Dịch cúm gia cầm tại Việt Nam khiến thế giới lo lắng


2005.03.13
Share on WhatsApp
Share on WhatsApp

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Diễn tiến dịch bệnh cúm gia cầm tại Việt Nam trở nên phức tạp, khiến nhiều nước như Anh, Mỹ, Nam Phi, Hồng Kông, các nước Bắc Âu....lo chuẩn bị trữ thuốc chủng ngừa cúm.

Nông dân của một nông trại ở tỉnh Long An đang thiêu huỷ gà hôm 21-1-2005. Photo AFP

Hôm thứ Năm tuần trước, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Việt Nam, ông Hans Troedsson lạc quan tuyên bố rằng tình hình dịch bệnh cúm gia cầm đang có chiều hướng chấm dứt sớm, nếu căn cứ theo kinh nghiệm năm ngoái.

Khả năng biến thể của virus H5N1

Thế nhưng sau đó, Nhật Bản cho biết trong những mẫu bệnh phẩm xét nghiệm âm tính với virus H5N1 được Việt Nam gởi sang nhờ xét nghiệm lại, họ đã tìm thấy 7 trường hợp dương tính.

Hồi đầu tuần, lại có tin là hai bệnh nhân có nhiễm virus H5N1 nhưng lại không phát bệnh như thông thường. Tất cả những diễn tiến đó, cộng thêm một số tin tức trái ngược nhau khiến nhiều người lo sợ một trận đại dịch có thể xảy ra, giết chết hàng chục triệu người như đã xảy ra trong quá khứ và như những lời cảnh báo của chuyên gia y tế thuộc WHO đưa ra từ mấy năm nay.

Bác sĩ Shigeru Omi, giám đốc vùng Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới, mới hồi tháng Hai đã lập lại lời cảnh cáo đó, rằng virus càng luân chuyển trong loài vật lâu chừng nào, thì chúng càng có thêm khả năng biến thể để gây thành trận dịch lớn nơi con người.

Từ viễn ảnh kinh hoàng của một trận đại dịch, như đã từng xảy ra hồi năm 1918 giết từ 60 đến 100 triệu người, một số quốc gia đã bắt đầu chuẩn bị đối phó.

Vaccine ngừa cúm

Hôm thứ Tư tuần này, Na Uy cho biết sẽ dự trữ thuốc chống virus cho khoảng 1/3 dân số của họ. Thụy Điển cũng bắt đầu công tác tương tự, nhưng chỉ cho khoảng 10% dân số. Đan Mạch và Phần Lan cho biết cũng đã sẵn sàng để gia tăng trữ lượng thuốc chống virus cần dùng.

Mới nhất là nhà cầm quyền Hồng Kông, họ loan báo là khởi sự mua và dự trữ thuốc Tamiflu. Hãng Roche bào chế thuốc này cho biết còn có khoảng một chục quốc gia khác đang đòi đặt mua để dự trữ.

Hồi đầu tháng, Anh quốc cho biết đang khởi sự trữ gần 15 triệu liều thuốc vaccine ngừa cúm, dù trị giá khoảng 384 triệu đôla, nhưng chỉ đủ cho 1/10 dân số họ. Mà loại thuốc Tamiflu đó chưa ngăn ngừa được cúm gia cầm.

Vậy loại thuốc chủng ngừa nào mới đối phó được với virus H5N1? Giáo sư Hoàng Thủy Nguyên, khoa học gia hàng đầu của Việt Nam trên phương diện dịch tễ, cho biết toán nghiên cứu của ông đã đạt được kết quả tốt khi thử loại vaccine mới trên gà, chuột và khỉ.

Ông nói: “Chúng tôi chưa làm xong. Bây giờ mới trong giai đoạn thử nghiệm. Trên khỉ thì đã thử và có kết quả tốt, có đáp ứng miễn dịch.”

Hoa Kỳ tham gia

Trong khi đó thì Tổ chức Y tế Thế giới WHO và cả Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC đều cho biết là đã tìm ra loại thuốc chủng ngừa hiệu quả loại virus H5N1.

Ông Dick Thompson, phát ngôn nhân vụ Bệnh Truyền nhiễm của WHO cho ban Việt ngữ biết là chỉ còn chờ thử nghiệm lâm sàng.

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC thì đề nghị Thái Lan cho thử nghiệm trên người, và việc này còn gây tranh luận tại Bangkok.

Riêng tại Hoa Kỳ, công luận cũng bắt đầu chú ý tới mối đe dọa của dịch bệnh cúm gia cầm. Hôm thứ Hai, thượng nghị sĩ Charles Schumer cho biết dù dịch bệnh đã hoành hành tại Đông Nam Á, nhưng chưa một nhà bào chế nào muốn đầu tư nghiên cứu thuốc chủng ngừa vì họ lo rằng sẽ không có ai mua thuốc và đài thọ chi phí nghiên cứu.

Giải pháp mà thượng nghị sĩ Charles Schumer đưa ra là chính phủ liên bang Hoa Kỳ nên bảo đảm với các nhà bào chế vaccine là chính phủ sẽ mua thuốc, dù là sau này có dùng hay không. Như vậy thì kỹ nghệ dược phẩm mới mạnh dạn đầu tư vào công tác nghiên cứu và sản xuất thuốc chủng ngừa virus H5N1.

Nói chung thì việc tìm ra thuốc chủng có vẻ đã đạt được, nhờ giáo sư Hoàng Thủy Nguyên và nhiều nhà nghiên cứu khác trên thế giới. Vấn đề là làm sao đẩy nhanh tiến trình thử nghiệm lâm sàng để có thể sản xuất đại trà cho hàng triệu người sử dụng khi cần đến.

Theo ông Philip Tod, phát ngôn nhân của Ủy ban Y tế Liên minh Châu Âu, thì thời gian cần có từ giai đoạn nghiên cứu cho đến lúc hoàn tất là từ 6 đến 9 tháng. Tình thế bây giờ cần phải rút ngắn thời gian đó lại, chỉ còn từ 1 đến 2 tháng mà thôi.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.