Cơ sở chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật Sao Mai


2006.01.06

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, miền quê hương cát trắng của miền Trung Việt Nam, có Cơ Sở Chăm Sóc Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Sao Mai do các nữ tu Công giáo giòng Khiết Tâm phụ trách. Sao Mai chỉ mới họat động hai năm nay, với con số khiêm nhường là 42 em khuyết tật, bên cạnh một trung tâm dành cho trẻ khuyết tật của nhà nước có trên dưới 100 em.

Theo số liệu của địa phương, tòan thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa có vào khỏang 500 trẻ tàn tật. Tính như vậy thì một trung tâm của chính phủ 100 em và một cơ sở Sao Mai của các xơ giòng Khiết Tâm với 42 em quả chưa thể đáp ứng đúng mức nhu cầu cần được giúp đỡ mà các gia đình có con em kém may mắn đang trông đợi.

Đối với một cơ sở nhỏ hẹp và giới hạn về mặt diện tích lẫn phương tiện, trường bán trú khuyết tật Sao Mai do các nữ tu Khiết tâm phụ trách không có sự chọn lựa nào khác là phải cố liệu cơm gắp mắm nhưng mặt khác phải bảo đảm chất lượng cùng thành quả chăm sóc dưỡng dục mấy chục trẻ bất hạnh.

Hôm nay mời quí vị cùng Thanh Trúc đi về phố biển Nha Trang của tỉnh Khánh Hòa, ghé lại Cơ Sở Chăm Sóc Và Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Sao Mai, nằm trong một con hẻm trên đường Hòang Diệu, phường Vĩnh Nguyên nội vi thành phố: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Bài hát mà quí vị đang nghe tiếng được tiếng mất là do các em câm điếc và khuyết tật ở Sao Mai hát bằng tất cả sức lực yếu đuối nhỏ bé của mình: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Người vừa lên tiếng là xơ Minh Loan, thay mặt 8 nữ tu khác trong Sao Mai để giới thiệu một số em có mặt ở đây đến với quí vị.

Mời quý vị tham gia mục Người Việt Khắp Nơi. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Thưa quí thính giả, công việc chính của Sao Mai là chăm sóc và dạy dổ trẻ khuyết tật, nhưng xơ Minh Loan cho hay là thường các nữ tu Khiết Tâm còn làm nhiều việc khác như giúp kẻ đau ốm, nghèo nàn và cơ nhỡ. Xơ Minh Loan cho Thanh Trúc biết như thế trước khi trình bày rõ hơn về cơ sở khuyết tật Sao Mai: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thưa quí vị, trong câu chuyện trao đổi với Thanh Trúc, hẳn quí vị đã ba lần nghe xơ Minh Loan nhắc đi nhắc lại từ “bệnh đao: Ý xơ muốn nói đến hội chứng Down Syndrome thường thấy nơi trẻ sinh ra mà đã có vấn đề thần kinh bẩm sinh và tiến trình phát triển trí thông minh. Nguyên do thường là vì mẹ mang thai em bé lúc đã luống tuổi.

Đối với xơ Minh Loan, chăm sóc dạy dỗ trẻ khuyết tật, trẻ bị tâm thần bẩm sinh là trách nhiệm của người lớn. Những cơ sở của nhà nước hay tư nhân có trách nhiệm giống nhau. Tại Cơ Sở Chăm Sóc Và Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Sao Mai, điều mà các xơ nhắm đến là nhắc nhở xã hội, cộng đồng và gia đình nên tôn trọng và trả lại nhân phẩm cho người khuyết tật.

Được hỏi là gởi con đến Cơ Sở Chăm Sóc Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật Sao Mai tốn phí như thế nào, xơ Minh Loan trả lời: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Từ chuyện Sao Mai, Thanh Trúc thưa thêm với quí vị là theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổ Chức Người Khuyết Tật Quốc Tế , thì trong hơn 130 công trình công cộng ở quận Hòan Kiếm và quận Ba Đình, chỉ hơn 10 nơi được coi là tiện dụng cho người khuyết tật , nghĩa là có cửa đóng mở tự động cho người tật nguyền, có lối đi riêng cho người sử dụng xe lăn khi lên xuống những tầng lầu, có phương tiện hổ trợ giúp đỡ cho người khiếm thị.

Tại một buổi phỏng vấn trong năm dành cho báo trên mạng VNEpress, ông Nghiêm Xuân Tuệ , gíam đốc Văn Phòng Điều Phối Họat Động Của Người Tàn Tật, cho biết hiện có 5 triệu người tàn tật trên cả nước. Ông nhìn nhận là nhiều người còn mang y tưởng khinh khi người khuyết tật, coi họ như công dân hạng hai trong xã hội.

Dưới mắt xơ Minh Loan, nhận định của ông Nghiêm Xuân Tuệ có nhiều phần đúng. Theo xơ thì khoan đòi những chuyện xa vời như phương tiện cho người khuyết tật tại những chốn hào nhóang sang trọng, mà thực tế và cơ bản trước mắt là mỗi gia đình mỗi bậc cha mẹ phải ý thức rằng đứa con đứa em tàn tật của mình có quyền được sống như một đứa trẻ bình thường: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Thanh Trúc xin tạm ngưng Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở đây và xin hẹn quí vị tối thứ Năm tuần tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.