Chế độ Dân chủ (VI)

Đỗ Quý Toàn - Nguyễn An

Chế độ Dân chủ vừa là ứơc mơ, vừa là lý tưởng của nhân loại. Làn sóng dân chủ kể từ khi xuất hiện trong lịch sử đã ngày càng lan rộng, và nhiều nhà nghiên cứu đã đồng hoá quá trình dân chủ hoá với đà tiến của thế giới. Nhưng dân chủ cũng bao gồm trong nó nhiều ý kiến khác nhau từ định nghĩa cho đến cách thể hiện.

Để tìm hiểu những ý niệm căn bản của dân chủ nói chung cũng như những vấn đề liên quan đến dân chủ cho Việt Nam nói riêng, ban Việt ngữ đài Á châu tự do thực hiện nhiều loạt bài ghi lại các cụôc trao đổi và thảo luận với những chuyên gia từ lâu quan tâm đến dân chủ.

Loạt bài mở đầu xin đựơc dành cho nhà báo Đỗ Quý Toàn, chủ bút nhật báo Người Việt phát hành tại California, Hoa kỳ. Kỳ này, ông Toàn trình bày về ‘Dân chủ và Phát triển kinh tế’, qua cuộc trao đổi với BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ, mời quý vị theo dõi.

Bài 6: Dân chủ và Phát triển kinh tế

Bây giờ tới câu chuyện phát triển ở các nước Á Đông phát triển kinh tế như Hàn quốc, Đài Loan, Singapore trong các thập niên 1970 - 80, và bây giờ thêm Trung Quốc. Ở Hàn quốc thì chúng ta biết đó là thời Tướng Phác Chánh Hi và các ông tướng kế tiếp. Ở Đài Loan, đó là thời Quốc Dân Đảng cầm quyền, từ Thống chế Tưởng Giới Thạch đến Lý Đăng Huy. Và ở Simgapore trong thời ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng.

Các chế độ đó cai trị dân theo lối rất cứng rắn. Họ lấn áp các chính trị gia đối lập, đàn áp các sinh viên biểu tình đòi dân chủ, bắt bớ hoặc gây khó khăn cho các nhà báo độc lập, vân vân. Nhưng trong khoảng vài chục năm đó nền kinh tế các xứ trên đã phát triển rất cao, được coi là phép lạ. Ở Trung Quốc, từ khi chế độ cộng sản thay đổi chính sách quản lý kinh tế, Tổng sản lượng Nội địa cũng gia tăng nhanh, mặc dù chế độ độc tài vẫn không thay đổi. Vì thế, có nhiều người lập luận rằng các chế độ độc tài ở các xứ này giúp kinh tế phát triển.

Các "phép lạ kinh tế"

Chúng ta phải hỏi vì lý do nào mà các nền kinh tế trên gia tăng nhanh chóng? Các "phép lạ kinh tế" ở Á Đông đã là đề tài của nhiều cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh và mọi người đều đồng ý rằng các quốc gia trên, và Trung Quốc sau này, phát triển nhanh nhờ những chính sách thích hợp, khuyến khích công việc kinh doanh.

Những chính sách thích hợp: Tự do cạnh tranh trong thị trường nội địa, mở cửa mua bán với người ngoài nhưng khuyến khích xuất cảng, khuyến khích dùng hàng nội hóa bằng cách đánh thuế cao những hàng xa xỉ nhập cảng; chính phủ nâng đỡ những nhà đầu tư vào các công nghiệp họ cho là quan trọng.

Những chính sách đó là: Tự do cạnh tranh trong thị trường nội địa, mở cửa mua bán với người ngoài nhưng khuyến khích xuất cảng, khuyến khích dùng hàng nội hóa bằng cách đánh thuế cao những hàng xa xỉ nhập cảng; chính phủ nâng đỡ những nhà đầu tư vào các công nghiệp họ cho là quan trọng. Ngoài ra, các nước như Đài Loan, Hàn quốc đã cải cách điền địa để nông dân tự làm chủ ruộng đất, gia tăng năng suất nông nghiệp.

Nhưng một yếu tố có tác dụng lâu dài nhất là các quốc gia Á Đông chú trọng đến phổ biến giáo dục tới mọi tầng lớp dân chúng, nâng cao trình độ dân trí, nhờ thế đào tạo được lớp công nhân và nhà quản trị đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế.

Những chính sách kinh tế thích hợp trên đã thúc đẩy các nước Đài Loan, Hàn quốc, Singapore và Hồng Kông nâng cao lợi tức theo đầu người rất nhanh. Bây giờ chúng ta phải đặt câu hỏi là có phải nhờ các nước đó sống dưới chế độ độc tài cho nên mới thực hiện được các chính sách đó hay không? Câu trả lời hiển nhiên là "Không!"

Những chính quyền dân chủ

Những chính quyền dân chủ cũng có thể thực hiện các chính sách đó. Các nước trên sống dưới chế độ độc tài, hoặc là một thuộc địa như ở Hồng Kông, là sự tình cờ lịch sử đưa tới chứ không do người dân lựa chọn.

Ngay trong thời các tướng lãnh cai trị Hàn quốc và Quốc Dân Đảng nắm quyền ở Đài Loan, các phong trào tranh đấu đòi dân chủ vẫn hoạt động, sinh viên vẫn biểu tình, những lãnh tụ đối lập như ông Kim Đại Trung vẫn lên tiếng đòi phải cho dân chúng được tự do thêm (Ông Kim Đại Trung sau đắc cử tổng thống).

Trong những năm 1960 đến 1980, Hàn quốc, Đài Loan đều còn bị đe dọa có thể bị Bắc Hàn hay Trung Quốc tấn công, và chế độ độc tài ở các nước đó là do nhu cầu phải củng cố việc quốc phòng. Singapore khi lập quốc, vì bị trục xuất khỏi liên bang Mã Lai Á, cũng mang mối lo không biết đảo quốc này có thể tồn tại được hay không. Trước các mối lo lớn đó, người dân các nước này đã sẵn lòng đoàn kết với nhau, một tinh thần đoàn kết mà các nước khác khó tạo ra được nếu không nằm trong hoàn cảnh khó khăn tương tự.

“Vừa rồi là cụôc trao đổi giữa nhà báo Đỗ Quý Toàn và biên tập viên Nguyễn An về vấn đề ‘Dân chủ và phát triển kinh tế’, phần thứ hai. Đề tài của kỳ tới sẽ là ‘Dân chủ và Văn Hoá Á Châu’, mong quý thính giả đón nghe.

Xin được nhắc rằng, ý kiến của nhà báo Đỗ Quý Toàn không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi E mail về Vietnamse@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775.”