Nguyễn Bình, phóng viên đài RFA
Trong thời gian gần 4 năm cầm quyền tại Cambodia, từ năm 1975 đến năm 1979, chế độ Khmer Đỏ đã làm cho gần 2 triệu người thiệt mạng, trong đó nạn nhân gồm đủ thành phần dân tộc. Hôm nay, phóng viên Nguyễn Bình từ Cambodia có bài tường trình về nạn nhân người Chăm trong chế độ Khmer Đỏ như sau.

Sau khi giành chiến thắng tại Cambodia vào ngày 17 tháng Tư năm 1975, Khmer Đỏ dễ dàng dùng họng súng để buộc các tu sĩ phật giáo hoàn tục, đi cưới vợ và tham gia lao động khổ sai như bao thường dân khác, nhưng họ lại gặp khó khăn trong việc buộc người Chăm bỏ đạo.
Trung thành với thánh Alah
Cộng đồng người Chăm có nguồn gốc ở miền Trung Việt Nam, khi di cư sang Cambodia phần lớn theo đạo Hồi và rất trung thành với thánh Alah.
Do ảnh hưởng chủ nghĩa Mác – Lênnin, Khmer Đỏ coi tôn giáo là phản động. Các cơ sở tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ và thánh đường Hồi giáo đều bị Khmer Đỏ biến thành nhà tù, kho thóc hoặc trại chăn nuôi.
Theo ông Osman Ysa, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm tài liệu Cambodia vào năm 1977, do khó khăn trong việc bắt người Chăm bỏ đạo Hồi, nên Khmer Đỏ đưa ra chủ trương giết toàn bộ người Chăm để xóa bỏ đạo Hồi. Sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ vào tháng giêng năm 1979, có 11 làng Chăm mà phần lớn ở tỉnh Kampong Cham đã bị xóa sổ.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu cho biết lãnh đạo Khmer Đỏ không có hằn thù với người Chăm, và lúc đầu cũng không có chính sách diệt chủng đối với người Chăm như đã từng làm đối với người Việt và người Khmer Krom.

Nhưng sau khi gặp sự chống đối do cộng đồng này không chịu bỏ đạo, Khmer Đỏ mới thẳng tay đàn áp, và số phận người Chăm cũng không khác gì những cộng đồng thiểu số khác.
Bà Kop Ysa, một người Chăm còn sống sót trong chế độ Khmer Đỏ cho biết lúc đầu Khmer Đỏ bắt người Chăm bỏ trang phục Hồi giáo, bắt nuôi heo, bắt thực hiện điều cấm trong đạo như ăn thịt heo, thịt chó. Nếu người Chăm nào không chịu ăn thì chúng lập danh sách, nói là đề tìm thịt bò cho ăn. Nhưng thực ra là lập danh sách đem đi giết.
Theo bà lúc ấy có nhiều người Chăm đành chấp nhận cái chết chứ không chịu vi phạm giáo lý đạo Hồi. Có một số nơi Khmer Đỏ cũng nương tay khi gặp sự cự tuyệt của người Chăm. Nhưng cũng có nơi chúng chỉ buộc trẻ em người Chăm còn ngây thơ ăn thịt chó. Nếu có người lớn nào dám la rầy thì chúng bắt đem đi giết.
Ông Sman Math, một lãnh tụ Chăm Hồi giáo tại Phnom Penh cho biết người theo đạo Hồi tin rằng thủy tổ của loài heo là con người, do chống lại thánh Alah, nên bị thánh hóa phép biến thành con heo. Do đó người Hồi giáo cho rằng heo là con vật dơ dáy, không nên ăn, và cũng không nên lấy tay sờ.
Biết hiện tượng tâm lý trên, Khmer Đỏ dùng thịt heo như là phương tiện kiểm tra xem người Chăm nào đã bỏ đạo và người Chăm nào chưa.
Tuy nhiên, theo Trung tâm tài liệu Cambodia có một số nơi như ở tỉnh Kampong Cham, Khmer Đỏ không cần kiểm chứng, mà hễ ai khai nhận là người Chăm thì điều bị giết. Còn người nào nói dối là người Khmer mới được sống đến ngày hôm nay.

Sống nhờ Mác – Lênin
Có một trí thức người Chăm ở tỉnh Battambang xin được giấu tên, cho biết là nơi ông ở, Khmer Đỏ chỉ bắt các chức sắc Hồi giáo đem đi giết, mà bản thân ông cũng là chức sắc từng du học ở Ai Cập.
Lúc còn ở Ai Cập, trong thập niên 60 của thế kỷ trước, ông cũng nghe nói đến chủ nghĩa cộng sản, mà người Hồi giáo mô tả như là một chủ nghĩa tàn bạo nhất trong lịch sử. Do tò mò, ông cũng mua được một quyển sách triết học Mác – Lênin, phiên bản tiếng Ả Rập để đọc và mang về Cambodia.
Một hôm cán bộ Khmer Đỏ đến nhà ông để xác minh, ông không dấu được địa vị của mình trong giáo hội, nên cũng không hy vọng được sống. Tình cờ cán bộ Khmer Đỏ nhìn thấy quyển sách triết học Mác – Lênnin, với hình ông Lênin trên bìa, chúng hỏi ông về quyển sách ấy.
Ông trả lời rằng ông mua để nghiên cứu vì ông cũng đam mê học thuyết này. Nhờ đó mà cán bộ Khmer Đỏ không bắt ông, để ông sống đến ngày hôm nay.