Nhà văn Minh Ngọc và những điều chưa kể
2007.09.23
Minh Thùy, phóng viên đài RFA
Nhà văn Nguyễn thị Minh Ngọc cũng là đạo diễn, diễn viên, nhà viết kịch. Hiện đang sống tại Mỹ, chị vẫn tiếp tục sáng tác và cộng tác với Unesco trong chương trình phòng chống bệnh HIV/AIDS. Trong chương trình văn học nghệ thuật tuần trước, Minh Thùy đã nói chuyện cùng Minh Ngọc về cuộc đời sáng tác của chị. Hôm nay, Minh Ngọc tiếp tục cuộc tâm tình của chị đối với nghệ thuật và khán giả, độc giả.
Những câu chuyện cảm động
Minh Thùy: Gần đây qua vài phát biểu của Minh Ngọc là có đi đến những trung tâm cai nghiện, sau khi trình diễn xong thì Ngọc nói là sẽ nói những điều chưa kể với khán giả. Hôm nay Minh Ngọc có thể nói với thính giả của Đài RFA về những điều Ngọc muốn kể không?
Minh Ngọc: Có thể tháng 11 này Ngọc sẽ về làm tiếp 4 xuất diễn trong các trại cai nghiện nữa. Công việc này mình là tác giả kiêm đạo diễn, trong phần kịch bản của mình có phần nhạy cảm là mời khán giả có ý kiến, thành ra họ yêu cầu được coi kịch bản...
Minh Thùy: Tức là họ muốn kiểm duyệt kịch bản phải không?
Minh Ngọc: Không, duyệt trên sàn tập chứ không duyệt kịch bản, có những nhà hát được quyền không đưa kịch bản trước, trước giờ diễn họ tới kiểm tra buổi đó. Vì ở đây họ thấy có chuyện giao lưu với khán giả mà khán giả ở đây bị nhạy cảm vì họ ở trong các trại tập trung thành ra họ ngại cũng đúng vì không biết khán giả nói cái gì, không kiểm tra được.
Thật ra đó là khuynh hướng biểu diễn mà mình muốn hướng tới nghĩa là không phải “biểu diễn một mớ rồi bắt khán giả nuốt vô” mà là chia sẻ với khán giả, muốn khán giả cùng đối thoại với anh, cùng trao đổi với anh. Vì phương pháp đó mình mới đổ sức ra làm mà bây giờ bị chặn lại. Tất cả những điều mình nghe như vậy giống như một cuộn băng cũ bị lập lại vì đã bao nhiêu năm qua rồi mà nó vẫn lập lại như vậy.
Một chuyện nữa là mình ký hợp đồng với Unesco là cố gắng giới thiệu chương trình này vô một Đài truyền hình nào đó thì một anh bạn khá sốt sắng là anh Võ đắc Danh có giới thiệu mình với một Đài truyền hình miền tây để thâu chương trình này.
Đề tài mình làm rất đơn giản, nói lên những chuyện rất cảm động như là ai cũng có thể vướng vào bệnh này, thậm chí có khi giúp người rồi mắc bệnh như ở VN có chuyện vừa xảy ra làm nhiều người cảm động là 2 vợ chồng anh công an cùng chết vì bị kim đâm, để lại đứa con mới mười mấy tuổi, mình đưa hình ảnh đó. Nhưng người ta vẫn không quen kiểu làm giao lưu với khán giả, bởi vì trong đó có đoạn mình hỏi khán giả “trước khi bạn vô đây thì bạn làm gì, ở đâu” thì người kia sẽ nói ra chuyện gì.
Câu cuối cùng nhiều khi làm mình nghẹn không nói được vì nước mắt đầy, là vì mình quan niệm khi diễn kịch dù ở đâu thì không phải chỉ là biểu diễn mà là một trong những hình thức khác nhau của sự trao đổi. Mình viết văn cũng là để trao đổi với tri âm nào đó. Khi mình muốn móc ra những chuyện gì mà người ta chưa kể được, những bí mật của người ta thì bản thân mình cũng phải trao lại bí ẩn của mình với người ta.
Yêu cầu của Ngọc đối với Unesco là chương trình này phải phổ biến cho nhiều người và báo chí biết, nhưng những xuất diễn đó trong lúc mưa gió rất lớn nên nhiều ký giả trẻ hăng hái nói cùng đi nhưng vì đi xa xôi, mưa gió có thể ngủ giữa rừng nên về sau không có ai đi, nhưng cũng vui bởi vì trong những xuất diễn đó bao giờ câu cuối mình cũng nói lý do tại sao mình làm chương trình này vì mình cũng có những bí mật thì khi mình kể ra thì may quá không có báo chí để ghi nhận những bí mật đó, không có báo chí để làm chứng nhân cho Unesco là mình đã làm hết sức với cái project đó.
Thiệt sự những bí mật đó nếu bây giờ Ngọc công bố thì không có ý nghĩa gì. Nó chỉ có ý nghĩa khi mà Ngọc với khán giả tại đó sống với nhau trong 60 phút, chiếu những đoạn phim mình đã làm cho họ coi, những công dã tràng của những ngưòi giúp ngưòi cai nghiện vì có những người ra vô như vậy đến 11 lần, mình diễn với họ, chất vấn họ để đến câu cuối cùng mình nói trong nước mắt để họ hiểu tại sao mình sống chết gì cũng làm chương trình này, dù mình bị bầm dập thậm chí nhục nhã, thiệt thòi về vật chất lẫn tinh thần bởi vì mình có cái bí ẩn: đó là mình ngang bằng họ, mình đồng cảm với họ, mình là họ, cái bí ẩn chỉ ở trong 3 chữ thôi là mình chính là họ. Cái bí ẩn đó Ngọc nói ra được thì thấy rất khoẻ, thấy đúng là không bỏ công sức, Ngọc thấy mình diễn đúng người đúng chỗ, và mình đã chọn hướng đi đúng.
Sóng gió trong nghệ thuật
Minh Thùy: Minh Thùy từng biết về Minh Ngọc khi còn ở trong nước, là người làm việc rất say mê. Nhưng trong cuộc đời làm nghệ thuật hình như Minh Ngọc thường gặp sóng gió, thì có bao giờ vì sự bạc đãi đối với nghệ sĩ khiến Ngọc phải thất vọng muốn từ giã nghệ thuật luôn không? Những lúc đó Ngọc dựa vào đâu để tiếp tục theo đuổi nghệ thuật?
Minh Ngọc: Ngọc thích 2 chữ gay cấn của Bùi Giáng, phải nói là cái gay cấn xảy ra nhiều đến độ mình phải tìm cách... dân gian thường nói đùa là “chuyển bại thành xụi!?” nghĩa là lấy những điều làm mình đau đớn chuyển biến nó thành ngọt ngào. Từ nhỏ tới bây giờ có 2 vị mà Ngọc rất mê là cay với đắng, tức là ớt và khổ qua, đó là lý do mà truyện đầu tiên mình lấy tên là Trái Khổ qua....
Minh Thùy: Chắc vì viết truyện đầu tiên là “Trái Khổ Qua” nên nó vận vào đời mình chăng?
Minh Ngọc: Đó là truyện viết cho người lớn, chứ truyện viết cho trẻ con nhiều khi cũng ngọt lắm. Như Minh Thùy hỏi làm sao để vượt qua, thì khi mình đã sống chung với lũ rồi, thấy chuyện đó quá quen thuộc, thì nhiều khi không có gì xảy ra lại thấy nhớ nhớ, sao kỳ này lại êm vậy, không bị trục trặc gì!?
Nói như vậy không phải là kiểu thách thức nhưng giống như người bị xô ngã bầm dập, nếu mình cứ săm soi vết thương hoài thì làm sao làm việc, vì vậy mình phải có cách tự cứu lấy mình.
Trong tất cả vết thương hay tai nạn nghề nghiệp mình gặp thì vết thương gây ra bởi những người càng thân mến mình nhất, mới làm mình đau đớn nhất. Những người nhiều khi mình đặt tất cả niềm tin, nghĩ rằng mình làm việc trong sáng thì được đối xử công bằng, đến khi sự việc lật ngược đến 180 độ thì mình mới ngạc nhiên sao sự việc lại xảy ra như thế.
Ngọc có anh bạn cũng thú vị là nhà nghiên cứu Cao tự Thanh, bố anh có lúc là phó thủ tướng cho ông Võ văn Kiệt nhưng anh không chịu vô Đảng, đang là giám đốc bảo tàng ở Long An thì anh xin ra. Ngọc có phỏng vấn: Sao ông là nhà nghiên cứu mà ngoài biên chế? Ông nói, làm nghiên cứu mà trong biên chế thì giống như “gà công nghiệp, ăn những thức ăn giống nhau thì sẽ phát biểu giống nhau”.
Ông cũng có những suy nghĩ tuy là ngược nhưng nó lại là xuôi, chẳng hạn như ông nói “Nhà nước mà không sử dụng trí thức thì người thiệt hại chính là nhà nước chứ không phải người trí thức đó.”
Đời này không xài thì đời sau xài, đời này không dùng người thì đời khác dùng lời, không làm được kiểu này thì mình làm kiểu khác. Thí dụ một vở kịch không được ra thì mình có thể viết thành cuốn truyện, có thể khi mình còn sống nó không xuất bản được thì vẫn có thể khi mình chết rồi lại được xuất bản.
Còn chuyện xa rời nghệ thuật thì Ngọc nghĩ nếu nó đã là nguồn vui, một người bạn, người ân của mình đã cứu mình qua nhiều chuyện thì tại sao mình lại nghĩ đến chuyện xa rời nó.
Minh Thùy: Được biết ngoài sáng tác Minh Ngọc còn dốc sức rất nhiều cho việc đào tạo một số diễn viên trẻ thành công với nghề, như.... Hữu Quốc, Tấn Giao được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của nhà nước, nhưng bản thân Minh Ngọc thì lại không đạt danh hiệu này, không được nhà nước đánh giá đúng mức, có khi còn bị cho là không “chính chuyên về chính trị” thì lý do tại sao, như vậy Ngọc có thấy buồn không, có cảm thấy mình bị đối xử bất công không?
Minh Ngọc: Ngọc nghĩ tại sao mình lại buồn khi người ta đánh giá như vậy là đúng, và khi người ta nói mình không chính chuyên về chính trị thì cũng rất chính xác, chứ đâu có oan! Câu đó là của một cá nhân lãnh đạo trong giới sân khấu thôi chứ Ngọc không đánh đồng cá nhân đó với cả chủ trương chính sách.
Còn chuyện được mất trong đời này thì nhiều khi như tái ông mất mã, có cái mình tưởng là mất nhiều khi nó lại là được. Như Ngọc có cô bạn cũng là nhà nghiên cứu nổi tiếng ở miền bắc thì cô này nói, “mày không là nghệ sĩ ưu tú thì mày mới là bạn tao”.
Nghệ sĩ ưu tú thì đơn giản mọi người cũng hiểu là phải vừa hồng vừa chuyên, thì dĩ nhiên với một người bị nhận định là không chính chuyên về chính trị thì người ta không cho mình danh hiệu đó thì cũng chính xác, chứ đâu có gì oan ức. Còn những bạn là học trò do mình đào tạo được phong nghệ sĩ ưu tú thì Ngọc có thể kể ra đây rất nhiều người tài giỏi đến giờ cũng không được là nghệ sĩ ưu tú.
Điều mình hãnh diện không phải là 4 chữ nghệ sĩ ưu tú gắn với tên mấy người đó, mà điều mình hãnh diện là tài năng của các bạn đó được mọi người công nhận, thí dụ như Hữu Châu là cháu của Thanh Nga, vừa rồi đóng xuất sắc với vai Nguyễn Trãi trong Bí mật Lệ Chi, thì bao nhiêu người đều công nhận là khó kiếm được ngưòi nào khác đóng vai Nguyễn Trãi mà thả hết hồn và đời mình vào vai đó như Hữu Châu, đối với Ngọc điều đó lớn biết bao lần hơn là hãnh diện có những học trò được danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, những lời khen Hữu Châu làm Ngọc rất hãnh diện.
Minh Thùy: Cám ơn Minh Ngọc đã trả lời phỏng vấn.
Các tin, bài liên quan
- Nói chuyện với họa sĩ Trịnh Cung về đề tài hội họa Việt Nam hiện nay
- Nhà thơ Hoàng Hưng, tù tội chỉ bởi một tập thơ (phần 2)
- Nữ diễn viên điện ảnh Elyse Đinh và tình yêu nghề nghiệp
- Nhà thơ Hoàng Hưng, tù tội chỉ bởi một tập thơ
- Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được tặng Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp
- Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn về những tác phẩm văn học của ông
- Đinh Linh, cuộc đời và thơ hiện đại (phần 2)
- Nét đẹp của Tranh Đông Hồ, di sản văn hoá Việt Nam
- Phỏng vấn nhà thơ, nhà văn Đinh Linh (phần 1)