Triển vọng cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam (IV)

Luật sư Trần Thanh Hiệp - Nguyễn An

4. Nhân quyền dưới ánh sáng luật quốc tế

LeVanBang150.jpg
Ông Lê Văn Bằng trong buổi họp báo về cuốn sách trắng tại Hà Nội hôm 18-8-2005. AFP PHOTO

Trong chương trình phát thanh trước, cuộc trao đổi giữa biên tập viên Nguyễn An của Đài Á Châu Tự Do và luật sư Trần Thanh Hiệp đã tạm ngưng sau khi hai bên duyệt xét quan điểm về nhân quyền của CHXHCNVN.

Hôm nay Nguyễn An tiếp tục trao đổi với luật sư Trần Thanh Hiệp về nhân quyền dưới ánh sáng luật quốc tế. Luật sư Hiệp là Chủ tịch Trung tâm Việt Nam về nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris.

Nguyễn An: Có những luồng dư luận cho rằng nhân quyền theo luật quốc tế là sản phẩm của phương Tây nên không hẳn thích hợp để áp dụng cho xã hội phương Đông nói chung và cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa nói riêng. Luật sư nghĩ sao về ý kiến này ?

Trần Thanh Hiệp: Ý kiến này vừa có những mặt đúng nhưng đồng thời lại rất sai về nhiều mặt khác. Đúng, ở điểm khái niệm nhân quyền hiện nay, cũng như quy chế pháp lý của nó, quả thật đã hình thành và đột xuất ở phương Tây trong khi ở phương Đông nó vẫn còn khi ẩn khi hiện dưới dạng tư tưởng.

Nhưng nại ra mặt phương Tây này của nhân quyền để kiếm cớ lẩn tránh không áp dụng cho Viêt Nam luật quốc tế về nhân quyền là chống đối một cách đương nhiên không lý gì đến sự thật. Trước hết, khi năm 1982 ký kết gia nhập không có bảo lưu nào vào hai Công ước quốc tế năm 1966 về nhân quyền, Hà Nội đã tự nguyện chấp nhận không dè dặt luật quốc tế ấy.

Hà Nội đã từng là thành viên của những cơ quan quốc tế áp dụng hai Công ước nói trên. Hơn nữa, nếu hai Công ước gọi là của phương Tây này thật sự không thể chấp nhận được thì Hà Nội có thể chấm dứt bất cứ lúc nào sự tham gia của mình nếu muốn. Nhưng Hà Nội vẫn liên tục duy trì sự tham gia ấy từ 1982 đến nay.

Mặt khác, hai văn bản này không phải là sản phẩm riêng của phương Tây, chúng đã được khai sinh trong khuôn khổ Liên Hiệp Quốc một cơ cấu chung của cả phương Tây lẫn phương Đông. Và do đó chúng là một hệ thống quy phạm phổ quát về nhân quyền của cả nhân loại, chứ không phải của riêng phương Tây.

Ngoài ra Hà Nội đã từng là thành viên của những cơ quan quốc tế áp dụng hai Công ước nói trên. Hơn nữa, nếu hai Công ước gọi là của phương Tây này thật sự không thể chấp nhận được thì Hà Nội có thể chấm dứt bất cứ lúc nào sự tham gia của mình nếu muốn. Nhưng Hà Nội vẫn liên tục duy trì sự tham gia ấy từ 1982 đến nay.

Và danh xưng chính thức Hà Nội đã dùng để gọi tên Tuyên ngôn thế giới và hai Công ước về nhân quyền là Bộ luật quốc tế về nhân quyền. Vậy làm gì còn chuyện phương Tây nữa.

Luật quốc tế

Nguyễn An: Luật quốc tế có một phạm vi rất rộng lớn. Luật sư có thể cho biết một cách chính xác nhân quyền đã dựa vào những bản văn nào của luật quốc tế để được áp dụng ?

Trần Thanh Hiệp: Tư liệu về luật quốc tế thì đương nhiên là rất nhiều và rất phức tạp rồi. Riêng về nhân quyền, theo tài liệu thống kê thu thập năm 2002 thì có tới trên 50 văn kiện luật quốc tế trực tiếp liên quan. Nhưng ở đây, chúng ta chi cần bàn sơ qua về 5 văn kiện cốt lõi thôi.

Đó là Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và hai Hiệp định thư I và II phụ đính công ước này.

Cả 5 văn kiện nói trên đã được gộp lại dưới một tên gọi chung, tiếng Anh là The International Bill od Human Rights, tiếng Pháp là La Charte internationale des droits de l’homme, và Hà Nội dịch ra tiếng Việt là Bộ luật quốc tế về Nhân quyền.

Cần nói thêm rằng Bộ luật này đã bắt nguồn từ bản Hiến chương Cựu Kim Sơn 1945 của Liên Hiệp quốc, một văn bản có thể nói đã đánh dấu một mối quan tâm, một ý thức mới về nhân quyền, mở đường cho một giai đoạn phát triển rất quan trọng trong mấy nghìn năm lịch sử nhân quyền.

Do sự thúc đẩy của Hiến chương Cựu Kim Sơn mà Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền năm 1948 đã ra chào đời và làm nền tảng dựng nên hai Công ước qưốc tế 1966 cùng với hai Hiệp định thư về nhân quyền.

Rất nhiều Hiến pháp của nhiều nước đã quy chiếu vào Tuyên ngôn 1948 dù rằng nó không có hiệu lực cưỡng hành. Với tuổi đời gần 60 năm, ngày nay Tuyên ngôn 1948, một mặt được kính nể như một "Hiến chương của lý tưởng", mặt khác còn được xếp vào loại luật tục lệ quốc tế. Cho nên Liên Hiệp Quốc đã chính thức lấy Tuyên ngôn 1948 làm một trong năm thành tố của "Bộ luật quốc tế về nhân quyền".

Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền 1948

Nguyễn An: Đã có bản Tuyên ngôn thế giới 1948 về nhân quyền rồi tại sao lại còn phải có thêm hai Công ước 1966 nữa ?

Trần Thanh Hiệp: Thật ra, Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền 1948 không phải là một văn bản pháp lý, nghĩa là một văn bản có hiệu lực cưỡng hành buộc phải tuân theo nếu không tuân theo sẽ phải chịu chế tài.

Nhưng trên thực tế, văn bản này có một uy quyền tinh thần rất lớn, vì nó được cả thế giới tôn xưng như là một giá trị tiêu biểu cho văn minh tiến bộ của nhân loại vì tính chất hòa bình, chống áp bức, chống nghèo đói của nó.

Rất nhiều Hiến pháp của nhiều nước đã quy chiếu vào Tuyên ngôn 1948 dù rằng nó không có hiệu lực cưỡng hành. Với tuổi đời gần 60 năm, ngày nay Tuyên ngôn 1948, một mặt được kính nể như một "Hiến chương của lý tưởng", mặt khác còn được xếp vào loại luật tục lệ quốc tế. Cho nên Liên Hiệp Quốc đã chính thức lấy Tuyên ngôn 1948 làm một trong năm thành tố của "Bộ luật quốc tế về nhân quyền".

Nhưng để nhân quyền có được sự bảo vệ của luật pháp, Liên Hiệp Quốc đã phải luật hóa tất cả các nhân quyền được công bố trong Tuyên ngôn 1948, chuyển tả nội dung Tuyên ngôn này thành hai Công ước quốc tế 1966, để buộc các quốc gia thành viên phải tôn trọng quyền của người dân vì các quốc gia này có nghĩa vụ pháp lý phải thi hành các quy phạm mà hai Công ước 1966 đã đặt ra. Đó là lý do vì sao đã có Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền 1948 mà lại còn có thêm hai Công ước quốc tế về nhân quyền 1966.

Bộ luật quốc tế về nhân quyền

Nguyễn An: Vậy theo luật sư, ta phải hiểu ý nghĩa đích thực của Bộ luật quốc tế về nhân quyền này như thế nào để có thể đi vào dòng chính của nhân quyền ?

Bộ luật quốc tế về nhân quyền là sự thể hiện của mức độ văn minh mới của nhân loại và do đó là thước đo văn minh để phân biệt dân chủ đích thực và dân chủ giả mạo.

Trần Thanh Hiệp: Nói cho tạm đủ cũng không hết được các mặt của vấn đề ý nghĩa của Bộ luật quốc tế về nhân quyền. Vì Bộ luật này đã mang trong nó nhiều sự đảo lộn mang tính cách mạng về triết học, về luật học, về chính trị v.v...không ai ngờ. Tôi chỉ xin kể ra ba nét nổi bật nhất.

Thứ nhất, khi một số nước thành viên Liên Hiệp Quốc, năm 1966, lấy sáng kiến đưa nhân quyền vào luật quốc tế, thì những nước này đã thay đổi hẳn, trong một phạm vi nhất định, bản chất của công pháp quốc tế, một ngành của luật quôc tế.

Thật vậy, cho tới năm 1976 là năm hai Công ước 1966 bắt đầu có hiệu lực, quốc tế công pháp chỉ là luật liên quốc gia, bị chia cắt thành nhiều mảnh cách biệt nhau, mà chủ thể là Nhà nước. Nhưng sự ra đời của hai Công ước này đã biến luật ấy thành luật xuyên quốc gia, tức là luật không còn bị các biên giới quốc gia ngăn cách nữa và có chủ thể mới, là cá nhân con người chứ không còn là tập thể Nhà nước như trước. Nói cách khác, nhân loại, trong địa hạt nhân quyền, đã sáng chế ra một loại quốc tế công pháp hoàn toàn mới riêng về nhân quyền.

Thứ nhì, hai Công ước 1966 đồng thời cũng thay đổi hẳn quan hệ giữa Nhà nước với người dân khi buộc Nhà nước phải quay lại tôn trọng một số quyền cơ bản không thể toàn quyền phế bỏ bất cứ vì lý do gì của người dân như trước nữa.

Thứ ba, và đây là điều rất quan trọng, nhất là từ đầu thập niên 1990, sau khi hệ thống chính quyền độc tài toàn trị xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cũ sụp đổ, hai Công ước 1966 đã gắn liền nhân quyền với dân chủ để luật hóa tư tưởng dân chủ trên quy mô toàn cầu.

Nói tóm lại, Bộ luật quốc tế về nhân quyền là sự thể hiện của mức độ văn minh mới của nhân loại và do đó là thước đo văn minh để phân biệt dân chủ đích thực và dân chủ giả mạo.

Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp

Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi email về Vietnamse@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775

Quý thính giả vừa nghe bài thứ tư trong sê ri năm bài của cuộc trao đổi về Triển Vọng cải thịên nhân quyền ở Việt Nam giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và lụât sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về nhân quyền ở Paris.

Xin được nhắc rằng, ý kiến của luật sư Trần Thanh Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm vào vấn đề này từ quý thính giả. Xin gửi E mail về Vietnamse@www.rfa.org hay gọi đến 202 530 7775

Theo dòng thời sự

- Triển vọng cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam (I)

- Triển vọng cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam (II)

- Triển vọng cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam (V)