Hàng chục người Khmer Việt Nam chạy sang Campuchia xin tị nạn chính trị


2005.08.03

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Khoảng 70 người Việt gốc Khmer trốn từ Việt Nam sang Xứ Chùa Tháp đã tập họp biểu tình ngay trước cửa văn phòng đại diện Cao Ủy Tỵ Nan Liên Hiệp Quốc, yêu cầu được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị. Trà Mi của Ban Việt Ngữ chúng tôi gửi đến quý vị những chi tiết về chuyện này.

KhmerKampucheaKrom200c.jpg
Các vị sãi đứng trước cửa văn phòng đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc xin được hưởng quyền tỵ nạn. Photo by To Serey/RFA

Bị cảnh sát Campuchia buộc hồi hương

Hôm qua một toán người Việt gốc Khmer – trong đó có 24 vị sãi - đã tụ tập trước cửa văn phòng đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cho biết mục đích của họ là xin Cao Ủy cho được hưởng quyền tỵ nạn, vì tính mạng họ sẽ gặp nguy nan trong trường hợp bị trao trả về Việt Nam.

Cuộc biểu tình diễn ra chỉ vài tuần lễ sau khi cảnh sát Kampuchea sử dụng võ lực buộc gần 100 người Thượng phải hồi hương, khiến cho những người Việt gốc Khmer đã bỏ trốn sang Xứ Chùa Tháp lo ngại cho số phận của chính họ.

Lý do được đưa ra là lúc trước cả đoàn được cho tạm trú ở một ngôi Chùa nằm gần thủ đô Phnom Penh, nhưng mới đây, họ được Chính Phủ ra lệnh phải rời Chùa, và đó là dấu hiệu cho họ thấy ngày bị trao trả về lại Việt Nam chẳng còn bao xa.

Không được tự do tín ngưỡng ở Việt Nam

Một người trong đoàn là sãi Thach Kry Chea Krouen, 25 tuổi, cho Ðài Á Châu Tự Do chúng tôi biết mới từ vùng đồng bằng Sông Cửu Long trốn sang Xứ Chùa Tháp cách đây chẳng bao lâu:

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

Chính Phủ Việt Nam ra lệnh bắt tôi, ngay sau bắt một vị sãi khác hôm 24 tháng Tư vừa rồi. Chúng tôi bị nhà nước Việt Nam cáo buộc là hoạt động cho một tổ chức của người Khmer đang định cư ở Mỹ. Tôi không còn cách nào khác hơn là phải bỏ trốn.

Một vị sãi khác yêu cầu được dấu tên kể tiếp:

“Một số sãi và tôi thường xuyên bị chính quyền gọi lên làm việc, thành ra chúng tôi rất lo sợ cho tính mạng của mình và đó là lý do tại soa một số sư sãi phải bỏ chùa để chạy sang Kampuchea xin tỵ nạn.

Những người trong đoàn biểu tình cũng nói là nhà cầm quyền Việt Nam không chọ họ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời đất đai của họ còn bị tịch thu.

Một vị Sãi khác có tên là Thach Preichea Khoeun còn kể thêm với báo chí rằng nhà cầm quyền cấm không được nghe các chương trình phát thanh của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ, tức Ðài VOA, hay của Ðài Á Châu Tự Do, và ngay cả việc sử dụng internet cũng bị cấm đoán.

Quan điểm của phía Campuchia

KhmerKampucheaKrom200.jpg
Một toán người Việt gốc Khmer đã tụ tập trước cửa văn phòng đại diện Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc xin được hưởng quyền tỵ nạn. Photo by To Serey/RFA

Khi được hỏi, ông Kep Chut Tema, đô trưởng Phnom Penh nói rằng Chính Phủ cũng như cá nhân ông đã làm tất cả những gì để có thể giúp đỡ cho những người này, nhưng rất tiếc là họ không nhận những đề nghị mà Chính Quyền Phnom Penh đưa ra:

Chúng tôi đồng ý cho họ tạm trú nhưng họ không nói chuyện với chúng tôi. Tôi không biết phải làm gì bây giờ. Tôi đâu có quyền buộc họ phải nghe tôi. Bất kể thế nào đi chăng nữa và bất kể họ từ đâu đến thì chúng tôi vẫn xem họ là người Khmer y như chúng tôi. Trở ngại là họ không nghe đề nghị của tôi, họ không tin chúng tôi mà chỉ tin vào Cao Ủy Tỵ Nạn, nên đành phải để cho họ muốn làm gì thì làm. Theo quan điểm của tôi thì đó không phải là điều hay.

Trích dẫn lời các giới chức của Cao Ủy Tỵ Nạn, bản tin của hãng thông tấn AFP đánh đi từ thủ đô Phnom Penh của Kampuchea cho hay đang thảo luận với những người xin tỵ nạn, nhưng phải mất một thời gian mới có thể quyết định họ có hội đủ điều kiện tỵ nạn chính trị hay không.

Trong khi đó, các nhân viên của Cao Ủy ở Phnom Penh lại nói với chúng tôi là chuyện công nhận toán người này là những người tỵ nạn hầu như khó có thể xẩy ra.

Thông tin trên mạng

- Montagnard Refugees Deported to Vietnam

- UNHCR to access condition of Montagnards returning from Cambodia

- Cambodia: Police Brutality During Forced Return of Montagnards

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.