Quốc tế kêu gọi Việt Nam trả tự do cho 2 luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân
2007.11.22
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Phiên toà phúc thẩm xét xử hai luật sư đấu tranh cho dân chủ Việt Nam là Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27 tháng này.
Trước tin này, các tổ chức nhân quyền có uy tín trên thế giới đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội từng ký kết và trả tự do vô điều kiện cho hai tù nhân lương tâm là Đài và Nhân, những người đã bị kết án 4 và 5 năm tù trong phiên sơ thẩm hồi tháng 5 vừa qua.
Trao đổi với chúng tôi một tuần trước khi phiên phúc thẩm xử hai nhà đấu tranh dân chủ Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài diễn ra, ông Stephen Denney, chuyên gia phụ trách về các vấn đề Việt Nam thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế tại Hoa Kỳ, bày tỏ mối quan tâm của giới hoạt động nhân quyền quốc tế về các phiên toà chính trị tại Việt Nam:
“Điều làm Tổ chức Ân xá quốc tế chúng tôi quan tâm đầu tiên chính là việc nhà cầm quyền Việt Nam luôn dùng thủ thuật ‘hình sự hoá’ những tiếng nói bất đồng, như kiểu họ dùng điều 88 Bộ luật hình sự để khống chế những nhà dân chủ đấu tranh ôn hoà cho sự tiến bộ.
Và Ân xá quốc tế đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Hà Nội huỷ bỏ những điều luật như điều 88 vì chúng chẳng những đi ngược lại với các luật nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tình nguyện tham gia ký kết, mà còn cản trở sự hội nhập của Việt Nam với xu hướng phát triển tíên bộ của thế giới.
Thứ hai, chúng tôi hết sức quan ngại về tính phi pháp của các phiên toà chính trị tại Việt Nam như phiên sơ thẩm xử luật sư Đài và Công Nhân hồi tháng 5 vừa qua. Một số biểu hiện vi phạm tồi tệ mà chúng tôi ghi nhận đựơc là phiên toà đã diễn ra một cách chiếu lệ, chớp nhoáng; bản án thì đã được soạn sẵn trước khi tổ chức phiên xét xử; đó là chưa kể việc nhà nước sử dụng các phương tiện truyền thông định hướng dư luận khi cho phép hàng loạt báo chí kết tội, nhục mạ bị cáo trước khi họ ra toà.
Chúng tôi rất hy vọng phiên phúc thẩm tới đây, hoặc là Việt Nam sẽ phóng thích hai bị cáo này, hoặc ít nhất cũng sẽ giảm án cho họ. Ý của chúng tôi là, theo đúng chuẩn mực luật lệ quốc tế thì những người này lẽ ra đã không bị bắt. Việc bắt giam họ chứng tỏ Hà Nội đã vi phạm nhân quyền, lại không xét xử công bằng-minh bạch, và tệ hơn nữa là áp dụng luật hình sự để bóp nghẹt những tiếng nói đối lập. Đó là các điều căn bản mà chúng tôi cũng như các tổ chức nhân quyền quốc tế khác cực lực phản đối.”
Điều làm Tổ chức Ân xá quốc tế chúng tôi quan tâm đầu tiên chính là việc nhà cầm quyền Việt Nam luôn dùng thủ thuật ‘hình sự hoá’ những tiếng nói bất đồng, như kiểu họ dùng điều 88 Bộ luật hình sự để khống chế những nhà dân chủ đấu tranh ôn hoà cho sự tiến bộ. Và Ân xá quốc tế đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi Hà Nội huỷ bỏ những điều luật như điều 88 vì chúng chẳng những đi ngược lại với các luật nhân quyền quốc tế mà Việt Nam đã tình nguyện tham gia ký kết, mà còn cản trở sự hội nhập của Việt Nam với xu hướng phát triển tíên bộ của thế giới.
Đặc biệt quan tâm
Còn đại diện tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, bà Sophie Richardson, Phó giám đốc văn phòng Châu Á thuộc tổ chức này, thì không dấu được nỗi bức xúc đối với các phiên xét xử những nhà bất đồng chính kíên tại Việt Nam:
“Thật buồn cười là Hà Nội đã ngang nhiên xét xử và bóp nghẹt những tiếng nói ôn hoà chỉ vì họ có quan điểm trái ngược với nhà nước. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tội danh mà những nạn nhân này bị gán ghép và mức độ Việt Nam tôn trọng các quy định nhân quyền quốc tế. Những điều đó cho thấy tại Việt Nam pháp luật đựơc dùng để chế tài quyền công dân thay vì để đảm bảo quyền căn bản của con người.”
Bà Sophie cũng cho biết Human Rights Watch rất quan tâm đến tình trạng của hai vị luật sư dân chủ bị tù đày này, và bằng chứng là trong thời gian qua, tổ chức của bà đã không ngừng nỗ lực kêu gọi Hà Nội phóng thích các tù nhân lương tâm như Đài và Nhân: “ “Chúng tôi từ từ áp dụng nhiều phương sách khuýên khích Hà Nội tôn trọng và lắng nghe quốc tế ví dụ như tiếp tục công khai lên tiếng kêu gọi và yêu cầu những quốc gia có liên hệ, viện trợ, hay có ảnh hưởng với Hà Nội hãy lưu tâm đến tình hình nhân quyền của Việt Nam.”
Ngoài việc phổ biến các thông cáo báo chí kêu gọi Hà Nội trả tự do cho hai luật sư dân chủ Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, hay đề nghị các nước lưu ý đến nhân quyền của Việt Nam, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế hiện cũng đang cân nhắc đến nhiều phương cách vận động tích cực và hữu hiệu khác nữa.
Ông Vincent Brossels, người đứng đầu văn phòng Châu Á của Tổ chức phóng viên không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp, một trong những tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho nhân quyền quốc tế, từng theo sát và lên tiếng bênh vực cho những nhà bất đồng chính kíên tại Việt Nam, cho biết:
“Chúng tôi đã đựơc tin rằng phiên phúc thẩm sẽ diễn ra vào thứ ba tuần tới, và chúng tôi đang có kế hoạch để lên tiếng về vấn đề này. Chúng tôi biết một số nhà ngoại giao quốc tế đang làm việc tại Việt Nam sẽ yêu cầu được đến quan sát phiên toà ngày 27/11.
Họ là những tiếng nói rất quan trọng để bênh vực cho các nhà dân chủ bị tù đày ở Việt Nam, vì họ chính là những người có khả năng áp lực Hà Nội cải tiến nhân quyền qua những cuộc đối thoại. Vì vậy, chúng tôi sẽ nhờ họ can thiệp thay vì tự mình xin visa vào Việt Nam để quan sát phiên toà, bởi Hà Nội luôn tìm cách từ chối không cấp visa cho các tổ chức nhân quyền như RSF chúng tôi.
Ngoài giới ngoại giao, các nhà báo quốc tế cũng muốn được đến quan sát diễn tiến các phiên toà chính trị tại Việt Nam như thế này. Cho nên, chúng tôi đang cân nhắc các phương cách hiệu quả nhất hầu lên tiếng can thiệp đối với trường hợp của Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.
Trong buổi xét xử linh mục Nguyễn Văn Lý trước đây, một số nhà ngoại giao và báo chí nước ngoài muốn tham dự phiên toà, nhưng chỉ đựơc phép ngồi ở phòng bên cạnh theo dõi qua màn ảnh, chứ không được hiện diện tại phòng xử.
Chúng tôi hy vọng lần này sẽ khác. Nếu Hà Nội muốn chứng tỏ với thế giới rằng đây là một phiên toà công bằng và tuân thủ các tiêu chuẩn luật lệ quốc tế thì họ nên mở rộng cửa cho truyền thông quốc tế, giới ngoại giao nứoc ngoài, hoặc các tổ chức phi chính phủ tham dự và chứng kiến tận mắt diễn biến phiên toà từ đầu tới cuối.”
Quyền tự do bày tỏ tư tưởng
Theo quan điểm lâu nay của chính phủ Việt Nam, các bị cáo chính trị như luật sư Đài và Công Nhân lãnh án tù không phải vì có quan điểm khác biệt hay vì thực thi quyền tự do bày tỏ tư tưởng, mà vì họ đã vi phạm luật Việt Nam, viện dẫn điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước” hay điều 79 là tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Chính luận điểm này đã dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công luận cả trong và ngoài nước.
Ông Stephen Denney thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế khẳng định: “Điều này không đúng vì Việt Nam đã ký tên vào Công ước nhân quyền quốc tế từ năm 1992, quy định các quyền tự do căn bản của công dân phải đựơc tôn trọng, trong đó có quyền tự do ngôn luận.
Bạn nghĩ gì về phiên toà sắp tới này? Xin email về Vietweb@rfa.org , hoặc tham gia Diễn đàn RFA
Bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt là các nước đã ký kết thoả thuận như Việt Nam, không thể nói rằng họ có quyền đối xử với công dân của họ một cách tuỳ thích như thế nào cũng được. Nếu lập luận như vậy thì chẳng khác nào nói là Khmer Đỏ có quyền giết hại bao nhiêu công dân Campuchea cũng được, cũng không bị lên án, không bị cho là phạm tội hay sao?”
Tuy phiên phúc thẩm xét xử luật sư Đài và Công Nhân tới ngày 27/11 mới diễn ra, nhưng dường như mọi người có thể đoán đựơc trước kết quả của nó từ bây giờ. Ngay chính những người trực tiếp tham gia phiên toà như luật sư Trần Lâm, người đại diện bênh vực cho Công Nhân, trong cuộc trao đổi gần đây với chúng tôi, cũng đã nói rõ là ông không dám kỳ vọng ‘một sự chuyển biến bất ngờ’. Trong trường hợp phiên toà lần này thật sự không chứng tỏ một sự chuyển biến tích cực nào, thì mọi chuyện sẽ ra sao?
Chuyên gia phụ trách về các vấn đề Việt Nam thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế tại Hoa Kỳ, ông Stephen Denney, phát biểu:
“Nếu phiên toà lần này không cho thấy chuyển biến tích cực thì nó là một bằng chứng hiển hiện cho quốc tế mà đặc biệt là các nước có quan hệ với Việt Nam thấy rõ tình trạng nhân quyền của Hà Nội ra sao. Và chúng tôi sẽ tíêp tục đấu tranh, kêu gọi Hà Nội phải trả tự do cho luật sư Đài và Công Nhân bằng nhiều cách, trong đó có việc yêu cầu các quốc gia có quan hệ với Việt Nam nên lưu ý về vấn đề nhân quyền của Việt Nam.”
Còn quan điểm của bà Sophie Richardson, từ Human Rights Watch, thì: “Bất kỳ quốc gia nào làm ăn với Việt Nam phải để ý đến thực tế là tại đây rằng bất cứ ai cũng có thể đi tù vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hoà. Và các quốc gia cũng không nên tổ chức các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam làm gì, bởi vì chẳng có gì để bàn với họ cho tới khi nào Hà Nội chấm dứt những hành động phi pháp, ngang ngược đối với những nhà dân chủ như Lê Thị Công Nhân hay Nguyễn Văn Đài.”
Quý vị vừa nghe quan điểm của đại diện các tổ chức nhân quyền có uy tín trên thế giới như Tổ chức phóng viên không biên giới, Tổ chức giám sát nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, và Tổ chức Ân xá Quốc tế, kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho hai tù nhân lương tâm là luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân trong phiên phúc thẩm vào ngày 27 tháng này tại Hà Nội.
Liên quan đến đề tài này, trong buổi phát thanh kế tiếp, chúng tôi sẽ gửi đến qúy vị cuộc phỏng vấn đặc biệt với ông Michael Lewis Cromatie, Chủ tịch Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, người vừa có dịp vào trại giam gặp gỡ trực tiếp luật sư Đài và Công Nhân nhân chuyến đi thực tế của phái đoàn Ủy ban đến Việt Nam hồi cuối tháng 10 vừa qua.
Mời quý vị đón theo dõi.
Các tin, bài liên quan
- Phỏng vấn ông Michael Lewis Cromartie về chuyến đi thực tế tại Việt Nam vừa qua
- Việt Nam đối diện với hình thức vận động dân chủ mới
- Quan điểm bào chữa của Luật sư Trần Lâm cho 2 Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài (phần 2)
- Quan điểm bào chữa của Luật sư Trần Lâm cho 2 Luật sư Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài (phần 1)
- Liên đoàn Luật sư Quốc tế không nhân được hồi âm từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
- Trao đổi thư tín với thính giả (ngày 15-11-2007)
- Luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê thị Công Nhân sẽ ra toà phúc thẩm vào ngày 27-11 tới đây
- Phản ứng của chính phủ Việt Nam về chuyến viếng thăm của phái đoàn USCIRF
- Quan điểm của Dân biểu Ed Royce về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam