Nguyễn Quốc Khải
Lời giới thiệu: Đây là bài nghiên cứu bổ túc cho cuộc phỏng vấn giáo sư Nguyễn Quốc Khải do Biên tập viên Việt Long của Đài Á Châu Tự Do (RFA) thực hiện vào ngày 10.01.2007.

Kiều hối là nguồn ngoại tệ quan trọng hơn cả vốn đầu tư nước ngoài và tiền tài trợ ODA. Kiều hối sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới nhờ chương trình xuất khẩu lao động.
*****
Năm hết Tết đến, một lượng ngoại tệ sẽ lại đổ vào Việt-Nam nhiều hơn từ gần 3 triệu người gốc Việt-Nam định cư ở trên 90 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, và khoảng 400,000 công nhân xuất khẩu lao động. Bài viết này sẽ bàn về số lượng, ảnh hưởng của kiều hối đối với nền kinh tế và những yếu tố thúc đẩy người Việt gửi tiền về Việt-Nam.
Vì thời gian có hạn, bài này sẽ không đi vào những chi tiết như cách gửi tiền, chính sách xuất khẩu lao động của nhà nước CSVN, những sự lạm dụng trong việc gửi tiền và gửi công nhân ra nước ngoài. Tác giả mong những chuyên viên khác sẽ tiếp tay nghiên cứu về những đề tài này.
Kiều hối thảo luận trong bài này trên nguyên tắc không bao gồm số ngoại tệ của ngoại kiều dùng để đổi lấy dịch vụ, sản phẩm hay tích sản.
Trên nguyên tắc số ngoại tệ này không được xếp vào loại chuyển tiền tư nhân mà phải phải được xếp vào chương mục vốn như đầu tư trực tiếp nước ngoài (foreign direct investment) và đầu tư chứng khoán (portfolio investment).
Nhưng trên thực tế người ta không rõ số liệu về kiều hối của Việt-Nam có gồm một phần ngoại tệ với mục đích mua bán hoặc đầu tư hay không.
1. Số lượng kiều hối
Việt-Nam mới thu thập số liệu và tiếp nhận kiều hối bắt đầu từ khoảng cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 mặc dù một số công nhân Việt-Nam đã xuất khẩu qua những nước thuộc khối Tương Trợ Kinh Tế (Council for Mutual Economic Assistance – CMEA) bao gồm cựu Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết và Tiệp Khắc, Ba Lan, và Hung Gia Lợi từ thập niên 1970.
Kiều hối là một đề tài được nghiên cứu khá đầy đủ tại nhiều quốc gia. Nhưng riêng đối với Việt-Nam, đề tài này gần đây mới được chú ý nhưng chưa được thảo luận cặn kẽ. Theo tài liệu của Ngân Hàng Thế Giới đã được tác giả cập nhật hóa, vào năm 2004, Việt-Nam nhận được 2.3 tỉ Mỹ kim (MK), xếp hạng thứ 20 trong số 20 nước tiếp nhận được số lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Đứng đầu danh sách là Ấn Độ (21.7 tỉ MK), tiếp theo sau lá Trung Quốc (21.3 tỉ MK), và Mễ Tây Cơ (18.1 tỉ MK).
Tuy nhiên tính trung bình cho mỗi người lượng kiều hối của Việt-Nam là 27.8 MK, cao hơn Ấn Độ (16.7 MK), Trung Quốc (19.8 MK), Pakistan (24.5 MK), Bangladesh (24.1 MK), nhưng thua xa Phi Luật Tân (134.5 MK). Cũng theo số liệu này, Việt-Nam là một trong 34 nước nhận được số lượng kiều hối trên 1 tỉ MK vào năm 2004. Hoa Kỳ là một nước cung cấp một số lượng kiều hối lớn nhất (24.3%) cho toàn thế giới ở vào khoảng 39 tỉ MK vào năm 2004.
Việt-Nam mới thu thập số liệu và tiếp nhận kiều hối bắt đầu từ khoảng cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 mặc dù một số công nhân Việt-Nam đã xuất khẩu qua những nước thuộc khối Tương Trợ Kinh Tế (Council for Mutual Economic Assistance – CMEA) bao gồm cựu Cộng Hòa Liên Bang Xô Viết và Tiệp Khắc, Ba Lan, và Hung Gia Lợi từ thập niên 1970.
Việc làm tạm thời tại nước ngoài thông thường kéo dài 2-3 năm. Tuy nhiên một số công nhân tìm cách ở lại lâu hơn để kiếm thêm tiền trả phí tổn chuyên chở, lệ phí cho các cơ quan nhà nước và tổ chức trung gian liên quan đến khế ước và giấy phép làm việc.
Kể từ thập niên 1980, để giảm nạn thất nghiệp nghiêm trọng và kinh tế suy xụp, Việt-Nam xuất khẩu công nhân sang những vùng đất mới như Đông Á, Tây Âu và Trung Đông. Trong khoảng thời gian này, số kiều hồi không đáng kể.
Số lượng kiều hối chỉ được nhà nước báo cáo chính thức về cán cân chi phó (balance of payments) kể từ năm 1991 qua các kênh chính chức bao gồm hệ thống ngân hàng, những công ty chuyển tiền có giấy phép, sở bưu điện và quan thuế. Do đó số lượng kiều hối không bao gồm số ngoại tệ đáng kể trong thập niên 1990 gửi bằng những cách không chính thức.
Sau khi Hoa-Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận Việt-Nam vào năm 1994 và tái lập bang giao với Việt-Nam vào năm sau, nhờ có thêm số ngoại tệ do những người Việt định cư ở nước ngoài gửi về, số lượng kiều hối tăng mạnh mẽ từ 170 triệu MK vào năm 1994 lên gần 500 triệu MK vào năm 1995. Trong những năm gần đây, số lượng kiều hối gia tăng một cách đáng kể. Số lượng kiều hối từ 2.1 tỉ MK vào năm 2003 đã tăng lên 2.3 tỉ MK, 3.1 tỉ MK, và 3.5 MK vào ba năm kế tiếp.
Kể từ sau biến cố 11/9/2001, các nước tăng cường biện pháp an ninh, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển ngân để chống nạn khủng bố và rửa tiền. Đây cũng là một trong nhiều lý do làm cho số ngoại tệ gửi chính thức gia tăng. Kết quả là việc chuyển ngân không chính thức giảm xuống. Nhưng trước đó, nhà nước Việt-Nam đã cải tổ luật lệ chuyển tiền và xuất ngoại kể từ giữa thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 như bài này sẽ bàn đến trong phần dưới đây.
Tuy nhiên, số ngoại tệ chuyển không chính thức không thể biết được chính xác. Theo một ước tình dựa trên những cuộc thăm dò, số lượng kiều hối không chính thức ít nhất vẫn bằng nửa con số tiền chuyển chính thức, nhất là đối với Việt-Nam, một nước chưa có một hệ thống ngân hàng tân tiến. Hàng năm khoảng 300,000 - 400,000 người Việt ở hải ngoại về thăm quê nhà và trao tiền mặt hay tặng vật cho thân nhân và bạn bè.
Bài nghiên cứu này không bàn về đề tài phức tạp là cách chuyển tiền, nhưng cũng cần trình bầy một cách vắn tắt rằng một số lượng kiều hối không rõ, được chuyển qua những đường giây không chính thức, không thật sự được chuyển về Việt-Nam mà giữ lại tại nước ngoài.
Một số lượng ngoại tệ tương đương có sẵn ở trong nước được chuyển giao cho người nhận. Trong trường hợp này cả người gửi lần người nhận đều hài lòng, nhưng quốc gia thất thoát một số ngoại tệ.
2. Những biện pháp khuyến khích kiều hối
Số lượng kiều hối gia tăng trong vài năm vừa qua nhờ một số biện pháp khuyến khích người Việt ở hải ngoại và người trong nước ra hải ngoại làm việc gửi tiền về nước như miễn thuế, cho phép lưu trữ và sử dụng ngoại tệ dễ dàng, v.v. Sau đây là một số những biện pháp tích cực mà Việt-Nam đã áp dụng.
Một trong những cách khác để thu hút kiều hối là khuyến khích những người hải ngoại cùng quê quán thiết lập và tài trợ những dự án phát triển quê quán của họ như xây dựng trường học, cầu, giếng nước, bệnh xá, cứu trợ thiên tai, v.v.
a. Chấm dứt những quyết định tuỳ tiện bao gồm cả việc tịch thu số ngoại tệ gửi về Việt-Nam và theo rõi chặt chẽ việc chuyển tiền.
b. Nhà nước ban hành trong khoảng thời gian 1995-2000 một số luật lệ khuyến khích việc di dân, xuất ngoại, xuất khẩu lao động, và gửi tiền về nước
c. Hủy bỏ 5% thuế đánh vào kiều hối kể từ năm 1997 và chấm dứt thuế lợi tức đánh vào kiều hối kể từ năm 1999.
d. Hủy bỏ luật lệ bắt buộc phải nhận tiền Việt khi rút kiều hối ra khỏi ngân hàng kể từ năm 1999. Hiện nay, kiều hối có thể được lưu trữ trong ngân hàng hay rút ra bắng ngoại tệ một cách dễ dàng.
e. Những công ty chuyển tiền lớn như Western Union và Moneygram được phép hoạt động tại Việt-Nam.
f. Bãi bỏ hệ thống hai giá.
g. Nhà nước ban hành Nghị Định số 81-2001-ND-CP cho phép Người Việt hải ngoại được mua nhà để ở tại Việt-Nam.
h. Quyết Định 78 của Thủ Tướng Chính Phủ chỉ thị tăng gia số cơ sở được nhận và chuyển kiều hối ở trong nước.
i. Thông tư liên bộ số 02-2005-TTLT-BKH-BTP-BNG-BCA tái xác nhận quyền mua nhà và giản dị hoá điều kiện đầu tư của Người Việt hải ngoại (thí dụ bỏ mức đầu tư tối đa 30% đối với một công ty nếu công ty này không bị luật Doanh Nghiệp Nhà Nước chi phối.)
Một trong những cách khác để thu hút kiều hối là khuyến khích những người hải ngoại cùng quê quán thiết lập và tài trợ những dự án phát triển quê quán của họ như xây dựng trường học, cầu, giếng nước, bệnh xá, cứu trợ thiên tai, v.v.
Hiện nay ở hải ngoại đã có một số tổ chức từ thiện tư nhân đứng ra làm một số dự án này ở những nơi khác nhau, nhưng mức độ còn nhỏ bé. Lý do là chế độ Việt-Nam hiện nay không có tự do, dân chủ, không tôn trọng nhân quyền, tham nhũng trầm trọng và xã hội đầy rẫy bất công.
Những sự kiện này làm nản lòng đa số người Việt ở nước ngoài khiến họ chưa muốn tích cực tham gia. Ngoài ra nhà cầm quyền Hà-Nội và chính quyền địa phương còn gây trở ngại cho những công tác từ thiện do những tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài, đặc biệt là những tổ chức do người gốc Việt ở hải ngoại hoặc ngay ở trong nước chủ xướng.
Phi Luật Tân vào năm 1974 chỉ nhận được một số lượng kiều hối vào khoảng 103 triệu MK. Vào năm 2004, nước này tiếp nhận được gần 11.6 tỉ MK từ gần 8 triệu công nhân Phi (9% dân số) làm việc tại trên 100 quốc gia gửi về nước. Trung bình là 134.5 MK cho mỗi đầu người.
Yếu tố thành công là Phi đã dự đoán trước và thi hành những chiến lược thu hút kiều hối một cách hiệu quả. Trong 20 năm qua Phi luôn luôn ban hành những luật lệ khuyến khích di dân, xuất cảng lao động, và dành đặc quyền cho những người gửi tiền về nước trong những lãnh vực đầu tư, mua bán đất đai, và miễn trừ thuế, v.v.
Một ưu thế của dân tộc Phi là họ nói thông thạo Anh ngữ và có những trường huấn nghệ để dậy nghề cho dân Phi muốn làm việc ở nước ngoài. Việt-Nam nên học hỏi kinh nghiệm thành công của Phi Luật Tân.
3. So sánh hai nguồn kiều hối: Người Việt hải ngoại và công nhân xuất khẩu
Theo một ước tính dựa vào các dữ kiện của những ngân hàng thương mại, và những cơ sở tài chánh, có khoảng gần 3 triệu Người Việt hải ngoại sống ở 90 quốc gia và lãnh thổ. Khoảng 1.5 triệu người ở Hoa-Kỳ và Canada, nửa triệu người sống tại Tây Âu, và vào khoảng 300,000 người sống ở mỗi vùng như Đông Âu, Úc Châu, và Á châu.
Thu nhập của những Người Việt hải ngoại tương đối cao hơn những công nhân xuất khẩu. Do đó số ngoại tệ gửi về Việt-Nam trung bình của nhóm người này cao hơn con số trung bình của công nhân xuất khẩu.
Có hai loại công nhân xuất khẩu. Loại I kiếm khoảng 100 – 350 MK trung bình mỗi tháng vì ít chuyên môn. Loại II kiếm khoảng 500-600 MK. Ngoài lương bổng, ăn ở được công ty bao thầu. Công nhân xuất khẩu có khuynh hướng gửi tiền nhiếu lần và mỗi lần một ít cho gia đình tiêu dùng.
Số ngoại tệ của nhóm Người Việt hải ngoại chuyển về Việt-Nam chiếm 90% tổng số ngoại tệ của cả hai nhóm. Tuy nhiên tỉ lệ của số ngoại tệ do Người Việt hải ngoại so với số thu nhập tương đối thấp hơn con số tương tự của nhóm công nhân xuất khẩu bởi vì đa số thân nhân của nhóm Người Việt hải ngoại cũng đang ở nước ngoài.
Người Việt hải ngoại có khuynh hướng chỉ gửi tiền vài lần trong nỗi năm, trong những dịp đặc biệt như Tết và những dịp có quan hôn tang tế trong gia tộc. Theo ước tính của những ngân hàng thương mại, và những cơ sở chuyển tiền, mỗi Người Việt hải ngoại chuyển về Việt-Nam khoảng 500 – 1,000 MK hàng năm qua các ngả chính thức. Như vậy tổng số kiều hối do Người Việt hải ngoại gửi chính thức về hàng năm vào khoảng 1.5 – 3.0 tỉ MK.
Trong số 400,000 công nhân xuất khẩu tại 40 nước và lãnh thổ, đa số làm việc tại Mã Lai Á, Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, và Trung Đông. Thị trường lao động xuất khẩu gần đây bành trướng qua Tây Âu. Tin mới nhất cho biết Việt-Nam chuẩn bị gửi công nhân sang làm nghề hàn, cắt cỏ, và y tá tại Hoa-Kỳ trong 2007 từ một đến ba năm.
Có hai loại công nhân xuất khẩu. Loại I kiếm khoảng 100 – 350 MK trung bình mỗi tháng vì ít chuyên môn. Loại II kiếm khoảng 500-600 MK. Ngoài lương bổng, ăn ở được công ty bao thầu. công nhân xuất khẩu có khuynh hướng gửi tiền nhiếu lần và mỗi lần một ít cho gia đình tiêu dùng.
Mỗi công nhân xuất khẩu chuyển về Việt-Nam khoảng 300 – 500 MK hàng năm qua các ngả chính thức. Như vậy tổng số kiều hối do công nhân gửi chính thức về hàng năm vào khoảng 100 – 200 triệu MK. Con số này không kể tiền tiết kiệm do công nhân tích lũy được đem vào Việt-Nam khi họ trở về nước.
Tổng số kiều hối của hai nhóm gửi về việt-Nam hàng năm ở trong khoảng 1.6 – 3.2 tỉ MK. Con số cao ăn khớp với số liệu của cán cân chi phó. Nhà nước tiên đoán kiều hối của năm 2006 là 4 tỉ MK bao gồm 1.5 tỉ từ nguồn xuất khẩu lao động.
Theo cuộc nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới, 60% kiều hối được chuyển về miền Nam (Saigon xuống đến Cà Mâu), 15% về miền Trung (Đà Nẵng xuống đến Ninh Thuận), và 25% còn lại phân phối về miền Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Nội).
Một cuộc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học tại Hà Nội ước tính rằng trong số kiều hối khoảng 4 tỉ MK gửi về Việt-Nam trong năm 2004, 90% của số kiều hồi này được gửi dưới dạng tiền mặt và 10% còn lại dưới hình thức tặng vật.
4. Tầm quan trọng của kiều hối đối với việc phát triển kinh tế
Phân tích cán cân chi phó, người ta thấy ngay là kiều hối đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm sự thiếu hụt cán cân vãng lai (current account balance) cũng như nói chung là cán cân chi phó (balance of payments).

Trong hai năm 2005-2006, số lượng kiều hối lớn hơn gấp hai lần vồn ngoại quốc thực sự đầu tư vào Việt-Nam và gần gấp hai lần tiền Việt-Nam vay từ nguồn ODA (Official Development Assistance) cộng với tiền viện trợ chính thức (official transfers).
Ngoài ra kiều hồi là nguồn ngoại tệ quan trọng đối với nền kinh tế Việt-Nam, đặc biệt đối với nhu cầu nhập cảng máy móc và nguyên liệu cần thiết trong giai đoạn phát triển.
Trong năm 2006, số lượng kiều hối tương đương với 5.7% GDP và đủ khả năng tài trợ 72% cán cân mậu dịch thiếu hụt. Số lượng kiều hối tương đối ổn định hơn những nguồn ngoại tệ khác như vốn vay nợ, tiền viện trợ, v.v.
Ngoài ra số ngoại tệ này thường gia tăng khi có tai biến hoặc kinh tế suy trầm. Do đó kiều hối giúp làm giảm mức độ xáo trộn đột biến có thể ảnh hưởng đến mức tiêu thụ và số lượng ngoại tệ từ những nguồn khác.
Việt-Nam là một nước sản xuất dầu thô và vừa nhận được số lượng kiều hối đáng kể. Do đó Việt-Nam là một trường hợp điển hình để so sánh lợi ích của kiều hối và thu nhập từ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Trong khi số thu nhập về dầu thô lên đến 7.4 tỉ MK trong năm 2005. Số tiền lớn này hoàn toàn nằm trong tay nhà nước với một chế độ độc đảng toàn trị. Việc sử dụng số tiền này một cách hữu hiệu không tránh khỏi những mâu thuẫn liên hệ đến chính trị, giữa quyền lợi của đảng và của nhân dân. Ngược lại, kiều hối gồm nhiều triệu món tiền nhỏ, được phân phối rộng rãi và không qua trung gian nhà nước. Do đó kiều hối không bị ảnh hưởng tiêu cực như số lượng thu nhập từ dầu thô.
Quan trọng hơn cả, trên phương diện thực tế, kiều hối trực tiếp giúp nhiều gia đình nghèo có phương tiện sinh sống và vốn làm ăn. Như vậy kiều hối giúp giảm mức nghèo đói ở Việt-Nam, đặc biệt tại khu vực nông thôn vì phần đông công nhân xuất khẩu lao động phát xuất từ đây.
Một cuộc nghiên cứu 74 nước nghèo đang phát triển cho thấy rằng trung bình số di dân tăng khoảng 10% sẽ làm cho mức nghèo đói ở nước liên hệ giảm 1.6%. Tương tự, khoảng 10% gia tăng của tỉ lệ mức kiều hối so với tổng sản phẩm nội địa (Gross Domestic Product – GDP) sẽ làm mức nghèo đói giảm 1.2%. 10/
Mặt tiêu cực của kiều hối là nếu số lượng kiều hồi gia tăng đáng kể có thể đem lại một rủi ro là làm tăng giá trị đồng bạc Việt-Nam và như vậy sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt-Nam qua sự gia tăng giá xuất cảng. Cho đến nay Việt-Nam tiếp tục thành công trong việc duy trì một chế độ hối suất uyển chuyển một cách quân bình, chưa có dấu hiệu về rủi ro này và tiếp tục hưởng được những lợi ích cuả kiều hối.
Kiều hối có thể dùng để bảo đảm vay vốn với lãi suất thấp một cách hữu hiệu và đã áp dụng ở một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tây, Mễ Tây Cơ, El Salvador, Peru, v.v. Đây là một lợi ích khác của kiều hối cần đề cập đến để sau này Việt-Nam có thể áp dụng khi hệ thống ngân hàng đã được cải tổ và phát triển. Thủ tục tiến hành có thể diễn giải qua một thí dụ về một ngân hàng muốn vay tiền.
Ngân hàng này phát hành trái khoán bảo đảm bằng số kiều hối mà ngân hàng này ước tính sẽ nhận được. Những nhà đầu tư nước ngoài có thể cho ngân hàng vay tiền trước bằng cách mua trái khoán.
Khi kiều hối thật sự chuyển đầy đủ qua một ngân hàng trung gian ở nước ngoài, một phần kiều hối này sẽ được dùng để thanh toán vốn nợ và tiền lời cho các nhà đầu tư. Ngân hàng vay nợ nhận số kiều hối còn lại và lúc đó chuyển tiền đầy đủ cho những người nhận. Ngoài ích lợi là tìm được nguồn tài trợ, ngân hàng vay nợ còn tạo thêm được tín nhiệm trong doanh nghiệp.
5. Kết luận
Để thiết lập được một chính sách kiều hối thich hợp, trước hết Việt-Nam cần phải cải thiện hệ thống thu thập số liệu về kiều hối đồng thời phát triển chương trình di dân và xuất khẩu lao động.
Quan trọng hơn cả, trên phương diện thực tế, kiều hối trực tiếp giúp nhiều gia đình nghèo có phương tiện sinh sống và vốn làm ăn. Như vậy kiều hối giúp giảm mức nghèo đói ở Việt-Nam, đặc biệt tại khu vực nông thôn vì phần đông công nhân xuất khẩu lao động phát xuất từ đây.
Kế hoạch xuất khẩu lao động cần phải cải tổ sâu rộng để chấm dứt tình trạng lạm dụng và bóc lột nhân công qua các trung gian tư nhân hay nhà nước và người sử dụng lao động nước ngoài mà báo chí đã đề cập đến rất nhiều.
Việt-Nam nên hợp tác với những nước xuất cảng lao động như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Dương, Nepal, Phi Luật Tân, Pakistan, Sri Lanka, và Thái Lan để ấn định chính sách chung nhắm bảo vệ quyền lợi của công dân thuộc nước mình ở hải ngoại. Do sáng kiến của Sri Lanka, một hội nghị đầu tiên của 10 quốc gia xuất khẩu lao động đã được tổ chức tại nước này vào năm 2003.
Những tin tức nhận được từ những công nhân xuất khẩu lao động ở Mã Lai, Đài Loan, Ba Lan, và Tiệp Khắc cho thấy các viên chức thuộc Đại Sứ quán Việt-Nam ở những nước này đã không giúp đỡ công dân Việt-Nam khi họ gặp hoạn nạn. Trái lại những viên chức này còn lợi dụng cơ hội để đòi tiền hối lộ của đồng bào.
Kiều hối sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới nhờ chương trình xuất khẩu lao động của Việt-Nam tiếp tục phát triển, trong khi số kiều hối do Người Việt hải ngoại gửi về tương đối ổn định. Việt-Nam dự kiến tăng số công nhân xuất khẩu lao động từ 70,000 người đến 100,000 người mỗi năm kể tử 2007.
Do đó vào cuối năm 2010, Việt-Nam sẽ có khoảng 800,000 công nhân làm việc tại nước ngoài, Với hơn một triệu người mới cần việc làm mỗi năm, chương trình xuất khẩu lao động giúp làm nhẹ bớt nạn thất nghiệp ở trong nước.
Chú thích:
1. Theo Ủy Ban Việt Kiều (2005), trong số 2.9 triệu người Việt ở nước ngoài, có: 240,000 ở Úc, 1,300,000 người ở Hoa-Kỳ, 200,000 người ở Canada, 250,000 ở Pháp, 100,000 người ở Đức, 300,000 người ở Nga và Đông Âu, 40,000 người ở Anh quốc, 15,000 người ở Hòa Lan, 12.000 người ở Bỉ, 30,000 người ở Bắc Âu, 12,000 người ở Nhật Bản, 110,000 người ở Đài Loan, và 100,000 người ở Thái Lan.
2. The World Bank, “Global Economic Prospects – Economic Implications of Remittances and Migration” Washington, DC: 2006.
3. Những con số này lấy từ tài liệu về cán cân chi phó (balance of payments) do Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) cung cấp. Những số liệu về kiều hối của nhà nước Việt-Nam thường cao hơn số liệu của IMF.
4. IMF, “Vietnam: Selected Issues,” Country Report No. 06/20, Washington DC: January 2006.
5. Dang Nguyen Anh, “Enhancing the Development Impact of Migrant Remittances and Diaspora: The Case of Vietnam,” institute of Sociology, Hanoi: August 24, 2005.
6. Việc thi hành luật này cho tới nay chưa được rõ ràng.
7. Việc thi hành luật này cho tới nay chưa được rõ ràng. Vụ bắt bớ hai nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình (Hòa Lan) và nguyễn Đình Hoan (Hoa-Kỳ), và nhiều vụ chưa được tiết lộ đã gây ra ảnh hưởng xấu cho việc đầu tư.
8. Raul Hernandez-Cross, “The Canada-Vietnam Remittances Corridor – Lessons from on Shifting from Informal to Formal Transfer Systems,” The World Bank, Washington, DC,: November 15, 2004.
9. Dang Nguyen Anh, “Enhancing the Development Impact of Migrant Remittances and Diaspora: The Case of Vietnam,” institute of Sociology, Hanoi: August 24, 2005.
10. John Page, Richard H. Adams, “International Migration, Remittances, and Poverty in Developing Countries,” World Bank Policy Research Working Paper, No. 3179: Washington, DC: 2003.