Nguyễn Khanh, phóng viên đài RFA
Những người Thượng hồi tuần trước vừa bị Chính Quyền Kampuchea cưỡng bách hồi hương có thể được Hoa Kỳ nhận cho địch cư. Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho hay khoảng 100 người Thượng mới bị Chính Phủ Phnom Penh sử dụng võ lực buộc phải hồi hương có thể sẽ được định cư ở Mỹ.

Ông Lou Lantner, người phát ngôn của đại sứ quán Hoa Kỳ nói rằng mặc dù những người Thượng mới bị đưa từ Kampuchea về Việt Nam không hội đủ tiêu chuẩn để Liên Hiệp Quốc công nhận là người tỵ nạn, nhưng vẫn có những cách khác để họ có thể sang Hoa Kỳ lập đời sống mới.
Ông Lantner còn tiết lộ là hai Chính Phủ Hoa Kỳ và Việt Nam hiện đang thảo luận với nhau về chuyện này, nhưng chưa rõ đến bao giờ mới có kết quả chính thức.
Sử dụng võ lực
Sáng sớm hôm thứ Tư tuần trước, cảnh sát Kampuchea đã dùng võ lực buộc 94 người Thượng phải rời trại tạm cư để về lại Việt Nam. Ngay tức khắc, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đồng loạt lên tiếng phản đối, nói rằng sự kiện cảnh sát Kampuchea tay cầm súng AK-47 xông vào trại và dùng roi điện đánh đập, lôi người Thượng lên xe chở họ về trao lại cho Chính Phủ Việt Nam là những hành vi không thể chấp nhận được.
Ðược biết hầu hết các người Thượng mới bị trao trả lại cho Việt Nam là những người đã tham dự những cuộc biểu tình đòi tự do tôn giáo và đòi đất canh tác.
Vi phạm thỏa thuận
Bạn nghĩ gì về sự kiện này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org
Mới hôm qua, Tổ Chức Nhân Quyền Human Rights Watch lên tiếng yêu cầu mở cuộc điều tra và trừng phạt những người đã ra lệnh cho nhân viên công lực Kampuchea có thái độ tàn bạo với những người Thượng.
Bản thông cáo của Human Rights Watch cũng nhấn mạnh rằng những gì xảy ra đã vi phạm thỏa thuận được ký kết hồi đầu năm nay giữa Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc với hai Chính Phủ Kampuchea và Việt Nam.
Tại Phnom Penh, ông Khieu Sopheak, người phát ngôn của Chính Quyền Kampuchea đã lên tiếng bác bỏ tất cả mọi cáo buộc.
Ông Sopheak giải thích rằng theo luật di trú của Kampuchea, những ai không hội đủ điều kiện để hưởng quy chế tỵ nạn đều phải hồi hương, và ngay cả việc cảnh sát lôi những người không chịu lên xe về Việt Nam cũng không vi phạm luật.
Sự an toàn cho những người bị trả về
Hiện giờ, quan tâm hàng đầu của mọi người là làm sao đảm bảo an toàn cho những người mới bị trả về . Nhiều tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đã kêu gọi Chính Phủ Việt Nam chấp thuận cho Cao Ủy Tỵ Nạn và các tổ chức độc lập khác được quyền đến Tây Nguyên để thăm hỏi những người vừa bị trả về.
Ngay chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng từng lên tiếng phản đối hành động của các nhân viên công lực Kampuchea, đồng thời bày tỏ thất vọng vì toán người Thượng bị trao trả về Việt Nam mà không có một tổ chức quốc tế nào được đến Tây Nguyên để giám sát, đảm bảo những người này không bị nhà nước Việt Nam trừng phạt.