Thủ-Tướng Phan Văn Khải Thăm Thụy-Điển

Lời Giới Thiệu: Hôm thứ Hai vừa qua, Thủ-tướng Phan Văn Khải đã đến Thụy-điển, chặng đầu của một chuyến công-du thăm viếng bốn nước Bắc-Âu. Được tháp-tùng bởi một phái-đoàn khá hùng hậu gồm 15 người và cả một số bộ-trưởng, ông Khải lần này mong mang về cho Việt-nam một số đầu tư từ các doanh-nghiệp Bắc-Âu cũng như vận-động được thêm viện-trợ từ mấy nước vốn đã có cảm-tình sẵn với Việt-nam, ngay từ trong thời chiến-tranh trước 75. Mặc dầu vậy, công việc làm của ông Khải lần này xem ra không đơn-giản, vì nhiều lý-do, khách-quan cũng cósong chủ-yếu là vì những cách nhìn chủ-quan từ phía Hà-nội, xem ra không còn hợp thời hay hấp dẫn nữa. Sau đây là bản tường-trình của Tâm Việt từ Stockholm, thủ-đô Thụy-điển.Khi chọn Thụy-điển làm chặng đầu của chuyến công-du bốn nước Bắc-Âu là ông Phan Văn Khải muốn cho chuyến viếng thăm đỡ bị rắc rối, ít ra cũng vào bước đầu. Hiển-nhiên, là nước đông dân nhất trong bốn nước với hơn 9 triệu dân, Thụy-điển cũng xứng đáng là nơi đặt chân đầu tiên của phái-đoàn Việt-nam. Tuy-nhiên, việc lựa chọn này còn có những lý-do khác nữa. Trong thời-gian chiến-tranh chống Mỹ, ngoài những nước Cộng-sản anh em, Hà-nội còn có một số nước Tây-phương ủng-hộ mà Thụy-điển được xem là như đứng hàng đầu. Chẳng thế mà trong nhiều năm, Thụy-điển đã là nơi tá túc của hàng ngàn thanh-niên Mỹ trốn lính. Hoặc, Thụy-điển cũng là nơi cho phép tòa án phản chiến Bertrand Russell nhóm họp ở đây để lên án chính-sách chiến-tranh của Mỹ ở Việt-nam. Thực ra, Hà-nội được sự yểm-trợ tinh-thần đó là vì trong những năm 70, Thụy-điển nằm trong tay một chính-quyền thuộc đảng Dân-chủ Xã-hội thiên tả hạng nặng của Thủ-tướng Olov Palme. Sau chiến-tranh, ông Palme chống lại chính-sách cấm vận của Mỹ đối với Việt-nam và tiếp-tục ủng-hộ Hà-nội qua những dự-án viện-trợ ở qui-mô lớn như nhà máy giấy Bãi-bằng hay nhà máy điện Việt-trì. Song dự-án Bãi-bằng về sau đã làm cho Thụy-điển thiệt hại hơn 300 triệu đô-la và trở thành một biểu-tượng của lòng tốt ngây ngô, để cuối cùng đã góp phần vào sự sụp đổ của chính-quyền Olov Palme. Từ đó, đến ngay Thụy-điển, một nước giàu có vào hạng nhất thế-giới, cũng đã phải từ bỏ chế-độ "hình mẫu kinh tế" nặng về xã-hội, và đến ngay đảng Dân-chủ Xã-hội cũng phải công-nhận là quan-niệm mà họ chủ-trương trong nhiều năm, quan-niệm folkhemmet, tức quan-niệm về một xã-hội trong đó chính-phủ lo cho người dân từ lúc nằm nôi cho đến lúc nằm sâu dưới đất, là một quan-niệm không-tưởng. Thành thử ông Phan Văn Khải sang Thụy-điển lần này không còn nhất thiết gặp những con người đồng chí-hướng xã-hội-chủ-nghĩa nữa mà chỉ còn gặp những nhà kinh-doanh làm ăn trên căn-bản phải có lợi-nhuận rõ ràng. Ông cũng tinh đủ để hiểu là gặp những con người như thế, ông phải nói ngôn ngữ kinh tế chứ không thể chơi kiểu kêu gọi đến tình-cảm anh em nữa. Ông nói sau khi đi thăm nhà máy làm cam-nhông Volvo và nhà máy SKF làm các dụng-cụ bằng thép ở hải-cảng Goterborg phía đông-nam Thụy-điển: "Việt-nam không nằm trong 'con ngươi của bão tố'" ngụ ý là Việt-nam còn có thể làm ăn được do không bị ảnh-hưởng mạnh bởi cuộc khủng-hoảng kinh tế bắt đầu từ cách đây hơn hai năm, đẩy những nước mạnh như Đại-hàn, Nhật-bản và Thái-lan vào suy thoái. Tuy-nhiên, khi phải nói đến những điều thiết thực thì ông Khải lại chỉ đưa ra được những lời hứa không mấy thuyết phục. Ông nói: "Để giúp cho đầu tư nước ngoài, chúng tôi sẽ giảm thuế quan cũng như giảm giá điện và dịch-vụ." Vẫn biết, bớt được tiền dịch-vụ như điện-thoại và Fax hay giá điện thì cũng tốt song có lẽ ông Khải vẫn chưa hiểu, hay chưa chịu hiểu là muốn dụ người ta đầu tư thì chính-quyền ông phải đưa ra được một gói điều-kiện khả dĩ trông được, trong đó có nhiều điều thuận lợi, một không-khí thuận tiện cho việc làm ăn như không còn bộ máy cồng kềnh, thư-lại, như không còn luật lệ mâu thuẫn nhau hay tham nhũng từ trên xuống dưới, như không còn những nghịch-lý như "kinh tế thị-trường theo định-hướng xã-hội-chủ-nghĩa"nữa. Thành thử dù như hôm thứ Ba, ông Khải có đến thăm Thủ-tướng Thụy-điển Goeran Persson ở thủ-đô Stockholm thì cuộc viếng thăm cũng chỉ có tính-cách xã-giao hơn là đã đem lại những kết-quả cụ-thể. Được biết, có khoảng 30 công-ty Thụy-điển có mặt ở Việt-nam với một ngạch-số nhập cảng là 511 triệu kronor, tương-đương với 62 triệu đô-la Mỹ, vào năm 1997. Phía Việt-nam thì xuất cảng được sang Thụy-điển 450 triệu kronor, nghĩa là nhảy vọt 80% so với năm 96. Những công-ty Thụy-điển chính làm ăn ở Việt-nam là các hãng viễn-thông Ericsson và Comvik cũng như hãng làm đồ điện gia-dụng Electrolux. Tính từ năm 1975, các nước Bắc-Âu đã cung-cấp cho Việt-nam tổng-cộng là 2 tỷ 3 đô-la tiền viện-trợ và khoảng 100 triệu đô-la tiền cho vay nhẹ lãi. Mặc dầu vậy, tính đến năm ngoái, 1998, các nước Bắc-Âu cũng chỉ đầu tư vào Việt-nam một khoản tiền khiêm nhượng là 500 triệu đô-la trong khi cả năm số hàng hóa trao đổi cũng chưa tới 30 triệu đô-la. Vào tháng Giêng năm nay, Thuy-điển thông-báo là sẽ giúp Việt-nam một khoản tiền là 6 triệu 4 đô-la để thúc đẩy sự phát triển của một vài vùng còn kém mở mang cũng như để giúp cải tổ kinh tế, cải tổ nhân-quyền và thúc đẩy tiến-trình dân-chủ ở xứ này. Được biết, ngày mai Thủ-tướng Phan Văn Khải sẽ thăm viếng Phần-lan, sau đó ông sẽ đi Na-uy và Đan-mạch trước khi về nước. Tâm Việt tường-trình từ Stockholm, Thụy-điển.