Lê Dân, phóng viên đài RFA
Trong chuyến viếng thăm Nga lần này của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, dư luận chú ý khá nhiều đến điều ông tiết lộ trong cuộc gặp gỡ kiều bào tại Moscow. Đó là chuyện Việt Nam sẽ ký hiệp định về hợp tác lao động Việt-Nga vào cuối năm nay. Lê Dân tìm hiểu thêm và trình bày sự việc như sau.

Do yếu tố lịch sử và trên cơ sở quan hệ chặt chẽ giữa khối cộng sản cũ, trong thời chiến tranh lạnh, hàng trăm ngàn công nhân lao động Việt Nam đã được đưa sang làm việc tại những nhà máy, xí nghiệp, nông trường của các nước Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc...
Một số đông sau khi hết hạn đã từ chối không trở về nước, mà tìm đủ mọi cách để lưu lại làm ăn. Thêm vào đó là nhiều người Việt Nam mới sang sau khi chế độ cộng sản sụp đổ tại Đông và Trung Âu bằng chiếu khán du lịch hoặc thăm thân nhân, để được ở lại làm việc dù bất hợp pháp.
Người Việt sinh sống tại Liên bang Nga
Vào lúc cao điểm là cuối thập niên 90, số người Việt sinh sống tại Liên bang Nga lên tới hàng trăm ngàn, phần lớn là bất hợp pháp như quá hạn chiếu khán, hết hạn du học hay thực tập. NHà báo Lan Hương sống và làm việc tại Moscow cho biết:
“Bốn năm năm trước đây, tỷ lệ người sống bất hợp pháp lên tới 6, 7 mươi phần trăm. Đến nay con số đấy chỉ còn khoảng 10, 15 phần trăm mà thôi. ”
Chỉ trong bốn, năm năm, làm sao tỷ lệ đó giảm nhiều như vậy ? Họ trở về nước, hay đã được chính phủ Nga cấp cho quy chế lưu trú hợp pháp ? Nhà báo Lan Hương cho biết thêm:
Phần lớn đều đã đăng ký hộ khẩu và quyền lao động rất đàng hoàng. Thế nhưng phải hiểu "đàng hoàng" trong cái nghĩa "mập mờ" của người Việt. Có nghĩa là đăng ký hộ khẩu ở một công ty mà trên thực tế lại đi bán hàng ở chợ, không liên quan gì đến công ty đó cả.
“Phần lớn đều đã đăng ký hộ khẩu và quyền lao động rất đàng hoàng. Thế nhưng phải hiểu "đàng hoàng" trong cái nghĩa "mập mờ" của người Việt. Có nghĩa là đăng ký hộ khẩu ở một công ty mà trên thực tế lại đi bán hàng ở chợ, không liên quan gì đến công ty đó cả.”
Kể từ sau khi ông Vladimir Putin lên làm Tổng thống thì tình hình kinh tế Nga đã có khá hơn, một phần nhờ chủ trương quốc gia cực đoan, bài Tây phương để thu tóm các đại doanh nghiệp trong nước trở về tay chính phủ. Nhưng cũng từ chủ trương đó, mà khi kinh tế không tăng trưởng nhanh như lời hứa thì công luận Nga bắt đầu chĩa mũi dùi sang những người không nằm trong diện "quốc gia cực đoan" của họ, là những kiều dân nước ngoài, trong số đó có người Việt Nam.
Bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhì, chính phủ của ông Putin đã tỏ ra gay gắt hơn đối với kiều dân ngoại quốc. Nhiều biện pháp kiên quyết đã được áp dụng như kể từ đầu tháng Tư vừa qua, mọi nhân viên bán hàng lẻ ngoài chợ phải là người Nga, các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài phải có giấy phép đặc biệt....
Thế nhưng vài tháng qua đi, Moscow nhận thấy những biện pháp đó "lợi bất cập hại". Lý do là các công việc nặng nhọc mà ít tiền như đứng bán hàng ngoài chợ, hay làm công trong các nhà máy....không có người nuớc ngoài thì không có ai làm, do người Nga không ham thích. Nhà báo Lan Hương cho biết vì thế mà chính phủ phải nới lỏng phần nào các biện pháp gay gắt, để tìm phương cách khác:
“Dần dần thì họ cũng sẽ quản lý chặt lại hơn, nhưng nó không phải là một sớm một chiều như họ dự định nữa.”
Nga cũng nỗ lực tự giải quyết số phận hàng trăm ngàn người nước ngoài sống bất hợp pháp, bằng cách "hợp pháp hóa" nếu có chủ sử dụng lao động bảo lãnh thì người nước ngoài đó được xem là hợp pháp và có quyền lao động.
Nhờ đó mà số người Việt Nam bất hợp pháp tại Nga đang chiếm 6, 7 mươi phần trăm, đã sụt xuống còn 10, 15 phần trăm trong thời gian chỉ mấy năm qua. Tuy nhiên tình thế họ vẫn bấp bênh.
“Về giấy tờ thì hợp lệ, nhưng thực chất thì vẫn là không hợp lệ so với luật hiện nay. Luật hết sức chặt chẽ, quy định một người đăng ký hộ khẩu làm việc ở một công ty nào thì chỉ được phép làm việc ở công ty đó mà thôi.”
Lao động có thời hạn
Tất nhiên cũng có một số người hy vọng rằng Thủ tướng Việt Nam đến thì có thể nói với chính quyền Nga để họ nới bớt sự kiểm soát ngặt nghèo đối với người Việt đang làm ăn ở Nga. Họ hy vọng như thế thôi chứ trước đây có nhiều vị lãnh đạo đảng và nhà nước đã đến Nga.
Trong cuộc gặp gỡ báo chí Việt Nam tại Nga, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét rằng chính phủ Nga cũng đang gặp phải những khó khăn tồn tại trong vấn đề nhập cư và ông có thông tin rằng Nga đang tích cực giải quyết.
Trong cuộc hội kiến với Tổng thống Vladimir Putin, ông đề nghị Nga tạo điều kiện thuận lợi về pháp lý cho cộng đồng người Việt, và theo ông thì tình hình sắp tới có thể khả quan.
Cụ thể là hai nước Việt-Nga đã ký hiệp định khung về lao động có thời hạn của công dân Nga tại Việt Nam và của công dân Việt Nam tại Nga.
Trong thực tế thì không mấy người Nga làm việc tại Việt Nam hết hạn mà chẳng muốn về nước. Vì vậy hiệp định này có thể xem là phía Việt Nam chịu chấp nhận một thời hạn nào đó cho người lao động làm việc tại Nga rồi phải nhận về. Đó là mục tiêu tối hậu của Nga nhắm tới từ nhiều thập niên qua mà không được nước đồng minh cũ là Việt Nam đáp ứng.
Thành quả mà nhà nước Việt Nam cho là đáng phấn khởi về hiệp định lao động có thời hạn, đối với bà con người Việt bên Nga có phấn khởi hay không là ở cụm từ "có thời hạn". Sau thời hạn đó thì đi đâu, hay được ở lại Liên bang Nga ?
Nguyện vọng của bà con người Việt tại Nga mỗi lần có phái đoàn cấp cao từ Hà Nội qua Moscow là mong được giúp cho tiếng nói giải quyết số phận họ, sao cho được làm ăn sinh sống thoải mái hơn. Tuy nhiên theo lời mô tả của ông Nguyễn Minh Cần thì chưa khi nào họ được thỏa mãn.
“Tất nhiên cũng có một số người hy vọng rằng Thủ tướng Việt Nam đến thì có thể nói với chính quyền Nga để họ nới bớt sự kiểm soát ngặt nghèo đối với người Việt đang làm ăn ở Nga.
Họ hy vọng như thế thôi chứ trước đây có nhiều vị lãnh đạo đảng và nhà nước đã đến Nga. Cộng đồng cũng đã đề đạt nguyện vọng được có tiếng nói của các vị để chính quyền Nga nới lỏng phần nào cho bà con người Việt ở đây. Nhưng rồi không có kết quả gì, cho nên họ cũng buồn.”
Tuy nhiên, tình trạng buồn, thất vọng đó, chắc hẳn kỳ này sẽ chấm dứt vì theo lời thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Huỳnh thị Nhân nói với báo chí là phía Việt Nam đã sớm làm việc với cơ quan có trách nhiệm của Nga để tiến hành ký kết hiệp định.
Nhưng do nhiều lý do khách quan, trong đó có sự chậm trễ của phía bạn nên tới nay mới có thể xúc tiến. Bà khẳng định khoảng cuối năm nay sẽ tiến hành ký kết, không thể chậm hơn.