Nói chuyện với nhà báo Võ đắc Danh (phần 1)


2007.09.30

Minh Thuỳ, thông tín viên đài RFA

Nhà báo Võ đắc Danh, cũng là nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu, là tác giả của những Bút ký nổi tiếng: Nỗi Niềm U Minh Hạ, Đồng Cỏ Chát và Thế Giới Người Điên. Qua các bút ký anh trình bày rất sống động những việc thật với những con người thật, đó là những nông dân miền tây suốt đời lam lũ trên cánh đồng để rồi bị trắng tay vì chính sách qui hoạch ruộng đất của nhà nước.

VoDacDanh200.jpg
Nhà báo Võ đắc Danh (Photo của Võ đắc Danh) >> Xem hình lớn hơn

Những doanh nghiệp dựa thế lực Đảng và nhà nước “ăn theo” chủ trương qui hoạch đã lấy đất, lấy nhà người dân, đẩy nông dân vào đường cùng. Bút ký Nỗi Niềm U Minh Hạ được giải 2 Giải thưỏng văn nghệ đồng bằng sông Cửu Long, nhưng bản thân nhà báo Võ đắc Danh gặp nhiều khó khăn trong nghiệp vụ. Minh Thùy có dịp nói chuyện với anh Võ đắc Danh. Mời quí vị theo dõi.

Tác phẩm của Võ đắc Danh : - Nỗi niềm U Minh hạ – Tập bút ký -NXB Trẻ-2001 - Đồng cỏ chát – Tập bút ký-NXB Trẻ-2004 - Thế giới người điên – Báo SGTT-NXB Trẻ-2006 - Thực hiện trên 20 bộ phim tài liệu. - Giải thưởng Liên hoan phim việt Nam lần thứ 12 (1999) với phim tài liệu Con Trâu - Hiện đang công tác tại báo Saigon Tiếp thị. Minh Thùy: Được biết anh từng bị tịch thu thẻ nhà báo vào năm 2003, anh có thể cho biết nguyên nhân và lý do sự việc đó, sau đó thì Hội nhà báo và cơ quan nơi anh cộng tác đối xử với anh ra sao?

Nhà báo Võ đắc Danh: Khoảng cuối năm 2002 tôi viết một bài phiếm luận đăng trên báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. (Bài: Kính thưa nhà thơ Trần mạnh Hảo) Bài này đả kích một số dự án lớn của nhà nước gây lãng phí hàng chục ngàn tỉ đồng, ví dụ như Chương trình ngọt hoá bán đảo Cà mau, Hệ thống cảng cá, những công trình ngăn lũ, vượt lũ, thoát lũ, đặc biệt trong này có dự án 41 nhà máy đường, tiêu tốn 26 ngàn tỉ đồng, nhưng bị phá sản, mất khả năng thanh toán.

Thật ra các sự kiện tôi dẫn ra trong bài báo không có gì mới, nhưng vì nó được mô tả với giọng văn châm biếm nên dễ gây “sóc”, lúc đó tôi đứng giữa 2 luồng dư luận tương phản trắng đen, các tầng lớp đọc giả thì ủng hộ rất nhiệt tình, họ photo bài báo và chuyền tay nhau đọc, còn phía quan chức thì phản ứng quyết liệt, ví dụ Văn phòng chính phủ, Bộ Văn hoá gởi các công văn đến các nơi có liên quan đề nghị xử lý nghiêm khắc.

Trong cuộc họp tại tòa soạn báo Người Lao Động tôi đã thuyết trình toàn bộ vấn đề đã đặt ra trong bài báo, thì lãnh đạo báo Người Lao Động cho là tôi đúng, còn cấp trên nữa thì cho là tôi sai. Hai bên cãi qua cãi lại, thì mình cứ nghĩ như thế thì huề !?

Nhưng 6 tháng sau thì Bộ văn hóa thông tin đơn phương ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo. Lúc bấy giờ có nhiều anh bạn luật sư bảo tôi làm đơn kiện vì quyết định này vi phạm luật báo chí, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì tôi thấy thôi, làm vậy cũng chẳng đi đến kết quả gì, tốt nhất nên dành thời gian làm nghề cho có ích hơn.

Thật ra các sự kiện tôi dẫn ra trong bài báo không có gì mới, nhưng vì nó được mô tả với giọng văn châm biếm nên dễ gây “sóc”, lúc đó tôi đứng giữa 2 luồng dư luận tương phản trắng đen, các tầng lớp đọc giả thì ủng hộ rất nhiệt tình, họ photo bài báo và chuyền tay nhau đọc, còn phía quan chức thì phản ứng quyết liệt, ví dụ Văn phòng chính phủ, Bộ Văn hoá gởi các công văn đến các nơi có liên quan đề nghị xử lý nghiêm khắc.

Minh Thùy: Đến bây giờ thì anh đã nhận được lại thẻ nhà báo chưa ?

Nhà báo Võ đắc Danh: Đến bây giờ họ cũng không cấp lại, lúc đó tôi đang là Trưởng đại diện của báo Người lao động ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng có điều trước sự cố như vậy thì các cơ quan báo chí có thiện cảm với mình hơn, sau đó thì nhiều tờ báo mời mình đến làm việc. Từ đó đến nay tôi cũng cộng tác với nhiều tờ báo ở thành phố.

Minh Thùy: Anh là tác giả của bút ký gây xôn xao dư luận nhiều nhất là Nỗi niềm U Minh hạ, nhân đây anh có thể cho biết vì sao có Nỗi niềm U Minh hạ, Đồng Cỏ Chát và Thế Giới Người Điên ra đời, qua các bài bút ký này, anh muốn gửi gấm tâm sự hay bày tỏ ý kiến gì về thân phận của người nông dân hiện nay ?

Nhà báo Võ đắc Danh: Tôi nhớ một triết gia ngưòi Đức có nói một câu nổi tiếng là: “Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại và chăm lo riêng cho bộ da của mình.” Tôi rất tâm đắc câu nói này, tôi nghĩ người cầm bút có lương tâm thì luôn luôn đứng về phía nhân dân, đi từ nỗi đau của nhân dân, mà đất nước Việt Nam có đến 90% là nông dân, trong đó có tôi, một người nông dân cầm bút, thì đó chính là lý do khiến cho phần lớn tác phẩm của tôi mang bóng dáng thân phận của ngưòi nông dân, chỉ vậy thôi.

Minh Thùy: Đọc bút ký Nỗi niềm U Minh hạ, Đồng Cỏ Chát và Thế Giới Người Điên của anh, kể những cảnh nghèo khổ, những nỗi oan ức của nông dân vì bị mất đất, mất nhà làm tôi nhớ đến truyện ngắn trước kia của Phùng gia Lộc: Cái Đêm Hôm ấy Đêm gì, nhưng so ra nỗi đau khổ của người nông dân miền tây của anh còn nhiều gấp trăm lần nhân vật trong truyện của PGL.

Những bút ký anh viết đều lấy từ nguyên bản trong cuộc sống của người nông dân phải không? Có cảnh ngộ của nông dân ở nơi đâu bị oan ức nhất làm anh quan tâm nhiều nhất?

Nhà báo Võ đắc Danh: Tất nhiên đã là bút ký thì luôn luôn ghi chép từ nguyên bản của đời sống. Đã có không ít lần sau khi đọc vài bút ký của tôi trên báo thì các nhà chức trách đã cho đối chiếu, xác minh để xem có đúng thực tế không. Chính nhờ yếu tố trung thực của thể loại ký nên đã thu phục nhân tâm của người đọc, và chính nhờ vậy bản thân tôi cũng không gặp chuyện phiền hà.

Tôi nghĩ câu hỏi sau của chị cũng khó trả lời bởi vì nông dân hiện nay ở đâu đâu cũng có những bi kịch, mỗi vùng mỗi khác. Có thể nói đất nước Việt Nam từ hàng ngàn năm nay được dựng nên từ một nền nông nghiệp, trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh giữ nước thì người nông dân luôn luôn là đội quân chủ lực nhưng cuối cùng thì họ lại trở thành nạn nhân của những phiền toái, bất công, vẫn nằm trong số đông những người nghèo khổ, chính vì lẽ đó mà thân phận người nông dân luôn luôn là đề tài làm tôi ray rứt.

Minh Thùy: Như anh nói là những bài bút ký của anh trình bày trung thực những cảnh ngộ xảy ra cho nông dân, và nhờ đó chính quyền cũng quan tâm đến những chuyện xảy ra như vậy, thì sau khi họ xác minh những điều nêu ra là trung thực thì họ có biện pháp như thế nào không, họ có sửa đổi hay có biện pháp xử lý những người gây ra nỗi oan ức cho nông dân ?

Tất nhiên đã là bút ký thì luôn luôn ghi chép từ nguyên bản của đời sống. Đã có không ít lần sau khi đọc vài bút ký của tôi trên báo thì các nhà chức trách đã cho đối chiếu, xác minh để xem có đúng thực tế không. Chính nhờ yếu tố trung thực của thể loại ký nên đã thu phục nhân tâm của người đọc, và chính nhờ vậy bản thân tôi cũng không gặp chuyện phiền hà.

Nhà báo Võ đắc Danh: Tôi nghĩ đôi khi mình nói những điều đụng chạm đến uy tín, trách nhiệm của họ thì họ đi xác minh thử xem mình viết có đúng không để xử lý người viết thôi, chứ không phải xác minh để quan tâm, giải quyết những vấn đề mình đặt ra.

Minh Thùy: Như vậy có bao giờ qua những bút ký, phóng sự đó mà anh bị xử lý không?

Nhà báo Võ đắc Danh: Lẽ ra thì tôi đã bị xử lý rất nhiều lần nếu như trong đó có vài chi tiết sai sự thật nhưng cũng may là mình biết được 10 nhưng chỉ nói có 7 thôi. Khi họ đi xác minh thì kết quả cho thấy mình nói chưa hết sự thật cho nên mình thoát được là nhờ xử lý các thông tin như thế.

Minh Thùy: Là nhà báo kiêm đạo diễn phim tài liệu, anh đã thâm nhập thực tế cuộc sống của nông dân và quan sát những vấn nạn xảy ra từ những vùng xa xôi hẻo lánh đến vùng đất mới vào qui họach, theo anh thì nguyên nhân nào đưa đến thảm cảnh của nông dân hiện nay? Phải chăng có doanh nghiệp đã dựa vào những chủ trương qui hoạch đất đai của nhà nước để cướp đất của nông dân không ?

Nhà báo Võ đắc Danh: Tôi là người viết ký nên có thói quen là nói có sách mách có chứng cho nên tôi chưa có đủ cơ sở để dùng từ gọi là cướp đất như chị đặt ra. Thực tế hiện nay thì người ta đang dùng cái cụm từ là “đền bù, giải toả” tức là khi đất bị lọt vào khu qui hoạch thì ngưòi chủ đất được nhà đầu tư đền bù thiệt hại theo qui định của nhà nước, ví dụ chị có khu đất nằm trong qui hoạch, chị sẽ được đền bù từ 30.000 đến 100.000 đồng trên 1 mét vuông.

Sau khi nhà đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng thì giá đất ở đó có thể lên tới 5, 7, hay 10 triệu trên mét vuông hay hơn thế nữa thì đó là việc của họ, chị không được chia phần.

Minh Thùy: Như vậy là người đầu tư được hưởng lợi và đẩy thiệt thòi về phía những người dân có nhà đất bị rơi vào vùng qui hoạch rồi ?

Nhà báo Võ đắc Danh: Đúng rồi... tôi chỉ là người nêu thực trạng đó thôi, còn phân tích thực trạng đó như thế nào thì để cho người đọc tự phân tích.

Minh Thùy: Thường thì những người có ruộng, có đất rơi vào khu qui hoạch thì họ gần như bị cưỡng ép phải ra đi khỏi nơi đó phải không?

Tôi là người viết ký nên có thói quen là nói có sách mách có chứng cho nên tôi chưa có đủ cơ sở để dùng từ gọi là cướp đất như chị đặt ra. Thực tế hiện nay thì người ta đang dùng cái cụm từ là “đền bù, giải toả” tức là khi đất bị lọt vào khu qui hoạch thì ngưòi chủ đất được nhà đầu tư đền bù thiệt hại theo qui định của nhà nước, ví dụ chị có khu đất nằm trong qui hoạch, chị sẽ được đền bù từ 30.000 đến 100.000 đồng trên 1 mét vuông.

Nhà báo Võ đắc Danh: Có nhiều cách, có khi họ bị dụ dỗ, mua chuộc, bị hăm dọa thậm chí bị cưỡng chế nếu họ chống lại dự án đó. Từ việc cải tạo nông nghiệp cho đến qui hoạch các đô thị mới dẫn tới xáo trộn ruộng đất, dẫn tới các vụ khiếu kiện của người dân hiện nay chứ không phải chỉ vì qui hoạch không thôi.

Minh Thùy: Theo nhân định của anh thì vấn đề qui hoạch nông thôn, thành thị hiện nay của nhà nước có đúng hướng không? Có hợp với lòng dân không? Tôi cảm thấy khi người ta dứt người nông dân ra khỏi đồng ruộng sẽ gây ra đau khổ cho nông dân nhiều hơn ?

Nhà báo Võ đắc Danh: Mình chỉ là người cầm bút đi chia sẻ những mất mát, những nghịch lý dẫn đến nỗi đau của người nông dân nhưng với sự cảm nhận của tôi, thì tôi nghĩ:

Việc qui hoạch phát triển đô thị, xây dựng các khu công nghiệp, là nhu cầu tất yếu, là qui luật tất yếu đối với bất kỳ quốc gia nào đang phát triển, nhưng nó sẽ phù hợp với lòng dân và tránh được sự xáo trộn cho nông dân nếu như các nhà qui hoạch biết đặt quyền lợi của nông dân lên trên hàng đầu của các đề án qui hoạch, trước khi họ tính đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Bởi vì suy cho cùng việc phát triển đô thị hay phát triển các khu công nghiệp, thì mục tiêu hàng đầu của các dự án này vẫn là sự an sinh xã hội tức là vì lợi ích cộng đồng chứ không phải vì lợi ích của một số ngưòi có thế lực.

Cho nên theo tôi nếu một khu đô thị mới mọc lên, một số người làm chủ dự án hốt bạc bên cạnh đó hàng trăm nông dân được đền bù một số tiền tượng trưng rồi sau đó đi vào ngõ cụt của sự tăm tối thì đây là sự nghịch lý không thể nào chấp nhận được. Bản thân tôi đã từng viết những bút ký ghi nhận những bức tranh như thế nhưng dường như nó chẳng có tác dụng gì cả.

Minh Thùy: Cám ơn nhà báo Võ đắc Danh đã trả lời phỏng vấn. Mời quí vị nghe tiếp phần 2 trong chương trình tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.