Gia đình nạn nhân người Mỹ gốc Việt, 5 năm sau vụ khủng bố 11/9


2006.09.11

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Cho đến nay, kể từ năm 2001, cứ đến ngày 11- 9 thì người dân Hoa Kỳ lại nhớ đến biến cố kinh hoàng xảy ra tại World Trade Center, New York và Pentagon hay còn gọi là Ngũ Giác Đài ở Washington, DC.

KhangNguyen150.jpg
Anh Nguyễn Ngọc Khang.

Và kể từ năm 2002, cứ đến ngày này, thì ở ngay tại mộ bia hình ngũ giác trong nghĩa trang quốc gia Arlington, lại có một buổi lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho những người đã tử nạn tại Ngũ Giác Đài và 184 người trên chuyến bay định mệnh đâm vào Ngũ Giác Đài năm xưa.

Trên mộ bia đó, có tên một người Việt Nam duy nhất, Nguyễn Ngọc Khang, người đã làm việc tại Ngũ Giác Đài không may bị tử nạn, để lại vợ, Hồ Nguyễn Tú và con trai, Nguyễn Hồ Ngọc An, năm ấy vừa tròn 4 tuổi. Sau biến cố ấy cuộc sống của chị và bé An ra sao? Hôm nay, cũng là ngày 11- 9, Phương Anh xin mời quí vị nghe những tâm tư của chị cùng bé Ngọc An.

Thưa quí vị, trước hết, Phương Anh xin có đôi lời về anh Nguyễn Ngọc Khanh. Anh sinh năm 1960 ở miền Nam Việt Nam. Anh đến Mỹ cùng với cha năm 1975 vì mẹ và 8 người anh chị em khác bị thất lạc trong khi di tản. Năm 1981, cả gia đình được đoàn tụ. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư điện tại trường University of Maryland, anh làm việc cho Bộ Quốc Phòng được 13 năm.

Ngày định mệnh

Vào tháng 3, năm 2001, anh chuyển sang làm cho Hải Quân Hoa Kỳ và làm việc ngay tại Ngũ Giác Đài. Hôm nay, từ Fairfax, Virginia, chị Tú, vợ anh hồi tưởng lại ngày này 5 năm trước đây:

Sáng hôm đó, cũng bình thường như mọi ngày, mình dẫn cháu An ra xe bus để đi học. Anh Khang ở trong nhà để sửa soạn đi làm. Khi xe bus bắt đầu chạy, anh Khang đột nhiên ở trong nhà chạy vụt ra, chạy theo xe và nói lớn: “An, bye bye daddy lần nữa đi con!” Thằng nhỏ ngó qua cửa sổ xe và vẫy tay chào ba nó. Sau đó mình và anh Khanh đi làm.

“Sáng hôm đó, cũng bình thường như mọi ngày, mình dẫn cháu An ra xe bus để đi học. Anh Khang ở trong nhà để sửa soạn đi làm. Khi xe bus bắt đầu chạy, anh Khang đột nhiên ở trong nhà chạy vụt ra, chạy theo xe và nói lớn: “An, bye bye daddy lần nữa đi con!” Thằng nhỏ ngó qua cửa sổ xe và vẫy tay chào ba nó. Sau đó mình và anh Khanh đi làm.

Khi mình vô sở chút xíu thì nghe tin World Trade Center và coi tivi nhỏ trong sở, một chút xíu sau thì thấy Pentagon cháy, khói…Mình lập tức chạy về bàn của mình và gọi điện thoại vào thì lúc đó đường dây đứt hết rồi, không gọi được nữa. Một lát sau thì sở mình cũng cho đi về. Mình cũng đinh ninh là con số người làm việc ở Pentagon rất lớn, ngay thời điểm đó, Tú không bao giờ nghĩ là anh Khang bị nạn.

Chờ tới 3 giờ chiều, Tú gọi điện thoại cho tất cả những người quen biết làm ở Pentagon, nhưng cũng chưa có ai về, nên Tú cũng hy vọng là chắc anh phải đi xe, hay đi bộ nên chưa về nhà kịp. Đến 5, 6 giờ chiều thì hai, ba người bạn đã về tới nhà rồi. Sau đó, Tú coi theo dõi tivi và biết là phần bị cháy là của bên Hải quân, mình rất sợ vì anh Khang làm cho Hải quân.

Một lát họ thông báo trên tivi số điện thoại để gọi lên báo cho họ biết. Tú gọi lên và họ ghi tên anh Khang. Đến 9 giờ tối cũng không thấy gì hết, mình rất sợ. Tối hôm đó, Tú nhờ ba Tú chở đi khắp các bệnh viện gần đó để kiếm anh Khang, nhưng họ nói không có tên. Mình chạy vào Pentagon thì họ đã chặn không cho vào.

Tối hôm đó cho đến sáng, cứ một tiếng đồng hồ là điện thoại reng của Pentagon, mình rất sợ, run cầm cập, nhưng họ cũng không biết tin gì hết, họ chỉ muốn vấn an tinh thần mình vậy thôi…Sáng sớm hôm sau, Tú đến Pentagon, khu anh Khang làm việc thì mình thấy khói mù mịt, không ai thở được thì mình biết là xác xuất anh Khang còn sống rất nhỏ, có lẽ không có nữa, vì cháy 24 tiếng như thế thì chỉ cần kẹt 1, 2 phút thôi là chết rồi…

Chiều hôm đó, Pentagon có cử người xuống và báo là anh Khang mất tích. Cả nhà hôm đó coi như rất buồn và không còn hy vọng nữa.”

Bé Nguyễn Hồ Ngọc An

Với cậu bé Nguyễn Hồ Ngọc An, vừa mới được ba cho quà sinh nhật tròn 4 tuổi hai ngày trước đó, thì vẫn hồn nhiên chờ anh Khang trở về hôm ấy. Rồi những chuỗi ngày sau đó, chiều đến, cháu An vẫn chờ ba đi làm về như mọi ngày để chơi với em. Chị kể tiếp: “Sau khi sinh nhật cháu 2 ngày thì anh Khang mất. Cháu không hiểu gì hết, chỉ biết là ba đi không về, và nó cứ hỏi hoài. Mặc dù mình lo cho cháu nhiều hơn vì anh Khang đi làm và hay đi công tác, nhưng cháu rất thích ba nó, nên cứ hỏi hoài.

Ông bà ngoại của cháu mới nói là ba đi lên thiên đàng rồi. Hôm người ra đem xe của anh Khang ở Pentagon về, nó mừng lắm, chạy ra ngó, nó thấp nên không đứng tới, nên nó cứ nhảy lên nhảy xuống để nó kiếm ba nó trong xe, rồi không thấy, nó khóc và hỏi là tại sao ba không về?”

Ngày 12- 9, lúc em đứng ở trên cầu Pentagon thì người ta gọi giao nhà, em nói rằng em không thể nào nhận được vì chồng em đang bị nạn ở Pentagon…Bây giờ mỗi khi mình chở cháu đi ngang căn nhà đó, tình cờ thôi, thì nó lại khóc la, mở dây an toàn, có khi tông cửa xe đòi chạy vô căn nhà đó và cứ nói là ba nó trốn ở trong nhà đó.

Được biết, sau nhiều năm làm việc cực khổ, cả hai vợ chồng anh đã dành dụm được một số tiền để mua đất xây nhà. Ngày 12 tháng 9 cũng là ngày anh chị được cầm chià khoá căn nhà đó. Thế nhưng, biến cố 911 đã hoàn toàn đảo lộn cuộc sống. Chị tâm sự:

“Ngày 12- 9, lúc em đứng ở trên cầu Pentagon thì người ta gọi giao nhà, em nói rằng em không thể nào nhận được vì chồng em đang bị nạn ở Pentagon…Bây giờ mỗi khi mình chở cháu đi ngang căn nhà đó, tình cờ thôi, thì nó lại khóc la, mở dây an toàn, có khi tông cửa xe đòi chạy vô căn nhà đó và cứ nói là ba nó trốn ở trong nhà đó.

Mình cố gắng giải thích cách mấy đi chăng nữa, chaú cũng không hiểu. Những lúc đó, Tú cũng không lái xe được vì cháu làm quá nên mình cũng buồn và khóc theo luôn. Sau này, mình phải tránh luôn con đường đó, không đi ngang đó nữa. Bây giờ mỗi ngày mỗi lớn, cháu hiểu rồi…

Mỗi khi ngày Father’s Day, thì nó hỏi là: con không biết tại sao lâu quá ba không về chơi với con, ba ở trên thiên đàng vui lắm hay sao mà không về chơi với con? Lúc đó là cháu khoảng 5, 6 tuổi.

Bây giờ cháu tin là ba cháu ở trên thiên đàng và hiểu là mất đi thì thân xác để lại, và linh hồn trên thiên đàng nên mỗi khi ở trường, cháu được khen, được thưởng, thì cháu đem những bằng khen để trên bàn thờ cho ba cháu xem.”

Mơ ước

Phương Anh cũng gặp được cháu Nguyễn Hồ Ngọc An, và được nghe cháu tâm sự. Cũng xin nói rằng vì tiếng Việt của cháu không giỏi nên cháu nói bằng tiếng Anh và xin chuyển ngữ như sau:

“Ba con cao, đẹp trai và thương con lắm. Con tin chắc rằng ba con đang ở trên thiên đàng. Con có hình của ba con. Con muốn trở thành phi hành gia để đi tìm ba con.” Chị Hồ Nguyễn Tú nói thêm về ước mơ của con mình: “Cháu có nhiều hình ảnh, sách về không gian. Hồi 5 tuổi, có hôm cháu nhìn lên bầu trời và nhìn lâu lắm. Em cũng ngạc nhiên lắm.

Hôm đó, nó ngồi bên cửa sổ nhìn lên bầu trời rất lâu và một hồi sau quay lại nói với em: Mẹ có thể gọi phone cho ba được không? Em hỏi là ba con ở đâu? Cháu mới nói rằng: ba con ở trên trời, con muốn mai mốt con làm phi hành gia, con lên trên trời kiếm ba.”

Ba con cao, đẹp trai và thương con lắm. Con tin chắc rằng ba con đang ở trên thiên đàng. Con có hình của ba con. Con muốn trở thành phi hành gia để đi tìm ba con.

Cũng như bao thân nhân của người tử nạn trong vụ khủng bố 911, 5 năm đã qua, nhưng không giây phút nào chị có thể quên được ngày kinh hoàng ấy. Nhưng vì cuộc sống chi bắt buộc phải nén nỗi đau trong lòng để tiếp tục sống và nuôi con. Chị tâm sự:

“Mỗi người có bản năng sinh tồn, mình phải đứng lên. Cho đến ngày hôm nay, Tú đi làm và lái xe của anh Khang, trên con đường đi làm của anh Khang và Tú, mình rất buồn, và khóc ở trên xe.

Mặc dù 5 năm rồi, nhưng khó có ai mà quên, tại vì chuyện khủng bố mỗi ngày nó vẫn còn xảy ra ở trên thế giới này, rồi ti vi, radio, báo chí nhắc nhở cho nên giống như vết thương của mình không bao giờ lành, nó cứ gợi nhớ hoài.

Thời gian đầu mình rất buồn, nhưng nó chưa thấm, và bây giờ mỗi ngày, mỗi ngày nó thấm dần. Sự thiếu vắng ở trong nhà, con không cha, có những lúc thằng nhỏ muốn chơi banh nhưng không ai chơi với nó hết. Có những chuyện rất nhỏ nhặt như cắt cỏ, tưới cây…mình mới cảm thấy không có chồng mình thì sẽ như thế nào…không có cha thì con như thế nào…Em không thể làm gì khác hơn được nữa, mình vẫn phải cố gắng tiếp tục sống.”

Vết thương khó lành

Thưa quí vị, có câu nói rằng: thời gian sẽ làm quên đi tất cả. Nhưng trong trường hợp của chị Hồ Nguyễn Tú, thì có lẽ, càng ngày nỗi buồn càng thấm sâu hơn, ngày qua ngày, vết thương như chẳng bao giờ lành, chị cho hay: “Từ hồi anh Khang mất tới giờ, không đêm nào là em không thức dậy ít nhất là một lần, lúc nào cũng lo sợ trong đầu, cứ hai ba ngày lại nằm mơ thấy anh Khang, có khi biết là anh Khang mất rồi, có khi thì thấy anh sinh hoạt bình thường trong gia đình, đi chơi với em, với cháu An…Hiện tại cuộc sống của em cũng như khi còn anh Khang, đi làm và đóng góp cho xã hội..

Trong mấy năm qua, có những lúc em tưởng mình quỵ xuống, không phải chỉ chuyện đi làm cực khổ mà còn về tinh thần, về bên ngoài xã hội nữa, nhiều chuyện xảy ra quá, nhưng em vẫn phải cố gắng. Cháu An bây giờ hiểu biết thêm, rất ngoan, nghe lời mẹ, chăm học, đó là phần thưởng của em, là niềm vui của rồi.

Từ hồi anh Khang mất tới giờ, không đêm nào là em không thức dậy ít nhất là một lần, lúc nào cũng lo sợ trong đầu, cứ hai ba ngày lại nằm mơ thấy anh Khang, có khi biết là anh Khang mất rồi, có khi thì thấy anh sinh hoạt bình thường trong gia đình, đi chơi với em, với cháu An…

Mặc dù anh Khang mất trong vụ khủng bố, là một điều không may cho gia đình, anh là một người Việt Nam duy nhất tử nạn trong Pentagon, nhưng em và gia đình không bao giờ hối tiếc là đã đến nước Mỹ, vì không riêng gì em, anh Khang, mà tất cả những người tị nạn Việt Nam đến đây đều được chính phủ Mỹ giúp đỡ, được tự do, con cái có tương lai…

Còn chuyện khủng bố thì ở đâu bây giờ cũng có thể xảy ra hết. Bọn khủng bố là kẻ thù của toàn thế giới rồi. Em cứ nghĩ là đó là phần số của mình, cho dù buồn lắm, mình vẫn phải cố gắng sống thôi.”

Quí vị và các bạn vừa nghe những lời tâm tình của chị Hồ Nguyễn Tú, vợ của anh Nguyễn Ngọc Khang, người Việt Nam duy nhất không may bị tử nạn tại Ngũ Giác Đài trong ngày khủng bố 9-11. 5 năm đã trôi qua, cuộc chiến chống khủng bố vẫn còn kéo dài.

Cho đến bây giờ, những gia đình là nạn nhân của biến cố 911 vẫn còn bị ảnh hưởng nặng nề về mọi mặt, về tinh thần, trong đó có chị Hồ Ngọc Tú và cháu Nguyễn Hồ Ngọc An.

Ước mong một ngày không xa, cuộc chiến này sẽ chấm dứt để không còn ai phải lo sợ và mọi người dân trên toàn thế giới sẽ thực sự vui hưởng cuộc sống an bình. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại qúi vị và các bạn trong chương trình kỳ sau.

Thông tin trên mạng:

- September 11, 2001 Victims

Những bài liên quan

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.