Nhìn lại năm cũ và tính chuyện năm mới

Trần Sơn Nam

Nhân ngày 23 tháng chạp, Đài Á Châu Tự Do hỏi ông Trần Sơn Nam là nhân ngày này Ông Táo ở Việt Nam lên chầu trời thì nói những gì về năm Ất Dậu vừa qua và đồng thời cũng trao đổi ý kiến với ông Trần Sơn Nam về năm Bính Tuất sắp tới.

0:00 / 0:00
BushKhai200.jpg
Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush và Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải tại Tòa Bạch Ốc. AFP PHOTO

Nguyễn Khanh: Thưa ông Trần Sơn Nam, theo tục lệ và tập quán của người Việt chúng ta thì hôm nay là ngày 23 tháng chạp, Ông Táo lên chầu trời để trình bầy về những việc ở dưới hạ giới. Vậy thì Ông Táo đã nói những gì về trường hợp năm Ất Dậu ở Việt Nam ?

Về kinh tế và chính trị

Trần Sơn Nam: Thưa, tôi nghĩ rằng, mặc dầu sống dưới một chế độ Cộng Sản người dân Việt Nam chắc cũng không quên tập quán này đâu, vì vậy có lẽ họ cũng sẽ nhờ Ông Táo lên trời trình bầy một cách trung thực những gì mà chính họ đã trải qua trong năm Ất Dậu.

Trước hết về mặt kinh tế, là mặt có ảnh hưởng thiết thực và trực tiếp đến đời sống hàng ngày của họ thì không ai phủ nhận là mức tăng trưởng trung bình hàng năm của cả nước vẫn ở mức khả quan, do đó đời sống của mọi người tương đối đã được cải thiện nhiều.

Đây là so sánh với những năm cực kỳ khó khăn của những thập niên 80 và 90, còn nếu đem so sánh với những nước lân bang thì mối nguy cơ tụt hậu vẫn hiện ra rõ ràng.

Theo ông Ryan thì nhà nước Việt Nam chấp nhận tư bản nhưng chỉ cho tư nhân hoạt động trong lãnh vực tiểu thương mà thôi, trong khi đó thì những xí nghiệp lớn, tổng công ty, đều ở trong tay những tổ chức của Đảng.

Về phương diện này gần đây người ta có đặc biệt để ý đến những nhận xét của hai người đại diện của những định chế quốc tế có cảm tình với nhà cầm quyền Việt Nam và cũng đã giúp Việt Nam nhiều trong quá khứ, ông Ryan của Chương Trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và ông Rohland của Ngân Hàng Quốc Tế (World Bank).

Theo ông Ryan thì nhà nước Việt Nam chấp nhận tư bản nhưng chỉ cho tư nhân hoạt động trong lãnh vực tiểu thương mà thôi, trong khi đó thì những xí nghiệp lớn, tổng công ty, đều ở trong tay những tổ chức của Đảng.

Còn ông Rohland thì ông cũng đề nghị nhà nước Việt Nam phải tư nhân hóa nhiều hơn và đồng thời phải cải tổ hệ thống ngân hàng, cải cách hành chính công quyền và chú trọng đến những lãnh vực giáo dục và bảo hiểm xã hội.

Dĩ nhiên là với chủ trương của nhà nước đặt nặng ưu tiên vào việc sản xuất hàng xuất khẩu, cùng với tệ nạn tham nhũng lan tràn từ cấp dưới lên đến cấp trên, tình trạng chênh lệch giữa thiểu số cán bộ giàu và đại đa số người dân nghèo ở nông thôn mỗi ngày một gia tăng, trở thành một mối bức xúc nguy hiểm về mặt xã hội.

Riêng về mặt chính trị thì cũng như những năm trước, xem ra nhà cầm quyền vẫn giữ một chủ trương cố thủ là khóa chặt cánh cửa chính trị và nếu có hoạt động nào đáng kể thì chỉ là việc sửa soạn những văn kiện căn bản để rồi đây sẽ đưa ra Đại Hội 10. Dĩ nhiên tại Đại Hội này, quyết định cuối cùng có thể là bổ sung hay thay đổi, nhưng nếu chỉ dưa vào những gì đã được bàn tại Hội Nghị Trung Ương 11 và 12 thì không có điều gì mới lạ cả.

Về mặt đối ngoại

Nguyễn Khanh: Ông đánh giá thế nào về những thắng lợi của Việ Nam về mặt đối ngoại ?

Trần Sơn Nam: Về mặt đối ngoại thì dĩ nhiên nổi bật là chuyến viếng thăm nước Mỹ của Thủ Tướng Phan Văn Khải và chuyến viếng thăm Việt Nam của Chủ Tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Cả hai chuyến viếng thăm đều có ý nghĩa riêng biệt.

Về mặt đối với Mỹ thì sự có mặt của ông Phan Văn Khải tại tòa Bạch Ốc và những bước đầu của một sự hợp tác về mặt quân sự cùng với lời hứa của Tổng Thống George W. Bush sang thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị APEC năm 2006, tất cả được coi là một bước tiến trong mối quan hệ Việt-Mỹ.

Sự có mặt của ông Phan Văn Khải tại tòa Bạch Ốc và những bước đầu của một sự hợp tác về mặt quân sự cùng với lời hứa của Tổng Thống George W. Bush sang thăm Việt Nam nhân dịp hội nghị APEC năm 2006, tất cả được coi là một bước tiến trong mối quan hệ Việt-Mỹ.

Tuy nhiên, 10 năm sau khi quan hệ ngoại giao được bình thường hóa mà ngày nay một nhân vật cấp cao như ông Khải mới được mời sang thăm nước Mỹ, rồi ít lâu sau tiếp đến lại là lời than phiền của Phó Thủ Tướng Vũ Khoan về những điều kiện khó khăn trong việc điều đình để Việt Nam gia nhập WTO, thì mối quan hệ này cũng phải được đánh giá đúng mức, nghĩa là cũng chỉ là nâng cao ở trên mức bình thường nhưng chưa có thể gọi là mặn mà được.

Về mặt đối với Trung Quốc là nước bạn đàn anh cùng một ý thức hệ thì chuyến viếng thăm nước đàn em của Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào ngay vào thời điểm đảng Cộng Sản Việt Nam gần đến ngày tổ chức Đại Hội 10 để sắp xếp lại nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo nhiều phần cũng có những hậu ý là buộc chặt Việt Nam vào khối ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á.

Nói một cách khác thì cả hai chuyến viếng thăm đều là hai mặt của một tình trạng tế nhị của nền ngoại giao Việt Nam giữa hai thế lực trong vùng Đông Nam Á: Trung quốc đang cố bành trướng ảnh hưởng xuống miền Nam Á và siêu cường quốc Mỹ vẫn muốn duy trì quyền lợi của mình trong toàn vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Những thử thách trong năm Bính Tuất

Nguyễn Khanh: Dựa vào tình hình ở Việt Nam trong năm qua theo như ông đánh giá trên đây, thì trong năm Bính Tuất sắp tới, liệu tình hình ở Việt Nam sẽ biến chuyển ra sao ?

Trần Sơn Nam: Theo thiển ý của tôi thì năm tới là năm nhà cầm quyền Việt Nam phải đối phó với nhiều thử thách lớn. Về mặt nội bộ thì 2006 là năm bản lề của Đại Hội 10 của đảng Cộng Sản. Tại Đại Hội này, họ phải giải quyết cùng một lúc vấn đề thực chất của hướng đi cho tương lai trước mắt.

Một mặt phải giải giải quyết những mâu thuẫn nội bộ còn tồn đọng từ những năm trước như những vụ Tổng Cục 2, T4 v.v…và một mặt khác phải có những quyết định khó khăn về hướng đi như: có nên và có thể cởi mở rộng bầu không khí chính trị trong nước để đối phó ngay với những phần tử chống đối ở trong đảng mà không phải không lo ngại là sẽ mất vai trò toàn trị của đảng không ?

Ngoài vấn đề thực chất trên đây lại còn vấn đề nhân sự, một vấn đề hết sức phức tạp do sự tranh giành ảnh hưởng gay go giữa những phe phái trong Bộ Chính Trị. Từ nhiều năm nay, người dân Việt Nam phải chịu đựng tình trạng khủng hoảng lãnh đạo ở cấp cao trong giới chính quyền.

Vì không có nhân vật nào có đủ uy tín và bản lãnh, nên nhà cầm quyền cai trị dân bằng một sự đồng thuận tương tự như một mẫu số chung ở mức thấp nhất, do đó mà, năm này qua năm khác, không có những biện pháp mạnh dạn để đẩy mạnh đà tiến đáng phải có cho cả nước.

Thử thách về đối ngoại

Bây giờ những điều kiện mỗi ngày thêm khó khăn và Việt Nam ở vào hoàn cảnh “trâu chậm, uống nước đục”. Việt Nam lúc này phải đối phó, đặc biệt từ phía Mỹ với những đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng những lãnh vực như ngân hàng và dịch vụ và phải đưa ra những bảo đảm trong nhiều lãnh vực khác.

Nguyễn Khanh: Ngoài những thử thách về mặt nội bộ mà ông vừa trình bầy, về mặt đối ngoại thì có thử thách nào không ?

Trần Sơn Nam: Dĩ nhiên là có vấn đề làm sao vượt khỏi những khó khăn để Việt Nam sớm được gia nhập tổ chức WTO. Hiện trong mấy ngày vừa qua đã có những buổi họp giữa Việt và Mỹ tại Hà Nội về vấn đề này. Như giới quan sát quốc tế đã nhiều lần nhận định những nước trước đây sớm gia nhập WTO được hưởng những điều kiện tương đối dễ dàng.

Bây giờ những điều kiện mỗi ngày thêm khó khăn và Việt Nam ở vào hoàn cảnh “trâu chậm, uống nước đục”. Việt Nam lúc này phải đối phó, đặc biệt từ phía Mỹ với những đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng những lãnh vực như ngân hàng và dịch vụ và phải đưa ra những bảo đảm trong nhiều lãnh vực khác trong khi đó thì mỗi khi nói đến những lãnh vực này là nói tới đặc quyền đặc lợi của những xí nghiệp trong tay giới cầm quyền.

Cũng may là trong những ngày vừa qua những cuộc điều đình Mỹ-Việt ở Hà Nội cũng đã đem lại một vài kết quả tích cực, mặc dầu một số vấn đề còn lại (không nhiều nhưng phức tạp) như thuế nông nghiệp, viễn thông và trợ cấp xuất khẩu sẽ phải được đem ra thảo luận lại vào kỳ họp tháng 3 sắp tới.

Ngoài vấn đề WTO dĩ nhiên còn vấn đề tế nhị làm sao cân nhắc được cho cân bằng về mặt chiến lược thế đứng giữa hai thế lực như trên đây đã trình bầy, tức là thế đứng giữa siêu cường quốc Mỹ và nước đàn anh Trung Quốc, một nước láng giềng từ trong quá khứ xa xôi luôn luôn vẫn muốn thống trị Việt Nam.

Đặc biệt vấn đề này sẽ được đặt ra nếu Tổng Thống Mỹ George W, Bush giữ lời hứa tham dự hội nghị APEC vào cuối năm nay. Và đây cũng sẽ lại là sự tranh chấp gay go giữa khuynh hướng thủ cựu thân Tầu (vì lý do ý thức hệ và được Tầu ủng hộ) và khuynh hướng muốn mở rộng ra thế giới bên ngoài trong đó có Mỹ.

Nói tóm tắt lại, Việt Nam sang năm mới sẽ phải đối phó với nhiều thử thách cả về hai mặt nội bộ và đối ngoại. Đại Hội 10 của đảng Cộng Sản trong những tháng tới có đủ khả năng khắc phục được những thử thách đó không, người dân Việt Nam chắc là phải chờ đợi thì mới nhìn thấy rõ được.