Vấn đề kiểm duyệt tác phẩm văn học tại Việt Nam


2006.10.01

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Kết thúc chương trình là tạp chí Văn Học Nghệ Thuật, kỳ này là cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và nhà văn Tam Nguyên ở trong nước về vấn đề kiểm duyệt tác phẩm văn học. Mời quý thính giả theo dõi.

ViThuyLinh150.jpg
Nhà thơ Vi Thuỳ Linh. Photo courtesy VnExpress.

Nguyễn An: Nghe nói ở Việt Nam những tác phẩm văn học bị kiểm duyệt gắt gao. Có thật như vậy không, thưa ông?

Nhà văn Tam Nguyên: Vâng, ở Việt Nam có luật xuất bản, trong đó không hề có một câu một ý quy định sự kiểm duyệt trên những tác phẩm văn học. Tuy nhiên lại thấy không ít tác phẩm bị từ chối in, với những lời giải thích mà không một tác giả nào nghe lọt.

Xin đưa ra một số trường hợp: Tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp, một số tập thơ của Vi Thuỳ Linh và Phan Huyền Thư đã bị từ chối thẳng thừng. Và họ phải tìm độc giả ở hải ngoại. Năm ngoái, nguyên phó thủ tướng Đoàn Duy Thành bị từ chối hồi ký có tựa đề "Làm người thật khó", nhưng ngay sau đó, sách của ông được photo và phát hành tràn lan ở Hà Nội.

Nếu được in chính thức, sách của ông hẳn không đông đảo như thế. Những tác phẩm khác bị biên tập của nhà xuất bản tự ý sửa đổi đến nỗi mất hẳn ý tưởng tâm đắc của tác giả. Đối với những tác giả đã có chỗ đứng trong làng văn thì nhà xuất bản tỏ ra "dân chủ, cởi mở" bằng cách gặp gỡ đề xuất với tác giả những vấn đề "Cần sửa chữa".

Nếu tác giả chịu thoả hiệp thì tác phẩm của mình được duyệt in. Tác giả nào bản lĩnh thì không dễ nghe theo, còn phản bác lại bằng những luận cứ hết sức thuyết phục để bảo vệ những điều tâm huyết mình gửi gắm vào tác phẩm.

Ở Việt Nam có luật xuất bản, trong đó không hề có một câu một ý quy định sự kiểm duyệt trên những tác phẩm văn học. Tuy nhiên lại thấy không ít tác phẩm bị từ chối in, với những lời giải thích mà không một tác giả nào nghe lọt.

Nguyễn An: Xin ông nêu ra một trường hợp cụ thể?

Nhà văn Tam Nguyên: Vâng, tôi xin đưa ra một trường hợp để dẫn chứng. Nhà văn Hoài Minh gửi nhà xuất bản thanh niên một tiểu thuyết viết về một dòng họ thuộc vùng nông thôn Hải Phòng, trong đó tôn vinh một địa chủ vừa giàu lòng nhân ái với dân làng, vừa có công với nước.

Kết cục, ông bị xử oan trong cải cách ruộng đất. Những dân quân được giao hành quyết ông đều bắn hết lên trời cả 2 loạt đạn. Nhà xuất bản yêu cầu về địa phương xin xác nhận các sự kiện. Ông Hoài Minh lập luận: Dù tác phẩm có được xây dựng bằng tư liệu sống thì đã được tiểu thuyết hoá rồi, nghĩa là hiện thực không còn giống y hệt nguyên mẫu nữa, các địa danh và nhân danh cũng được đổi khác, nhất là tính cách nhân vật được điển hình hoá.

Vả lại đây đâu phải thể báo chí. Vậy đi về địa phương nào để xác nhận và xác nhận về ai. Như thế, ông Hoài Minh đương nhiên chẳng thể đáp ứng được yêu cầu của ban biên tập. Do vậy, tác phẩm đã bị ngâm cả mấy năm. Số phận của nó phụ thuộc vào một cuộc đánh đố rất oái oăm.

Nguyễn An: Nhưng sao các nhà văn không dựa vào luật để kiện họ?

Nhà văn Tam Nguyên: Kiện thì chưa, vì trong lĩnh vực này, dù có kiện cũng chỉ là kiện củ khoai. Nhưng thắc mắc thì có. Những tác giả lâm vào tình trạng tương tự, kêu rằng tác phẩm của mình bị kiểm duyệt và gây trở ngại rất vô lối, thì được cấp cao hơn giải thích: đấy không phải là kiểm duyệt mà là nhà xuất bản trao đổi với tác giả nhằm giúp tác giả khắc phục những gì gây bất lợi cho cả độc giả lẫn tác giả. Kỳ thật, điều được tác giả coi là lợi ích thì người ta lại gọi là "bất lợi"!

Kiện thì chưa, vì trong lĩnh vực này, dù có kiện cũng chỉ là kiện củ khoai. Nhưng thắc mắc thì có. Những tác giả lâm vào tình trạng tương tự, kêu rằng tác phẩm của mình bị kiểm duyệt và gây trở ngại rất vô lối, thì được cấp cao hơn giải thích: đấy không phải là kiểm duyệt mà là nhà xuất bản trao đổi với tác giả nhằm giúp tác giả khắc phục những gì gây bất lợi cho cả độc giả lẫn tác giả. Kỳ thật, điều được tác giả coi là lợi ích thì người ta lại gọi là "bất lợi"!

Nguyễn An: Như vậy, các nhà văn đều viết theo ý muốn của lãnh đạo sao?

Nhà văn Tam Nguyên: Sự biên tập thô bạo tạo ra một tình trạng chung là: ai muốn được dễ duyệt in thì viết sao cho vừa ý biên tập, nghĩa là trong khi viết, luôn phải tự xem xét chỗ này có đụng phải chính sách, chỗ kia có chạm vào lời phát biểu của ông A, bà B nắm quyền sinh sát vận mệnh của đất nước không …

Cũng như phải tránh phê phán những quan điểm văn học cho tới nay thực sự đã lỗi thời: văn học phải mang chức năng giáo dục, dạy hiểu biết cho độc giả, có tính đảng v.v… Sáng tác trong một tâm trạng bức bối, nơm nớp và dè chứng như thế, hỏi sao viết hay được!

Nguyễn An: Cảm ơn nhà văn Tam Nguyên.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.