Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 4)

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Tạp chí Văn học Nghệ thuật kỳ này Nguyễn An tiếp tục cuộc trao đổi với nhà văn Tam Nguyên ở trong nước về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hôm nay nhà văn Tam Nguyên sẽ đề cập đến tình trạng “lạm phát” thơ ở Việt Nam hiện nay.

BenKiaBoAoVong150.jpg
Bản Nhật ngữ tác phẩm Bên Kia Bờ Ảo Vọng của nhà văn Dương Thu Hương.

Nguyễn An: Kính chào nhà văn Tam Nguyên. Thưa ông, mấy kỳ trứơc chúng ta đã bàn về một số những vấn đề liên quan đến sáng tác văn học nói chúng, hôm nay chúng tôi muốn đựơc trò chuyện với ông về tình trạng lạm phát thơ. Tôi đã có dịp gặp một số bạn văn chương trong nước. Họ nói ở Việt Nam những năm gần đây, ai cũng có thể làm được thơ và cho xuất bản được. Có đúng vậy không, thưa ông?

Tam Nguyên: Trong vòng dăm năm trở lại đây, thơ rộ lên trên khắp các báo và trên tập sách. Báo nào cũng in thơ, dù chức năng của mình không được quy định. Và nhà xuất bản nào cũng có thể in thơ. Nhiều độc giả thấy ớn, gọi vui là thơ bị "lạm phát phi mã".

Cái chữ "lạm phát", ngẫm cho kỹ thì thấy thật là đắc địa. Tiền lạm phát là tiền hại, vì khi nó được tung ra là hàng hoá lập tức tăng giá gây điêu đứng cho người dân. Thơ lạm phát không hại đến mức ấy, nhưng ở mức độ của nền thơ, nó vẫn chứa đựng những vấn đề, hết sức bất ổn.

Nhuận bút cho thơ quá rẻ mạt, một bài không dài lắm chỉ được trả vài ba chục ngàn. Nên số bài thơ cũng nên cho xuất hiện kha khá một chút sẽ giảm được khoản trả nhuận bút, lại đạt được vẻ hoa lá cho tờ báo. Còn thơ in thành sách thì đaị bộ phận tác giả phải trả tiền từ khâu xin giấy phép, biên tập, ấn loát v..v….

Cực kỳ hiếm độc giả bỏ tiền túi ra mua thơ. Đó là một trong số những cớ mà người ta bắt bí tác giả phải tự thân cáng đáng phần chính cho sách của mình. Nhà sách phát hành theo kiểu gật gù với các thủ thư viện, các chủ tịch câu lạc bộ (dĩ nhiên là phải đi kèm với lại quả).

Thời đó, văn học Việt Nam khởi sắc được mấy năm. Nhiều tác phẩm mà tôi cho là ngang tầm thời đại đã được ra đời, nhưng tiếc là nghị quyết bị thu hồi ngay. Trong những tác phẩm của giai đoạn này, có những tác phẩm của Dương Thu Hương như là “Bên kia bờ ảo vọng” hay “Những thiên đường mù”.

Chỉ có một số rất ít tác giả không phải bỏ tiền túi ra chi trả, lại còn được trả nhuận bút hậu. Đó là các quan trong làng thơ. Những đầu sách được hưởng đặc ân như thế thường chứa đựng những bài thơ hô khẩu hiệu chính trị, hình thức biểu cảm sáo mòn, xơ cứng, công thức, hời hợt….

Nguyễn An: Tại sao lại bất công như vậy? Và các văn nghệ sĩ không có ý kiến gì sao?

Tam Nguyên: Người ta giải thích là "theo quy chế". Đã là quy chế thì không ai được làm trái.

Nguyễn An: Chi phí cho xuất bản thơ như vậy là rất đắt so với mức sống trung bình. Vậy hẳn có rất ít người đủ tiền để ra sách?

Tam Nguyên: Thơ tự in có tập tốn phí tới cả chục triệu. Thế mà số tác giả loại này lại không phải hiếm. Đó là có những ông có chức sắc: có thể là giám đốc xí nghiệp, công ty, cả một số thứ bộ trưởng.

Họ thừa tiền và dốt nát, nhưng lại rất háo cái danh văn chương. Quả thật thứ danh này lúc nào cũng có thể toả bóng râm và gây được cảm giác hãnh diện ở nơi đông người. Nên để đạt được nó các vị ấy chỉ cần làm mỗi việc mở ví ra là xong.

Nguyễn An: Ngoài những quan thơ, Việt Nam còn những loại "thi sĩ" kì cục nào nữa không?

Tam Nguyên: Cũng có người chẳng nắm chức sắc này nọ, và cũng thừa tiền do con cái ở hải ngoại cung phụng cho. Bỗng nổi cơn yêu thật lòng một nàng xem vẻ có học. Bèn nảy ra kế: thuê một ông thợ thơ "sáng tác" cho một tập cỡ trăm trang, đề tên mình rồi đưa in. Thế là bỗng thành "thi sĩ". "Thi sĩ" đem "tác phẩm đầu tay" tặng bóng hồng với hy vọng chứa chan nó hoá thành chiếc chìa khoá mở cửa trái tim nàng.

Lại có ông tự thấy mình cũng có tài thơ như ai, liền viết ra một lèo một tập bản thảo dầy cộp mà chất lượng có lẽ chỉ nhỉnh hơn thứ thơ con cóc tí chút. Thế mà được một ông tổng biên tập gật gù khen chê.

Còn lỡ tác phẩm nào may mà lọt lưới thì lại đi thu hồi. Chẳng hạn ở Sàigòn vừa rồi có tập thơ tên là “Dự báo phi thời tiết,” in rồi lại thu hồi vì thấy không thích hợp. Hay như tác phẩm “Chuyện kể năm 2000” của anh Bùi Ngọc Tấn cũng vậy. Ông Tấn ông ấy đang đe kiện thứ trưởng bộ văn hoá thông tin về cái chuyện ấy, thu hồi bất hợp pháp. Chuyện của ông ấy không kích động nổi dậy chống phá chế độ, mà cũng không kích dâm, đồi truỵ mà tịch thu là phạm luật rồi.

Chê thật và khen giả, thậm chí tâng bốc lên tận mây xanh để tác giả tự tin mà móc hầu bao ra. Sản phẩm ra lò thơ được tặng vung và ông yên trí rằng mình đã thành nhà thơ đích thực.

Nguyễn An: Theo ông nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng loạn thơ như vậy?

Tam Nguyên: Một khi nền thơ bị bế tắc và xuống cấp thì người ta xoay vào vụ lợi bằng những mánh phi văn học. Lợi lộc đưa lại cho cho 3 bề 4 bên là vui rồi. Tác giả thì được danh ảo. Nhà xuất bản đạt món lời kinh doanh để chia chác nhau và cục xuất bản được hưởng tiền lệ phí cấp giấy phép.

Cần gì phải yêu cầu ai gửi đến thơ hay để phục vụ công chúng độc giả hiểu biết. Và cũng chẳng một ai của nhà xuất bản có một chút âu lo rằng lỡ có người rảnh rỗi đem đọc xem sao thì liệu họ có bất bình cho một nhà xuất bản đẳng cấp lại cho ra đời những tập thơ con cóc như vậy, trong khi lại gạt thẳng tay những tác phẩm sáng giá? Có thể xem đó là một vấn nạn trong đội ngũ biên tập của nhà xuất bản ở Việt Nam những năm gần đây.

Theo dòng câu chuyện:

- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 1)

- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 3)

- Phương pháp sáng tác hiện thực Xã hội chủ nghĩa (phần 4)