Những hạn chế về vấn đề học tiếng Anh ở Việt Nam


2006.10.24

Phương Anh, phóng viên đài RFA

Vào ngày 12/10, trên Tuổi Trẻ Online, có bài đề cập đến vấn đề học sinh ở Việt Nam học sinh ngữ 7 năm ở trường phổ thông, nhưng sau đó lại không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh, cho dù có đi học thêm ở các trung tâm đi chăng nữa. Hầu như chữ trả cho thầy ngay sau khi tốt nghiệp.

YouthStudent200.jpg
Mặc dầu đã học sinh ngữ 7 năm ở trường phổ thông, nhưng học sinh sau đó lại không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. AFP PHOTO

Cũng theo bài báo, một cuộc khảo sát bỏ túi cho thấy 86,8 % học sinh lớp 12 tự nhận mình không có khả năng hay sự tự tin để giao tiếp với người nước ngòai bằng tiếng Anh dẫu cho chỉ là những câu xã giao thông thường.

Trong mục Câu Chuyện Hàng Tuần kỳ này, Phương Anh mời quí vị nghe những ý kiến của phụ huynh, của giáo viên giảng dậy môn Anh Văn, của các em học sinh phổ thông và các em sinh viên tốt nghiệp đại học ngành ngoại ngữ về vấn đề học tiếng Anh. Theo lời ông Nhu, một phụ huynh cư ngụ ở quận 1, TPHCM, thì việc học Anh Văn ở trường phổ thông chẳng giá trị gì cả. Ngay từ khi con ông vào lớp 6 thì ông đã lo cho con theo học tại Trung Tâm Hội Việt Mỹ cho chắc ăn. Ông nói:

“Con tôi học Hội Việt Mỹ, nhưng chỉ coi phim dịch được thôi, còn nếu có một người Mỹ mà đối thoại thì rất khó, rất ngượng ngùng, mặc dù đã đi học ở trung tâm rồi. Tôi nghĩ là vì giờ quá ít, các tiết học toàn là Việt Nam dậy nên đâu có đối thoại liên tục đâu. Ở phổ thông thì thua chắc, ở trung tâm với kỹ năng “nghe, đọc” còn chưa ăn ai, vì chỉ học cơ bản thôi, giáo án sách vở…

Con gái tôi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, dịch và đọc thì giỏi, nhưng nói thì rất khó. Những tài liệu dịch tiếng Anh sang tiếng Việt, hay tiếng Việt dịch sang tiếng Anh rất giỏi, hơn nhiều người vì nó có học thêm Hội Việt Mỹ. Nhưng nói thì vẫn thua.”

Chạy theo giáo án

Con gái tôi tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, dịch và đọc thì giỏi, nhưng nói thì rất khó. Những tài liệu dịch tiếng Anh sang tiếng Việt, hay tiếng Việt dịch sang tiếng Anh rất giỏi, hơn nhiều người vì nó có học thêm Hội Việt Mỹ. Nhưng nói thì vẫn thua.

Theo lời cô giáo Ngân, một giáo viên đang dậy Anh Văn ở một trường phổ thông cơ sở tại quận Tân Bình, thì vì phải chạy theo giáo án, nên không có thời gian luyện tập các kỹ năng cho học sinh. Vì thế:

“Học để đối phó với thi cử tnên phần lớn, học trò chỉ tập trung văn phạm, nghe và giao tiếp thì ít, nên khi ra ngoài giao tiếp thì không tự tin và không quen. Cái đó là hạn chế, cũng đang muốn khắc phục mà chưa thấy được bao nhiêu.

Thầy cô giáo chủ yếu cũng chỉ cho làm bài tập, cũng ít rèn luyện. Bây giờ có nghe băng, nghe cassette, chứ hồi trước là học “chay” mà thôi. Cách đây hai năm, thầy đọc thì trò chép, trò ghi bài tập, rồi làm, học rất thụ động.”

Chính bản thân cô Ngân cũng xác nhận rằng, tuy học sinh được học 7 năm Anh Văn ở phổ thông, nhưng sau khi tốt nghiệp, các em lại quên hết, chữ trả cho thầy, lý do thật dễ hiểu, vì: “Vô trường cũng không được rèn luyện, không được tiếp xúc, nên rốt cục kết quả cũng không được như mong muốn. 7 năm học, văn phạm thì được nhưng giao tiếp thì không có khả năng giao tiếp. Lúc dậy, thầy cô cũng không dậy cho các em tiếp xúc nói nhiều, chỉ văn phạm và luyện tập bài là chính.”

Một giáo viên Anh Văn khác, dậy thêm tiếng Anh cho các em tại nhà ở quận Bình Thạnh, thì có ý kiến: “Vì chương trình của nhà trườngkhông dậy giao tiếp nhiều mà chủ yếu là ngữ pháp, từ vựng để học trò làm bài, chứ giao tiếp thì không có, tình hình chung là như thế. “Nghe và nói” là thiếu.”

Được biết, trong thời gian gần đây, để nâng cao kỹ năng “nghe” cho các em học sinh, hầu hết các trường phổ thông đều trang bị phòng lab, thế nhưng, thực tế ra sao, cô nói tiếp:

“Có nhưng rất ít, số lượng không đủ đáp ứng cho số học sinh, coi như tượng trưng, chứ không phổ biến. Tình hình chung thì ngay cả giáo viên nghe cũng khó chứ không phải học sinh. Học ngoại ngữ khó nhất là nghe, nghe không được nên hạn chế, và mình nói nhiều khi người ta cũng không hiểu, cả nước mình là như vậy.”

Quá khô khan

Đó là ý kiến của các giáo viên, thế còn các học sinh thì sao? Em Nguyễn Minh Phúc, hiện đang học lớp 10, trường phổ thông trung học Nguyễn Du thì hầu hết em và các bạn đều cho rằng các thầy cô dậy rất khô khan. Em nói:

Có nhưng rất ít, số lượng không đủ đáp ứng cho số học sinh, coi như tượng trưng, chứ không phổ biến. Tình hình chung thì ngay cả giáo viên nghe cũng khó chứ không phải học sinh. Học ngoại ngữ khó nhất là nghe, nghe không được nên hạn chế, và mình nói nhiều khi người ta cũng không hiểu, cả nước mình là như vậy.

“Dậy cơ bản lắm, nhiều khi chán, không muốn học, cũng có giờ học để tập nói, nhưng cũng tùy theo giáo viên…Chỉ dậy theo sách giáo khoa mà thôi, không có tí gì ở ngoài cả. Một tuần có 4 tiết, chia ra làm 4 phần: nghe, nói, đọc, viết…Mỗi tiết một chủ đề. Nếu mà học phụ thuộc vào phổ thông không thôi, đa số đều không giao tiếp được với người nước ngoài.”

Riêng với tiết “nghe” Anh Văn “nghe” thì: “Chỉ bật một máy cassette rồi nghe chung cả lớp, nghe một đoạn rồi trả lời những câu hỏi liên quan đến vấn đề được nói đến.”

Em Thảo Ly, nữ sinh lớp 8 trường Hai Bà Trưng ở TPHCM, thì cho biết ý kiến: “Nói chung, thầy dậy cũng được, nghe thì học trong phòng lab thôi, thầy không cho các bài học nâng cao. Trong trường, nói chung là ít nói lắm.

Nếu học theo phần Grammar thì học ở lớp, còn listen thì học ở phòng lab. Phòng lab có 50 máy, có 47 học sinh, nếu máy nào hư thì bù vô chỗ dư đó. Năm ngoái, các cô cho nghe một tháng một lần, năm nay một tháng thì nghe 3 lần.

Các bạn không đi học ở trung tâm thì nói không được, tại vì tiết học ít quá nên thầy chỉ dậy những thứ trong sách thôi, còn ngoài trung tâm thì mới đi sâu và nâng cao hơn. Còn trong trường thì không có thời gian nên chủ yếu là đi cho hết bài thôi, không cặn kẽ lắm.”

Khi hỏi thăm em Nguyễn Văn Duy, lớp 11 trường phổ thông Nguyễn Khuyến, thì được biết trong giờ sinh ngữ, chỉ xử dụng 25% tiếng Anh, nên đối với em, môn học này:

“Không thích lắm tại vì không có giao tiếp, toàn là ngữ pháp, ít nói lắm. Chỉ khi thuyết trình theo đề tài thì nói bằng tiếng Anh, còn thường thì ít nói bằng tiếng Anh lắm. Học phòng máy thì hai buổi, nghe liên tục khoảng chừng 90 phút. Nghe thì chỉ biết cách phát âm mỗi từ. Chương trình học chán vì không giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều, chỉ tập viết nhiều.”

Giáo trình cũ

Với các sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ, thì việc học Anh Văn ở đại học cũng chẳng khá gì hơn. Cô Thảo, tốt nghiệp khoa Anh Văn, trường Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn ở TPHCM, hiện đang làm việc cho một công ty nước ngòai nói:

Không thích lắm tại vì không có giao tiếp, toàn là ngữ pháp, ít nói lắm. Chỉ khi thuyết trình theo đề tài thì nói bằng tiếng Anh, còn thường thì ít nói bằng tiếng Anh lắm. Học phòng máy thì hai buổi, nghe liên tục khoảng chừng 90 phút. Nghe thì chỉ biết cách phát âm mỗi từ. Chương trình học chán vì không giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều, chỉ tập viết nhiều.

“Giáo trình rất cũ, cái chính là nỗ lực của người học, ngoài giáo trình học đã cả chục năm rồi, mình phải chịu khó nghe trên Đài, luyện tập thêm, thì mới giỏi được. Thường là nghe Đài, có băng, có điã, mình phải tự nghe, tự học một số ở nhà.”

Theo lời cô, việc giảng dậy môn Anh Văn tại các trường phổ thông không thành công là vì: “ Hiện giờ hệ thống dậy tiếng Anh bất cập lắm. Mặc dù thầy cô cũng được đào tạo chính quy của trường Sư Phạm hay Tổng Hợp khoa Anh đàng hoàng, nhưng do là giáo trình dở quá, mang tiếng học 5, 10 năm nhưng dứt khoát là không nói được mặc dù văn phạm rất giỏi.

Học trò học rất giỏi, nhưng khả năng nghe và nói dở lắm. Giáo viên cấp 3 trở đi thì chạy theo chương trình dậy nặng quá, có rất ít tiết, cùng một lúc phải dậy cho học trò 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, chạy theo giáo án, nên không luyện kỹ cho học trò được ngoài văn phạm. Giáo viên lại nói tiếng Việt nữa.”

Một sinh viên tên Ngọc Trâm, cư ngụ ở quận 10, vừa mới tốt nghiệp trường Đại Học Ngoại Ngữ Tin Học tâm sự:

“Môn học chính của em là ngoại ngữ, nhưng do là giáo viên Việt Nam dậy, nên nhiều khi phát âm cũng không đúng. Giảng dậy cũng chỉ bằng tiếng Việt, ít khi xử dụng tiếng Anh lắm. Học xong rồi, ra ngoài cũng không tiếp xúc, không giao tiếp nên cũng chẳng nói được. Chỉ viết, đọc, nói hay nghe cũng chẳng bao nhiêu.

Mang tiếng là học ở trường nhưng cũng vẫn phải đi học các trung tâm thì mới có thể nói được. Trong môi trường đại học không có điều kiện cho mình nói, phương pháp dậy cũng chẳng hay cho lắm nên nhiều khi học xong cũng chẳng nói được, thầy cô cũng toàn người Việt, giảng dậy bằng tiếng Việt, học trò với thầy cô giáo trao đổi với nhau đa số bằng tiếng Việt, thầy cô dậy chuyên ngành cũng vậy.

Tài liệu 100% là tiếng Anh, nhưng giảng dậy và đối thoại giữa thầy cô và sinh viên là bằng tiếng Việt nên thực sự việc đàm thoại tiếng Anh là không có.”

Việc làm không đúng chuyên môn

Ngòai ra, cô cũng cho biết, sau khi tốt nghiệp, có rất ít sinh viên khoa sinh ngữ tìm được việc làm đúng với chuyên môn của mình. Cho nên, sau một thời gian không xử dụng thì khả năng Anh Văn coi như trôi theo dòng nước. Cô nói: “Ra ngoài làm không đúng với ngành của mình học, như em chẳng hạn, học về du lịch, nhưng đi làm về kế toán, môi trường mình làm cũng là người Việt, không được tiếp xúc với nước ngoài, nên nói tiếng Anh cũng chẳng được, vì nói là một phản xạ tự nhiên, vì không tiếp xúc nên cũng không nói được nữa.”

Quí vị vừa nghe những ý kiến của phụ huynh, các giáo viên và các em sinh viên học sinh về vấn đề học Anh Văn hiện nay ở trường phổ thông và đại học. Việc học sinh ngữ là nhu cầu chính của học sinh ngay từ khi chuyển sang bậc trung học.

Nhưng với giáo trình lỗi thời, lại thêm các giáo viên phải dậy theo phương pháp đọc và viết để đáp ứng nhu cầu đã tạo ra tình trạng đáng buồn như hiện nay.

Chẳng biết đến bao giờ các em học sinh -sinh viên ở Việt Nam sẽ không còn cảm thấy ngượng ngùng, thiếu tự tin khi giao tiếp bằng Anh ngữ. Phương Anh xin dừng nơi đây. Hẹn gặp lại quí vị trong chương trình kỳ sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.