Human Rights Watch kêu gọi lãnh đạo APEC lưu tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam


2006.11.16

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

Các vị lãnh đạo khắp năm châu hãy khuyến cáo Việt Nam tôn trọng nhân quyền, cải tổ chính trị và xây dựng dân chủ khi đến Hà Nội tham dự hội nghị thượng đỉnh, tổ chức tại đây vào tuần tới. Đó là nội dung bản thông báo do tổ chức nhân quyền Human Rights Watch phổ biến từ New York.

ApecPolice200.jpg
Người công an canh gác trên đường phố Hà Nội hôm 16-11-2006. AFP PHOTO

Mời quý vị nghe thêm chi tiết về nội dung thông cáo báo chí vừa nói, qua phần tóm lược của Đỗ Hiếu sau đây.

Tình hình nhân quyền

Human Rights Watch nhấn mạnh trước công luận rằng, tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam vẫn là điều rất đáng ngại và cho biết thêm là hiện giờ hàng trăm tù nhân chính trị đang còn bị giam cầm trong hoàn cảnh khắc nghiệt và tồi tệ.

Bà Sophie Richardson, phó giám đốc Human Rights Watch đặc trách Á Châu đã nói lên sự việc đó trong cuộc trao đổi với đài chúng tôi.

Human Rights Watch nhắc tới trường hợp của nhà báo Nguyễn Vũ Bình, 38 tuổi, bị Hà Nội kết án tù 7 năm về tội gián điệp, vì anh đã phổ biến tài liệu tài liệu vận động dân chủ, nhân quyền trên Internet.

Kế đó là chuyện anh Trương Quốc Huy, 25 tuổi bị cầm tù 8 tháng, hồi năm 2005 và bị bắt lại lần thứ hai tại một quán cà phê Internet ở Saigon hôm 18 tháng 8, 2006. Anh Huy bị ngồi tù vì đã tham gia các cuộc thảo luận và ủng hộ phong trào đòi hỏi dân chủ trên diễn đàn Palk Talk.

NewspaperLife200.jpg

Human Rights Watch cũng lưu ý các vị nguyên thủ quốc gia tham dự thượng đỉnh APEC lần thứ 14 rằng, giới công nhân Việt Nam không được phép thành lập các công đoàn độc lập, tức là những tổ chức công nông, không đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của chánh quyền.

Thông báo của Human Rights Watch đưa ra dẫn chứng nói về phong trào đấu tranh đồng loạt của các công nhân Việt Nam từ đầu năm đến giờ, với sự tham gia của hàng trăm ngàn lao động, yêu cầu Hà Nội cho thành lập công đoàn độc lập, để cùng nói lên nguyện vọng trung thực của họ, trong việc đòi tăng lương, cải thiện điều kiện sinh sống và làm việc.

Tự do ngôn luận

Mặt khác, Human Rights Watch cũng nói tới sự cấm đoán của Hà Hội đối với các ấn loát phẩm mang tính đối kháng, một cách ôn hòa mà chế độ này xem là bất lợi.

Theo tổ chức nhân quyền quốc tế này, thì đã có hơn 2000 sáng tác phẩm và sinh hoạt về văn hoá, nghệ thuật và thông tin bị ngăn cấm, vì bị nhà nước cáo buộc là vi phạm an ninh quốc gia, tiết lộ bí mật của đảng và nhà nước và loan truyền những tin tức thất thiệt.

Mặt khác, Human Rights Watch cũng lưu ý công luận về việc Hà Nội triệt để cấm đoán những cuộc biểu tình tổ chức trước các trụ sở của đảng, chánh phủ và quốc hội và sẽ giải tán tức khắc bất kỳ cuộc tập họp lớn nhỏ nào, vì đây là một hành động bất hợp pháp.

Ngoài ra, các chủ nhân cà phê Internet tại Việt Nam phải theo dõi kỹ và ghi rõ lý lịch những khách đến đó truy cập trên mạng, để báo cáo những ai vào xem các website bị chánh quyền cấm kỵ.

Tôn giáo

Thông báo của Human Rights Watch nói thêm là mặc dù bị nhà nước ngăn cấm, xử phạt và cầm tù, nhưng các phong trào đấu tranh cho dân chủ vẫn phát triển mạnh mẽ và liên tục trong những tháng qua. Hơn 2000 người Việt trong cả nước đã ký vào các bản thỉnh nguyện thư yêu cầu Hà Nội tôn trọng dân chủ, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng, tự do chính trị, tôn giáo và tự do ngôn luận.

CaoDaiReligious200.jpg
Sinh hoạt tại một Thánh Thất Cao Đài ở Tây Ninh. AFP PHOTO

Vẫn theo Human Rights Watch thì, mặc dù bộ ngoại giao Hoa Kỳ vừa rút tên Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo, nhưng các vị lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo độc lập còn bị cầm tù, bị quản chế hay bị sách nhiễu.

Dưới cái nhìn của Hà Nội thì tôn giáo bị xem là lực lượng thù nghịch, lạm dụng tín ngưỡng để hoạt động chính trị.

Qua những dẫn chứng và thí dụ cụ thể, Human Rights Watch yêu cầu lãnh đạo các nền kinh tế APEC cần phải gắn chặt vấn đề kinh tế, thương mại với nhân quyền, vì phát triển kinh tế không có nghĩa là dân chủ, nhân quyền được tôn trọng tại Việt Nam.

Mặt khác, Human Rights Watch cũng khuyến cáo các vị nguyên thủ quốc gia APEC yêu cầu Việt Nam phải thực thi những cam kết đối với công ước về quyền dân sự và quyền chính trị do liên hiệp quốc ban hành, mà Hà Nội đã ký và phê chuẩn, vào năm 1982.

Công luận quốc tế quan ngại là sau khi APEC kết thúc thì Việt Nam sẽ đổi mới thực sự hay vẫn cứ lần theo vết xe cũ, tức là có tăng trưởng kinh tế nhưng thiếu dân chủ và nhân quyền .

Thông tin trên mạng:

- Vietnam: APEC Summit Should Highlight Rights Abuses

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.