Câu chuyện về nhạc sĩ Tuấn Khanh và “Bụi đường ca” ( tiếp theo )
2007.10.07
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Nguyễn Tuấn Khanh chơi nhạc từ năm 15 tuổi. Đến giữa thập niên 1990 thì bắt đầu có các ca khúc được nhiều người ưa thích. Tuấn Khanh viết nhạc, ngoài ra, còn hướng dẫn, quản lý nhóm nhạc, và xuất hiện trên nhiều chương trình âm nhạc.
Nhưng cho dù được “dòng chính” chấp nhận, Tuấn Khanh vẫn không chạy theo thời thượng, theo thị hiếu mà anh muốn đi con đường riêng, con đường mà anh nói là “không tuân theo bất kỳ nguyên tắc nào đang ràng buộc tại Việt Nam lâu nay”.
Anh cũng từng viết báo, và kể lại là bị báo Tuổi Trẻ đuổi việc vì có “tư tưởng không lành mạnh với văn hóa cách mạng”.
Trong khi đó, Tuấn Khanh lại được ký giả Amid Gilboa của tờ “East Magazine” bình chọn vào danh sách 10 người có tiềm năng cộng đồng ở Đông Nam Á năm 2001.
Để tránh phiền lụy đến người khác, Tuấn Khanh tự hát những bài trong “Bụi đường ca” mà anh ghi cảm nghĩ cho từng nhạc bản như sau:
“Đất nước tôi tràn ngập những lời dạy yêu thương. Ấy vậy mà, tôi cũng chứng kiến được những con người nghèo khó, những số phận oan khiên bị bỏ quên sau những tiếng hò reo về tình yêu thương một cách lố lăng. Quan lại tham nhũng cứ giàu sụ, phè phỡn trong khi dân hèn vẫn long đong. Tới khi nào thì những lời tung hô, hò reo yêu thương như khẩu hiệu thôi che lấp những giọt nước mắt thân phận âm thầm?...”
“Nếu có yêu nhau” …
“Xin cảm ơn cuộc đời cho tôi đã gặp và chứng kiến những điều rất thật để có thể xúc động hát lên, để trái tim mình còn sống và nói bằng thứ tiếng nói của con người chứ không phải bằng khẩu lệnh, hay lặp lại vô tri như loài vẹt.”
“Mở mắt” …
“Một buổi sáng thức dậy, mở mắt nhìn như lần đầu tiên được thấy cuộc đời đúng của nó. Có thấp hèn, có núi cao, có người hiền, có kẻ ác trên đường đời. Bạn và tôi đã, hay sẽ là ai trong số đó?… Cuộc sống với quá nhiều điều trình diễn trước mắt, những trò hề dối trá được tô son trát phấn khiến đôi khi, ta chỉ còn nhìn thấy được bằng con tim của mình ...”
“Những nỗi buồn vừa phải” …
“Trải nghiệm là một điều cần thiết để lớn lên, nhưng khi có nó, chiêm nghiệm, lại mang cho đời người những nỗi buồn bất tận, nhất là khi những nỗi buồn mà mình chỉ có thể đứng nhìn, im lặng, bất lực ...”
Trong cuộc nói chuyện mà Tuấn Khanh chuyên xài điện thoại di động, đường giây từ hải ngoại gọi về, rất khó nghe, Thy Nga hỏi là Từ khi đăng tải “Bụi đường ca” trên Blog tới giờ, anh có gặp gì khó khăn không?
Tuấn Khanh nói:
“Khi tôi gửi tất cả những suy nghĩ của mình qua âm nhạc (qua Album “Bụi đường ca”) lên trên Internet, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều. Hiện nay, với xu hướng phát triển của Internet và của thế giới, Kiểm duyệt nên dừng ở mức để giúp cho sự phát triển văn hóa đất nước, và đi đến phục vụ cho cộng đồng.
Khi gửi lên Blog trên Internet, Tuấn Khanh cũng nghĩ rằng mình sẽ bị ít nhiều cản trở, nhưng ở mức độ nào đó thì người ta cũng nhìn nhận rằng đó là một cái động thái cần có.
Thy Nga: Sự đón nhận của người nghe “Bụi đường ca” ra sao, thưa anh?
Tuấn Khanh: Rất là thú vị, thưa Chị. Lâu nay ở Việt Nam, dòng ca khúc mang tính hiện thực như vậy, không phải là không có người viết. Anh chị em nghệ sĩ, nhiều người cũng ấp ủ làm tác phẩm về hiện thực nhưng có lẽ, thời điểm chưa thích hợp cho họ thực hiện điều đó.
Khi mà Tuấn Khanh gửi Album “Bụi đường ca” lên Internet thì Tuấn Khanh nhận được sự hưởng ứng của các anh chị em đó, họ cho rằng sáng tác hiện thực đóng góp được cho đất nước chứ không thì chỉ có những bài tình ca vô bổ.
Cái thứ hai nữa là Thính giả cũng vậy, bản thân họ cũng ngạc nhiên về những suy nghĩ, về ca từ như vậy.
Cũng có những lời phê bình rất gắt gao. Tuấn Khanh không biết đó là thính giả hay là ai thì không biết, nhưng rất là nặng nề, nào là hành động sai quấy, ảo tưởng, phản bội, vân vân … nhưng mà Tuấn Khanh nghĩ rằng nhất thiết phải có trong thời điểm này để rồi, chúng ta sẽ bước qua nó, và nhìn thấy tới tương lai chúng ta ngày càng sáng sủa hơn, và mạnh mẽ hơn.
Thy Nga: Việt Nam hiện nay có nhiều tệ nạn xã hội. Sau cuốn “Bụi đường ca” anh có dự tính viết, nói lên vấn đề nào nữa?
Tuấn Khanh: Về giáo dục, xã hội, kinh tế, chính trị, … Tuấn Khanh trình bày với mục đích đánh thức cái tính cộng đồng, cho họ biết những cái suy nghĩ.
Mình nghĩ và mình làm những điều tốt nhất cho đất nước mình vào lúc này.
Thy Nga: Thưa anh, viết Blog hiện là cách thức đang phổ biến ở Việt Nam, và việc anh đưa nhạc lên Blog đã gây tiếng vang.
Anh có nghĩ là rồi ra, nhiều người khác cũng theo đường lối đó để viết lên nhạc bản theo tư tưởng của mình mà không ngại bị kiểm duyệt, phổ biến tác phẩm của mình được toàn vẹn, khỏi bị cắt xén hoặc bị cấm luôn?
Tuấn Khanh: Tuấn Khanh nghĩ là chắc có rất nhiều người làm như vậy.
Có điều rất thú vị là Sở Văn Hóa Thông Tin đã download “Bụi đường ca” nghe xem là thực sự, dân chúng và văn nghệ sĩ đang nghĩ gì. Họ nói rằng là cần nhắc nhở chứ còn cái này cũng giúp cho nền âm nhạc hiện nay, vân vân …
Sau đó thì chính cơ sở Văn Hóa Thông Tin Saigòn cũng muốn tìm hiểu thêm. Họ gửi cho Tuấn Khanh một cái đề tài tham luận cho một hội nghị về vấn đề kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam, xem Tuấn Khanh hoặc những người giống như Tuấn Khanh muốn thế nào về vấn đề kiểm duyệt đó mà.
Thì … một hành động mà Tuấn Khanh đã gọi là một cái sai lầm rất lớn rồi … thế ngày hôm nay, giới hữu trách lắng nghe, là một bước tiến bộ lớn từ phía chính quyền.
Tuấn Khanh ghi:
“Bụi đường ca” thật lòng chỉ là một hành động lặng lẽ, với ước mong chia sẻ những gì mình thấy, mình nghĩ. Nhưng bất ngờ là lại được nghe, được biết đến từ những con người Việt Nam ở khắp nơi, có cùng một suy nghĩ.”
“Cuối cùng” …
“Đời người có bao nhiêu lần cuối cùng, để mỗi lúc, bạn chiêm nghiệm được thêm điều cuối cùng sắp tới? Lần cuối cùng nào trong đời giúp bạn đứng lên và lần nào khiến bạn quỳ xuống? …
“Đưa lên Blog là một cách thức mà tôi xin được chia sẻ với nhiều bạn bè tôi, các anh chị nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà báo ... cũng chọn cách truyền đạt “underground” này để bảo vệ sự nguyên vẹn của bản thân mình.”
“Những nỗi buồn vừa phải” …
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho hay anh dự định đưa lên Blog một album nữa vào đầu năm tới, mang tựa đề “Vỉa hè ca”.
Chương trình về nhạc sĩ Tuấn Khanh xin dừng nơi đây … Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả và các bạn …
Những bài liên quan
- Câu chuyện về nhạc sĩ Tuấn Khanh và “Bụi đường ca”
- Đón mừng Tết Trung Thu 2007
- Mùa Thu trở lại
- Mùa tựu trường
- Vĩnh biệt Luciano Pavarotti, giọng ca Ténor tuyệt vời
- Mưa Ngâu tháng Bảy
- Mừng lễ Vu Lan, Phật lịch 2551
- Chuyện tình Quang Dũng
- Hương Thanh và Nguyên Lê phối hợp đưa dân ca Việt Nam ra thế giới