Bí ẩn của chiếc la bàn "Chủ nghĩa Mác-Lênin"


2005.10.07

Việt Hùng, phóng viên đài RFA

Nhận định về bản góp ý của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt với Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà dân chủ hàng đầu của Việt Nam và cũng là nạn nhân trong vụ tiết lộ "bí mật nhà nước" vào năm 95 khi công an khám người ông Hà Sĩ Phu có lá thư của ông Võ Văn Kiệt gửi Bộ Chính Trị yêu cầu đổi mới.

HaSiPhu150.jpg
Tiến sĩ Hà Sĩ Phu. RFA PHOTO

Vậy, do đâu mà ông Hà Sĩ Phu lại đưa ra luận đề: Tay Cầm Chắc "Kim Chỉ Nam" sao vẫn lo chệch hướng? từ Ðà Lạt ông lên tiếng trong cuộc trao đổi với Việt Hùng của Ðài chúng tôi:

Việt Hùng: Thưa Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, Tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, phải chăng bài góp ý của ông Võ Văn Kiệt đã tạo một không khí mới trong sinh hoạt của những người từng nắm giữ trọng trách tại Việt Nam?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Bài góp ý kiến về công tác tổng kết lý luận của nguyên Thủ tướng Võ văn Kiệt dày 27 trang nhưng dồn trọng lượng vào 11 trang đầu, bởi 11 trang này vẽ ra bức tranh về sự phá sản toàn diện của nền lý luận và tuyên truyền của đảng CSVN, nó đặt một dấu hỏi khổng lồ không thể chối cãi vào giữa chiếc “kim chỉ nam” dẫn đường mơ hồ của chế độ.

Còn những phần khác thuộc các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, sử dụng cán bộ… là những đề xuất cụ thể, hầu hết mang tính kỹ thuật chuyên môn.

Trong phần đầu tác giả kể ra những điều bất ổn cần xem xét lại về nội hàm của những khái niệm cơ bản như “kim chỉ nam”, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, công thức Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ, khái niệm “chệch hướng”, khái niệm diễn biến hòa bình, khái niệm kinh tế quốc doanh là chủ đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ, khái niệm phẩm chất đảng viên, tức là tác giả xét lại nội hàm của tất cả những gì cơ bản nhất của bộ máy lý luận và tuyên truyền về chính trị-tư tưởng từ trước tới nay.

Phần thứ hai, ông phê phán sai lầm về phương pháp tư duy. Khi mà nối hai phần đó lại ta thấy, một nền lý luận mà sai cả khái niệm cơ bản lẫn phương pháp tư duy thì sụp đổ 100% thì làm sao còn cứu vớt gì được nữa?

Còn có gì để nói nữa. Cho nên tôi thấy rằng, sự phê phán này, thực ra về luận điểm thì không có gì mới, nhưng do chính một người lãnh đạo Cộng sản nói ra một cách mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc như thế thì rất mới.

Nguyên do chệch hướng

Tôi nghĩ rằng, ông Võ Văn Kiệt vẫn còn phải đóng vai một tín đồ thờ chiếc la bàn, đương nhiên ông Kiệt không thể dám nói đến chuyện là bàn rởm, thế thì chỉ còn nguyên nhân là không đọc được la bàn là do trình độ kém thì đương nhiên phải qui nó về cái nguyên nhân thứ hai.

Việt Hùng: Trong bài, ông Kiệt có đề cập đến khái niệm chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nan. Ðã biết mà vẫn chệch hay sao thưa ông?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Tôi thấy đây là một vấn đề mà ông Kiệt đặt ra rất thú vị đó. Tôi đặc biệt chú ý đến khái niệm “kim chỉ nam” và “chệch hướng”. Trong tay lúc nào cũng lăm lăm một cái kim chỉ nam, tức cái la bàn chỉ hướng, mà vẫn cứ đi chệch hướng?

Thế thì chỉ có hai trường hợp:

- Một là người sử dụng mù lòa không đọc được những gì trên mặt la bàn, tức là không hiểu đúng nội hàm, không đọc được mã số,

- Hai là chiếc la bàn này là la bàn rởm.

Tôi nghĩ rằng, ông Võ Văn Kiệt vẫn còn phải đóng vai một tín đồ thờ chiếc la bàn, đương nhiên ông Kiệt không thể dám nói đến chuyện là bàn rởm, thế thì chỉ còn nguyên nhân là không đọc được la bàn là do trình độ kém thì đương nhiên phải qui nó về cái nguyên nhân thứ hai.

Thế nhưng sự tự phê này chẳng thuyết phục được ai. Ai cũng phải đặt câu hỏi : la bàn gì, cẩm nang gì mà khó đọc, khó hiểu thế, hàng trăm triệu người đọc, đọc suốt một thế kỷ mà đọc không ra nội hàm của nó !

Thế là cách lý giải có vẻ rất nghiêm túc và xây dựng mà ông Kiệt đưa ra tự thân nó lại mang tính “tiếu lâm”, nên chính nó đã ngầm chỉ ra đáp số thật của bài toán rồi.. Ông Kiệt vẫn đứng vững trong quỹ đạo Cộng sản mà viết, nhưng người đọc có lý trí tự nhiên phải bật ra ngoài quỹ đạo để tìm kết luận. Tôi nghĩ có lẽ ông Kiệt cũng biết như thế.

"Điều bí ẩn của chiếc la bàn"

Việt Hùng: Vâng, chủ nghĩa Mác-Lê thế nào thì đã được minh chứng tại các nước Ðông Âu, ông vừa mới nói là ông Kiệt biết rất rõ điều đó. Thế nhưng, câu hỏi mà dư luận xã hội quan tâm là các nhà lãnh đạo có biết hay không, hay lại phải chờ đến lúc về nghỉ hưu thì dư luận mới được biết là lãnh đạo từng biết.

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Tôi nghĩ, một cái la bàn quái gở như thế này thì thế giới biết từ lâu rồi, thế nhưng người ta rất lạ là cầm la bàn trên tay mà cứ luôn luôn sợ chệch hướng, hay là thấy đi chệch hướng.

Thế thì vứt quách nó đi, để được đi lại tự do như mọi người bình thường trên trái đất này, có phải sướng cái thân không? Điều bí ẩn là ở chỗ tại sao người cầm la bàn vẫn nhất quyết không chịu vứt nó đi, mặc dù vừa đi vừa phân bua là chệch hướng mất rồi?

Điều bí ẩn của chiếc la bàn chính ở chỗ này, chệch hướng về mặt này nhưng trúng hướng về mặt khác! Chệch với người này nhưng trúng với người khác, bởi vì cả dân tộc có được dự phần vào việc chế tạo và kiểm tra chất lượng cái la bàn ấy đâu?

Là vì chiếc la bàn này vừa là đồ rởm lại vừa không rởm, vì chính nó đã chỉ đường cho người sử dụng nó biết cách tìm đến những kho báu tinh vi mà chỉ anh ta mới chiếm lĩnh được, sở dĩ anh ta thành “tỷ tỷ phú” về quyền và về tiền, chính là nhờ cái la bàn phù thủy đó, còn đoàn người đi theo thì chẳng được gì.

Điều bí ẩn của chiếc la bàn chính ở chỗ này, chệch hướng về mặt này nhưng trúng hướng về mặt khác! Chệch với người này nhưng trúng với người khác, bởi vì cả dân tộc có được dự phần vào việc chế tạo và kiểm tra chất lượng cái la bàn ấy đâu? Ði đúng theo kim chỉ nam Mác Lê thì đúng hướng với người độc quyền lãnh đạo, nhưng là chệch hướng đối với dân tộc, chệch hướng với loài người.

"Mác sai" hay "làm sai Mác"

Việt Hùng: Trong bài, khi bàn đến chủ nghĩa Mác, ông Kiệt cho rằng, Việt Nam đã áp dụng sai chủ nghĩa này. Vậy theo ông sai từ bao giờ? thời ông Võ Văn Kiệt làn Thủ tướng có sai hay không, nếu biết thì sao không điều chỉnh mà nay dư luận mới biết đến?

Tiến sĩ Hà Sĩ Phu: Tôi thấy cần phải nói rõ và phải phân biệt là, Mác sai và làm sai Mác. Chủ nghĩa Mác khởi thủy, tức Mác giai đoạn đầu, đã có những cái sai căn bản như quan điểm về đấu tranh giai cấp, về chuyên chính vô sản, về tư hữu và bóc lột, về nhà nước tự tiêu vong, nhưng bên cạnh đó còn giữ được một số nét dân chủ và nhân bản.

Nhưng chuyển biến dần đến “Mác giai đoạn sau”, đến Lênin, Stalin trở đi thì càng ngày những điểm tốt càng mất đi, thay vào đó là những cải biến ngày càng thụt lùi về dân chủ. Ở Việt nam thì lúc còn kháng chiến chống Pháp là một giai đoạn riêng, còn từ 1954 trở đi và nhất là sau 1975 thì quy luật là càng nắm được chính quyền càng thụt lùi về dân chủ vì càng bộc lộ tính Tả khuynh như ông Kiệt đã phê phán.

Tôi nói về ông Kiệt, ông Kiệt là người Cộng sản, không thể không quay theo guồng máy ấy, chính ông Hồ Chí Minh còn phải quay theo thì trách gì ông Kiệt. Nhưng ông Kiệt đã thể hiện quan điểm riêng tiến bộ khá sớm.

Ông có công trong việc phát triển kinh tế thị trường. Bức thư gửi Bộ Chính trị năm 1995 và bài góp ý năm 2005 mà ta đang nói đây thể hiện những suy nghĩ nhất quán. Năm ấy nhà cầm quyền lấy cớ khám thấy bản sao bức thư ông Kiệt gửi Bộ Chính Trị trong túi xách của tôi để tạo ra vụ án “Lộ bí mật nhà nước”, thực chất là để trừng trị bài "Chia Tay Ý Thức Hệ" của tôi và bức thư rất tiến bộ của ông Võ Văn Kiệt.

Muốn đổi mới như thế mà sau đó ông vẫn phải tự tay ký nghị định 31/CP và 96/CP rất tệ hại thì ta thấy chuyển mình trong hệ thống Cộng sản không đơn giản chút nào. Nếu anh hỏi tôi sao bây giờ ông Kiệt mới dám nói mạnh thì tôi lưu ý anh rằng Khrutxốp,Gorbachop, Yenxin trước khi nắm được quyền lực họ cũng phải nói theo guồng máy chứ có hơn gì. Người Cộng sản biết chuyển sang dân chủ lúc nào là đáng quý lúc ấy, miễn là dân chủ thật, muộn còn hơn không.

Việt Hùng: Vừa rồi là lời Tiến sĩ Hà Sĩ Phu từ Ðà Lạt. Trong buổi phát thanh tới, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu sẽ đưa ra lời bàn về căn bệnh "tả khuynh" không chỉ là sai lầm của người lãnh đạo mà là bản chất của chủ nghĩa, cũng như những lời bàn về lý luận thực tiễn hiện nay, đâu là con đường ra của Việt Nam trên con đường hội nhập, mời quí thính giả nhớ đón nghe.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.