Viêm tiểu phế quản cấp và Hậu quả của cắt túi mật


2006.04.21

Bác sĩ Nguyễn Trần Hoàng - Trà Mi

Hậu quả của cắt túi mật

Hỏi: Tôi đã đi cắt túi mật, vậy tôi có bị ảnh hưởng gì trong tương lai không? Và tôi có cần làm gì trong tương lai không? Kiêng cử ăn uống hay phải làm gì? Tôi cảm thấy từ ngày tôi đã cắt đi túi mật, tôi đã bị nóng rất nhiều, không được như trước, khi ngủ nóng cả người và mặt mày bị nổi mụn rất nhiều, đây có phải là những hậu quả của việc cắt túi mật hay không?

GallBladder150.jpg
Túi mật. Photo courtesy Wikipedia.

Đáp: Túi mật là một cơ quan không phải là không thể thiếu được, do đó, hiện nay phương thức điều trị tiêu chuẩn cho những bệnh nhân bị sỏi túi mật có triệu chứng là cắt bỏ nó đi cùng với những viên sỏi bên trong.

Việc túi mật bị cắt bỏ thường không ảnh hưởng hoặc nếu có thì chỉ ảnh hưởng đôi chút trong việc tiêu hoá. Ở khoảng 50 phần trăm các bệnh nhân bị cắt bỏ túi mật, họ có thể có các triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy, nhưng hầu hết thường nhẹ, và do đó thường không cần phải kiêng cử ăn uống gì cả. Nếu muốn, ta có thể ăn ít đi các thức gây ra các triệu chứng kể trên, rồi tăng lên từ từ để cơ thể dần dần tái thích nghi với các thức ăn đó.

Có một vài báo cáo cho rằng việc túi mật bị cắt bỏ có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột già, vì mật bị chảy thẳng vào ruột già một cách kinh niên. Tuy nhiên, các báo cáo này bị nhiều chuyên gia cho rằng không chính xác. Dù sao, nếu có tăng nguy cơ ung thư ruột già theo các báo cáo đã đề cập bên trên, thì cũng chỉ là sự gia tăng đôi chút nguy cơ ung thư phần bên phải của ruột già.

Tôi không tìm thấy nghiên cứu nào cho thấy việc cắt túi mật làm cho bị nóng khi ngủ và mặt mày nổi mụn. Về mặt lý thuyết, mật cũng chỉ giúp vào việc tiêu hoá chứ không ảnh hưởng đến thân nhiệt hay các thay đổi ở da. Khi bị ứ mật trong máu, một chất gọi là bilirubin, có thể gây ngứa, nhưng chất này không gây ra mụn. Hơn nữa việc cắt bỏ túi mật thường không dẫn đến việc ứ mật gây ra ngứa (chứ không phải mụn) kể trên.

Viêm tiểu phế quản cấp

Tại sao lại nói về viêm tiểu phế quản cấp? Đây là một trong những bệnh thường gặp nhất ở người Việt Nam, dựa theo thống kê của bộ y tế Việt Nam.

Mời các bạn tham gia mục Sức khoẻ và Đời sống. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em nhỏ, không biết nói, và do đó các bậc cha mẹ cần hiểu về căn bệnh này để biết đối phó thích hợp hầu tránh các hậu quả tai hại không đáng có.

Viêm tiểu phế quản cấp là gì?

Viêm tiểu phế quản là một phần của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Đường hô hấp bắt đầu từ mũi, qua họng, xuống thanh quản, khí quản, hai phế quản để dẫn khí vào hai phổi, rồi sang các nhánh nhỏ hơn gọi là tiểu phế quản để đi sâu vào các thuỳ của phổi, xuống các phế nang, là nơi mà dưỡng khí được trao đổi với thán khí của cơ thể để được đưa ngược ra mũi để thở ra trước khi tiếp tục hít dưỡng khí vào.

Viêm tiểu phế quản cấp là tình trạng viêm sưng cấp tính của lớp màng nhầy lót các tiểu phế quản.

Viêm tiểu phế quản thường được chẩn đoán ở trẻ nhỏ, bị khò khè, mà không thể được giải thích bỡi các bệnh gây khò khè khác như viêm phổi hoặc bị hen suyễn.

Trẻ em tuổi nào thường bị viêm tiểu phế quản nhất?

Viêm tiểu phế quản thường ảnh hưởng nhiều nhất đến trẻ từ sơ sinh đến hai tuổi. Ở các vùng ôn đới, bệnh thường gặp nhất là trong mùa lạnh, còn ở các vùng nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới, bệnh thường bùng phát vào mùa mưa. Trong một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ, viêm tiểu phế quản chiếm đến 60 phần trăm các trường hợp viêm đường hô hấp dưới ở trẻ em dưới một tuổi.

Bệnh nặng hay vừa thường cần phải nhập viện, bệnh nhẹ có thể được chữa ở nhà, thường gặp nhất ở tuổi hai đến sáu tháng, và chiếm tỉ lệ cao ở trẻ em dưới năm tuổi.

Bệnh nhân càng nhỏ thì càng dễ bị nhập viện hơn. Trong một nghiên cứu lớn ở Hoa Kỳ, kéo dài đến 17 năm, từ 1980 đến 1996:

- Tỉ lệ cần phải nhập viện ở trẻ dưới một tuổi chiếm đến 81 phần trăm tổng số các trường hợp cần nhập viện do viêm tiểu phế quản

TieuPheQuan200.jpg
Viêm tiểu phế quản. Photo courtesy healthgate.partners.org

- Và tỉ lệ phải nhập viện ở trẻ dưới sáu tháng chiếm đến 57 phần trăm các trường hợp nhập viện do viêm tiểu phế quản

Các nguyên nhân thường gặp của viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em?

Ở trẻ em nhỏ, là lứa tuổi thường bị viêm tiểu phế quản cấp nhất, nguyên nhân thường gặp nhất là một loại vi rút (còn gọi là siêu vi trùng) có tên gọi chuyên môn là RSV. Loại vi rút này thường chỉ gây cảm nhẹ ở người lớn hoặc trẻ lớn, nhưng có thể gây triệu chứng nặng hơn nhiều ở trẻ nhỏ.

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị nhiễm loại vi rút này hơn, là những trẻ đi nhà trẻ, ở nhà có đông người, có các anh chị đi nhà trẻ, bị hít khói thuốc. Ngay cả nếu không có yếu tố nguy cơ nào như kể trên, theo các thống kê ở Hoa Kỳ, thường thì đến khi lên ba tuổi, trẻ cũng đã bị nhiễm vi rút RSV ít nhất là một lần.

Các nguyên nhân gây ra viêm ra tiểu phế quản ở trẻ nhỏ ít gặp hơn, là các loại vi rút khác có tên gọi là adenovirus, parainfluenza, vi rút cúm... Một loại vi trùng thỉnh thoảng cũng có thể gây ra các cơn khò khè ở trẻ em, là loại vi trùng viêm phổi có tên gọi là Mycoplasma.

Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em thường biểu hiện ra sao?

Trong các trường hợp điển hình, thường gặp nhất do loại vi rút RSV gây ra, ở các trẻ sơ sinh, đầu tiên các bé thường chỉ có các triệu chứng như bị cảm nhẹ thông thường. Tuy nhiên, sau khoảng hai đến ba ngày, triệu chứng có thể trở nặng lên, bao gồm sốt, chảy mũi nặng, ho nặng, tiếng ho lớn và khô, được mô tả như là tiếng chó sủa, bị khò khè, thở nhanh và nông. Nặng hơn, bé có thể sẽ bỏ ăn, bỏ chơi, có vẽ lo lắng, sợ hãi.

Hầu hết các bé sẽ phục hồi hoàn toàn trong vòng một đến hai tuần, các triệu chứng khó thở có thể được cải thiện trong vòng vài ba ngày.

Nếu khó thở nặng, ta có thể nhìn thấy cánh mũi của bé phập phồng, các xương sườn và khoảng giữa các xương sườn, cũng như lõm trên xương đòn gánh ở vai, bị co kéo mỗi khi bé thở, khoảng bụng dưới chấn thủy bị co kéo. Bé có thể bị tím, tái ở môi, các đầu ngón tay. Ngay khi vừa mới thấy các dấu hiệu khó thở , cha mẹ cần đưa bé đi bệnh viện hoặc gặp bác sĩ ngay.

Cần chú ý là nhiều khi, do tiểu phế quản viêm nặng quá, ta có thể không nghe được tiếng khò khè, do đó, nếu thấy bệnh có vẽ trở nặng, bé bỏ ăn, bỏ chơi, lo lắng, sợ hải, tốt nhất là nên cho đi gặp bác sĩ ngay.

Trong các trường hợp vừa hoặc nặng, bé có thể cần phải được nhập viện để được điều trị thích hợp và giảm nguy cơ tử vong do suy hô hấp cấp tính.

Một số nghiên cứu ở Hoa Kỳ cũng cho thấy là trẻ bị viêm tiểu phế quản cũng thường bị viêm tai giữa. Có nghiên cứu ở các trẻ sơ sinh bị nhập viện vì viêm tiểu phế quản, cho thấy là đến 53 phần trăm các trẻ này cũng bị viêm tai giữa trong vòng hai ngày đầu sau khi nhập viện.

Bệnh thường bị nặng ở những trường hợp nào?

Độ nặng của bệnh phụ thuộc vào một số yếu tố: - Tuổi của bé càng nhỏ thì càng dễ bị nặng hơn - Bé cũng sẽ dễ bị nặng hơn nếu đã có sẵn các bệnh khác như bệnh tim bẫm sinh, bệnh phổi mạn tính, bị suy giảm miễn dịch - Trẻ sinh non, phổi chưa đủ trưởng thành cũng sẽ dễ bị nặng - Trong một số nghiên cứu, triệu chứng sốt cao trên 38 độ C hoặc hai lần đo trên 37.8 độ C ở trẻ sơ sinh, cũng là một yếu tố giúp tiên đoán bệnh sẽ có thể nặng hơn

Các trường hợp nặng cũng thường gặp hơn ở các em trai so với các em gái, ở các trẻ sống ở các vùng đô thị (thường bị ô nhiễm hơn) so với các trẻ ở thôn quê.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.