Cán bộ địa phương bán đất bừa bải như bán cá, bán rau


2006.07.10

Lê Dân, phóng viên đài RFA

Tình trạng dân chúng kéo nhau biểu tình, khiếu kiện về vấn đề đất đai xảy ra ngày càng nhiều, càng công khai. Ai có lỗi? Dân không chấp hành quyết định của chính quyền, hay chính quyền không quan tâm đến dân? Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, khẳng định là cái gốc do ở cán bộ.

TrinhXuanThu150.jpg
Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Photo courtesy VnExpress

Ông Trịnh Xuân Thu từng nổi tiếng ở Thanh Hóa là "quan mặt sắt", do người dân ví von với ông "thiết diện quan" bên Tàu với thái độ dám nói, dám làm của giám đốc Công an tỉnh.

Lỗi ở cán bộ

Trong một lần phát biểu trước Quốc hội gần đây, thiếu tướng phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, đã bày tỏ sự chia sẻ với số phận của những người dân đi khiếu kiện đất đai dai dẳng, có hành động thái qua, nên vướng vòng lao lý.

Nói chuyện với báo Tuổi trẻ Cuối tuần, ông Trịnh Xuân Thu khẳng định lần nữa rằng trong một vụ việc phức tạp dẫn đến người dân vi phạm pháp luật mà có cán bộ sai, người dân sai, thì phải xử lý cán bộ trước. Phải khởi tố cán bộ, đảng viên trước.

Lý do là vì cán bộ có làm sai, thì dân mới bất bình. Vì khiếu nại không được giải quyết, nên dân phạm luật. Cái gốc là ở cán bộ mà ra.

Chúng tôi chấp hành chính sách của đảng, nhà nước, thu hồi đất của tôi để làm đường cao tốc ở Liên Khương, Đà Lạt. Nhưng mà đền bù ép chúng tôi quá thấp, mà giá tái định cư thì đưa chúng tôi quá cao, hạ tầng cơ sở chưa ổn định cho cuộc sống, mà đã cưỡng chế, đàn áp tháo gỡ nhà tôi, tiền bạc thì chưa chi trả cho chúng tôi.

Ông ví dụ như ở Tràng Cát, Hải Phòng, là khởi tố mấy chủ tịch, phó chủ tịch phường để dân thấy rõ thái độ của Nhà nước, rồi sau đó mới có thể xử người dân vi phạm sau. Nếu như thế thì dân mới đồng tình. Nếu làm nghiêm như thế tình hình mới có thể chuyển biến tốt.

Nhận xét của phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh không có gì là lạ đối với nhiều người từng nghe dân chúng kêu than, có khi gần phải phát khóc khi bị các địa phương cưỡng chiếm đất đai, buộc phải di dời.

“Gia đình tôi đang lâm cảnh màn trời chiếu đất. Đề nghị can thiệp. Yêu cầu chính phủ XHCN phải làm rõ vụ kiện này. Yêu cầu bộ Công an phải vào kịp thời, giải quyết cho gia đình tôi...”

Vừa rồi là tiếng kêu của một nông dân bị tái định cư để dành đất xây đường cao tốc Liên Khương ở Đà Lạt. Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu có nhận xét rằng luật Đất đai quy định rõ là khi giao đất chuyển người dân đến nơi ở mới thì chính quyền phải đảm bảo điều kiện sống bằng, hoặc hơn trước.

Thực tế lại không bao giờ được như thế. Ông nói thêm là ngay cả chuyện đền bù thu hồi đất giá cao nhưng nhiều nơi dân vẫn không đủ tiền mua đất ở nơi tái định cư mới.

Người dân ở Đức Trọng, Lâm Đồng, kể lại chuyện mình: “Chúng tôi chấp hành chính sách của đảng, nhà nước, thu hồi đất của tôi để làm đường cao tốc ở Liên Khương, Đà Lạt. Nhưng mà đền bù ép chúng tôi quá thấp, mà giá tái định cư thì đưa chúng tôi quá cao, hạ tầng cơ sở chưa ổn định cho cuộc sống, mà đã cưỡng chế, đàn áp tháo gỡ nhà tôi, tiền bạc thì chưa chi trả cho chúng tôi..”

Cuộc chiến chống tham quan

Đối với "thiết diện quan" Thanh Hóa, nay đã là phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Trịnh Xuân Thu, khi trao đổi với báo Tuổi Trẻ Cuối tuần đã nói thẳng nhưng khó khăn ông gặp phải trong cuộc chiến đấu chống tham quan.

Điển hình như khi nhận được khiếu nại liên quan đến lãnh vực đất đai, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, ông có văn bản gởi đích danh chủ tịch tỉnh yêu cầu giải quyết. Đáng tiếc là có một số nơi chưa hồi âm tốt. Còn đối với những ai có tư cách đại biểu Quốc hội, ở một số trường hợp ông cũng gởi công văn yêu cầu xem xét. Tất nhiên có nơi hồi âm, có nơi chưa.

Nếu nhà nước hứa với dân mà không thực hành đúng thì tụi tui sẽ đi biểu tình nữa, để cho mấy ông phải giải quyết chừng nào cho công bằng với người dân chúng tôi thì mới đồng ý ngưng biểu tình.

Vẫn theo thiếu tướng Trịnh Xuân Thu thì Thanh tra Chính phủ, bộ Tài nguyên-Môi trường phải có trách nhiệm hơn. Nếu những vụ khiếu kiện đất đai không xử lý được thì phải xem lại Thanh tra và bộ có thẳng thắn hay không.

Bên Công an nếu phát hiện vi phạm hình sự thì yêu cầu khởi tố, còn việc xử hảnh chánh phải từ bộ Tài nguyên-Môi trường và Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng. Các cơ chế đó phải làm mạnh hơn.

Đó cũng là nguyện vọng của nhiều người dân đi khiếu kiện đất đai. Điển hình như lời phát biểu của một phụ nữ Bến Tre lên Thành phố Hồ Chí Minh khiếu kiện.

“Nếu nhà nước hứa với dân mà không thực hành đúng thì tụi tui sẽ đi biểu tình nữa, để cho mấy ông phải giải quyết chừng nào cho công bằng với người dân chúng tôi thì mới đồng ý ngưng biểu tình.”

Trả lời câu hỏi cùa báo Tuổi Trẻ về việc ông có gặp khó khăn nào khi phải xin ý kiến bên đảng lúc cần xử lý về tham nhũng đất đai không, ông Trịnh Xuân Thu cho biết khi còn làm giám đốc Công an Thanh Hóa thì không ai cản trở được. Báo cáo là thủ tục phải báo cáo thôi, nhưng thái độ là dứt khoát phải làm.

Đã là người "cầm cân nảy mực" rồi thì phải kiên quyết. Nếu ông đưa chứng cớ người vi phạm pháp luật rồi thì có ai dám cản trở, dám đứng ra xác nhận là họ không làm? Còn bây giờ ông mới ra trung ương nên chưa thấy có hiện tượng nào.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.