Điều trần về thực trạng tôn giáo ở Việt Nam tại Hạ viện Hoa Kỳ


2005.10.27

Thanh Trúc, phóng viên đài RFA

Buổi điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam chiều hôm qua ở hạ viện Hoa Kỳ được bảo trợ bởi các dân biểu chuyên theo dõi về thực trạng tôn giáo và nhân quyền của Việt Nam như Zoe Lofgren, Chris Smith, Tom Lantos, Frank Wolf.

CongressVN200.jpg
Các vị dân biểu Hoa Kỳ trong buổi điều trần. Photo by Luan Mai

Những người được mời tham dự buổi điều trần tại hạ viện gồm có ông Michael Cromaetie, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Về Tự Do Tôn Giáo của Hoa Kỳ, ông Võ Văn Ái, giám đốc phòng thông tin quốc tế thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Pháp, ông Lê Văn Hướng, Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo Hải Ngọai, linh mục Nguyễn Thanh, thuộc giáo hội công giáo, mục sư Trương Trí Hiền, giáo hội Tin Lành Mennonite .

Việt Nam chưa thực sự có tự do tôn giáo

Lên tiếng bắt đầu buổi điều trần bắt đầu, hai dân biểu Zoe Lofgren và Chris Smith đều có cùng nhận định là cho tới lúc này Việt Nam chưa thực sự có tự do tôn giáo và đây là lý do mà hành pháp Mỹ phải lưu ý để duy trì tên Việt Nam trong CPC. CPC là tên gọi tắt của danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì nhà cầm quyền không tôn trọng tự do tôn giáo và chà đạp nhân quyền.

Bạn nghĩ gì về việc này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của bạn

Dân biểu Chris Smith, tác giả của dự thảo luật về nhân quyền cho Việt Nam, nói rằng dù như quan hệ Mỹ Việt tiến triễn tốt đẹp mấy năm qua, dù như thương mại song phương càng ngày càng phát triển, điều đó cũng không có nghĩa là tôn giáo và nhân quyền ở Việt Nam đã được cải thiện.

Ông cho rằng trong khi Việt Nam cố gắng bằng mọi cách để được gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, thì trách nhiệm của những người hằng quan tâm đến tự do tôn giáo ở Việt Nam là phải nhắc nhở cho chính phủ ở Hà Nội biết họ cũng cần hội nhập với thế giới bằng cách chấm dứt những hành động có tính cách đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền của người dân.

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, chủ tịch Ủy Hội Quốc Tế Về Tự Do Tôn Giáo của Hoa Kỳ, ông Michael Cromartie, nói rằng một trong những điểm mà ông muốn nhấn mạnh với các dân biểu trong buổi điều trần là Việt Nam đã công khai cam kết với Mỹ sẽ cải thiện vấn đề tôn giáo trong nước nhưng thực tế họ đã không thực hiện lời hứa này.

Vẫn theo lời ông, qua những bằng chứng mà Ủy Hội Quốc Tế Mỹ Về Tự Do Tôn Giáo thu thập được, Việt Nam vẫn là một chế độ bất dung tôn giáo với lối hành xử mà người ở bên ngoài phải quan tâm e ngại, đó là điều ông cần trình bày trong buổi điều trần.

Chính sách hai mặt

Đại diện Phật Gíao Hoà Hảo Hải Ngọai, ông Lê Văn Hướng, một trong các thuyết trình viên sẽ nói về tình trạng của các tín đồ Hoà Hảo đang bị đàn áp trong nước, cho biết: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đến từ Paris, ông Võ Văn Ái, giám đốc phòng thông tin quốc tế thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngọai, khẳng định tên Việt Nam phải được giữ lại trên danh sách những quốc gia cần đặc biệt quan tâm vì những lý do: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Giáo sĩ Trương Trí Hiền, thuộc giáo hội Tin Lành Mennonite ở Việt Nam, vừa qua Mỹ định cư tháng trước theo diện tị nạn, nói rằng chính phủ Việt Nam thường áp dụng chính sách hai mặt khi nói đến tự do tôn giáo. Ông giải thích: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Đại diện của Thiên Chúa Giáo tại buổi điều trần, linh mục Nguyễn Thanh, phát biểu với đài Á Châu Tự Do rằng giữ lại hay rút tên Việt nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm là công việc của chính phủ Mỹ, còn nhiệm vụ của những người hiểu biết về chuyện các đạo giáo bị bách hại ở Việt Nam mà ông là nhân chứng thì phải nói lên sự thật: (xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)

Vị khác mời đặc biệt

2CongressVN200.jpg
(Từ trái sang phải) Ông Lê Văn Hướng, ông Võ Văn Ái, Giáo sĩ Trương Trí Hiền, Linh mục Nguyễn Thanh tại buổi điều trần. Photo by Luan Mai

Trong số những người được mời tham dự buổi điều trần về tự do tôn giáo ở Việt Nam hồi chiều hôm qua có một vị khách đặc biệt, bà Madeleine Bordallo, dân biểu đảo Guam, nơi từng đón tiếp mười mấy ngàn người từ Việt Nam chạy qua sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Khi đó, chồng của bà, ông Ricardo Bordallo, là thống đốc đảo Guam.

Lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, bà Bordallo bày tỏ vì bản thân bà từng mục kích hoàn cảnh đau buồn của những người Việt bỏ nước ra đi, bà cũng hiểu thế nào là nỗi ưu tư của họ khi nghĩ về một quê hương mà quyền tự do tín ngưỡng và thờ phượng bị xâm phạm.

Bà nói sự có mặt của bà hôm nay bên cạnh các đồng viện thường chuyên tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam nhằm chứng tỏ cho bên hành pháp rằng có nhiều tiếng nói từ quốc hội sẳn sàng nhắc nhở chính phủ nên lưu giữ tên Việt Nam lại trên danh sách những quốc gia có vấn đề về bất dung tôn giáo mà Mỹ cần quan tâm cách riêng.

Thanh Trúc tường trình từ Washington DC.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.