Lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại miền Trung Việt Nam


2007.11.15

Mặc Lâm, phóng viên đài RFA

Lũ lụt tại miền Trung luôn là mối lo hàng năm của người dân, nhưng lần này nhiều cơn lũ gối đầu nhau đã để lại hậu quả nặng nề về người và của cùng những thiệt hại không tính được do sức tàn phá được xem là khủng khiếp nhất kể từ trận lũ năm 1999.

FloodHue200.jpg
Hôm 13-11-2007, thành phố Huế bị ngập hầu hết các địa điểm trong khuôn viên hoàng thành cũng như nhiều đường phố. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Miền Trung tan hoang, xơ xác

Sau những cơn lũ liên tiếp, người dân nhiều tỉnh miền Trung đang dần dần cố gắng trở lại đời sống bình thường, tuy nhiên trong đó hàng chục ngàn con người sẽ rất khó khăn khi trở về nhà của họ.

Trong khung cảnh trời nước mênh mông một màu xám trắng, mọi người đang chịu đựng một cách lặng lẽ. Họ chưa bao giờ đối phó với lũ dồn dập như thế.

Miền trung kiệt quệ, xao xác như sau một trận chiến khốc liệt. Nhà cửa tan hoang con người ly tán. Có gia đình trở về không còn một cái chén ăn cơm, giòng nước đục ngầu đã cuốn trôi tất cả. Người dân chỉ lo cứu được mạng mình!

Tổng kết sơ bộ cho đến nay thì tại Đà Nẵng, hơn 27.000 nhà dân vẫn còn bị ngập trong nước lụt. Hàng trăm ngàn người vẫn đang phải trú tạm ở các nơi an toàn. Quảng Nam vẫn còn 57.000 nhà dân bị ngập. Hiện nhiều làng xã vẫn chưa thể giao thông.

Hàng ngàn người dân nhiều vùng đang thiếu đói và thiếu nước uống nghiêm trọng. Chính quyền các địa phương đã đưa hơn 80.000 dân đi sơ tán.

Tại nhiều đoạn đường của tỉnh Quảng Nam đang bị gián đoạn vì lũ. Trên 1.000 xe ô tô các loại với hơn 5.000 hành khách đã bị mắc kẹt do nước lũ chia cắt. Nhiều hành khách từ Hà Nội vào Thành Phố Hồ Chí Minh đã bị kẹt hơn 1 tuần lễ vì mưa lũ.

Tình trạng kẹt xe vì quốc lộ 1 bị thiệt hại đã làm nhiều địa phương bối rối vì vừa phải lo cứu hộ cho người dân trong tỉnh lại phải lo giải quyết yêu cầu của hành khách phương xa.

Cho đến sáng nay, tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn qua đèo Hải Vân vẫn bị tắc do sạt lở tại đường hầm số 12 và 13. Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng tiến hành sửa chữa. Vào lúc 2 giờ sáng hôm nay giao thông trên tuyến QL 1A đã được thông sau hơn 2 ngày bị ách tắc do lũ lụt gây ngập và sạt lở.

FloodHue200d.jpg
Hôm 13-11-2007, thành phố Huế bị ngập hầu hết các địa điểm trong khuôn viên hoàng thành cũng như nhiều đường phố. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Tìm cách ổn định cuộc sống sau bão lũ

Sáng sớm ngày hôm nay tuy lượng mưa đã giảm, nhưng mực nước trên các con sông tại Thừa Thiên - Huế vẫn ở mức cao và xuống rất chậm. Thành phố Huế trong vài ngày trước đây được báo chí mô tả bị ngập hầu hết các địa điểm trong khuôn viên hoàng thành cũng như nhiều đường phố.

Mới đây, một viên chức nhà nước làm việc tại UBND thành phố Huế đã cho chúng tôi biết là nước đang rút và người dân cũng đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa để trở về sinh hoạt bình thường.

Tại Đà Nẵng, chúng tôi cố liên lạc với một viên chức trong UBND tỉnh để tìm hiểu tình hình sau lũ nhưng những thông tin mà chúng tôi ghi nhận được rất ít, ông Lắm người trả lời điện thoại đã từ chối sau khi được biết người gọi cho ông là phóng viên của đài Á Châu Tự Do.

Hội An trong những ngày này cũng không khá gì hơn những nơi khác, trái lại nỗi lo có phần nhiều hơn đối với giới chức chính quyền vì nơi đây có một lượng khách du lịch ngoại quốc vẫn còn kẹt lại sau những trận lũ vừa qua. Các con đường chính trong phố cổ hầu như bị ngập hơn 60% và nước hiện đang rút rất chậm.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam đã tương đối ổn định tuy còn nhiều khó khăn cần phải giải quyết, ông Đinh văn Thu, chánh văn phòng tỉnh Quảng Nam cho chúng tôi biết tổng quát tình hình hiện nay.

Tỉnh Quảng Nam đã quyết định chi khẩn cấp 15 tỷ đồng hỗ trợ cho nạn nhân bão lũ trong địa bàn tỉnh. Đồng thời cấp 500 tấn gạo cùng 20.000 tấn mì tôm đưa về các vùng bị lũ ngập nặng. Tỉnh cũng xin chính phủ hỗ trợ 5.000 tấn lương thực, 1.000 tấn giống cây trồng để giúp nhân dân ổn định đời sống. Những thiệt hại của tỉnh Quảng Nam ước tính là nặng nề nhất trong các tỉnh bị lũ lụt tàn phá.

Theo báo chí đăng tải thì một trong những xã chịu thiệt hại nặng nhất là xã Bình Minh, thuộc huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm ngoái, trong cơn bão Chanchu, xã này bị thiệt hại nặng nề về người.

Còn với trận lũ kinh hoàng năm nay, họ lại bị thiệt hại rất nặng về vật chất. 100% số tàu cá của ngư dân xã Bình Minh chưa có chiếc nào được tìm thấy. Hàng trăm ngư dân của xã đang đau khổ tột cùng vì số tài sản duy nhất của họ đã nằm sâu dưới lòng biển cả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.