Việt Nam vẫn chưa kiểm soát được bệnh hen suyễn
2007.05.15
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
Bệnh hen suyễn gia tăng nhanh ở Việt Nam tỷ lệ thuận với mức phát triển kinh tế và nạn ô nhiễm môi trường. Trong số bốn triệu bệnh nhân hen suyễn thì 3 ngàn người tử vong mỗi năm. Tại sao Việt Nam chưa kiểm soát được bệnh hen suyễn, Nam Nguyên phỏng vấn Giáo Sư Nguyễn Năng An Chủ Tịch Hội Hen Dị Ứng và Miễn Dịch Lâm Sàng trụ sở tại Hà Nội mời quí thính giả theo dõi.
Nam Nguyên: Thưa giáo sư, đã có nhận thức kiểm soát bệnh hen qua điều trị dự phòng, nhưng sao Việt Nam chưa có chương trình quốc gia, chưa thể làm rộng rãi?
Giáo Sư Nguyễn Năng An: Lâu nay Bộ Y Tế bận kiểm soát cúm gia cầm rồi vắc xin viêm gan B. Năm nay bước đầu sẽ công bố phác độ điều trị kèm thông tư hướng dẫn. Nói chung chúng tôi cả một tập thể lớn các bác sĩ rất tích cực, thế nhưng nếu chưa có chương trình quốc gia chưa có phác đồ điều trị chính thức thì mọi việc sẽ chậm lại.
Chúng tôi đã xây dựng mô hình cũng như thế giới họ xây dựng mô hình đạt 80, 90%. Tôi tin là sau khi có chương trình quốc gia thì Việt Nam sẽ là một trong những nước tiến bộ ở trong khu vực và thế giới về phòng chống hen.
Nam Nguyên: Trọng tâm của chương trình kiểm soát bệnh hen suyễn qua điều trị dự phòng cụ thể như thế nào?
Giáo Sư Nguyễn Năng An: Nói vắn tắt, thứ nhất hen là viêm mãn tính đường thở. Như vậy thì có thuốc điều trị dự phòng là corticoid khí dung. Nếu cắt cơn suyễn được rồi thì phải tránh xa các yếu tố gây ra cơn, như vậy cứ một cơn hen cắt cơn rồi thì phải điều trị dự phòng từ ba tới sáu tháng.
Ngăn chặn không cho cơn hen xảy ra, kết quả này là rất tốt. Chúng tôi hợp tác với phiá Mỹ, cụ thể là một giáo sư đầu ngành về dị ứng và tim phổi của Mỹ thường xuyên qua Việt Nam, ông ấy đánh giá tốt về các tiến bộ của Việt Nam.
Tại Việt Nam giá Seretide ống xịt là 260 nghìn 1 cái, thế thì xài 3 tháng đầu bệnh nhân mất độ 780 nghìn. Nếu làm nghiêm túc thì sau đó hai ba tháng mới cần 1 hộp, liều càng giảm dần. Ở thành thị có thể chịu được nhưng nông thôn thì hơi khó, các thành phố lớn có bảo hiểm y tế nên có thể chấp nhận được.
Nam Nguyên: Thưa giáo sư những biệt dược như ống xịt corticoid khí dung cũng như các loại thuốc uống tác dụng dài ngày giá tiền rất đắt. Không hiểu Việt Nam sử dụng những loại thuốc nào và có phù hợp túi tiền người dân hay không?
Giáo Sư Nguyễn Năng An: Advair ở Mỹ tức là Seretide ở Việt Nam. Thuốc này rất tốt, ngày nay Việt Nam đời sống bắt đầu lên nên bệnh nhân có thể mua được, nhưng với thôn quê thì khó khăn. Seretide đã được đưa vào danh mục biệt dược bảo hiểm y tế, nhưng thuốc uống Singulair thì hơi đắt chủ yếu cùng cho trẻ em từ 4 tới 12 tuổi thôi.
Nam Nguyên: Xin giáo sư cho biết giá cả các loại biệt dược vừa nói?
Giáo Sư Nguyễn Năng An: Tại Việt Nam giá Seretide ống xịt là 260 nghìn 1 cái, thế thì xài 3 tháng đầu bệnh nhân mất độ 780 nghìn. Nếu làm nghiêm túc thì sau đó hai ba tháng mới cần 1 hộp, liều càng giảm dần. Ở thành thị có thể chịu được nhưng nông thôn thì hơi khó, các thành phố lớn có bảo hiểm y tế nên có thể chấp nhận được.
Nếu dùng Seretide tốt thì không phải dùng thuốc cắt cơn nữa. Chop nên nếu dự phòng tốt thì giảm cái cắt cơn lại không phải nhập viện, mỗi lần nhập viện mất độ 10 tới 12 ngày chi phí khoảng 4 triệu. Như vậy quá đắt so với diều trị dự phòng thường xuyên. Cho nên chúng tôi cố gắng làm cho nhân dân và người bệnh biết rằng chữa dự phòng là có kết quả và tiết kiệm nhất, giảm bớt tiền chi phí vào viện.
Nam Nguyên: Một giáo sư trường đại học y dược TP.HCM trogn cuộc hội thảo ngày 13/5 hưởng ứng Ngày hen Toàn Cầu lên tiếng báo động là các bệnh viện không cấp hoặc hạn chế cấp thuốc điều trị dự phòng cho bệnh nhân hen mặc dù thuốc thuộc danh mục bảo hiểm y tế. giáo sư nhận định gì về tình trạng này?
Giáo Sư Nguyễn Năng An: Đường lối của Nhà nước chính phủ và bộ y tế là tốt nhưng “quan xa nha gần” anh ạ. Bảo hiểm y tế chỉ có các bệnh viện cấp thành phố hay cấp tỉnh trực thuộc trung ương thì họ mới cấp rộng rãi, còn quận huyện chưa có.
Trong khi những người bị hen đã là người bệnh thì phải bình đẳng với nhau, dù là ở quận huyện hay tuyến thành phố đều phải được hưởng chế độ bảo hiểm y tế ! Ở Việt Nam bảo hiểm y tế lâu này thất thu nhiều lắm nên họ hạn chế, điều này hoàn toàn không đúng.
Đường lối của Nhà nước chính phủ và bộ y tế là tốt nhưng “quan xa nha gần” anh ạ. Bảo hiểm y tế chỉ có các bệnh viện cấp thành phố hay cấp tỉnh trực thuộc trung ương thì họ mới cấp rộng rãi, còn quận huyện chưa có.
Nam Nguyên: Trong số 4 triệu bệnh nhân hen ở Việt Nam chỉ có 200 ngàn người được điều trị dự phòng. Theo giáo sư bao giờ Việt Nam có thể nâng con số ít ỏi này lên cao hơn?
Giáo Sư Nguyễn Năng An: Quốc tế họ có làm chương trình nghiên cứu tình hình hen, chỉ số kiểm soát hen ở một số nước trong khu vực. Cách đây 6 năm Việt Nam đứng đội sổ 8 trên 8 nước.
Bây giờ 2007 họ làm ở 12 quốc gia, công bố cho thấy Việt Nam đứng khoảng thứ ba, thứ tư trong 12 nước. Như thế là có tiến bộ đấy, nếu làm tích cực nữa thì có thể tăng lên nữa. Chứ không phải 5% như tình hình chung trên toàn thế giới.
(Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)
Những bài liên quan
- Viêm gan siêu vi B (phần 1)
- Tình trạng phân phối lòng vòng khiến giá thuốc tây tăng cao
- Tìm hiểu bệnh “mề đay”
- Tìm hiểu bệnh tăng nhãn áp
- Các loại thịt chế biến sẵn tăng nguy cơ mắc những chứng bệnh liên quan đến phổi
- Bệnh loét dạ dày, nguyên nhân và cách chữa trị (phần 2)
- Nguyên nhân vì đâu thuốc tây cứ mãi tăng giá?
- Bệnh loét dạ dày, nguyên nhân và cách chữa trị (phần 1)
- Tìm hiểu bệnh Zona (bệnh giời leo) (phần 2)