Đại hội đảng tại Trung Quốc


2007.10.09

Nguyễn Xuân Nghĩa & Việt Long, RFA

Tuần tới, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ triệu tập Đại hội toàn đảng khóa 17, một biến cố năm năm mới có một lần, để hoạch định đường lối và đề cử lãnh đạo tại các cấp trong năm năm sắp tới. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm nhiều những chiều hướng chính trong biến cố trọng đại của quốc gia này, qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

HuJintaoChinaRusia200.jpg
Trong các chế độ CS như Trung Quốc và Việt Nam, mọi quyền lực đều tập trung vào trong tay một đảng duy nhất là đảng Cộng sản. AFP PHOTO.

Việt Long: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ triệu tập Đại hội khoá 17 vào ngày 15 tới. Chúng tôi đề nghị là trong chương trình chuyên đề tuần này, ta cùng tìm hiểu về biến cố đó, với ảnh hưởng về chính sách kinh tế xã hội trong năm năm sắp tới tại Trung Quốc, và đặc biệt chú ý tới những gì mà Việt Nam cần quan tâm.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Vâng thưa ông, và người ta có thể quan tâm ngay từ Hội nghị Ban chấp hành Trung ương kỳ chót, sẽ triệu tập hôm nay để hoàn chỉnh mọi quyết định trước khi Đại hội chính thức khai mạc tại Bắc Kinh.

Cai trị bằng sự sợ hãi

Việt Long: Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là cái gì khiến cho đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại, và 5 năm họp Đại hội một lần để vạch ra đường lối lãnh đạo cho quốc gia, khi mà thế giới đều biết, kể cả người dân và lãnh đạo Trung Quốc, rằng chủ nghĩa cộng sản đã cáo chung trong thực tế?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Câu hỏi của ông hàm ý là vì sao mà một hệ thống chính trị dựa trên một ý thức hệ đã lỗi thời mà vẫn có khả năng lãnh đạo và còn tiếp tục lãnh đạo để cứ năm năm lại có đại hội vạch ra đường lối và tuyển chọn nhân sự lãnh đạo cho thời gian sắp tới?

Tôi nghĩ rằng câu trả lời có thể nằm ngay trong nét văn hoá đặc thù của Trung Quốc - và của cả Việt Nam vì Việt Nam bị ảnh hưởng văn hoá rất mạnh của Trung Quốc mà lại ít nhìn ra, hoặc không dám công nhận - đó là sự sợ hãi.

Người dân Trung Quốc sợ nghèo và sợ loạn. Lãnh đạo Trung Quốc thì sợ loạn và sợ mất hết đặc quyền đặc lợi. Vì nỗi sợ phổ biến ấy, người dân đã đành chấp nhận cho lãnh đạo duy trì quyền lực; còn lãnh đạo thì vẫn giữ chế độ chuyên chế nhưng sửa sai dần để tránh động loạn, và quan trọng nhất, chế độ ấy tồn tại nhờ sức trấn áp của quân đội và bộ máy công an.

Việt Long: Ông có thể giải thích cho rõ hơn không? Vì sao sự sợ hãi lại khiến đảng Cộng sản Trung Quốc lại tồn tại với hệ thống chính trị hiện nay?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Người dân Trung Quốc sợ nghèo và sợ loạn, là tình trạng họ đã thấy trong ba chục năm đầu tiên khi chế độ cộng sản nắm chính quyền tại Hoa lục, từ 1949 đến 1979. Lãnh đạo Trung Quốc thì sợ loạn và sợ mất hết đặc quyền rồi đặc lợi đã thu hoạch được từ ba chục năm nay. Vì nỗi sợ phổ biến ấy, người dân đã đành chấp nhận cho lãnh đạo duy trì quyền lực; còn lãnh đạo thì vẫn giữ chế độ chuyên chế nhưng sửa sai dần để tránh động loạn, và quan trọng nhất, chế độ ấy tồn tại nhờ sức trấn áp của quân đội và bộ máy công an.

Đấy là câu trả lời ngắn gọn về thực tế Trung Quốc và phần nào cũng phản ảnh tình trạng chung tại Việt Nam khi mà chẳng còn ai tin vào chủ nghĩa cộng sản nhưng đảng cộng sản vẫn lãnh đạo và nắm quyền. Nói cho nôm na và hơi phũ phàng thì một chế độ độc tài có thể tồn tại khi mà sự sợ hãi có thể khiến người ta cúi đầu rất lâu.

Nếu đi vào chi tiết, người ta có thể giải thích sự kiện trên ở nhiều yếu tố khác.

Việt Long: Nếu đã như vậy, xin ông giải thích luôn những yếu tố đó.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa vâng và đấy cũng là một cách duyệt lại những thay đổi của hiện tượng cộng sản tại Trung Quốc. Vì loạn lạc và bất công trong thời ngoại xâm và nội chiến, người dân Hoa lục đi theo lý luận đấu tranh giai cấp của đảng Cộng sản. Sau đó, kể từ 1949, vì ước mơ hoà bình và phồn vinh, họ cúi đầu chấp nhận đường lối gọi là "xây dựng xã hội chủ nghĩa" của Mao Trạch Đông.

Khi việc xây dựng dẫn tới khủng hoảng, trước và trong suốt 10 năm của Đại cách mạng văn hoá vô sản, từ 1966 tới 1976, họ ủng hộ việc cải cách của Đặng Tiểu Bình. Ba mươi năm sau, tức là ngày nay, họ cố ước mơ một hình thái xã hội hài hoà. Nỗi sợ hãi liên tục là chất keo sơn tinh thần đã giữ cho hệ thống này tồn tại suốt sáu chục năm vừa qua.

Nhìn từ phía lãnh đạo, nỗi sợ hãi ấy không chỉ xuất phát từ phản ứng tâm lý của người dân mà thể hiện rõ ràng nhờ khả năng trấn áp mãnh liệt của quân đội và công an. Thí dụ dễ thấy nhất là vụ tàn sát tại quảng trường Thiên an môn hồi tháng Sáu năm 1989. Kể từ đó người dân cúi đầu kiếm ăn và tìm cách nuốt dần sự bất mãn bằng thành tựu kinh tế...

Ta không nên quên rằng suốt mấy ngàn năm, cũng chính là nỗi sợ hãi của dân chúng đã cho phép chế độ quân chủ tồn tại, bất chấp mọi tai ương do Hoàng đế và triều đình gây ra. Nếu nhớ lại lịch sử thì hiện tượng có một hoàng đế anh minh cai trị thật ra chỉ là hãn hữu, còn lại thì nạn gian thần hay nội thân ngoại thích làm loạn nước và làm dân chúng khổ sở vì chiến tranh hay sưu thuế lại là trường hợp phổ biến hơn.

Chiều hướng của xã hội Trung Quốc

Việt Long: Đó là trường hợp của các nước Cộng sản tại châu Á, chứ tại Liên bang Xô viết hay các nước Cộng sản Đông Âu, người dân cũng bị đàn áp và sợ hãi vậy mà các chế độ này vẫn thay đổi, vì sao lại như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa ông tình hình có khác biệt vì lãnh đạo của Liên Xô không sợ hãi nặng như vậy nên mới tìm cách thay đổi như những nỗ lực cải cách của ông Gobachev và họ bị tuột tay khiến chế độ sụp đổ luôn dưới sức nặng của những chứng tật bẩm sinh trong chế độ. Tại Đông Âu, sau khi hệ thống Xô viết sụp đổ thì các nước đã được cởi ách thống trị và tự tìm lấy giải pháp khác cho mình. Cái khác ở đây là họ ít sợ hơn nên dám thử nghiệm giải pháp mới, có đúng có sai, có thành có bại, nhưng dù sao vẫn là một thay đổi căn bản.

Việt Long: Trở lại chuyện Đại hội đảng tại Trung Quốc, ông nhận xét thế nào về nét văn hoá ông gọi là sự sợ hãi phổ biến đó?

HuJintaoKhai200.jpg
Giới lãnh đạo tại Hà Nội thường lèo lái đất nước theo các chính sách y hệt do Bắc Kinh thực hiện tại Trung Quốc. AFP PHOTO

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhìn về dài, thì từ đại hội 12 là đại hội xin tạm gọi là đổi từ "loạn" sang "trị" sau cuộc Đại văn cách - chữ loạn và trị trong ngoặc kép vì chỉ có ý nghĩa tương đối - ta thấy một nét chung là tuổi trung bình của cấp lãnh đạo, từ các Trung ương Ủy viên tới các Ủy viên trong Ban Bí thư, Bộ Chính trị và cả Thường vụ của Bộ Chính trị, đều trẻ hơn trước.

Thứ hai, các đảng viên đang hay sẽ bước vào giai tầng lãnh đạo đều ít nhiều là nạn nhân của cuộc Đại văn cách, kể cả Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào. Vì vậy, họ rất sợ những tư tưởng cách mạng mà họ cho là phiêu lưu, kể cả trào lưu dân chủ hoá. Nhưng, cũng do kinh nghiệm bản thân và hoàn cảnh chung của đất nước, đa số thành phần sẽ lên lãnh đạo, gọi là thế hệ cách mạng thứ năm sau thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo hiện nay, đều trưởng thành hay xuất thân từ nông thôn, từ các tỉnh nằm trong lục địa hơn là các tỉnh duyên hải miền Đông, nên ý thức khá rõ những sức ly tâm tiềm ẩn trong xã hội.

Việt Long: Thưa ông, những sức ly tâm ấy là gì và chúng sẽ ảnh hưởng ra sao tới chiều hướng của lãnh đạo sau này?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đấy là sức ly tâm hay mầm phân hoá vì khoảng cách giàu nghèo bị đào sâu giữa các thành phần và các địa phương. Đấy là sức ly tâm vì khác biệt sắc tộc, giữa Hán tộc và các sắc dân thiểu số khác, nhất là ở vùng phiên trấn của Trung nguyên. Sau cùng, khác với thế hệ thực sự tham gia cách mạng, thành phần lãnh đạo ngày nay tiếp xúc với thế giới nhiều hơn, và có trình độ giáo dục chuyên môn tương đối cao hơn các thế hệ trước, nên cũng ý thức được nguy cơ tụt hậu của Trung Quốc so với thế giới bên ngoài.

Vì ý thức được những mầm dị biệt ấy, họ cố xây dựng một xã hội hài hoà, là khẩu hiệu chính thức của lãnh đạo từ Đại hội 16, và phát triển xã hội trên một cơ sở khoa học hơn, là điều sẽ trở thành khẩu hiệu của Đại hội 17 sau này. Và vừa trấn an người dân về miếng ăn, tức là duy trì tinh thần lý tài có lợi cho đảng, họ vừa khích lệ lòng ái quốc hay tự ái dân tộc bằng cách biểu dương sức mạnh hay sức nặng của Trung Quốc đối với thế giới.

Vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn

Việt Long: Có một vấn đề mà các nhà lý luận hoặc dân chúng nói chung vẫn tò mò muốn hiểu, kể cả ở Việt Nam. Thưa ông, hình thái phát triển kinh tế thị trường dưới một chế độ chuyên chế hay toàn trị có dẫn tới mâu thuẫn là sự hình thành của một giai cấp tư sản có quyền lợi đối nghịch với đảng không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là ước mơ hão huyền của các nước dân chủ hay của Tây phương, theo lý luận đượm mùi Mác-xít từ vô thức, rằng kinh tế phát triển sẽ sản sinh ra một giai tầng xã hội có quyền lợi đối nghịch với thành phần đảng viên. Thực tế là tại Trung Quốc, và theo thống kê chính thức của chính quyền, thì hơn một phần ba giới tư doanh, là chủ doanh nghiệp tư nhân, lại là đảng viên đảng Cộng sản. Và 35% những người giàu nhất Trung Quốc, các tỷ phú hay triệu phú bằng đô la, cũng lại là đảng viên!

Việt Nam có một hệ thống lãnh đạo giả hiệu. Chủ tịch nước và cả Thủ tướng cũng khó vượt quyền Bộ trưởng Công an. Tham nhũng vì vậy mới càng khó diệt và sự sợ hãi nói chung của xã hội khiến tinh thần dân chủ khó gieo mầm, cho tới khi dân chúng nông thôn sẽ nổi loạn vì bị bóc lột bởi một hệ thống tham ô được định chế hoá mà đảng vẫn không bị trách nhiệm vì chế độ lãnh đạo giả hiệu này.

Trong cuộc thi đua làm giàu này thì thành phần ta gọi là "tư bản đỏ" vẫn chiếm ưu thế vì có chỗ tựa là chế độ chính trị hiện hành với bộ máy trấn áp của đảng. Vì vậy mà trong kinh doanh, yếu tố thành bại vẫn là có quan hệ hay không với bộ máy đảng và nhà nước. Và cũng vì vậy mà tham nhũng mới trở thành một thuộc tính của chế độ.

Nếu có áp lực thay đổi thì tôi thiển nghĩ rằng nó xuất phát từ nông thôn, từ thành phần nông dân bị lãng quên, tụt hậu và bị cướp đất. Thế hệ lãnh đạo hiện hành ý thức được mối nguy đó nên trong năm năm qua đã cố gắng tái phân lợi tức để san sẻ nhiều hơn cho các địa phương nghèo túng ít tiếp cận với kinh tế thế giới, và cũng chịu khó giải trừ nạn tham nhũng hơn thời Giang Trạch Dân lãnh đạo.

Việt Long: Xin hỏi ông luôn về nỗ lực giải trừ tham nhũng ấy tại Trung Quốc vì tai ương tham nhũng cũng là một vấn đề gây bức xúc cho mọi người tại Việt Nam.

Nguyễn Xuân Nghĩa: Suốt giai đoạn phát triển kinh tế xã hội theo kiểu lý tài của Đặng Tiểu Bình và nhất là của Giang Trạch Dân, quyền lực đảng tại Trung ương bị tan loãng dần vì thế lực kinh tế rất mạnh của các đảng bộ tại địa phương. Thế lực ấy dẫn tới tham nhũng ngay trong đảng bộ địa phương mà trung ương không giải trừ được.

Đã thế, trong vụ diệt trừ tham nhũng, có hai việc bị lồng làm một. Thứ nhất là quyền lực trung ương bị các địa phương chi phối, thứ hai là thế hệ lãnh đạo thứ tư Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo, đều gặp trở lực từ thành phần lãnh đạo do Giang Trạch Dân nâng đỡ hay là cài ở lại. Biểu hiện của mâu thuẫn ấy là tranh chấp quyền lực giữa những người như ông Hồ Cẩm Đào hay do ông ta cất nhắc từ lâu, đa số là các đảng viên xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, gọi là "đoàn phái", với thành phần của Giang Trạch Dân, xuất thân từ Thượng Hải, được gọi là "cánh Thượng Hải".

Mãi tới năm ngoái, Hồ Cẩm Đào mới loại trừ được Bí thư Thượng Hải là Trần Lương Vũ về tội tham nhũng để đưa ông Tập Cận Bình vào đó, và nhân vật này có nhiều triển vọng sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo nối tiếp Hồ Cẩm Đào sau Đại hội 18 vào năm 2012 này.

Việt Long: Như vậy, việc giải trừ tham nhũng có khi chỉ là bình phong che giấu sự tranh đoạt quyền lực phe phái bên trong Bộ Chính trị mà thôi?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đó chỉ là một phần mà mình không thể không thấy. Tuy nhiên, và đây là điều sẽ ảnh hưởng tới Đại hội 17, là lãnh đạo đảng tại Bắc Kinh đang cố gắng tập trung lại quyền lực so với các địa phương. Cụ thể trong nỗ lực giải trừ tham nhũng là cách đây một tháng họ đã lập ra một cơ quan ngang bộ, trong Quốc vụ viện, tức là Hội đồng Chính phủ, để ngăn ngừa tham nhũng. Cơ quan này có tên là Cục phòng chống tham nhũng quốc gia, do một nữ đảng viên đang là Phó Ủy viên Trung ương về Thanh tra và Kỷ luật đảng điều khiển. Nó có nhiệm vụ báo cáo thẳng lên Chính phủ mà khỏi bị các đảng bộ địa phương chi phối.

Bài học cho đảng CSVN?

Việt Long: Chúng ta sẽ còn nhiều dịp trở lại kết quả làm việc của Đại hội đảng tại Trung Quốc, nhưng, điều mà thính giả muốn rõ là Việt Nam có thể học được gì từ những xoay chuyển tại quốc gia láng giềng đang có quá nhiều ảnh hưởng tới Việt Nam?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói chung thì sau Đại hội 17 này, nếu có dị biệt về quan điểm trong tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc thì cũng chỉ là dị biệt nhỏ, có thể là tranh chấp và thỏa hiệp giữa thành phần lãnh đạo xuất thân từ Đoàn thanh niên, gọi là "đoàn phái", với thành phần con ông cháu cha, họ gọi là "Thái tử đảng", là con cháu của các lão đồng chí hay công thần thời xưa.

Các công thần hay lão đồng chí này thật ra đều từng là nạn nhân của Mao Trạch Đông và con cháu họ cũng vậy, nên nói chung cũng có tinh thần bảo thủ để bảo vệ thành quả của cá nhân và gia đình sau mấy chục năm khốn khổ. Nếu có dị biệt với "Đoàn phái" thì cũng chỉ trong cách áp dụng hầu vẫn bảo toàn được quyền lực của đảng, tức là của cả hai phe.

Việt Long: Từ hiện tượng đó tại Trung Quốc qua chuyện Việt Nam thì ta có thấy khác biệt gì không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa là có một khác biệt rất lớn. Thứ nhất, tiến trình thanh lọc và lãnh đạo của Trung Quốc dù sao cũng minh bạch hơn Việt Nam. Vì vậy mà, thứ hai, sự chọn lựa và cả tranh luận về chọn lựa dù sao cũng thông thoáng và may ra thì hợp lý hơn Việt Nam.

Việt Nam thì có một hệ thống lãnh đạo giả hiệu. Chủ tịch nước và cả Thủ tướng cũng khó vượt quyền Bộ trưởng Công an, đấy là một sự giả hiệu. Mà Tổng bí thư đảng cũng chẳng có quyền hạn bằng các Thái thượng hoàng là cấp lãnh đạo cũ đã già yếu bệnh tật. Quyền lực thật bị tản mát trong hệ thống lãnh đạo giả đó vì nhiều quyết định trọng đại về kinh tế hay kinh doanh có khi lại lọt vào tay thân tộc hay thậm chí tỳ thiếp hay gia nô của các vị Thái tượng hoàng già nua lú lẫn.

Tham nhũng vì vậy mới càng khó diệt và sự sợ hãi nói chung của xã hội khiến tinh thần dân chủ khó gieo mầm, cho tới khi dân chúng nông thôn sẽ nổi loạn vì bị bóc lột bởi một hệ thống tham ô được định chế hoá mà đảng vẫn không bị trách nhiệm vì chế độ lãnh đạo giả hiệu này.

Việt Long: Nhiều người có thể không đồng ý với nhận định của ông vì tại Việt Nam cũng đã nổi lên cuộc đấu tranh của các thành phần trung niên sinh trưởng trong chế độ cộng sản. Chúng ta có thể trở lại vấn đề này trong các chương trình kế tiếp. Xin trân trọng cám ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.