Những thành phần người Việt nào có thể bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ?

0:00 / 0:00

Thanh Quang, phóng viên đài RFA

Hôm thứ Ba 22-1-2008, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký bản ghi nhớ về việc hồi hương hàng ngàn người Việt bị lệnh trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ. Thanh Quang tìm hiểu thêm các chi tiết của thỏa thuận này, dựa theo thông tin liên hệ và ý kiến của một số chuyên gia di trú tại Hoa Kỳ.

Julie_Myers_150.jpg
Bà Julie Myer, Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đặc trách việc Thực thi luật Di trú và Thuế quan. AFP PHOTO

Sau một thập niên ra sức đạt đến một thỏa thuận về vấn đề người Việt sống bất hợp pháp trên đất Mỹ, Thứ trưởng Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đặc trách việc Thực thi luật Di trú và Thuế quan, bà Julie Myer, và Thứ trưởng Ngọai giao Việt Nam Đào Việt Trung vừa ký kết Bản Ghi Nhớ nhằm hồi hương các di dân người Việt bất hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Hàng ngàn người Việt đối diện với nguy cơ bị trục xuất

Theo khuôn khổ thỏa thuận này, thì những người Việt nào đến Mỹ bất hợp pháp, hoặc bị chính phủ Mỹ ra lệnh trục xuất vì vi phạm hình sự và luật di trú từ sau ngày 12 tháng Bảy năm 1995 sẽ bị đưa trở lại Việt Nam.

Lên tiếng nhân khi hiện diện tại Hà Nội để ký kết văn kiện vừa nói, bà Julie Myer cho biết thêm rằng hiện có chừng 6.200 người Việt thuộc diện này đã nhận được lệnh trục xuất trước khi thỏa ước hòan tất, trong khi 1.500 người khác đang trong giai đọan làm thủ tục để sau cùng rồi cũng bị trả về Việt Nam.

Ông Nam Lộc, Giám Đốc Cơ Quan Định Cư và Trợ Giúp Người Di Dân và Tị Nạn, thường được gọi là USCC, trụ sở tại Los Angelos, Hoa Kỳ, nhận xét về diễn biến này:

Ông Nam Lộc: Đây là một trong những điều mà Hoa Kỳ muốn thực hiện từ lâu nhưng phía Việt Nam chưa chịu. Thực sự đây cũng chẳng có gì lạ, tức là đây là một trong những chính sách về di trú cua Mỹ để họ trục xuất những thành phần mà họ không muốn cấp tình trạng để hợp thức hoá cho sống ở Hoa Kỳ.

Những người này có thể là những người sang Hoa Kỳ bất hợp lệ, ví dụ những người nhập cảnh bất hợp lệ, hay là "over date", hay những người xin thẻ xanh nhưng bị từ chối, hoặc là những người sống ở đây hợp lệ nhưng vi phạm luật lệ Hoa Kỳ thì bị lấy lại tình trạng di trú, tức là bị thu hồi lại, tức là vi phạm tội cấm nhập cảnh, họ thu hồi lại tình trạng di trú, trong đó có những người thường trú nhân chẳng hạn.

Cho nên đây là một trong những vấn đề mà Hoa Kỳ đưa ra áp dụng cho nhiều nước, nhưng Việt Nam là một trong số rất ít các nước không chịu, cho đến bây giờ họ mới chịu mà mình không hiểu vì lý do nào đã thúc đẩy để họ bằng lòng điều này.

Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Tổ chức Cứu Người Vượt Biển SOS có trụ sở tại Virginia, Hoa Kỳ, cho biết thêm:

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Hiện nay người Việt mình có một số người không phải sống bất hợp pháp, mà là sau khi phạm tội, ở tù xong thì (tiếng Mỹ gọi là deportable) có thể bị trục xuất, bao nhiêu lâu nay, từ năm 1996 đến giờ thì không trục xuất được họ vì phía Nam không nhận, thì bây giờ sẽ rất là khó khăn cho những người này. Hồi trước Việt Nam không nhận thì vì lý do nhân đạo chính phủ Mỹ thả những người này ra nhưng bây giờ Việt Nam nhận thì có thể chính phủ sẽ lại bắt trở lại để trục xuất.

HaNoiEmbassy200.jpg
Trang web Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Ông Nam Lộc đề cập tới hiệu lực cùng một số chi tiết trong văn kiện này liên quan tới tình cảnh số người liên hệ:

Ông Nam Lộc: Đó là một cái Memorendum, đó là một thoả hiệp. Hai bên đã ký kết giữa Bộ Nội An Hoa Kỳ (đại diện Chính Phủ Hoa Kỳ) ký với lại Bộ Ngoại Giao Việt Nam (đại diện Chính Phủ Việt Nam). Và thoả hiệp này đã chính thức có hiệu lực kể từ hôm nay nhưng sẽ được thi hành 60 ngày sau. Sáu mươi ngày nữa sẽ được chính thức thi hành.

Trong đó có những vấn đề, thí dụ thoả hiệp này sẽ có hiệu lực trong vòng 5 năm, sau đó sẽ được tiếp tục tái hiệu lực mỗi 3 năm, trừ khi có bên nào có những ý kiến thay đổi phải viết bằng văn thư báo cho bên kia biết, đại khái như vậy. Thế rồi thì Hoa Kỳ sẽ chịu tất cả mọi chi phí trong vấn đề trục xuất về Việt Nam. Hoa Kỳ cũng sẽ đòi hỏi là sẽ được "monitor", sẽ được theo dõi những trường hợp trục xuât để chắc chắn là họ được bảo vệ, nhân quyền được tôn trọng, v.v....

Chính phủ Việt Nam cũng đồng ý là bên Hoa Kỳ gửi danh sách về thì họ sẽ cấp chiếu khán nhập cảnh và sau khi cấp chiếu khán rồi thì Hoa Kỳ sẽ cho những người đã và đang trong tình trạng chờ đợi bị trục xuất 15 ngày để chuẩn bị đi về Việt Nam.

Cơ hội nào cho những người thuộc diện bị trục xuất?

Hiện có nhiều người bày tỏ quan ngại cho trường hợp những người bị trục xuất, phát xuất từ hòan cảnh tị nạn đặc biệt của họ. Ông Nam Lộc cho biết cảm nghĩ của mình như sau:

Ông Nam Lộc: Thực sự mình sống ở quốc gia tôn trọng luật pháp thì luật pháp này áp dụng cho tát cả mọi chủng tộc thì mình cũng phải tôn trọng mà thôi. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam thì có sự tế nhị ở chỗ là có những người gốc tị nạn, họ đã từng bị ngược đãi ở Việt Nam; những thành phần mà tôi lo nhiều nhất là thành phần con lai, những thành phần tù nhân chính trị, vì một lý do nào đó họ vi phạm một số những luật lệ, bây giờ nếu trục xuất họ về lại Việt Nam thì tôi có cảm tưởng như là cho họ một cái án tù chung thân khổ sai.

Bởi vì thí dụ như những đưa con lai qua đây lúc 5-10 tuổi, hay là hồi nó còn trẻ chừng mười mấy hai mươi tuổi, nó đã sống quen ở bên này mà ở Việt Nam nó không có thân nhân, nó lại là con lai mà chế độ ở Việt Nam lại xem như "Chúng mày không phải là người Việt Nam. Chúng mày là con của Mỹ", thế mà bây giờ bị trục xuất về Việt Nam lại khoác thêmồmtọ cái tội trên đầu, thì tôi nghĩ rằng những trường hợp đó sẽ không thể nào sống được ở Việt Nam một cách yên ổn.

Cho nên tôi có nghĩ rằng những trường hợp gốc tị nạn thì nên cho họ một cơ hội để được "review" cái tình trạng của họ xem có thể bảo đảm được sự an sinh của họ khi họ bị trục xuất trở về hay không. Mình phải xem từng cái vết lao của những người mà ngày xưa đã bị lên án cái gì ở Việt Nam chẳng hạn, thì bây giờ trả họ về xem như đưa họ vào chỗ chết mà thôi.

Vì vậy nếu các cơ quan trợ giúp về pháp lý đưa ra một số những dữ kiện để có thể thuyết phục họ thu hồi lại lênh trục xuất cho một số những trường hợp như đề cập trên đây mà mình cảm thấy là họ sẽ bị nguy hiểm tính mạng khi trở về Việt Nam, thì tôi nghĩ Việt Nam trong hoàn cảnh tế nhị hơn những quốc gia khác. Bối cảnh Việt Nam hoàn toàn về vấn đề chính trị.

Những thành phần sang đây du lịch rồi ở lại luôn hay là những thành phần làm giấy tờ giả để trốn lại thì mình hiểu đây là những trường hợp luật pháp Mỹ không che chở. Nhưng mà vấn đề tị nạn thì họ đã từng đưa tay đón mình để che chở thì bây giờ họ quay ngược lại, một vấn đề tôi nghĩ rằng cần phải có một cơ hội để họ nói lên quan tâm đó.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng thì chú trọng tới khía cạnh hồi tố của vấn đề, và đưa ra nhận xét như sau:

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng: Đây là một vấn đề mà tôi nghĩ nó rất là bất công bởi vì cái luật ban hành năm 1996 gọi là Luật Cải Tổ Vấn Đề Dỉ Trú thì nó có tính cách hồi tố, có nghĩa là những người vi phạm luật bị tù đày chẳng hạn, trước đây, trước năm 1996 vẫn bị lôi ra và có thể bị trục xuất. Điều này gây ra nhiều thảm cảnh mà chúng tôi biết có những người bị oan, và chúng tôi đã phải ra toà nhiều lần để làm nhân chứng để giải thích cho toà án biết về nguy cơ nếu người đó phải hồi hương chẳng hạn. Có rất nhiều người hiện nay đang phải đối phó với những hoàn cảnh và thảm cảnh một cách rất là đáng tiếc, ngoài tầm kiểm soát của họ vì luật mang tính cách hồi tố.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhân tiện đề nghị như sau: "Trước hết là chúng tôi kêu gọi tất cả những ai hội đủ tiêu chuẩn để thi nhập tịch thì xin thi nhập tịch cnàg sớm càng tốt, bởi chỉ có cách đó mới bảo vệ mình một cách chắn chắn là không bị trục xuất. Thứ hai, những ai trong thời gian đang chờ thi nhập tịch hoặc là chưa đến thời hạn để thi nhập tịch thì hết sức giữ gìn bởi vì bất kỳ một chuyện gì xảy ra - nhiều khi vô tình - cũng có thể dẫn đến chuyện mình bị phạt tù và sau đó bị dẫn độ. Thứ ba, những người nằm trong danh sách dẫn độ thì cần phải tìm luật sư giỏi về di trú để bảo vệ cho mình. Có những cửa ngỏ về luật pháp cho phép xin được ở lại, hoặc vì lý do nhân đạo, hoặc vì lý do bị đàn áp, hoặc vì lý do sợ bị tra tấn." Hôm thứ Ba, Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội đưa ra một bản công bố, cho biết Hoa Kỳ sẽ ra sức hồi hương số người Việt vừa nói trong vòng trật tự và an tòan, cũng như tôn trọng nhân phẩm của họ.

Như vậy, số phận của hàng ngàn người Việt bị lệnh trục xuất của chính phủ Hoa Kỳ sẽ sớm được giải quyết, chấm dứt những tháng năm bị tạm giam, hay nhiều tháng dài khắc khoải chờ đợi, do phía Việt Nam chưa đồng ý nhận lại.