em trai từ 18 đến 24 tuổi của cô đã bị đi tù với tội danh sát nhân.

Câu chuyện đau lòng này có lẽ đã bị chôn vùi sâu vào quên lãng, nếu như trong khoảng thời gian đó không ngẫu nhiên xảy ra 5 vụ thảm sát khác của các nạn nhân đồng cảnh ngộ như cô Hatin. Tất cả những người phụ nữ xấu số này đều bị chồng hay bạn tình giết chết vì tội vi phạm danh dự gia đình Hồi Giáo. 2 người bị đâm chết ngay trước mặt con cái của họ. 1 người khác bị bắn, người kia bị thắt cổ, và người còn lại bị nhấn nước.

Tội "bôi nhọ danh giá gia đình"

Khó có được thống kê chính xác về số nạn nhân nữ chung cảnh ngộ như vầy, vì có rất nhiều trường hợp không được báo cáo đầy đủ. Theo con số do 1 tổ chức bênh vực phụ nữ Hồi Giáo cung cấp được đăng tải trên tờ báo mạng Spiegel của Đức, thì trong vòng chưa đến 10 năm nay, có 40 vụ án mạng vì danh dự gia đình Hồi giáo xảy ra tại Đức.

Mời bạn tham gia mục Trang Phụ Nữ. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Một số trường hợp thương tâm khác như năm ngoái có cô bị 2 người anh ruột đánh chết vì phát hiện cô đã chăn gối cùng bạn trai. Rồi có người cùng đứa con gái mới 7 tuổi bị chồng đâm chết vì ngoại tình.

Lại có trường hợp 1 cô gái 16 tuổi bị cha ruột bóp cổ rồi quăng xác xuống hồ khi phát hiện cô có bạn trai...và còn không biết bao nhiêu phụ nữ Hồi Giáo đáng thương khác đã trả giá bằng mạng sống của mình vì tội bôi nhọ danh giá gia đình.

Có nhiều khi người cha, hay thậm chí là người mẹ ruột của nạn nhân cho người con trai út trong gia đình ra tay hành động vì biết rằng theo luật pháp của Đức, thủ phạm càng nhỏ tuổi thì mức án càng nhẹ hơn. Suy cho cùng, những thủ phạm vị thành niên ấy cũng chính là nạn nhân, vì có khi lòng họ không muốn, nhưng buộc phải ra tay giết chết người chị hay em gái yêu quý của mình.

Trớ trêu thay, những người ra tay mưu sát các nạn nhân đáng thương này lại được cộng đồng Hồi giáo coi như những người hùng, đã có công bảo vệ danh giá cho gia đình, dòng tộc.

Tuy những cái chết thương tâm đã làm dấy lên 1 làn sóng phẫn nộ trong dư luận, nhưng liệu nó có đem lại sự thay đổi nào không đối với thực tế nghiệt ngã và những thiệt thòi mà các phụ nữ Hồi Giáo đang phải ngày ngày gánh chịu? Câu trả lời hãy còn bõ ngõ.

Hầu hết những vụ như thế này lại được che dấu và giữ kín trong các khu nhà tập thể của cư dân đạo Hồi, nơi mà cách tiếp cận với thế giới bên ngoài duy nhất chỉ các kênh truyền hình qua vệ tinh.

Cuộc sống nô lệ

Ngay tại Đức, hàng chục ngàn phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang sống chẳng khác gì những cô người ở, người hầu, một đời sống nô lệ, trong chính gia đình của mình. Cuộc sống của họ bị cô lập sau 4 bức tường và trong sự im lặng. Họ phải phục tùng 4 nguyên tắc, bao gồm: kinh Coran, "chồng chúa vợ tôi", gia đình, bạo hành và danh dự.

Họ sống âm thầm cam chịu, bị đánh đập, bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Chồng họ, những người chủ gia đình, không muốn cho họ hội nhập vào xã hội và nhịp sống Tây Âu. Thậm chí, không ít chị em còn bị cấm bước chân ra khỏi nhà, không được tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Trong các gia đình Hồi Gíao, chung thuỷ và giữ danh giá gia phong là những phẩm chất đạo đức hàng đầu đối với phụ nữ. Còn trong các trường học ở Đức, những nữ sinh Hồi Giáo không quấn khăn trùm đầu thường bị các nam sinh mạ luỵ bằng những lời lẽ thô tục, khinh thị nhất.

Cái giá của sự tự do

Muốn được giải thoát, muốn được sống cuộc sống riêng của mình, những nạn nhân này không còn cách nào khác là bỏ trốn. Cái giá của sự lột xác này bao gồm thay đổi cả tên họ, hộ chiếu, dáng vẻ bề ngoài, lìa xa gia đình, người thân, và những người ruột thịt yêu thương.

Nhiều người tự hỏi vì sao giữa 1 xã hội đậm chất Tây Phương và một lối sống công nghiệp hiện đại như Đức, các hành động giết người vì danh dự không những tồn tại, mà ngày càng leo thang? Nguyên do một phần xuất phát từ ảnh hưởng của cuộc đệ nhị thế chiến.

Với những tai tiếng trong lịch sử về kỳ thị chủng tộc, việc dòm ngó, chê bai hay chỉ trích 1 thiểu số văn hoá hay tôn giáo nào đó, đối với người Đức ngày nay, hầu như là 1 điều cấm kỵ. Hơn bất cứ 1 quốc gia Tây Âu nào khác, dân Hồi giáo tại đây được tự do thờ phượng tín ngữơng của họ.

Điển hình là trong khi tại các trường học ngay trên chính đất nước Thỗ Nhĩ Kỳ Hồi Giáo, hay tại Pháp, đã có lệnh bãi bỏ việc phụ nữ đạo Hồi đội khăn trùm đầu, thì ở Đức, vẫn chưa có luật nào can thiệp vào phong tục ăn mặc của học sinh Hồi Giáo.

Theo kết quả cuộc nghiên cứu do Bộ Gia đình và trẻ em Liên bang Đức thực hiện, 38% phụ nữ Thỗ sinh sống tại đây bị chồng đánh đập đe doạ, phần lớn trong số này bị chồng gây thương tích.

Trong khi đó thì ¼ số phụ nữ tham gia cuộc khảo sát cho biết họ chỉ biết mặt người chồng của mình lần đầu tiên vào đúng ngày cưới. Nhiều phụ nữ phải chịu cảnh hôn nhân miễn cữơng. Trong số những phụ nữ cầu viện sự giúp đỡ, bảo vệ của các mái ấm xã hội, phụ nữ Hồi Giáo chiếm tỷ lệ 30% .

Những giải pháp...

Phụ nữ đang chuyển mình. Họ biết họ muốn gì. Chúng ta không cần phải chỉ ra. Họ tự nhận biết. Cái mà họ cần là 1 mối liên kết họ lại với nhau trên 1 đất nước xa lạ, và mối liên lạc thông tin với thế giới bên ngoài, và cả các nguồn tài chánh hỗ trợ, vì chi phí tổ chức 1 cuộc hội thảo để bàn luận các vấn đề liên quan, đối với họ, vẫn còn quá đắt.

Làm thế nào để giúp cho phụ nữ Hồi Giáo tại Đức thoát khỏi gánh nặng kỳ thị và phân biệt đối xử cay nghiệt ?

Nhiều chuyên gia xứ này đã đề nghị giải pháp "giáo dục", giúp những người di dân Hồi Giáo từng bước hiểu được và thấm nhập lối sống của người bản địa, để họ dễ hoà nhập vào cuộc sống mới, mà thay đổi những cái nhìn khắt khe đối với nữ giới.

Tuy nhiên, trong lúc biện pháp này còn chưa rõ có thể thực thi được hay không, thì một câu hỏi khác đã được nêu lên: "Vậy còn đối với các phụ nữ Hồi giáo ở những nơi khác thì sao?" Làm thế nào, và cho đến bao giờ họ mới thực sự được hưởng 2 chữ bình quyền?"

Bà Emma Bonino, thành viên của Quốc hội Châu Âu và cũng là một nhà hoạt động cổ võ cho nữ quyền, đề nghị: "Phụ nữ đang chuyển mình. Họ biết họ muốn gì. Chúng ta không cần phải chỉ ra. Họ tự nhận biết. Cái mà họ cần là 1 mối liên kết họ lại với nhau trên 1 đất nước xa lạ, và mối liên lạc thông tin với thế giới bên ngoài, và cả các nguồn tài chánh hỗ trợ, vì chi phí tổ chức 1 cuộc hội thảo để bàn luận các vấn đề liên quan, đối với họ, vẫn còn quá đắt.

Tuy nhiên, đặc biệt quan trọng là họ được sát cánh với nhau, nối vòng tay với nhau, bởi họ đang đối diện với 1 sự thay đổi về văn hoá. Và họ đang đấu tranh cho quyền cá nhân, vì con người là những cá thể độc lập. Tôi nghĩ, trước mắt, họ có rất nhiều khó khăn thử thách, và dĩ nhiên, thành công của họ phần nào cũng phụ thuộc vào sự ủng hộ của tất cả chúng ta."

Trang Phụ nữ xin dừng lại tại đây. Mong được đón tiếp quý vị trong một chuyên đề mới vào tuần sau. Trà Mi kính chào.