Chuyện gì sẽ xảy đến cho Pakistan trong những ngày tới?


2007.11.09

Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA

Biến cố chính trị sôi động nhất hôm nay là tin Bà Benazir Bhutto, cựu Thủ Tướng Pakistan, đã bị quản chế tại nhà riêng ở Islamabad. Phía chính quyền đưa ra lập luận cho rằng quyết định được thực hiện với mục đích để bảo vệ cho Bà Bhutto, sau khi nhà nước nhận được tin nói quân khủng bố đã có mặt ở thủ đô với ý đồ muốn sát hại Bà cùng các nhân vật lãnh đạo đảng Nhân Dân Pakistan mà Bà Bhutto làm Chủ Tịch.

BenazirBhuttoPakistan200.jpg
Hôm 9-11-2007, bà Benazir Bhutto, cựu Thủ Tướng Pakistan (giữa) đang cố gắng ra khỏi nhà riêng ở Islamabad, sau khi lệnh quản chế được ban hành. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Trước đó, Tổng Thống Pakistan Pervez Musharaf đã bất ngờ ban hành lệnh khẩn cấp, hủy bỏ hiến pháp và giải tán tòa tối cao. Quyết định được đưa ra với lời giải thích nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, chống lại âm mưu của những phần tử Hồi Giáo quá khích muốn lật đổ chính quyền, và không đồng ý với các phán quyết do Tòa đưa ra có lợi cho thành phần khủng bố.

Ngay tức khắc, các quyết định phản dân chủ của ông Musharaf gặp phản ứng chống đối đến từ mọi phía. Trong nước, những cuộc biểu tình liên tục xảy ra, bất chấp sự đàn áp và bắt bớ đến từ phái chính quyền.

Ở bên ngoài, nhiều chính phủ đã lên tiếng bày tỏ mối quan tâm xâu xa, đặc biệt là Hoa Kỳ vì hiện giờ Islamabad là đồng minh thân cận nhất trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Washington có được ở vùng Nam Á, đồng thời cũng là một trong nước được Hoa Kỳ trợ giúp nhiều nhất về kinh tế cũng như về quân sự. Hơn thế nữa, vùng biên giới Afghanistan và Pakistan là nơi giới hoạt động tình báo nói vẫn còn nhiều tàn quân Al-queda và Taliban ẩn náu.

Chuyện gì sẽ xảy đến cho Pakistan trong những ngày tới? Liệu các sôi động chính trị đang xảy ra có ảnh hưởng đến cuộc chiến chống khủng bố, và gây trở ngại cho quan hệ giữa Islamabad với các nước khác hay không? Ðó là những câu hỏi đang được đặt ra, và cũng là đề tài chúng tôi nói đến với vị khách đặc biệt tuần này. Khách mời là Giáo Sư Husain Haqqani, Cố Vấn Chính Trị của Bà Cựu Thủ Tướng Pakistan Benazir Bhutto.

Tướng Musharraf

Như thường lệ, cuộc phỏng vấn do Nguyễn Khanh thực hiện và Ban Việt Ngữ xin gửi đến quý thính giả trong khuôn khổ Tạp Chí Câu Chuyện Thời Sự Hàng Tuần.

Nguyễn Khanh: ông có ngạc nhiên trước quyết định của Chính Phủ Pakistan không?

Giáo Sư Husain Haqqani: tôi nghĩ có một số người ngạc nhiên, nhưng cá nhân tôi thì không. Tôi không ngạc nhiên vì lâu nay, thành tích của Tướng Musharraf là mỗi khi thấy quyền lực bị lung lay, bao giờ ông ta cũng có những hành động cứng rắn, đặc biệt đối với những người đối lập với ông ta.

Chắc ông còn nhớ hồi năm 1999, khi thấy uy quyền của mình bị ảnh hưởng, ông ta đã dùng quân đội để lật đổ chính phủ do dân bầu lên. Chuyện mới xảy ra với Bà Cựu Thủ Tướng Bhutto cũng tương tự như vậy.

Quân đội tuân theo chỉ thị của ông Musharraf vì ông ta là chỉ huy của họ, nhưng nếu nói trung thành thì binh sĩ Pakistan có bổn phận phải trung thành với nhân dân, chứ không phải trung thành với cá nhân của ông Musharraf. Trong những ngày tới, nếu quân đội không thể hiện cho người dân thấy là một tập thể đứng về phía nhân dân, chắc chắn lúc đó người dân Pakistan sẽ có phản ứng.

Nguyễn Khanh: ông Cố Vấn đừng quên bây giờ Tổng Thống Musharaf vẫn có quân đội trong tay, ý tôi muốn nói là ông Musharraf vẫn được quân đội ủng hộ.

Giáo Sư Husain Haqqani: quân đội tuân theo chỉ thị của ông Musharraf vì ông ta là chỉ huy của họ, nhưng nếu nói trung thành thì binh sĩ Pakistan có bổn phận phải trung thành với nhân dân, chứ không phải trung thành với cá nhân của ông Musharraf. Trong những ngày tới, nếu quân đội không thể hiện cho người dân thấy là một tập thể đứng về phía nhân dân, chắc chắn lúc đó người dân Pakistan sẽ có phản ứng.

Nguyễn Khanh: ông Musharraf có nhận biết điều đó không?

Giáo Sư Husain Haqqani: ngay cả Tướng Musharraf cũng biết điều này. Ông ta biết là chỉ có thể dựa vào quân đội nếu tình hình không trở nên xấu hơn, vì lúc đó chính người dân Pakistan sẽ đẩy quân đội đến chỗ phải chọn lựa, một là tiếp tục đứng đằng sau ông Musharraf, hai là đứng về phía nhân dân.

Vai trò của Hoa Kỳ

Nguyễn Khanh: ai cũng biết là Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là rất quan trọng với những biến chuyển đang xảy ra ở Pakistan. Theo tôi hiểu thì mối quan tâm lớn nhất của Chính Phủ Mỹ vẫn là cuộc chiến chống khủng bố, vẫn là lực lượng Al-queda và Taliban đang lẫn trốn ở vùng biên giới Pakistan và Afghanistan. Ông có nói chuyện với Washington chưa?

Giáo Sư Husain Haqqani: tôi đã nói chuyện với rất nhiều quan chức Mỹ và ngay cả các vị dân cử Mỹ nữa. Tất cả đều hiểu rằng nếu tình hình chính trị ở Pakistan không ổn định trở lại, Tướng Musharraf không thể giúp Hoa Kỳ truy lùng khủng bố Al-queda hoặc quân Taliban được.

Một điều rất quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là chính Tướng Musharraf đã nhiều lần nói trận chiến chống khủng bố ở vùng biên giới nước tôi và Afghanistan gặp khó khăn là vì binh sĩ Pakistan không muốn giết hại những người Pakistan ủng hộ quân khủng bố, đi theo quân khủng bố. Bây giờ, hình ảnh mà nhân dân Mỹ được xem trên T.V. lại đi ngược lại những gì ông Musharraf đã nói với nước Mỹ.

Quân đội tuân theo lệnh của ông ta để đánh đập, bắt bớ người dân, và chắc chắn người dân Hoa Kỳ sẽ đặt câu hỏi là ông Musharraf có thật sự là đồng minh của mình hay không? Ông Musharraf có nói thật hay không?

Những gì ông Musharraf nói và hình ảnh trên T.V. đã tạo thành một cuộc tranh luận, và theo tôi biết thì mới hôm qua, Thượng Nghị Sĩ Joe Biden, Chủ Tịch Ủy Ban Ðối Ngoại Thượng Viện Mỹ đã lên tiếng đặt câu hỏi về thiện chí của Tướng Musharraf đối với nước Mỹ, cũng như với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu mà Hoa Kỳ đang lãnh đạo. Có thật sự là ông Musharraf muốn tiêu diệt khủng bố hay không?

Nguyễn Khanh: trước những bất ổn chính trị đang xảy ra ở Islamabad, một số dư luận Mỹ muốn cắt giảm viện trợ cho Pakistan. Ông Cố Vấn có nghĩ đó là giải pháp hữu lý hay không?

Giáo Sư Husain Haqqani: tôi nghĩ Hoa Kỳ phải tìm ra giải pháp để ngăn chận, không để cho ông Musharaf làm hại Pakistan thêm nữa. Tôi tin nếu Washington đưa ra một đường lối ngoại giao cứng rắn hơn, chắc chắn, ông Musharraf phải thay đổi cái nhìn, phải thay đổi hành động.

Hoa Kỳ nên thúc đẩy ông Musharraf thảo luận với Bà Cựu Thủ Tướng Bhutto, là nhà lãnh đạo chính trị vẫn được đa số người dân Pakistan tin tưởng và quý mến. Hoa Kỳ cần thúc đẩy ông Musharraf phải tổ chức tổng tuyển cử, và Bà Bhutto cũng như các đảng phái chính trị khác đều được quyền tham gia, và cuộc bầu cử đó phải diễn ra theo đúng với các tiêu chuẩn như tự do, công bằng, cho người dân Pakistan chúng tôi cơ hội quyết định vận mạng chính trị cho quốc gia của mình. Và sau đó, có thể một giải pháp chính trị sẽ thành hình để quân đội và chính quyền dân sự chia sẻ quyền hành.

Tôi nghĩ ngay trong lúc này, Hoa Kỳ nên sử dụng cánh cửa ngoại giao với ông Musharraf, thay vì quyết định cắt giảm viện trợ. Trong trường hợp ông Musharraf vẫn nhất quyết đi theo con đường cứng rắn, không chịu nhượng bộ áp lực từ phái quốc tế, từ phía nhân dân, lúc đó Washington mới nên tính đến chuyện cắt viện trợ. Nhưng tôi cũng phải nói trước là điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực cho mối quan hệ song phương.

PervezMusharafPakistan200.jpg
Hôm 3-11-2007, Tổng Thống Pakistan Pervez Musharaf đã bất ngờ ban hành lệnh khẩn cấp, hủy bỏ hiến pháp và giải tán tòa tối cao. AFP PHOTO >> Xem hình lớn hơn

Tổ chức bầu cử

Nguyễn Khanh: nói về bầu cử, ông Cố Vấn cũng biết là Tướng Musharraf nói sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 15 tháng Hai…

Giáo Sư Husain Haqqani: không thể biết được cuộc bầu cử có diễn ra vào tháng Hai năm tới hay không. Tướng Musharraf có nói sẽ tổ chức bầu cử, có hứa sẽ trao quyền điều khiển quân đội lại cho quân đội, nhưng tất cả những lời ông ta đã hứa đều không có giá trị gì nữa. Phải biết rằng trong quá khứ, ông Musharraf đã hứa hẹn rất nhiều, cam kết hết điều này điều khác, mà ông ta có làm gì đâu!!!

Ðể lấy được niềm tin của mọi người, ông Musharraf phải hủy bỏ lệnh khẩn cấp, phải thả hết những người đang bị giam giữ, phải nói chuyện với Bà Bhutto, phải cho Tòa Tối Cao làm việc lại. Nếu ông ta không làm tất cả những điều này, tôi e rằng bất ổn chính trị sẽ tiếp tục diễn ra, không thể giải quyết được.

Ðừng quên cũng có một số người dân muốn ông ta từ chức, muốn ông ta vĩnh viễn rời khỏi chính trường. Tính từ khi ông Musharraf lên nắm quyền từ năm 1999 đến giờ, sự ủng hộ mà dân chúng dành cho ông ta đang ở mức thấp nhất, thấp hơn bao giờ hết.

Nguyễn Khanh: được biết ông Cố Vấn mới nói chuyện với Bà Bhutto. Tinh thần của Bà Thủ Tướng như thế nào? Bà nói gì với ông Cố Vấn?

Giáo Sư Husain Haqqani: quan điểm của Bà Bhutto rất rõ rệt. Bà đòi hỏi hiến pháp phải được tôn trọng, tòa tối cao phải được lập lại, phải trả tụ do cho tất cả các tù nhân chính trị, phải chấm dứt ngay các hành động đàn áp đối lập, kể cả các hành động mà Tướng Musharraf đang làm đối với Bà, và phải tổ chức bầu cử công bằng, tự do. Nếu những đòi hỏi này được đáp ứng, Bà sẵn sàng thương thảo với ông Musharraf. Nếu không, Bà sẽ kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình.

Nguyễn Khanh: có bao giờ Bà Bhutto nghĩ rằng thời đại Musharraf đã cáo chung hay không?

Giáo Sư Husain Haqqani: Bà Bhutto không vội nghĩ đến chuyện thời đại của người này hay người khác đã hết. Bà chỉ đòi hỏi phải đi đến dân chủ, và khi đi đến dân chủ, ông Musharraf cũng được mời tham gia, đóng góp vai trò của ông. Ðiều đáng tiếc là ông Musharraf không muốn quốc gia có dân chủ, ông ta đang đi ngược lại những gì người dân Pakistan mong ước. Bà Bhutto có trách nhiệm phải đi theo nguyện ước của người dân.

Tiến trình xây dựng dân chủ

Không thể biết được cuộc bầu cử có diễn ra vào tháng Hai năm tới hay không. Tướng Musharraf có nói sẽ tổ chức bầu cử, có hứa sẽ trao quyền điều khiển quân đội lại cho quân đội, nhưng tất cả những lời ông ta đã hứa đều không có giá trị gì nữa. Phải biết rằng trong quá khứ, ông Musharraf đã hứa hẹn rất nhiều, cam kết hết điều này điều khác, mà ông ta có làm gì đâu!!!

Nguyễn Khanh: có phải trước khi trở lại Pakistan, Bà Bhutto và ông Musharraf có đạt được một thỏa thuận chính trị. Ðiều đó có đúng không?

Giáo Sư Husain Haqqani: chuyện thỏa thuận là điều không hề có. Hai người chỉ bàn thảo với nhau về tiến trình xây dựng dân chủ cho quốc gia, và nếu ông Musharraf thực hiện điều đó, ông và Bà Bhutto đều có vai trò để giúp đất nước.

Nguyễn Khanh: và ông Cố Vấn nghĩ cuối cùng sẽ có một Chính Phủ, trong đó ông Musharraf là Tổng Thống và Bà Bhutto giữ chức vụ Thủ Tướng?

Giáo Sư Husain Haqqani: tất cả mọi chuyện đều có thể xảy ra, dĩ nhiên với điều kiện Tướng Musharraf phải hủy bỏ lệnh khẩn cấp, ngưng ngay những gì ông ta đang làm, và phải thực hiện đúng với những gì ông ta đã cam kết với nhân dân Pakistan cũng như với Bà Bhutto.

Nguyễn Khanh: thưa ông Cố Vấn, Bà Bhutto có ý định nói chuyện trực tiếp với Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush không? Ông Cố Vấn có thể tiết lộ cho chúng tôi biết được không?

Giáo Sư Husain Haqqani: tôi chỉ có thể nói là các quan chức Mỹ vẫn nỗ lực không ngừng, tiếp xúc với tất cả các nhân vật chinh trị hàng đầu ở Pakistan, để có thể giúp chúng tôi đi đến một giải pháp chính trị. Hoa Kỳ nói chuyện với cả Bà Bhutto và Tướng Musharraf.

Nguyễn Khanh: còn cuộc biểu tình ở cấp toàn quốc để chống ông Musharraf mà Bà Bhutto nói sẽ diễn ra vào tuần tới thì sao?

Giáo Sư Husain Haqqani: Tướng Musharraf có thể sẽ tìm cách ngăn cản, không cho người dân tham gia biểu tình. Nếu ông ta dùng võ lực để ngăn chận thì điều đó chứng tỏ là ông ta đang sợ sức mạnh mà tập thể nhân dân đang dành cho Bà Bhutto.

Nguyễn Khanh: xin cám ơn ông Cố Vấn Husain Haqqani.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.